New Orleans Nức Nở

Quỳnh Dao
6.9.2005

New Orleans Nức Nở
Nhạc sĩ Louis Armstrong khi còn trẻ, một trong những người con nổi tiếng nhất của New Orleans. 

New Orleans là thành phố còn tên, nhưng đang mất tất cả, nghĩa là nhiều vô kể.

Nếu có một thành phố Hoa Kỳ mang nhiều sắc thái đa dạng và lạ kỳ nhất thì đó không là New York hay San Francisco mà là New Orleans.

Từ tên gọi thì New Orleans có nguồn gốc rất Tây, là Nouvelle Orleans – nghe như Little Saigon, mà lại còn do một người Pháp lập ra từ đầu thế kỷ 18. Ðây cũng là thành phố rất đông da đen và da màu – dân Creole, một hòa hợp chủng tộc của của Âu Châu và Trung Mỹ – chưa kể tới di dân gốc Ái Nhĩ Lan, gốc Ý, gốc Ðức. Ngần ấy nguồn gốc đã cho thành phố này muôn vàn sắc thái văn hóa, nghệ thuật, cả tôn giáo, âm nhạc lẫn ẩm thực.

Nổi bật trong kho tàng đa diện ấy là nhạc Jazz. Ðây là một kết hợp kỳ ảo mà New Orleans quy tụ trong vùng đầm lầy rạo rực của âm nhạc Châu Phi, Nam Mỹ và Châu Âu.

Nổi bật nhất trong thế giới nhạc Jazz là Louis Armstrong, nghệ sĩ nhạc Jazz lẫy lừng nhất thế kỷ 20 và là đứa con tài hoa nhất của New Orleans. Phi trường quốc tế của thành phố mang tên ông, cũng như John Wayne Airport của quận Cam đất California.

Người dân New Orleans hồn nhiên sống với cái chết. Ðọc lại thấy lạ!

Chỉ vì đời sống họ rực rỡ màu hồng, như trong một lễ hội Carnival được gọi theo Pháp ngữ là Mardi Gras, đan hòa với những mảng đen u buồn như trong một giai điệu blues hay một khúc ai điếu bằng nhạc.

Nhạc Jazz có lẽ xuất phát từ con cháu những người nô lệ da đen từ vùng Tây Phi đặt chân lên nước Mỹ, nhưng còn mang sắc thái đặc thù New Orleans từ các ban nhạc tống táng người chết. Nghe cho kỹ, người ta thấy ra một điều tương phản như mọi sự liên hệ đến New Orleans: nhạc trầm buồn khi di quan đến nghĩa địa rồi lại rất vui, rất “hot”, khi trở về! Người ta hát, múa và nhảy, như để tri ơn Thượng Ðế.

Louis Armstrong sinh tại New Orleans cùng với thế kỷ 20, trong một gia đình nghèo khốn. Ông học nhạc ngoài đường ngoài chợ, từ các đoàn “bát âm” tống táng hay các dàn nhạc dạo trong dịp hội hè. Từ thuở niên thiếu, ông kiếm sống bằng nhạc trong các ban kèn đồng và trên những con phà ngược xuôi sông Mississippi như trong phim Show Boat hay truyện Mark Twain. Ông gọi thời gian ấy là “vào đại học”!

Sau này, Louis Armstrong sở trường với kèn trumpet và nổi tiếng hơn nữa với giọng thổ thật trầm, xù xì tiếng sỏi đá. Ông có “hỗn danh” là Satchmo cũng do miệng rộng với nụ cười hồn nhiên toang hoác. Satchmo là gọi tắt từ “Satchelmouth” – miệng rộng như cái bị!

Sau Sydney Bechet với kèn saxo thì Louis Armstrong là người đưa nhạc Jazz tới một ngả rẽ là phần độc tấu, phần “solo”, của trumpet. Ông còn mở ra lối “ngẫu hứng” – improvisation hay ad lib – cứ tùy hứng mà hát những biến khúc trên giai điệu chính, và cũng là người đầu tiên “hát nhạc không lời” – hát lên những “nghĩ thanh” vô nghĩa nhưng rất có nhịp. Khi ấy, ngôn ngữ là phụ, âm nhạc là chính và thanh quản của ông cũng là một nhạc cụ.

