40 Năm Âm Nhạc Và Mây

Mai Thảo
Tựa tập nhạc Ly Rượu Mừng, 1989


Thái Thanh – Hoài Bắc Phạm Đình Chương – Hoài Trung

Thân thiết và sống gần, một thân gần hầu như không có một thời gian nào gián đoạn, và như thế đã ngót 40 năm, tôi nghĩ đã có được một cái thấy khá tỏ tường về con người ngoài đời và con người nghệ thuật của Hoài Bắc Phạm Đình Chương. Hai con người. Hai con người trong một. Đó là một hiện tượng nghệ thuật và là một hiện tượng có thật. Do nơi người nghệ sỹ lúc ở ngoài tiền trường và đứng trước đám đông là sống với một liên hệ đặc biệt, liên hệ này có những quy luật và khi người nghệ sỹ trở về với đòi sống riêng tư, ở xa ánh sáng tiền trường, quy luật không cần thiết nữa. Hoặc là có, cũng không đồng tính, đồng dáng mà khác biệt hẳn. Điểm khác biệt này, do sự khác biệt của môi trường tạo ra và đem tới, tôi đã nhìn thấy ở khá nhiều trường họp nghệ sỹ, qua những tỏ hiện rất trầm trọng. Như giữa hai con người trong một là biên thùy, là vực thẳm. Là chia lìa, là đối nghịch. Đưa tới bất ổn. Tạo thành xung đột cách sống và thảm kịch nội giới. Ở Hoài Bắc Phạm Đình Chưong cái hiện tượng nhị trùng bản ngã và phân tán bản thể ấy tuyệt nhiên không có. Đó là điều tôi rất yêu mến và cũng muốn nói trước hết về ông.


Những buổi trưa ngồi trước dương cầm, thả tâm hồn, rung động và tài năng xuống mặt phím, cho từ mặt phím hiện hình dần trên những dòng nhạc những ca khúc lẫy lừng được đám đông nhiều thời mãi mãi yêu thích, hoặc cùng tôi, những nửa khuya và một cách rất đãng tử, đi xâu vào cái thế giới tươi tắn, lấp lánh ấy là Sài Gòn ban đêm, Sài Gòn âm nhạc, con người của cuộc sống hàng ngày và người nghệ sỹ ngoài tiền trường ở người bạn thân tôi là một, chỉ một. Cũng vậy, lúc đứng giữa hợp ca Thăng Long, Thái Thanh một bên, một bên Hoài Trung, như khi ngất ngưởng với bằng hữu bốn biển trong một ăn nhậu cuối tuần. Chỉ một. Có như một hình ảnh này nếu được tỏ hiện nơi người nghệ sỹ ở ông thì nó chỉ là một bổ túc, một kiện toàn cho một hình ảnh khác, nơi con người thường nhật. Mà không xóa bỏ, không làm cho biến thể. Có như một cá tính tâm hồn nào nơi con người ngoài đời Hoài Bắc, cá tính ấy bao giò cũng trở thành một đặc thù nào đó của nghệ thuật, của âm nhạc Phạm Đình Chương. Do đó mà hai con người chỉ là một toàn phần. Như hai cái tên, một hiệu một thực, lúc dùng tên trước, lúc lấy tên sau là một gắn liền, năm chữ Hoài Bắc Phạm Đình Chương là một độc âm thôi.

Hợp nhập được cuộc sống riêng tư với bờ cõi nghệ thuật mình, thành một nhất quán tốt đẹp, và Hoài Bắc Phạm Đình Chương đã có được cái thế sống quân bình tuyệt vời ấy, tôi cho là bởi hai điều. Trước hết, với nghệ thuật mình như với gần xa, với chung quanh, người bạn thân tôi đều sống với, đều ở cùng bằng một tâm thái trước sau hoàn toàn chân thật. Chân thật. Không giả hình, không đeo mặt nạ. Sau, và điểm này đã tạo nên cái bầu trời bao la và thanh thoát lạ lùng ấy là giòng nhạc, cõi nhạc Hoài Bắc, là người nghệ sỹ và con người thường nhật ở ông, cùng một phóng khoáng, đã cùng có được với cuộc đời và nghệ thuật một thỏa thuận chung. Từ một thỏa thuận với chính mình. Và đó là một thỏa thuận trong sáng, tận cùng, gần như vô điều kiện. Đừng nghĩ tinh thần sống, trí tuệ sống ấy không ăn nhằm, không liên hệ gì tới nghệ thuật và hình thành của nghệ thuật. Tôi cho là rất. Là chủ yếu.

