Quỳnh Giao
22/1/2014
Nhạc sĩ Ngọc Bích từ giã chúng ta mới đó mà đã 12 năm, từ năm 2001. Ông là nhạc sĩ trẻ tuổi nhất trong số đông các nhạc sĩ gia nhập công cuộc kháng chiến chống Pháp từ trước năm 1945. Những tác phẩm họ viết không chỉ thuần túy chính trị mà lạ thay có cả ca khúc trữ tình. Họ là lớp người còn trẻ, chỉ mới vượt qua tuổi đôi mươi, tâm hồn còn trong sáng lành mạnh và dĩ nhiên là vô cùng lãng mạn.
Lớn tuổi nhất là Canh Thân sinh năm 1920, Phạm Duy sinh năm 1921, Văn Cao sinh năm 1923 cùng năm với Nguyễn Hiền, Ngọc Bích nhỏ tuổi hơn cả, sinh năm 1925, cha là một vị bác sĩ thú y, lại có tài sử dụng nhiều nhạc cụ cổ truyền như đàn tranh, bầu và tỳ bà…
Từ năm lên mười, Ngọc Bích đã tỏ ra có năng khiếu về nhạc. Theo học ký âm pháp với thầy Nguyễn văn Thông cùng với lớp bạn trẻ thời đó là Ðỗ Thế Phiệt (anh họ), Nguyễn Hiền và Tu My (tác giả ca khúc duy nhất, như một độc chiêu tuyệt vời là bài Tan Tác).
Ngọc Bích khởi sự sáng tác nhạc từ năm 1947, bắt đầu bằng những bài tình ca. Ðặc biệt là ông viết theo tiêt điệu Âu Mỹ mới lạ, như Swing và Blues. Cho đến nay nghe lại bài “Hương Tình” của ông vẫn thấy mới. Nữ ca sĩ Tâm Vấn ngày xưa là người nổi tiếng với “Hương Tình.” Bà hát đúng điệu nhí nhảnh trong tiếng hát và nhún nhẩy trong cách thể hiện những syncope của bài hát.
Vào đầu thập niên 50, những ca khúc lãng mạn của Ngọc Bích chinh phục thính giả qua giọng hát Anh Ngọc và trở thành nổi tiếng như Khúc Nhạc Chiều Mơ, Trở về Bến Mơ, Khúc Nhạc Tương Tư…
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp là những năm ông sáng tác sung mãn nhất. Các ca khúc như Lời Hẹn Xưa, Ðôi Chim Giang Hồ, Thuở Trăng Về, Giấc Mơ Ngàn, Mộng Chiều Xuân đã được viết trong giai đoạn ấy.Ðó là chưa kể những ca khúc vui tươi như Ðón Gió Mới, Bà Già Giết Giặc, Say Chiến Công… Những ca khúc này được chính tác giả thường xuyên hát ở quán Biên Thùy tại Lào Cai, khi cùng Phạm Duy tham gia kháng chiến và vài năm sau đó.
Về nhạc thuật, gần như Ngọc Bích là người đầu tiên làm mới nền tân nhạc thời kỳ phôi thai.
Khi các nhạc sĩ khác còn dùng những hợp âm căn bản (accord parfait) như quãng 3, quãng 5, và quãng 7 sensible, thì Ngọc Bích đã dùng quãng 6 giảm, quãng 4 tăng, quãng 5 giảm, quãng 7 thứ…
Xin quý vị cứ nghe ngay câu mở đầu của ca khúc Trở Về Bến Mơ:
Ngày nào một gìấc mơ
Ðâu những đêm trăng mờ ai ngóng chờ…
Hay là câu của Khúc Nhạc Chiều Mơ:
Về đâu hỡi bầy lũ chim rừng
Ngừng đây nhắn gửi lời nhớ nhung…
Những câu nhạc tương tự về lối dùng hợp âm lạ tai và rất Âu Mỹ có thể thấy trong hầu hết các ca khúc của Ngọc Bích viết trước năm 1954.
Nhưng khi Ngọc Bích viết ca khúc với giai điệu cổ truyền lại rất là Á đông, có âm hưởng cổ nhạc miền Trung, đó là bài Mơ Về Sông Hương. Bài này rất “Huế,” có nét nhạc lãng đãng với nhiều quãng âm (arpeges) rộng rãi, tả cảnh sông nước bao la. Bài này được dùng làm nhạc đề cuốn phim mà người viết được xem từ ngày bé nên chẳng còn nhớ tên phim. Chỉ mang máng nhớ là chuyện phim đả kích thói mê tín dị đoan của người dân quê bị những thầy pháp, thầy cúng lợi dụng.
Người viết biết nhạc sĩ Ngọc Bích từ ngày còn bé, chẳng bao giờ thấy ông ăn diện đỏm dáng như người ta thường nghĩ về giới nghệ sĩ. Ông luôn bình dị, ít nói nhưng vui tính. Người vợ đầu tiên của ông rất đẹp (theo trí nhớ của người viết) tên là Lệ Nga, sau này không còn ở với ông nữa.
Người viết bài đặc biệt yêu thích hai ca khúc ông viết thời kháng chiến là Ðôi Chim Giang Hồ và Giấc Mơ Ngàn. Nhưng vào thập niên 70 lại mê thêm một ca khúc có tiết điệu nhịp nhàng của loại nhạc phim cao bồi, lời ca tả sự trở về mái ấm sau một ngày làm việc, với bữa cơm đầm ấm trong gia đình. Ðó là bài Nhịp Xe Hoàng Hôn.
Năm 1975, Ngọc Bích rời Việt Nam và định cư tại California, Hoa Kỳ. Tại đây ông tham gia nhóm AVT hải ngoại với Lữ Liên và Vũ Huyến cùng đoàn nghệ sĩ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đi lưu diễn Âu Châu và nhiều nơi khác… Người tổ chức và cả ban AVT nay đều đã là người thiên cổ. Vũ Huyến đi trước, tới Hoàng Thi Thơ, chỉ trước Ngọc Bích mười ngày, và sau cùng là Lữ Liên, với thứ tự ngược, vì Vũ Huyến trẻ nhất, và cao tuổi hơn cả là Lữ Liên…
Năm 1988, khi nhạc sĩ Nguyễn Hiền (cũng đã mất) đến Hoa Kỳ, hai nhạc sĩ lão thành đã cùng vài người bạn thành lập ban “Saigon Band” chơi nhạc giúp vui các hội đoàn vùng “Tiểu Saigon.” Ngày nay chắc ít ai còn nhớ tới hoạt động dễ thương ấy của hai người nhạc sĩ chân tài…
Những lần gặp gỡ, ông thường hỏi người viết còn nhớ lời hai ca khúc ông đã chỉ nhớ nhạc mà quên lời là Thuở Trăng Về và Nhịp Xe Hoàng Hôn. Thú thật với ông là mình cũng yêu hai bài hát ấy mà chưa tìm được lời để hát trong một dĩa nhạc, ông tỏ vẻ cảm động.
Cuối đời ông, Ngọc Bích sống rất cô đơn, dạy nhạc lý và đàn keyboard sống qua ngày. Ông mất ngày 15 tháng 10 năm 2001 tại Los Angeles vì bịnh tim.
Ông để lại cho đời những ca khúc Việt Nam tiêu biểu cho một thời thanh bình ngát hương, một thời lãng mạn của tuổi trẻ lên đường. Và một thời mà tình yêu được biểu tỏ e ấp, kín đáo và vô cùng thơ mộng…
Quỳnh Giao
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=181278&zoneid=97#.UuEQ6bQzEuU