Louis Armstrong lập lấy ban nhạc khi chưa đến 19 tuổi, ban nhạc một thời làm rung chuyển New Orleans. Sau đấy mới lên Chicago rồi lập nghiệp ở New York và lưu diễn nhiều nơi trên thế giới. Ông ưa thích tìm tòi học hỏi, từ nhạc blues nguyên thủy tới dân ca Nam Mỹ hay nhạc cổ điển Tây Phương và cả nhạc opera, để kết hợp vào các ca khúc của mình.

Trong thế giới của nhạc Jazz, nếu đàn anh dẫn dắt ông là Joe “King” Oliver được tôn là vua, hay Duke Ellington là quận công, thì Louis Armstrong được giới yêu nhạc tôn là “sứ thần”. Qua các đợt lưu diễn toàn cầu do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ bảo trợ, ông được giới thiệu là “Ambassador Satch”! Hách chừng nào.

Ðúng ra, Louis Armstrong phải là hoàng đế của nhạc jazz sau khi ngự trị và mở mang giang sơn của Jazz ra toàn thế giới và sang rất nhiều lãnh vực khác. Ông được cả điện ảnh lẫn trào lưu Rock and Roll tôn vinh trong đủ mọi loại “walk of fame” và ngày nay, người ta vẫn nghe nhạc của ông, kể cả trong phim James Bond.

Như một người New Orleans chân chính, Louis Armstrong vui hát đến lúc cuối đời.

Ông đột ngột từ trần vì bệnh tim vào năm 1971, sau đêm trình diễn đầy sôi nổi tại khách sạn Waldorf Astoria ở New York, trong hội trường mang tên rất thích hợp cho một vị hoàng đế: Empire Room.

Người ta thường sánh New Orleans của Hoa Kỳ với Venice của Ý Ðại Lợi vì kênh đào sông lạch dọc ngang thành phố khiến dân chúng và nghệ thuật thường xuyên sinh sống trong bàn tay thủy thần. Lần đầu tiên được đến Venice vào cuối một Tháng Chín, khi trời đã vào Thu, Quỳnh Giao phải trú mưa trong vương cung thánh đường San Marco suốt một ngày trời vì mưa to gió lớn mà không biết là sẽ có ngày nghe nói đến trận bão Katrina và nạn vỡ đê giữa thành phố!

Venice là thế chăng? Nhưng nếu thực sự “dựa lưng nỗi chết” như lối sống của New Orleans thì phải nghĩ đến Naples, cũng của Ý.

Thành phố Napoli này duỗi chân xuống biển xanh (nơi có hòn sỏi Capri nổi tiếng trong nền nhạc Việt vì lỡ nghe nhạc Tây của Tino Rossi, rồi của Hervé Villard sau đấy) nhưng lại gối đầu vào núi lửa Vesuve, trong khi vẫn nức nở khúc tình ca.

Ngạn ngữ Âu Châu thường nói “thấy Naples rồi chết”, hàm ý có chết cũng thỏa! New Orleans cũng thế. Y như Naples, thành phố này yêu thích tình ca, ăn uống, mê say ca hát, nhảy múa và bỡn cợt với thần chết. Một thế giới kỳ diệu chừng nào! What a Wondeful World, như tên một ca khúc nổi tiếng của Louis Armstrong.

Vì vậy, khi thấy New Orleans bị gió thổi bay ở trên, nước ngập ở dưới và dân tình xớn xác chạy bên những xác người la liệt, làm sao chúng ta không ngậm ngùi?

Lại nhớ đến câu hát về sông Hương và miền Trung trong Hội Trùng Dương của Phạm Ðình Chương: “trời hành cơn lụt mỗi năm, khiến đau thương thấm tràn, ngập Thuận An để lan biển khơi” mà thương cho phận người trước thiên tai.

Quỳnh Giao

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=31874

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây