Ðời màu hồng, cuộc sống màu đen

Quỳnh Giao
13.6.2006

Ðời màu hồng, cuộc sống màu đen
Hình chụp tại New York năm 1952, trong đám cưới ca sĩ Edith Piaf (giữa) và chồng Jacques Pills (thứ nhì bên trái); đám cưới do tài tử Marlene Dietrich (trái) tổ chức. (Hình: -/AFP/Getty Images)

“La Vie en Rose” là ca khúc Pháp được nhiều người Việt ưa thích. Mà chẳng cứ người Việt, đây là ca khúc được giải Grammy của Hoa Kỳ chọn vào loại lừng danh. Grammy Hall of Fame Award là giải thưởng thiết lập năm 1973 để tôn vinh các ca khúc đã tồn tại ít ra 25 năm và có giá trị nghệ thuật hay lịch sử nổi bật.

Cho đến nay thì có chừng ba chục ca sĩ quốc tế đã hát bài này, từ Ella Fitzgerald, Louis Armstrong đến Marlene Dietrich, Placido Domingo; từ Cyndi Lauper, Patricia Kass đến Dean Martin và Yves Montand; từ Shirley Bassey đến Grace Jones, Donna Summer hay Diana Krall… “La Vie en Rose” cũng được nghe thấy trong cả chục phim, Sabrina (năm 1954 rồi bộ mới năm 1995), French Kiss năm 1995, Something’s Gotta Give năm 2003 và gần đây là Lord of War năm 2005.

Tìm hiểu ngọn ngành, chúng ta biết nhạc của La Vie en Rose là của Louiguy và lời của Edith Piaf. Louiguy là biệt danh của Louis Gugliemi và ông viết bài này cùng nữ nhạc sĩ Marguerite Monnot. Marguerite là danh thủ dương cầm về nhạc cổ điển, là nhà soạn nhạc và viết nhạc phim của Pháp, tác giả của vở ca vũ nhạc Pháp được hâm mộ tại Hoa Kỳ là “Irma la Douce”. Ít ai nói đến bà nữa, dù là người sáng tác nhiều ca khúc trứ danh, kể cả “Milord” và “Hymne à l’Amour”, hai bài hát đã mang dấu ấn Edith Piaf.

Người ta không còn nhớ đến Louiguy hay Marguerite Monnot hay Charles Dumont và nhiều nhạc sĩ khác vì tên tuổi quá lớn của Edith Piaf.

Cái bóng quá lớn của Edith Piaf thực ra lại có cái hình nhỏ bé. Trên sân khấu, Piaf gầy guộc như một quả trám khô vì chỉ mặc áo đen. Bà viết lời “La Vie en Rose”, đời màu hồng, mà đời mình chỉ một màu đen.

 

Edith Giovanna Gassion sinh năm 1915. Huyền thoại thêu dệt rằng bà là con rơi ngoài lộ, bên mép cống của đường phố Paris. Tòa Thị chính thì ghi là bà sinh trong nhà thương đàng hoàng. Mẹ bà là ca kỹ gốc Ý, hàng nghề trong quán rượu Paris, cha là một nghệ sĩ vỉa hè. Không thành công trên sân khấu, ông ra nhảy múa ngoài đường kiếm tiền, về sau nhập ngũ để bà vợ lên vùng Normandie mở kỹ viện. Hai người thực ra có tâm khi đặt tên con gái là Edith.

Năm 1915, cả Âu Châu xúc động vì nữ y tá người Anh là Edith Cavell bị quân Ðức xử bắn vì tội đã cứu cả trăm binh lính đồng minh trong Ðại Chiến Thứ Nhất.

Piaf là hỗn danh về sau của hè phố Paris, tiếng lóng về con chim sẻ. Người ta hay gọi nàng là “con bé” hay “ả Piaf”. La Môme Piaf. Edith Piaf trở thành “nghệ danh” – stage name – của bà từ đấy.

Thiếu thời, Edith Piaf là con bé của cống rãnh. Thế giới của nàng là vùng đất của kẻ hát rong, gái giang hồ và người cùng khốn. Bùn lầy nước đọng, nhưng là bùn lầy nước đọng của thành phố Paris. Khoảng thời gian giữa hai cuộc đại chiến của thế giới được dân Pháp gọi là thời hoàng kim. Edith Piaf chỉ rời hè phố bước lên sân khấu hoàng kim sau tuổi 20, bắt đầu từ quán cóc sau đó vào tới đại hý viện rồi bay bổng khắp nơi. Hai lần vào Carnegie Hall và tám lần lên show Ed Sullivan của Mỹ, trở thành biểu tượng của Pháp cho dân Mỹ trong mấy chục năm liền.

Edith Piaf có tiếng hát thật nhất trong mọi tiếng hát. Người ta không hiểu vì sao tiếng hót của một con chim bé nhỏ có thể vang qua núi đồi thì cũng không hiểu vì sao một người cao chưa đầy thước rưỡi (1.42 mét) lại có thể hát mạnh và ngân rõ như vậy. Với giọng hát thiên phú, Piaf còn có nghệ thuật trình bày trác tuyệt, diễn tả lời ca ý nhạc tới độ trung thực nhất.

Trên sân khấu, Piaf không múa may quay cuồng, bà đứng im, giạng chân như bị ghim xuống sàn, diễn tả bằng đôi tay gầy guộc, ánh mắt hực lửa và tiếng gào cất lên lồng ngực, từ con tim.

Một người có tiếng hát trời cho như vậy là Mireille Mathieu, cũng với cách phát âm kiểu Piaf mà không thể có nghệ thuật Piaf. Mireille Mathieu là con nhà nghèo, có cả tá anh em và không được ăn học hẳn hoi, nhưng dù sao còn may mắn hơn Edith Piaf. Nàng sinh trong thời bình, Piaf sống vào thời loạn. Và Piaf còn đem cả cuộc sống của mình vào nhạc. Sau này, nhân loại có muốn tỏ tình thì cứ mượn lời của Edith Piaf. Bài “C’est l’ Amour” của bà là một điển hình. Ca khúc của Piaf thường là truyện tình buồn của một xã hội lầm than và người bất hạnh, hồi sinh nhờ tia sáng mong manh của tình yêu.

Piaf viết lời cho những ca khúc đẹp nhất của tân nhạc Pháp.

Bài “La Vie en Rose” được viết tại Paris khi bị Ðức chiếm đóng trong Thế Chiến Thứ Nhì. Thế chiến chấm dứt người ta mới biết là Piaf đã ngầm giúp quân kháng chiến chống Ðức Quốc Xã, y như Edith Cavell năm xưa. Có thể là Piaf có hồn thơ, lại kết giao với những tác giả và nghệ sĩ lớn nhất của cùng thời đại, và kể lại rất nhiều truyện tình bằng nhạc. Ông Hàn Jean Cocteau, một nhà thơ, họa sĩ, viết kịch, làm phim, là bạn chí thiết đã viết kịch cho bà diễn. Những người nổi danh khác là Maurice Chevalier hay nhà thơ Jacques Borgeat. Các nghệ sĩ lớn của Pháp sau này, như Yves Montand, Gilbert Bécaud hay Charles Aznavour chỉ thành danh kể từ khi gặp Piaf và nhờ sự khích lệ của Piaf.

Cuộc đời con người ấy lại là một chuỗi gian truân. Có con gái khi mới đôi tám thì đứa con tên là Marcelle bị yểu tử vì đau màng óc. Sau này, bà gặp một Marcel trong mối tình lớn, tay vô địch quyền Anh Marcel Cerdan của Pháp, thì mối tình tan trong thảm họa năm 1949. Marcel Cerdan tử nạn máy trên đường qua thăm Piaf đang trình diễn ở New York. Piaf mất Marcel mà nhân loại lại được một ca khúc để đời, “Hymne à l’Amour”, bài ngợi ca tình yêu với Marcel Cerdan, viết trên cung bậc của Marguerite Monnot.

Hơn 10 năm sau, Edith Piaf gặp lại thần ái tình, là tên của chàng trai trẻ Théo Sarapo, người gốc Hy Lạp nhỏ hơn bà hai chục tuổi. Lần này, người ra đi là Piaf. Bà mất vì ung thư ở tuổi 47 vào ngày 10 Tháng Mười năm 1963. Théo Sarapo không hề hấn gì nhưng Jean Cocteau nghe tin đã đột quỵ và ra đi vì đau tim.

Lần ấy, cả nước Pháp để tang và dù bà không được làm tang lễ trong nhà thờ (vì cuộc sống của mình!) cả trăm ngàn người đã đi phúng viếng. Charles Aznavour kể rằng từ khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, đấy là lần đầu tiên xe cộ bị kẹt tại Paris, vì đám tang Edith Piaf.

Piaf là người từ cùng cực của nghèo khốn lên tới tột đỉnh của danh vọng mà vẫn cô đơn. Ðời sau còn nhớ mãi dáng dấp côi cút ấy trên sân khấu và tiếng gào bất tận về tình yêu. Mỗi khi nghe “La Vie en Rose”, Quỳnh Giao ta lại nhớ đến La Môme en Noir. Những gì tươi đẹp nhất về tình yêu thì Edith Piaf đã gửi vào nhạc cho đời sau, đời bà là một chuỗi dài đen tối.

Quỳnh Giao

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=44738

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây