Du Tử Lê
10/2018
Từ trái, hàng đứng: Phạm Duy, Hoài Bắc-Phạm Đình Chương, Hoài Trung. Hàng ngồi: Thái Hằng, Khánh Ngọc, Thái Thanh.
Quá khứ, Sài Gòn từng có một chân dung, một nhan sắc. Đó là chân dung khác. Trái tim khác. Phiên bản khác với đêm. Sài Gòn. Xưa.
Đêm, Sài Gòn bây giờ, với phố đi bộ, con đường gấm hoa của hàng ngàn tuổi trẻ, và thỉnh thoảng, những sân khấu lớn được dựng giữa đất/ trời, làm bệ phóng cho những tiếng hát như những phi tiễn, phóng vào vũ trụ, làm mờ cả những tinh tú sáng chói nhất: Đó là sự xuất hiện và thao diễn cuồng nhiệt của những… “siêu sao” âm nhạc. Những cật lực lao tới, bất kể bến bờ nhân gian nào, của những thần tượng giới trẻ, Sài Gòn hôm nay.
Tôi muốn nói, nếu đấy là quảng trường của đêm bập bùng những ngọn lửa ngồn ngộn khát khao, hối hả hơi thở của sức sống hôm nay thì, đêm, Sài-Gòn-xưa, là sự thiếp ngủ, bằn bặt chiêm bao của những tiếng vỗ một bàn tay.
Góc đêm, Sài Gòn xưa, với tôi, là những con đường vắng lặng, với những ngọn đèn đường lẻ loi, cúi xuống kiếm tìm linh hồn, hay ngắm nhìn chiếc bóng chơ vơ của chính nó.
Thị dân đêm, Sài Gòn, xưa, nếu phải ra khỏi nhà trước 12 giờ khuya, sẽ nghe được tiếng giày mình bị hè phố ném trả lại, như một nhắc nhở cay nghiệt của hoang vắng.
Nhưng, sự thực không phải thế. Đời sống tinh thần Sài Gòn, xưa, với tôi là những “địa đạo” văn hóa nghệ thuật, dưới tầng sâu. Những mái tóc-thề-âm-nhạc trên đôi vai sương khói của những cánh hạc vàng giữa đêm thơm hương hư ảo.
Cách khác, với tôi, đấy là những góc khuất – hay những miểng ngà, ngọc mosaic hoặc, quý kim, khi ráp lại, thành những bức tranh, tựa được hoàn tất từ cổ tích.
Những “địa đạo” văn hóa nghệ thuật của đêm, Sài Gòn xưa, dường được phân bổ đều cho từng góc phố. Tùy nhu cầu tinh thần, thời đó, bạn sẽ thoải mái tìm được cho mình chỗ ngồi thích hợp ở một phòng trà ca nhạc nào đấy.
Nếu là người ái mộ tiếng hát “liêu trai” Thanh Thúy và, chuyện tình tuyệt vọng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thời ông mới chập chững bước vào cõi chấp chới những chùm đèn tiền trường sân khấu bất trắc, thì bạn sẽ phải lên lầu hai, phòng trà Đức Quỳnh, ở đường Cao Thắng – để nghe “Thương Một Người” do chính linh hồn của ca khúc ấy: Thanh Thúy, diễn tả.
Nếu bạn là một trong những “fan” âm thầm nhưng quyết liệt của tài-hoa-bất-hạnh Trúc Phương, thì bạn sẽ phải tìm đến phòng trà hồ tắm Cộng Hòa nghe Minh Hiếu nghẹn ngào với “Tàu Đêm Năm Cũ,” hoặc “Buồn Trong Kỷ Niệm” với “Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn” mà dân Sài Gòn đã sớm đổi lời thành “Đường vào trường đua, có trăm lần thua, có một lần… huề”…
Dĩ nhiên, bạn cũng sẽ có một chỗ ngồi kín đáo ở phòng trà Hòa Bình, khu chợ Bến Thành hoặc phòng trà Tự Do gần đấy; nếu bạn muốn nghe Băng Tâm hát “Tiễn Em,” hoặc “Ngậm Ngùi” với tiếng hát Lệ Thu…
Cách gì, tôi cũng không thể quên phòng trà Khánh Ly trên đường Tự Do, những năm cuối thập niên 1960. Và cũng trên con đường này, là Đêm Màu Hồng, “địa đạo” của hợp ca Thăng Long. Cùng nhiều, nhiều nữa, những mạch ngầm văn hóa nghệ thuật khác.
“Địa đạo” mang tên Đêm Màu Hồng, từ ngày khai trương tới lúc phải đóng cửa vì giông bão thời thế, được mô tả là… “không giống ai!” Nó vốn là nơi tập trung những người bạn văn nghệ (đôi khi nhiều hơn khách) của nhạc sĩ Hoài Bắc (Phạm Đình Chương).
Đó cũng là cõi riêng của tiếng hát Thái Thanh – cánh “hạc vàng” của nền tân nhạc Việt Nam, khởi tự đầu nguồn…
Ở góc Sài Gòn, xưa này, hầu như không đêm nào, vắng bóng nhà văn Mai Thảo. Đặc biệt, rất hiếm khi ông đi một mình. Nếu đêm trước tác giả “Mười Đêm Ngà Ngọc” đi với Thanh Tâm Tuyền, thì đêm sau, bạn đừng ngạc nhiên, khi thấy ông đi với “Thần Tháp Rùa” Vũ Khắc Khoan, hoặc “Thu Vàng” Cung Tiến… Cũng có khi ông đem theo nhiều hơn một người bạn! Thí dụ tiếng hát châng lâng lẫy lừng Anh Ngọc; cùng “những ngón tay bắt được của trời” mang tên Duy Thanh, Thái Tuấn, Ngọc Dũng…
Từ “địa đạo” văn hóa nghệ thuật này, những đứa con tinh thần mới ra đời được tiếng hát Thái Thanh “giới thiệu,” hoặc do chính Hoài Bắc/ Phạm Đình Chương, đắp đỗi phần thịt da mới cho những sáng tác cũ, của ông. Những ca khúc, mà thời gian không đủ sức gạch bỏ; phải… ngả mũ chào thua…
Nhưng dù mới hay cũ, người nghe cũng sẽ nhận ra những ca khúc ấy, đa phần, như một thứ bút ký, hoặc nhật-ký-âm-giai của họ Phạm trong đời thường. Đó là những ca khúc như “Người đi qua đời tôi/ không nhớ gì sao người?” (Người Đi Qua Đời Tôi, thơ Trần Dạ Từ); “Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa/ cho tôi về đường cũ nên thơ/ cho tôi gặp người xưa ước mơ…” (Nửa Hồn Thương Đau, ý thơ Thanh Tâm Tuyền); hoặc “Hãy mang đi hồn tôi/ một hồn đầy bóng tối/một hồn đầy gió nổi/ một hồn đầy hương phai…” (Khi Cuộc Tình Đã Chết, thơ Du Tử Lê)…
Người nghe, cũng có thể bất ngờ chết lặng với “Kỷ Vật Cho Em” (thơ Linh Phương, nhạc Phạm Duy) qua tiếng hát Thái Thanh; hay “Xóm Đêm” do chính Hoài Bắc, gần sáng, chếnh choáng với ly rượu trên tay, lừng khừng bước tới sát giới hạn sân khấu, cất tiếng, theo yêu cầu của bằng hữu: “Đường về canh thâu/ Đêm khuya ngõ sâu như không màu/ Qua phên vênh có bao mái đầu/ Hắt hiu vàng ánh điện câu…”
Những góc đêm, Sài Gòn, xưa, như thế, cho tôi cảm tưởng ngay những người đang say cũng sẽ giật mình, tỉnh lại; khi những chùm dây dẫn điện của những khu bình dân, Sài Gòn, rối nùi khốn khó. Đó cũng là thời gian tác giả “Xóm Đêm” phải về tá túc nơi căn gác ngôi nhà thân mẫu của ông ở đường Cống Quỳnh, gần Chợ Thái Bình ở đường Phạm Ngũ Lão. Lúc bi kịch gia đình, thình lình chụp xuống, xô đổ mọi xây dựng những tưởng vĩnh cửu đời riêng, của con người tài năng ngoại khổ này!
