Nguyễn Phương
26.3.2007



Có nhiều vị gởi điện thư yêu cầu Nguyễn Phương giới thiệu về nghệ thuật Hát Chèo. Vừa qua. Cô Tuyết Mai, chủ tiệm Áo Dài Cưới Souvenirs D , Asie tại Montréal, cô là một thính giả thường xuyên của Đài Á Châu Tự Do và rất thích nghe nhạc cổ truyền của hai miền Nam Bắc. Cô Tuyết Mai điện thoại yêu cầu Nguyễn Phương cho cô được thưởng thức một vài trích đoạn hát chèo.


Để đáp lại yêu cầu của quý thính giả, Nguyễn Phương xin mời quý vị nghe một đoạn đối thoại sau đây của Nguyễn Phương và cô Tuyết Mai liên quan tới nghệ thuật Hát Chèo.

Cô Tuyết Mai: Dạ, thưa bác Nguyễn Phương, con là một thính giả thường xuyên của Đài Á Châu Tự Do, con thích theo dõi chương trình cổ nhạc của bác thực hiện trên Đài.

Vì con là người Nam, từ thuở nhỏ con đã thích nghe và xem hát cải lương, nhưng đồng thời con cũng thích hát lối Chèo đặc biệt của người miền Bắc. Vậy bác Nguyễn Phương có thể giới thiệu thêm cho con và khán giả biết về nghệ thuật Hát Chèo và thêm một vài trích đoạn Chèo. Dạ, vậy có được không ạ?

Nguyễn Phương: Chào cô Tuyết Mai, thưa quý thính giả, tôi thật sự bối rối trước câu hỏi và đề nghị nghe hát Chèo của cô Tuyết Mai. Tôi là soạn giả cải lương nhưng tôi cũng phải học hỏi qua một số loại hình nghệ thuật sân khấu khác như Hát Bội, Hát Chèo, Hát Tuồng, Nói thơ, nói vè ….vân vân, mỗi thứ nghiên cứu một chút để giúp cho tôi trong việc sáng tác các vở tuồng cải lương khi nội dung có liên quan tới Hát Bội hay Hát Chèo.

Vì vậy, tôi chỉ có thể trả lời một cách tổng quát về nghệ thuật Hát Chèo theo những điều tôi đã học hỏi được. Còn như đi sâu vô các điệu hát, điệu nhạc hay lịch sữ Chèo thì tôi thú thiệt là tôi không có đủ khả năng.

Mang tính tổng hợp

Cô Tuyết Mai: Vậy thì xin bác Nguyễn Phương trình bày tổng quát về hát chèo cho con và quí vị thính giả được thưởng thức. Ở Canada 26 năm rồi, đây là lần đầu tiên con được hân hạnh nghe nói về Chèo. Xin mời bác bắt đầu.

Nguyễn Phương: Thưa quý thính giả, cô Tuyết Mai đề nghị nói Tổng quát về hát Chèo, vậy thì tôi xin mạnh dạng nói những gì tôi biết. Nếu có chổ nào chưa thật đúng, chưa đầy đủ, tôi xin quý vị nào hiểu biết bổ túc dùm, như vậy thì dù là đang ở hải ngoại, mình cũng có thể thưởng thức các ngành nghệ thuật sân khấu như hát bội, hát chèo, hát cải lương mà mình ưa thích.

Nói chung thì ta thấy người miền Bắc thích hát chèo và xem hát Chèo. Vùng Trung Châu và đồng bằng miền Bắc là cái nôi của nghệ thuật hát Chèo, giống như Bình Định là cái nôi của nghệ thuật hát Tuồng và miền Nam Hậu Giang là cái nôi của nghệ thuật Cải lương.

Hát Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu mang tính tổng hợp như hát, múa, nhạc, kịch, đặc biệt sân khấu Chèo từ bản trò đến đề tài nhân vật đều có sự pha âm cách điệu giữa âm nhạc, hát và múa.

Nghệ sĩ Chèo thường nói: “Nhứt cử động giai điểm vũ”, điều đó biểu hiện nét đặc trưng của nghệ thuật hát Chèo “là tính múa”. Những diễn xuất tinh tế của nghệ nhân hát Chèo đều ở các làn điệu hát, múa và động tác cách điệu, tượng trưng, chú trọng tả ý. Với đôi bàn tay khéo léo, từng cử chỉ, từng động tác đã toát lên được cái thần của nhân vật, tức là biểu hiện rõ tính cách và nội tâm của nhân vật qua nét mặt, ánh mắt và động tác múa, đặt biệt múa hai bàn tay.

Nói đến tính múa của hát Chèo thì ta thấy âm nhạc Chèo làm nền một cách thích ứng nhất, hổ trợ một cách đắc lực nhất cho động tác múa của hát Chèo. Nhạc gồm có tiếng đàn kìm, đàn nhị tức đàn cò, đàn tam thập lục, đàn tam, sáo, mõ, thanh la, trống cơm, nhạc tấu lên một cách dục dã, ròn tang làm cho không khí Chèo rất là xôm.

Tiếng đàn, và bộ phận nhạc gỏ trong một buỗi hát chèo được tấu lên liên tục, không có khoảng nhạc đệm ngưng nghĩ lâu, không có những đoạn đối thoại dài mà không có nhạc đệm như nghệ thuật hát cải lương.

Từ mùa xuân tới mùa thu, trong các hội hè đình đám ở khắp các vùng đồng bằng miền Bắc, không khi nào thiếu vắng tiếng Hát Chèo, người ta nói đó là loại hình sân khấu của hội hè.

Qua mấy câu thơ của thi sĩ Nguyễn Bính, ta có thể hiểu được là nghệ thuật hát Chèo đã ảnh hưởng sâu đậm trong các cuộc lễ hội dân gian và có dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn của người dân quê miền Bắc:

Đêm Cuối Cùng.

Hội làng mở giữa mùa thu Giời cao gió cả giăng như ban ngày. Hội làng còn một đêm nay Gặp em còn một lần nầy nữa thôi Phường Chèo đóng Nhị Độ Mai Sao em lại đứng với người đi xem? Mấy lần tôi muốn gọi em Lớp Mai Sinh tiễn Hạnh Nguyên sang Hồ. Tình tôi mở giữa mùa thu Tình em lẳng lặng kín như buồng tằm. ( 1936)

Và đây bốn câu trong bài thơ Mưa Xuân của thi sĩ Nguyễn Bính thường được nhắc tới để nói về sinh hoạt ở nông thôn:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy Hội Chèo làng Đặng đi qua ngõ Mẹ bảo: “ thôn Đoài hát tối nay “.

Hát Chèo và hát cải lương

Cô Tuyết Mai: Thưa bác Nguyễn Phương, ngoài những lời diễn giải của bác thì con cũng thấy được nét đặc trưng của hát chèo thiên về tính cách múa, về nhạc đệm, nhạc hát.

Bác có thể nói rõ hơn những sự cách biệt về hát chèo và hát cải lương, ví dụ như những thuật ngữ, danh từ dùng cho hai loại hình nghệ thuật sân khấu, hoặc là cốt truyện, tuồng tích, hay là… hay là…nói chung xin bác dùng hình thức so sánh để con và quí thính giả dễ hiểu hơn về sự khác biệt của hai lối hát tuồng truyện miền Nam và miền Bắc. Xin cám ơn bác.

Nguyễn Phương: Thưa quý thính giả, theo lời đề nghị của cô Tuyết Mai, để dễ thấy sự khác biệt của hai loại hình nghệ thuật sân khấu đó, tôi xin giới thiệu thuật ngữ dùng cho các vai diễn của Hát Chèo và hát cải lương.

Bên hát cải lương có kép chánh, đào chánh hay đào mùi, kép độc, đào độc, kép lẵng độc, đào lẵng độc, lão mùi, lão độc, Hề, kép nhì, kép ba gọi chung là dàn bao. Còn bên hát Chèo thì có kép chính và kép ngang, đào chính và đào ngang, các vai lệch( ngang) đào lệch, kép lệch là loại nhân vật phản diện như vai độc, lẵng bên sân khấu cải lương.

Hề có hề gậy, hề mồi, hề đồng, hỷ đồng trong khi bên cải lương thì có hề diễn, hề ca, hề té, hề la, hề dê, hề nhựa( Thanh Hoài), hề quậy, v.v…

Vai diễn của tuồng cải lương có nhiều nhân vật vì sáng tác theo truyện Tàu hay xã hội, các nhân vật đều có cá tính riêng, có tên nhân vật riêng và số tuồng cải lương có thật nhiều thì nhân vật cũng rất là nhiều và đa dạng.

