Nhớ Carpenters

Quỳnh Giao
15.12.2008

Nhớ Carpenters
Karen và Richard Carpenter, 1974

Thế hệ nào cũng bị “làn sóng mới” của mình đe dọa.

Làn sóng mới, hoặc trào lưu mới về văn học nghệ thuật, là sự xuất hiện của một phong cách mới lạ trẻ trung hơn khả dĩ thay thế những gì đã có trước đó trên cùng một lãnh vực. Ðây chỉ là hiện tượng đào thải thông thường, mà nhiều khi chưa hẳn là tiến bộ. Tự Lực Văn Ðoàn đã vượt lên phong thái văn chương biền ngẫu của thời kỳ Tố Tâm, rồi sau đó bị nhóm Sáng Tạo đòi qua mặt và làm mới văn chương…

Sau đấy, loại “tiểu thuyết mới” học từ Pháp mới thật sự là mới rồi bị thế hệ “hậu hiện đại” đòi truất phế!

Tân nhạc Việt Nam cũng đã trải qua những trào lưu ấy khi thế hệ nghệ sĩ thành danh từ thời nhạc Pháp nhạc Tây, hay từ thời “nhạc tiền chiến”, bỗng thấy xuất hiện một lớp nghệ sĩ khác, với sáng tác mang âm điệu Tây Phương mới lạ và phong cách trình diễn trẻ trung hấp dẫn. Thế rồi làn sóng mới ấy cũng lại thành cũ, bị đào thải dần.

Còn lại, được thính giả nhớ mãi và yêu hoài là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật vượt khỏi sự thử thách của thời gian hay của trào lưu thưởng ngoạn.

Ngay trong loại nhạc của Tây một thời thịnh hành tại miền Nam, người ta cũng thấy những Tino Rossi hay Charles Trenet bị Jacques Brel hay Gilbert Bécaud đẩy lui. Thế rồi, khi loại nhạc đầy não tính với lời ca rất đẹp của Brel hay Brassens đang ngự trị thì phong trào nhạc “yé yé” xuất hiện, với Francoise Hardy hay Johnny Halliday tưng bừng đập phá trong nhịp điệu dồn dập được du nhập từ Hoa Kỳ. Cũng tại miền Nam, nhạc Tây của những Sylvie Vartan hay Adamo sau này lại bị nhạc Anh nhạc Mỹ đẩy dần vào bóng tối. Ðấy là thời của The Beatles, Rolling Stones hay nữ hoàng nhạc “soul” Aretha Franklin…

Vì thế mình mới nói rằng thế hệ nào cũng bị một làn sóng mới đe dọa.

Trường hợp hiếm hoi và đáng nhớ là anh em nhà Carpenter.

Cách nay đúng bốn chục năm, nhạc trẻ tại Mỹ là loại nhạc ồn ào đặt vấn đề với xã hội. Vấn đề là nữ quyền, là cách mạng tình dục, là chiến tranh Việt Nam, là quyền đập phá và xét lại của tuổi trẻ. Vào những năm đó, mọi người đều có cảm tưởng là nước Mỹ đang tự xét lại mình. Trong trào lưu dữ dội ấy bỗng xuất hiện hai anh em rất nền, rất hiền. Họ dịu dàng hát lên những bản tình ca thật đẹp mà không đòi kết án bất cứ một ai.

Ðó là Karen Carpenter và người anh ruột là Richard Carpenter. Họ đi ngược trào lưu và tạo ra một làn sóng mới.

Gia đình Carpenter vốn sinh trưởng tại tiểu bang Connecticut lạnh giá miền Ðông-Bắc. Như những con chim trốn tuyết, họ thiên cư về miền Nam California tìm ánh mặt trời và hơi ấm của tình người. Hai anh em sống tại Downey, học trung học ở đấy rồi vào trường Cal State Long Beach và tìm một phong thái trình diễn khác.

Sinh năm 1946, Richard Carpenter chơi dương cầm và là người soạn nhạc. Cô em Karen sinh năm 1950 thì ngổ ngáo đánh trống và ưa thích trò chơi năng động của con trai. Cái duyên đánh trống của nàng là một chuyện thú vị: theo giáo trình trong trường, chơi nhạc cũng có thể tính điểm thay cho môn thể dục!

Hai anh em được thầy cô trong trường khen là có khiếu về nhạc nên bắt đầu thử nghiệm tài nghệ, năm đó là 1964. Họ mất năm năm tìm tòi, xuất hiện không âm vang khi cả nước Mỹ còn mê mệt với loại nhạc rock của Jimmy Hendrix, hay âm thanh mới lạ của các ban Beatles, Rolling Stones.

Năm 1969, đúng 40 năm về trước, hai anh em Carpenter tìm đúng băng tần, khi Karen mới 19 tuổi và còn cần cha mẹ ký hợp đồng cho mình với nhà A&M Records để tung ra đĩa hát đáng chú ý đầu tiên trong giới yêu nhạc. Họ trình bày lại bài “Ticket to Ride” của The Beatles và năm sau Karen có dấu ấn riêng, là bài “(They Long to Be) Close to You”. Kể từ đấy, thiên hạ phải nhớ đến “Close to You” và tiếng hát Karen Carpenter. Nàng vừa đánh trống vừa hát, nhưng hát với giọng ca thiên thần – như người ta đã ngợi khen như vậy, vào thời đó…

Giọng hát Karen Carpenter khiến chúng ta nghĩ đến… Thái Hiền. Tiếng hát của cả hai đều vừa trong, vừa ấm, và vô cùng tròn trịa. Chuỗi ngân đều như xâu ngọc trai, với cách phát âm thật rõ ràng.

Nàng có chất giọng gần với alto hơn soprano – không phải giọng “kim” – nhưng có âm vực trải rộng trên ba octave và trút mật ngọt thật hiền vào tai người nghe. Nhờ đó Karen Carpenter tạo ra một phong thái khác, hiền hòa như nước Mỹ muôn thuở, không gay gắt dữ dội hoặc gào thét bi thảm như nhiều giọng nữ đương thời. Tiếng hát rất đẹp và rất thánh thiện ấy đã đi ngược trào lưu, là sự vỗ về cần thiết cho một thế hệ bị đinh tai nhức óc vì những câu hỏi lớn mà không thể có câu trả lời của loại nhạc trẻ thời đó.

Ðấy là tiếng hát cho quần chúng thầm lặng, muốn nghe nhạc để yêu hơn là để oán!

Kể từ năm 1969, anh em nhà Carpenter xuất hiện dưới nghệ danh là “Carpenters”. Tác phẩm của họ chinh phục nước Mỹ mệt mỏi, đã đoạt nhiều giải thưởng cao quý và trở thành những đĩa bán chạy nhất trong một thời. Ban Carpenters được mời vào trình diễn trong tòa Bạch Cung khi Tổng thống Mỹ tiếp quốc khách. Nét nhạc Carpenters chinh phục thế giới và đến ngày nay vẫn còn là sản phẩm ăn khách tại Anh quốc hay Nhật Bản.

Cho đến năm 1983…

Tai họa xảy ra khi Karen Carpenter bị bệnh mập phì, phải kiêng ăn và dùng quá nhiều thuốc trấn an tâm thần. Tác dụng của thuốc khiến con tim nàng bị trụy. Sau đó, nàng cứ tưởng mình mập, dù đã sụt cân, vẫn kiêng ăn đến độ kiệt sức. Karen tạ thế vào Mùa Xuân năm 1983, tại thị trấn Downey ở vào cái tuổi rất trẻ, chưa đầy 33. Tham dự tang lễ của nàng có rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Cái chết của Karen cũng khiến dư luận để ý đến bệnh tâm thần vì biếng ăn, là trường hợp xảy ra cho nhiều nghệ sĩ trình diễn và cả Công Nương Diana.

Sau khi em gái giã từ cuộc đời giữa tuổi thanh xuân, Richard Carpenter tiếp tục duy trì và sản xuất các đĩa nhạc của hai anh em và dùng tiền thành lập các trung tâm trình diễn hay giải thưởng âm nhạc mang tên ban Carpenters. Nổi tiếng nhất là sảnh đường trình diễn tại ngôi trường cũ là “Richard and Karen Carpenters Performing Arts Center” trong khuôn viên đại học Cal State Long Beach ở miền Nam California. Người viết bài đã được đứng trên sân khấu tráng lệ này tháng 10 vừa qua, trong đêm nhạc vinh danh nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Ðêm ấy, mình đã nghĩ và nhớ đến Karen Carpenter…

Mùa Giáng Sinh này, chúng ta có thể tìm mua hay nghe lại một tác phẩm rất đẹp của hai anh em, đĩa “Merry Chirstmas Darling”. Nghe lại để nhớ lại một thời mà mình được nghe tại Sàigòn trên các làn sóng điện hay truyền hình Mỹ, rồi khi chúng ta đặt chân lên đất Mỹ, và được an ủi với tiếng hát dịu hiền của Karen Carpenter.

Quỳnh Giao

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây