Quỳnh Giao
13.7.2012
Việc nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã ra đi hôm mùng 2 vừa qua sau nhiều năm lâm trọng bệnh không là một tin bất ngờ cho gia đình và đông đảo thân hữu của ông. Chúng tôi đều đã biết, hỏi thăm gia đình và hỏi han nhau về sự an dưỡng của ông. Dù chẳng ngạc nhiên, nỗi đau buồn về sự mất mát thì vẫn đầy ắp.
Từ trái, Quỳnh Giao, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, và anh chị Nguyễn Mộng Giác trong một Mùa Xuân cũ, năm 1993. (Hình: Quỳnh Giao cung cấp)
Từ một người tên sinh ra là Giác, có pháp danh mang chữ Ngộ, chúng tôi cùng suy ngẫm ra sự mất mát chung.
Người viết được gọi nhà văn Nguyễn Mộng Giác là anh, gọi bà vợ là chị Diệu Chi, và không quên rằng mình đi vào văn chương chính là nhờ anh Giác. Năm đó trước tháng 10 của 1987, tờ Văn Học do anh chủ trương đã làm một số đặc biệt nhân dịp sinh nhật thứ 66 của nhạc sĩ Phạm Duy và Quỳnh Giao được yêu cầu góp một bài. Nào ngờ đấy lại là một bước “tiến vào văn đàn” với cái ngoặc kép!
Chỉ vì Nguyễn Mộng Giác lại thích thú và khuyến khích viết tiếp, cả tiểu luận lẫn truyện ngắn. Từ đấy mới có 25 năm cầm bút hay gõ máy. Cho đến khi anh Ðỗ Ngọc Yến dỗ dành là nên đăng bài trên Người Việt thì mình tiếp tục, rồi trở thành cây bút Tạp Ghi!
Sau này, khi từ miền Ðông qua California sinh sống, gia đình Quỳnh Giao hân hạnh đón tiếp anh tại San Jose và cứ xuống tới miền Nam là đến thăm anh chị Giác, từ khi còn ở đường Trask qua tới đường McClure gần Magnolia. Cũng từ đó, ngôi nhà của anh Giác trở thành một trung tâm sinh hoạt của anh chị em văn nghệ sĩ. Chị Diệu Chi là người quán xuyến việc đãi đằng và anh Giác tiếp đón mọi người với nụ cười hiền hòa sau gọng kính lấp lánh.
Ðó là về tình bạn với bao chuyện buồn vui trong đời người, thấm thoát vậy mà đã hai chục năm.
Thật ra, trong những lần tụ tập bạn bè, anh Giác không nói về mình, hay công việc sáng tác hoặc điều hành tờ Văn Học và cả tờ Văn Lang trong mấy năm liền. Anh chỉ mở cửa đón nhận và tạo cơ hội cho mọi người nói về đủ mọi thứ. Trong cái “hội quán” ấy, các bà các cô thì ngồi một bên ở gần bếp, còn các ông thì ngự ở phòng khách nói chuyện văn chương hay đội đá.
Niềm vui của anh Giác là khi thấy chị Diệu Chi chu đáo lo liệu tất cả rồi điểm xuyết bằng những câu pha trò rất duyên dáng.
Về văn chương, Nguyễn Mộng Giác cầm bút khá trễ, khi đã trên ba chục với ý thức nặng trĩu về xã hội hay đất nước. Anh viết theo lối luận đề hơn là vì nghệ thuật.
“Nỗi Băn Khoăn Của Kim Dung” là bài tiểu luận đầu tay thì nói ra nỗi băn khoăn của riêng anh mà cũng là niềm khắc khoải của nhiều thế hệ. Nhưng Nguyễn Mộng Giác đi thẳng vào sáng tác và dùng nghệ thuật nâng cao những đề tài về ý thức, về luận lý. Chuyện ấy, Quỳnh Giao xin nhường cho nhiều người có thẩm quyền hơn ghi lại cho dòng văn học của chúng ta ở hải ngoại.
Riêng có một điều vẫn cần nói ra hay nhắc lại. Nguyễn Mộng Giác đã sống trong không khí tự do của Hoa Kỳ được bốn chục năm, từ năm 1982 đến ngày anh ra đi, một quãng thời gian còn dài hơn là khi sống trên quê hương. Trong giai đoạn hải ngoại đó, hơn nửa thời gian của anh là dành cho văn học, cho đến khi sức khỏe sút kém.
“Ngựa Nản Chân Bon” chỉ là tên một tác phẩm, chứ tâm trí của nhà văn thì vẫn xoải ngàn trùng, không lúc nào ngơi nghỉ. Ông giữ liên lạc với mọi người và trở thành tụ điểm tỏa sáng ra người khác. Nguyễn Mộng Giác không chỉ giúp nhiều người đi vào văn chương. Ông góp phần làm sáng nền văn chương hải ngoại khi cố duy trì tờ Văn Học.
Nói như Võ Phiến bên mộ phần của nhà văn Mai Thảo vào năm 1998, ông làm cho chúng ta trở thành văn minh hơn. Thế rồi, việc Nguyễn Mộng Giác phải rửa tay gói kiếm theo lối nói của Kim Dung, là một thiệt thòi lớn cho chúng ta.
Trong chốn riêng tư, Quỳnh Giao xin được ghi thêm rằng Nguyễn Mộng Giác là một người chân thật và khiêm nhường.
Ông sáng tác trong hoàn cảnh khó khăn cực nhọc. Trường thiên tiểu thuyết “Sông Côn Mùa Lũ” là những năm khắc khoải ở nhà sau 1975, một năm tìm tài liệu và ba năm viết tay. Bộ “Mùa Biển Ðộng” là bốn năm bơ vơ và chật vật tại Hoa Kỳ khi vừa kiếm sống vừa gánh vác tờ báo về văn học. Ðã cống hiến cho văn học hai tác phẩm đồ sộ đó, ông còn giãi bày những suy tư, vụng về hay khám phá của chính mình trong từng bước sáng tác, kể cả những gì biết được từ người khác. Tạ Chí Ðại Trường, Cao Xuân Huy hay Hoàng Khởi Phong không chỉ là bạn mà còn là ân nhân vì giúp nhà văn tiếp cận với thế giới khác. Chúng ta kính phục sự sòng phẳng của một tác giả lớn và qua đó còn hiểu thêm về tiến trình sáng tác của nghệ sĩ.
Tại hải ngoại này, có hai nhà văn đã là thỏi nam châm thu hút nhiều cây bút và góp phần quảng bá nghệ thuật viết văn cho người khác. Mai Thảo là một, rất chu đáo ngăn nắp với độc giả mà rất hào phóng với bằng hữu là những tửu đồ sành sỏi. Ông mất đi, nhiều người lạc mất cơ hội gặp nhau bên chai rượu. Nguyễn Mộng Giác là trường hợp thứ hai, mà lại trái ngược vì không uống rượu và cũng chẳng phát biểu những lời ghê gớm. Nhưng ông kết hợp được nhiều anh em và tạo ra một sân chơi ích lợi cho văn chương.
Sau Mai Thảo, chúng ta vừa mất thêm một cây trụ quý báu.
Ngôi nhà của ông và những cây trái sau vườn là kỷ niệm khó quên cho những ai đã đọc Nguyễn Mộng Giác và còn may mắn là bạn của ông. Quỳnh Giao viết bài này như một lời tri ân trong sự bồi hồi chung của chúng ta. Anh sẽ ra đi trong thanh thản và biết rằng chữ nghĩa vắt từ trí óc và trái tim nhân ái của anh ở mãi với chúng ta.
Quỳnh Giao
13.7.2012
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=151919&zoneid=97