Tuy nhiên, với tôi, mặt khác của “vàng vọt” nơi những ngọn đèn được câu từ nhà này, tới nhà khác, lại là ghi nhận rực rỡ nhân bản. Tinh thần chia sẻ lần đầu và duy nhất của tân nhạc Việt Nam, với những khu bình dân, xóm nghèo, của họ Phạm…
Cũng vậy, nếu bạn rời khỏi Đêm Màu Hồng vào một đêm hạ tuần, có trăng, tôi tin, tiếng hát Thái Thanh hay Hoài Bắc sẽ vẫn ở trong tâm hồn bạn cùng những vạt trăng lãng mạn tơ nõn: “Chưa gặp em, tôi đã nghĩ rằng/ có nàng thiếu nữ đẹp như trăng…” (Mộng Dưới Hoa, Đinh Hùng/ Phạm Đình Chương). Hoặc cảm thức bi lụy như những miểng chai gắn trên bờ tường ký ức đau đớn: “Đò trăng cắm giữa sông vắng/ Gió đưa câu ca về đâu/ Nhìn xuống đáy nước sông sâu/ Thuyền anh đã chìm đâu…” Đó là “Trương Chi” của Văn Cao. Là vầng trăng của những “Đàn đêm thâu/ trách ai khinh nghèo quên nhau/ Đôi lứa bên giang đầu/ người ra đi, với cuộc phân ly” (Khối Tình Trương Chi của Phạm Duy).
Nếu một khuya khoắt nào, ra khỏi “địa đạo” Đêm Màu Hồng, gặp những hạt mưa không hẹn nhưng đã đợi bạn nơi hè đường từ rất sớm thì, bạn cũng đừng ngạc nhiên, khi cảm được thanh âm lóc cóc của những chuyến xe thổ mộ, Sài Gòn, ngoại ô, dằn xóc, tủi hờn vì khoảng cách địa dư trong “Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội” của Phạm Đình Chương/ Hoàng Anh Tuấn, như những hồi tưởng, không đoạn kết.
Tôi cũng đã từng thấy những đôi vai sát, khi chia tay Đêm Màu Hồng. Họ không nói với nhau một lời nào. Tự thân những khung cửa khép, gió sông Sài Gòn, từ bến đò Thủ Thiêm thay bạn thì thầm về niềm tin yêu, ngày mai, bình minh. An lành thế giới…
Và, thưa bạn, đêm nay, giữa quê người, khi hợp ca Thăng Long, chỉ còn lại duy nhất Thái Thanh, “cánh hạc trong trăng” cũng đang trả lại nhân gian buồn/ vui một kiếp, chuẩn bị đi xa theo Phạm Đình Chương, Hoài Trung, Thái Hằng, và người khách thường trực, Mai Thảo cùng các bạn của ông, tôi chợt thấy, dường tất cả chúng ta, không ai thực sự bỏ đi khỏi đất nước của mình.
Mọi người vẫn ở đâu đó, trong những góc khuất, đêm. Sài Gòn. Xưa. Có thể mọi người đã chính là những đêm mưa, những vạt trăng, những miếng mosaic; những miểng thủy tinh vỡ, găm trên bờ tường đau thương, quá khứ… Thậm chí, có thể ai đó, cũng đã là những cột đèn lẻ loi, cúi xuống kiếm tìm hồn mình hay, chiếc bóng của chính họ giữa Sài Gòn, một thuở, dù đã lâu, không còn hiện hữu!
Bởi vì, thưa bạn, tôi vẫn nghĩ: như đất nước, Sài Gòn không của riêng ai. Sài Gòn, cũng không của một thời kỳ, một giai đoạn mà Sài Gòn, là ký ức tập thể. Và cũng từng là một phần lộng lẫy của trái tim tổ quốc.
Du Tử Lê
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/dem-sai-gon-xua-va-ban-hop-ca-thang-long/
Dẫn chứng không đúng
“Đàn đêm thâu/ trách ai khinh nghèo quên nhau/ Đôi lứa bên giang đầu/ người ra đi, với cuộc phân ly, đâu bóng thuyền Trương Chi” Câu này là câu cuối cùng từ nhạc phẩm Trương Chi của Văn Cao chứ không phải từ Khối tình Trương Chi của Phạm Duy.