Chính vì sự thoả thuận ấy mà giòng nhạc Phạm Đình Chương đã có được 45 năm không ngừng chảy xiết và nó đã đưa tài năng ông không chỉ đi tới nơi mà còn đi tới rất xa. Từ 45 năm tới giờ, cõi nhạc của Hoài Bắc Phạm Đình Chương đã mở được cho nó nhiều chân trời. Cũng đã tạo được cho âm nhạc một thời nhiều chân trời mới. Và cũng là một con số nhiều, mọi người, quần chúng thường ngoạn, đã yêu mến nhạc ông, tiếng hát, lối hát và nghệ thuật ông trên nhiều phương diện khác nhau. Đám đông yêu mến, một yêu mến đằm thắm lâu dài hiếm thấy, noi những ca khúc ký tên Phạm Đình Chương, nhiều bản lẫy lừng như Ly Rượu Mừng, Sáng Rừng, Mộng Dưới Hoa, Đêm Màu Hồng, Đôi Mắt Người Sơn Tây, vân vân, không chỉ còn là những ca khúc, mà đã trở thành tình yêu, tình nhân, tâm trạng, kỷ niệm và trí nhớ của mỗi người. Nghệ thuật phổ thơ, không phải thơ tầm thường mà thơ của những tài thơ lớn nhất như Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Trần Dạ Từ, Du Tử Lê, Quang Dũng, cũng là một mặt nữa của tài năng ông rất được nhiều người mến mộ. Trên một tầm cao hơn, thuần túy nhạc lý và nhạc tính hơn, những điểm xuất sắc của cõi nhạc, nét nhạc Phạm Đình Chương cũng được những kiến thức có thẩm quyền hết lời khen ngợị. Như một nhận xét tổng quát của nhạc sỹ Nghiêm Phú Phi. Là đường nét của âm điệu (ligne mélodique) cách thế hòa âm, tiết điệu và bố cục từ khúc, mặt nào ở Phạm Đình Chương cũng cao sang, điêu luyện và thuần thục. Cao và sang, nhưng không khó không xa, rất hợp rất gần với tâm hồn đại chúng. Như một phân tích tóm gọn của nhạc sỹ Lê Trọng Nguyễn. Là Phạm Đình Chương xử dụng ngũ cung tài giỏi, cấu trúc và kỹ thuật nhạc hiện đại, tiền tiến nhưng vẫn giữ được âm điệu, yếu tính (essence) và tâm hồn Việt Nam.

Phần tôi, sau yêu mến đã nói ở trên là Phạm Đình Chương đã thể hiện được sự hòa hợp của con người ngoài đời và con người tiền trường của mình thành một nhất quán thật tốt đẹp, còn một yêu mến nữa. Yêu mến cái phong cách. Cái phong cách tài tử. Cái phong cách nghệ sỹ. Cái phong cách thư thái, thanh thản, ung dung một đời, tôi thấy, trên một cách thế nào đó, khắp cùng trong cõi nhạc ông. Cho nên, nếu có một hình ảnh nào tôi yêu thích và muốn thấy mãi về Phạm Đình Chương thì cũng từ cái phong cách nghệ sỹ thanh thản, ung dung một đời vừa nói. Hình ảnh ấy là mây. Một giải mây. Bốn mươi lăm năm âm nhạc Hoài Bắc là 45 năm mây. Giải mây thanh thản ung dung bay qua vòm trời nghệ thuật một thời. Và giải mây trời bay đến đâu, tấm lòng mến yêu của bằng hữu và mọi người là những ngọn gió trời cùng bay tới đó.

Mai Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây