Quỳnh Giao
Nếu theo dõi kỹ từ thời phôi thai, chúng ta có thể nói rằng tân nhạc Việt Nam đã khởi đi từ thành phố là nơi các nhạc sĩ đã đầu tiên tiếp xúc với văn hóa và nghệ thuật Tây phương. Nhưng, từ đó, tân nhạc đã bay bổng trên khắp mọi miền và đưa nhiều giai điệu mới lạ về tới thôn quê, để nhận lại những âm hưởng bình dị của thôn quê.
Chúng ta đã có dân ca cải biên hay những bài hát về quê hương đồng nội, mà cũng có những bài mang hẳn màu sắc thôn quê về cả lời lẫn nét nhạc, theo người dân quê vào tới thành phố. Đây là loại nhạc bình dân trong ý nghĩa là được đại đa số người dân miền quê yêu thích.
Nó không hẳn là dân ca cổ truyền nhưng lại có giai điệu gần gũi với miền quê, dù nhịp điệu có khi là pha trộn giữa tango với boléro và cả cha cha cha của ngoại quốc. Nó không hẳn là cổ nhạc mà vẫn gợi nhớ nét nhạc truyền thống với đàn tranh hay nhịp phách xen kẽ với dàn trống Âu Mỹ. Chúng ta có thể gọi đây là loại nhạc của miền quê khi tiếp xúc với thành phố, và có nét vui buồn tùy theo tâm trạng người viết, người hát, và tùy theo tình hình đất nước vào mỗi thời.
Xu hướng này có thể được gọi là nhạc bình dân, nhạc chân quê, và về mặt văn hóa xã hội có lẽ nó không xa loại nhạc country mà dân Mỹ thường nồng nàn hát ở nơi thôn dã của họ.
Một trong những bài đầu tiên, thịnh hành và có tác động cổ võ lớn lao vào thời đó, chính là bài Lời Người Ra Đi của Trần Hoàn, mà ta sẽ thưởng thức sau đây, qua tiếng hát Nhã Phương.
Ở trong Nam, có nhac sĩ Hoàng Thi Thơ sinh trưởng tại Thừa Thiên là tác giả của nhiều ca khúc viết theo xu hướng miền quê đó, mà ông gọi là “tình tự dân tộc,” như Gạo Trắng Trăng Thanh, Trăng Rụng Xuống Cầu hay Duyên Quê, Cô Thắm Về Làng… Nhiều ca khúc của ông đã được cặp song ca Ngọc Cẩm Nguyễn Hữu Thiết trình bày rất tưng bừng trong các đại nhạc hội vào thập niên 60. Quỳnh Giao xin quý thính giả cùng nghe bài Trăng Rụng Xuống Cầu nhộn nhịp của Hoàng Thi Thơ, qua sự diễn tả của Trang Thanh Lan và Quang Bình là cặp song ca được coi như nối tiếp Ngọc Cẩm và Nguyễn Hữu Thiết thời xưa…
Cũng trong xu hướng này, nhưng buồn hơn vui, thì có Trúc Phương, viết nhạc ủ dột thê thiết và lời ca bình dị như trong Nỗi Buồn Gác Trọ, Sầu Lẻ Bóng, Ai Cho Tôi Tình Yêu, hay Buồn Ơi Là Buồn. Sau đây, xin quý vị nghe lại bài Buồn Trong Kỷ Niệm của Trúc Phương do Chế Linh trình bày.
Lam Phương cũng có nhiều bài viết trong xu hướng này, dù ngày nay ông đã chuyển qua một thể loại Tây phương hơn. Bài Kiếp Nghèo của ông đã chinh phục khán thính giả từ đầu thập niên 60, và bài Chuyến Đò Vĩ Tuyến cũng có thể là một điển hình cho loại nhạc rất được quần chúng ưa chuộng. Quỳnh Giao xin giới thiệu hai ca khúc nói trên với Khánh Ly và Hoàng Oanh…
Đặc biệt, Quỳnh Giao cũng xin quý thính giả nghe Lam Phương trả lời phỏng vấn về hai ca khúc nói trên của ông.
Như chúng ta có thể thấy, loại nhạc bình dân này ở trong Nam có những nét buồn vui lẫn lộn và nói chung thì những bài sáng tác sau thập niên 60 thường buồn nhiều hơn vui, và ở một khía cạnh nào đó cũng có thể là những dấu hiệu tiên báo từ tiềm thức về những suy sụp sẽ xảy ra sau này.
Ngày nay, nếu thể loại đó ít được sáng tác hơn bởi những nhạc sĩ từ trong nước di tản ra ngoài, thì bên trong, người ta cũng thấy phổ biến nhiều ca khúc đầy âm hưởng dân quê như vậy, nhưng vui nhộn và hứng khởi hơn. Chúng ta có thể kể tới một số ca khúc của Phạm Thế Mỹ, tới bài Ví Dầu của Đặng Quang Vinh phổ thơ Hồ Tĩnh Tâm, hoặc Quê Hương của Giáp Văn Thạch và Đỗ Trung Quân, và cả Dáng Đứng Bến Tre của Nguyễn Văn Tý, tác giả của bài Dư Âm năm xưa…
Một điều đáng nói là, những lời ca như còn thương rau đắng mọc sau hè hay mẹ anh nghèo con cá lóc kho tiêu… đã chinh phục thính giả hải ngoại, và có lẽ đã khơi dậy một phong trào hát nhạc bình dân như vậy. Đối với người Việt ở bên ngoài, những hình ảnh đó là biểu tượng cho quê hương mộc mạc hiền lành của những con người chất phác…
Một nhạc sĩ đã có công trong việc nối lại nhịp cầu đó chính là Trần Tiến, với những ca khúc đã được bên ngoài hát lên ở nhiều nơi. Tùy Hứng Lý Qua Cầu và Sao Em Nỡ Vội Lấy Chồng là những bài ca ngợi ca quê hương đất nước mà gợi lại âm hưởng Lam Phương, Trúc Phương, Hoàng Thi Thơ ngày xưa nên được một lớp ca sĩ trẻ phổ biến trong giới yêu nhạc bình dân.
Quỳnh Giao xin quý thính giả thưởng thức sau đây bài Sao Em Nỡ Vội Lấy Chồng do Mỹ Huyền và Chung Tử Lưu song ca…
Qua hai kỳ liên tiếp, khi Quỳnh Giao nói tới xu hướng sáng tác gần đây của nhạc Việt, chúng ta có thấy một điều còn mơ hồ mà ý nghĩa. Đó là trong cả hai thể loại, hoặc mở ra chân trời mới của nhạc phổ thông ngoại quốc hay tìm về ý nhạc chân quê của đất nước, một thế hệ ca nhạc sĩ trẻ ở trong và ngoài nước đã tự động xuất hiện, để hát những bài của nhau, và viết như nhau.
Trong một tinh thần nào đó chưa được xác định bằng bản văn hay nghị quyết, tân nhạc Việt đang là nhịp cầu vô hình mà bền chặt nối kết tâm tư của người Việt khắp nơi với nhau, và nối kết Việt Nam với các dòng nhạc thế giới, dù là Pháp, Tàu hay Mỹ.
Về nghệ thuật, người ta còn cần thời gian đãi lọc để nhìn ra cái hướng phát triển của nhạc Việt sau này: liệu sẽ trở nên bình dân hơn theo xu hướng chân phương của dân ta, hay sẽ hòa nhập trong trào lưu nhạc trẻ thế giới?…
Quỳnh Giao tin rằng cả hai thể loại nói trên đều sẽ phát triển song hành, để làm nên nét độc đáo của tân nhạc Việt Nam trong thế kỷ tới, như chúng ta có thể sơ kết trong một kỳ sau…. Xin thân ái tạm biệt quý vị, và xin hẹn tái ngộ trong chương trình tới của Suối Nguồn Tân Nhạc Việt Nam…
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=198420&zoneid=97#.VHnJNLQzDbw