Còn bên Chèo thì có một số nhân vật đã được diễn định hình trong một số bản trò gọi là kinh điễn thì những nhân vật đó có tên gọi, danh xưng như Thị Mầu, Tiểu Kính, Dương Lễ, Cúc Hoa ông Mãng, Thiện Sĩ… Còn có nhiều vai tuồng khác thì được mang tên một cách chung chung như Lão say, Đồ điếc, Thầy Mù, Hương Câm, Nô, vợ Mõ, xã dốt, vai thư sinh hay thục nữ…

Bản trò của Hát Chèo chứa đựng nội dung đời sống và tiết tấu sinh hoạt nông thôn, thường quanh quẩn sau lũy tre làng, đó là những tích truyện dân gian giản dị, khán giả Chèo cũng là những người nông dân có cuộc sống và số phận gần gũi với các nhân vật trong các tích chèo cổ.

Về sân khấu trình diễn thì cải lương dù là hát ở đình, ở bãi lộ thiên hay sân khấu rạp hát thì cũng có tranh cảnh, sân khấu chỉ dùng cho các nhân vật xuất hiện trong truyện tuồng. Dàn đờn ngồi khuất trong cánh gà hay dưới hầm trước mặt tiền sân khấu, nhạc sĩ không có mặt tham gia biểu diễn với nghệ sĩ trên sân khấu.

Sân khấu biểu diễn của Hát Chèo thì người ta thường gọi là Chiếu Chèo, vì sân khấu ngay trên mặt đất phẳng, có một chiếc chiếu trãi ra làm nơi cho diễn viên chèo diễn, khoảng rộng độ hơn một thước ngang, dài độ hơn hai thước. Chung quanh đó dàn đồng ca ngồi, dàn đờn, trống, mõ, thanh la, chuông cũng dàn ngang trước mặt diễn viên. Khán giả ngồi vây quanh chiếu chèo. Nên nhớ là ở nghề hát cải lương không có dàn đồng ca và người chủ xướng( ông đờn kìm chánh).

Ở Hát Chèo, diễn viên trên sân khấu hát, có thể hỏi hay thông báo một sự kiện nào đó như kiều giáo đầu tuồng giống như trong nghệ thuật Hát Bội hoặc giống như cung cách đọc xướng trong các lễ tiết cúng tế, ngâm nga trong ca trù, dàn đồng ca và người đờn chánh hát đối đáp với diễn viên. Dàn đồng ca cũng đồng hát những đoạn có tính cách giới thiệu cốt truyện tuồng sắp diễn.

Bản trò của Chèo cổ ngoài các tích truyện dân gian còn có bản trò những nghi tiết lên đồng, cúng tế như bản trò tựa là Ba Giá Đồng, tức là mời thỉnh Tam Mẫu: Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Liễu, Mẫu Thoải, giông như ở miền Nam các cô đồng bóng hát cúng Bà , lên đồng cốt thỉnh Ngũ Hành Nương Nương ở các miếu Bà.

Xin mời quý thính giả và cô Tuyết Mai nghe một đoạn trong bản trò Ba Giá Đồng do đoàn Chèo Hà Nội trình diễn. (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Thưa quý thính giả, vì thời lượng phát thanh có hạn, Nguyễn Phương xin ngừng nơi đây, xin hẹn tái ngộ vào giờ nầy, tuần sau.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/CheoFromNorthVietnam_NPhuong-20070326.html
Bình luận

Lời Bàn Mới

  • CÒN THOÁNG CHIÊM BAO
    Lâm Nguyễn 24.02.2024 17:12
    Cảm ơn admin đã tải lên album này, chiếc cầu nối đưa tôi biết đến ngôn từ và giai điệu tuyệt đẹp của ...
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    Thông-Tin 08.09.2023 11:49
    Đã sửa, giờ nghe được rồi.
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    2gether 06.09.2023 22:30
    Hi Admin Album này không nghe được.... Plz......
     
  • TÌNH KHÚC NGÔ THỤY MIÊN
    Thông-Tin 25.08.2023 18:23
    Cám ơn bạn. Lỗi đã sửa, album giờ nghe được hết .
     
  • PHẠM MẠNH CƯƠNG 18
    Thông-Tin 25.08.2023 18:21
    Cám ơn bạn đã cho hay . Bài này không có mp3 .

Đăng Nhập/Xuất