Suối Nguồn Tân Nhạc: Khuynh hướng tình cảm thời phôi thai

Quỳnh Giao

Ngay từ đây, ta đã có thể nói rằng thể tài lớn nhất, gây cảm hứng sáng tác cho đông đảo các nghệ sĩ chính là tình yêu. Trong một phần sau, ta sẽ đặc biệt tìm hiểu về năm tác giả tiêu biểu nhất cho xu hướng này…

Ngoài những tác phẩm ngợi ca tình yêu, nếu tân nhạc là nguồn hứng mới của nghệ sĩ trong bộ môn âm nhạc, thì trong nguồn cảm hứng chung đó, ta có thể phân biệt được chín thể tài được nhiều nhạc sĩ cùng khai thác một cách tự phát, mà Quỳnh Giao xin giới thiệu qua các ca khúc tiêu biểu nhất của họ, như một lời ghi ơn đối với nghệ sĩ sáng tác.


Gia tài tân nhạc của Việt Nam quả là phong phú, xin quý vị thông cảm cho việc tuyển chọn có khi chủ quan khiếm khuyết, và sự cách trở thời gian cùng không gian cũng gây khó khăn cho việc thu thập các tác phẩm chưa được ghi âm những năm trước đây, có khi nay đã thất truyền…

Ngay từ thời phôi thai, tân nhạc Việt đã khởi nguồn với thể tài tình cảm, rất gần gũi với tính mẫn cảm và đa tình của người mình. Vào thời đó, một số nhạc sĩ đã có xu hướng tự tình, nhưng là tình cảm e ấp hiền hòa, với ý tứ nhẹ nhàng kín đáo ngay cả trong các ca khúc có tính chất tỏ tình.

Trong xu hướng sáng tác theo lối mượn cảnh tả tình, ta nên nhắc tới Lê Thương, Ðặng Thế Phong, Thẩm Oánh, Dzoãn Mẫn và Hoàng Giác, có lẽ là những nhạc sĩ tiêu biểu nhất.

Lê Thương viết nhạc trước cả thời kỳ Nguyễn Văn Tuyên ra Bắc hô hào cho nhạc cải cách. Từ Hải Phòng ông đã cùng Hoàng Quý, Hoàng Phú – sau này đổi tên là Tô Vũ – Phạm Ngữ và Canh Thân, v.v… tụ họp thành một nhóm ca nhạc sĩ trẻ sáng tác và ca hát phụ diễn cho những buổi diễn kịch của nhóm kịch Thế Lữ và nhiều đoàn thoại kịch khác trong những năm 40.

Ngoài năng khiếu về kịch nghệ và mô phạm, Lê Thương là người viết nhiều nhạc tình nhất và nặng hồn thơ nhất trong nhóm tiền phong của tân nhạc. Tác phẩm lớn nhất của ông chính là liên khúc ba bài Hòn Vọng Phu hoành tráng, được đánh giá là trác tuyệt về cả nhạc lẫn lời.

Ngoài ra, ông còn là nhạc sĩ đã ưu lo và viết nhiều cho tuổi thơ, như Thằng Cuội hay bài Tuổi Thơ.
Ðặng Thế Phong xuất thân từ nhóm nhạc sĩ Nam Ðịnh và chỉ với ba bài là Ðêm Thu, Con Thuyền Không Bến và Giọt Mưa Thu, cũng đã chứng tỏ ma lực tuyệt vời của âm nhạc và xác định vị trí chói lọi là người đầu tiên viết nhạc lãng mạn.

Sinh năm 1918 trong một gia đình sáu anh em, ông bỏ học trung học khi mồ côi cha lên Hà Nội làm bàng thính viên trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật và vẽ tranh cho báo Học Sinh lấy tiền ăn học. Ông mất năm 42 vì lao phổi nơi một căn gác hẹp Hà Nội trong cùng cực nghèo khổ, khi mới có 24 tuổi.

Cùng cộng tác với Dương Thiệu Tước trong nhóm Myosotis, Thẩm Oánh chủ trương là nhạc cải cách phải giữ lấy ý nhạc Việt Nam và khơi nguồn từ cảm hứng Á Ðông. Ông soạn nhạc trên âm giai ngũ cung của cả Việt Nam lẫn Trung Hoa và ưa dùng thiên nhiên để tả tình, như trong các ca khúc Tòa Miếu Cổ, Xuân Về, Chiều Tưởng Nhớ, Ngàn Cánh Chim Về, Tơ Vương hay Nhớ Nhung…

Ngoài những tác phẩm trên, Thẩm Oánh còn là tác giả của nhiều bản hùng ca tôn vinh lịch sử và tình đoàn kết dân tộc như Trưng Nữ Vương, Nhà Việt Nam, Việt Nam Hùng Tiến. Nhưng, có lẽ đối với Thẩm Oánh, truyện ca Thiếu phụ Nam Xương là tác phẩm thành công nhất.

Người thứ tư trong nhóm nhạc sĩ tiêu biểu của khuynh hướng trữ tình nhẹ nhàng là Dzoãn Mẫn. Ông xuất thân từ nhóm Tricéa cùng Lê Yên và Văn Chung, và là người thành công nhất. Mười ca khúc ông sáng tác từ thời phôi thai đó cho tới nay vẫn được rộng rãi lưu truyền.

Dzoãn Mẫn sử dụng đàn hạ-uy-cầm, là guitare hawaiienne, và viết nhạc bằng giai điệu thất cung thuần túy, với lời ca dễ nghe, nét nhạc dễ hiểu và dễ thấm hơn nhiều người cùng thế hệ. Những ca khúc bất hủ nhất của ông gồm có Biệt Ly, Hương Cố Nhân, Nhạc Chiều, Gió Xa Khơi…

Trong xu hướng thiên về tình cảm nhẹ nhàng đó, Hoàng Giác là nhạc sĩ có dòng nhạc êm đềm nhất và lời ca đằm thắm nhất.

Từ những ngày đầu của tân nhạc cho tới mấy năm cuối của thế kỷ này, các ca khúc Hoàng Giác như Mơ Hoa, Quê Hương, Lỡ Cung Ðàn, Bóng Ngày Qua, Ngày Về, v.v… vẫn là những bài được lưu truyền rộng rãi. Tình cảm trong các ca khúc Hoàng Giác cũng thiết tha như nét nhạc của ông và cứ nhớ về quê hương êm đềm là, theo thiển ý Quỳnh Giao, thời nào cũng vậy, ta lại thấy âm vang tiếng nhạc lời ca của Hoàng Giác.

Quỳnh Giao

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=195603&zoneid=97#.VEoQ1bTCfbw

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây