Quỳnh Giao
Trong thời gian 60 năm vừa qua, có hai lần mà cả mấy triệu người đã lìa xa quê hương yêu dấu của họ. Lần đầu vào năm 54, lần sau vào năm 75 và những năm kế tiếp…
Khi gợi lại suối nguồn tân nhạc và các trào lưu sáng tác, ta không thể không nhắc tới nhiều tác phẩm được viết ra từ hai lần đau thương ấy. Nói chung, thể tài chính được âm nhạc ghi lại nhiều nhất vẫn là nỗi hoài niệm và ước mơ trở về quê cũ. Quỳnh Giao xin được gọi chung là những ca khúc hoài hương…
Năm 1954, khi đất nước bị chia đôi từ Hiệp Định Genève, có đông đảo các nhạc sĩ đã di cư vào Nam. Đa số trong lớp này cũng là nhạc công, và ở trong Nam, họ đóng góp nhiều cho tân nhạc cải cách qua môi trường hoạt động chính yếu là các đài phát thanh và các buổi nhạc hội hay chiếu bóng có phụ diễn văn nghệ. Ngoài những người như Hoàng Trọng hay Ngọc Bích đã nổi danh tại miền Bắc trước 54, thì những tên tuổi như Đan Thọ, Nguyễn Hiền hay Nhật Bằng, Lê Trọng Nguyễn cũng nổi lên. Trong khi nhạc Lê Trọng Nguyễn kén người nghe và đa số lại gần với xu hướng bán cổ điển mà chúng ta đã nhắc tới kỳ trước, thì Nhật Bằng, Đan Thọ và Nguyễn Hiền là tiêu biểu của lớp người viết nhạc trong Nam để nhớ quê hương miền Bắc…
Nhật Bằng là con chim đầu đàn của ban hợp ca Hạc Thành gồm có bốn anh em là Nhật Bằng, Nhật Phượng, Thể Tần và Hồng Hảo.
Ban Hạc Thành đặc biệt được giới học sinh nam nữ của hai trường Chu Văn An và Trưng Vương yêu thích, vì cả hai trường đều di cư từ Hà Nội vào, với đa số học sinh là xuất thân từ miền Bắc.
Nhạc của Nhật Bằng thường là các ca khúc nhẹ nhàng, soạn cho ban Hạc Thành trình bày trong không khí vui tươi. Số còn lại là những bài viết về quê hương, nhưng vẫn là sự luyến nhớ êm đềm hơn là sự buồn bã u uẩn trong bài Hướng Về Hà Nội của Hoàng Dương hay Giấc Mơ Hồi Hương của Vũ Thành.
Đan Thọ là một nhạc sĩ vĩ cầm có tài và cũng là người soạn nhạc được nhiều người mến mộ về tài năng lẫn bản tính hiền hòa. Nhạc của ông tha thiết, lời của ông trong sáng và các ca khúc đều toát lên vẻ đôn hậu của con người ông.
Người thứ ba trong khuynh hướng viết tình ca êm đềm về quê hương đã khuất là Nguyễn Hiền. Ông sử dụng phong cầm và những ca khúc tiêu biểu cho tình hoài hương của ông đều nhắc tới một ngày về, hoặc sự tìm kiếm một kỷ niệm đã mất, như Về Đây Anh, Tìm Đâu, Thanh Bình Ca, và Về Bến Xưa…
Ở bên ngoài những ý nghĩa chính trị, sự việc con người ta phải từ bỏ nơi chốn thân yêu luôn luôn là biến cố xé lòng, cho nên, ngoài ba nhạc sĩ tiêu biểu kể trên, trong xu hướng hoài niệm và ước mơ ngày về, ta còn có Hoàng Trọng với Đường Về, Châu Kỳ với Trở Về hay Khúc Ly Ca, Hoàng Giác với Ngày Về, Tô Vũ với Tiếng Chuông Chiều Thu, Vũ Thành với Gửi Áng Mây Hàng, hay Lê Văn Khoa với Hẹn Một Ngày Về….
Đây là các ca khúc mà hình ảnh của con sông, cánh diều, mà âm vang của chuông chùa và gió lùa qua khóm tre… không là ước lệ mà có giá trị biểu cảm lớn cho nỗi nhớ khôn nguôi của nghệ sĩ.
Sau Genève 54, thêm một lần nữa lại cả triệu người đã thấy mất quê hương, vào năm 75.
Đây là một chấn động bi đát và kinh hoàng hơn, cho nên nhiều nhạc sĩ đã như bị nội thương đến nỗi không muốn viết nhạc nữa. Một số khác trẻ tuổi hơn đã bước lên con đường sáng tác bằng những khúc bi ca. Trong niềm đau rã rượi của cả triệu người di tản lúc đó, chỉ cần một ca khúc được viết ra là nhiều người đã hát theo trong nước mắt. Vào thời đó, có lẽ bài hát được biết tới nhiều nhất là Sài Gòn Vĩnh Biệt của Nam Lộc.
Nhưng, có người đi thì cũng có người ở lại, và trong khi nhiều người bên trong vui mừng hát câu đại thắng thì từ ngoài, người đi cũng nhỏ lệ cho người ở lại. Thảm kịch xảy ra cho những ai ở lại và bị tập trung học tập cải tạo cũng gây xót xa cho người đi. Vì vậy mà nhiều bài ca bi thương đã được viết từ bên ngoài cho người trong tù ở bên trong. Việt Dzũng, một ca và nhạc sĩ trẻ ở ngoài đã được biết tới qua ca khúc Món Quà Cho Quê Hương.
Và Phạm Đình Chương, một tên tuổi lớn của tân nhạc từ những thập niên 50, đã vượt biên vào năm 78, và bắt đầu viết nhạc trở lại từ bài thơ Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn của Du Tử Lê. Đây là tác phẩm coi như đẹp nhất của đề tài hoài hương sau 75.
Nỗi hoài mong của kẻ xa xứ thường gây cảm xúc mãnh liệt nơi nghệ sĩ sáng tác, cho nên các ca khúc viết về quê hương đã lìa xa, kỷ niệm đã hoen mờ, mộng tương phùng đã tàn phai… mới chiếm một lưu lượng lớn trong dòng tân nhạc 60 năm cuộn chảy, để thành ca khúc của mọi thời.
Cũng vì vậy mà, qua khỏi thảm kịch di cư và khi nỗi chua cay đã lắng dịu với thời gian thì các ca khúc này vẫn gợi lại nhiều kỷ niệm đầm ấm, và sẽ còn được hát lại… có khi với tâm cảnh khác.
Quỳnh Giao xin thân ái chào tạm biệt quý vị, và xin hẹn tái ngộ trong chương trình tới của Suối Nguồn Tân Nhạc Việt Nam… với khuynh hướng nhạc chiến dịch.
Quỳnh Giao
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=197086&zoneid=97#.VEoSzLTCfbw