Phạm Đình Chương: Những Nhạc Phẩm Phổ Từ Thơ

Nguyễn Việt
19.10.2009

Nói đến nhạc sĩ là nói đến những dòng nhạc tình ca lãng mạn từ tiền chiến đến thời đại. Những nhạc phẩm do ông sáng tác hay phổ từ thơ. Là một tên tuổi lớn của nền tân nhạc Việt Nam. Nếu phải so sánh giữa Phạm Đình Chương với Phạm Duy, có lẽ hai người nhạc sĩ này “kẻ tám lạng người nửa cân”, chỉ có điều Phạm Đình Chương không sáng tác nhạc theo kiểu “tả pín lù” như Phạm Duy “sức mấy mà buồn”,  “bỏ qua đi tám”,  nhạc Việt hóa,nhạc tuyên truyền. Phạm Đình Chương ông chỉ có một con đường để đi, là chọn con đường vì văn học nghệ thuật.

Chúng ta thử điểm qua những sáng tác tiêu biểu của Phạm Đình Chương :

Nhạc sáng tác :


Hội trùng dương, Ly rượu mừng, Tiếng dân chài, Anh đi chiến dịch, Bên trời phiêu lãng, Đất lành, Đêm cuối cùng, Đến trường, Định mệnh buồn, Đón xuân, Ra đi khi trời vừa sáng (viết với Phạm Duy), Đợi chờ (viết với Nhật Bằng), Được mùa, Hò leo núi, Khi cuộc tình đã chết, Khúc giao duyên, Kiếp Cuội già, Lá thư mùa xuân, Lá thư người chiến sĩ, Mỗi độ xuân về, Mười thương, Nhớ bạn tri âm, Sáng rừng, Ta ở trời tây, Thằng Cuội, Thuở ban đầu, Trăng mường Luông, Trăng rừng, Xóm đêm, Xuân tha hương

Nhạc phổ thơ :

Buồn đêm mưa (thơ Huy Cận), Cho một thành phố mất tên (thơ Hoàng Ngọc Ẩn), Nửa hồn thương đau, Bài ngợi ca tình yêu, Dạ tâm khúc , Đêm màu hồng (thơ Thanh Tâm Tuyền), Đêm nhớ trăng Sài Gòn, Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển, Quê hương là người đó (thơ Du Tử Lê), Đôi mắt người Sơn Tây (thơ Quang Dũng), Hạt bụi nào bay qua (thơ Thái Tú Hạp), Heo may tình cũ (thơ Cao Tiêu), Mắt buồn (thơ Lưu Trọng Lư, tặng Lệ Thu), Màu kỷ niệm (thơ Nguyên Sa), Mộng dưới hoa (thơ Đinh Hùng), Mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội (thơ Hoàng Anh Tuấn), Người đi qua đời tôi (thơ Trần Dạ Từ)..

Còn rất nhiều nhạc phẩm khác v.v…

Một chút tiểu sử

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương sinh năm 1929 và qua đời vào năm 1991. Khi soạn nhạc ông ký là Phạm đình Chương, còn đi hát, chỉ trong ban hợp ca Thăng Long, ông có tên gọi ca sĩ Hoài Bắc. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương sinh ngày 14/11/1929 tại Bạch Mai, Hà Nội. Quê nội ở Hà Nội còn quê ngoại ở Sơn Tây. Ông xuất thân trong một gia đình mang truyền thống âm nhạc, thân phụ là ông Phạm Đình Phụng.

Người vợ đầu của cha ông sinh được 2 người con trai tên Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Còn Phạm Đình Viêm tức ca sĩ Hoài Trung trong ban hợp ca Thăng Long như đã nói.

Người vợ sau của cha ông tức mẹ ruột ông sinh 3 người gồm trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ của nhạc sĩ Phạm Duy. Con trai thứ là ông tức nhạc sĩ Phạm Đình Chương, và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh. Phạm Đình Chương được nhiều người chỉ dẫn nhạc lý nhưng phần lớn ông vẫn tự học là chính.

Trong những năm đầu kháng chiến, Phạm Đình Chương tức Hoài Bắc cùng các anh chị em ruột hai dòng như Hoài Trung, Thái Hằng, Thái Thanh gia nhập ban văn nghệ Quân đội ở Liên Khu IV, để từ đó mới thành tên ban hợp ca Thăng Long.

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương bắt đầu sáng tác âm nhạc vào năm 1947, khi mới 18 tuổi, nhưng phần nhiều nhạc phẩm của ông thường được xếp vào dòng tiền chiến bởi mang phong cách trữ tình lãng mạn. Các nhạc phẩm đầu tiên như Ra đi khi trời vừa sáng, Hò leo núi… có không khí hùng kháng, tươi trẻ.

Năm 1954 Phạm Đình Chương cùng gia đình chuyển vào miền Nam, rồi tái lập ban hợp ca Thăng Long để hoạt động. Thời kỳ này các sáng tác của ông thường mang âm hưởng miền Bắc như nói lên tâm trạng hoài hương của mình: Khúc giao duyên, Thằng Cuội, Được mùa, Tiếng dân chài

Thời gian sau đó, ông viết nhiều bản nhạc nổi tiếng và vui tươi hơn : Xóm đêm, Đợi chờ, Ly rượu mừng, Đón xuân

Sau khi cuộc hôn nhân với ca sĩ Khánh Ngọc tan vỡ, ông bắt đầu sáng tác tình ca. Ông đem tâm trạng đau thương vào những bài nhạc tình da diết, đau nhức, buốt giá tâm can: Đêm cuối cùng, Thuở ban đầu, Người đi qua đời tôi, Nửa hồn thương đau.

Có thể nói Phạm Đình Chương là một trong những nhạc sĩ phổ thơ hay nhất. Nhiều bản nhạc phổ thơ của ông đã trở thành những bài hát bất hủ, có một sức sống riêng như Đôi mắt người Sơn Tây (thơ Quang Dũng), Mộng dưới hoa (thơ Đinh Hùng), Mưa Sài Gòn mưa Hà Nội (thơ Hoàng Anh Tuấn), Nửa hồn thương đau (thơ Thanh Tâm Tuyền), Đêm nhớ trăng Sài Gòn (thơ Du Tử Lê)…

Phạm Đình Chương cũng đóng góp cho nền tân nhạc Việt Nam với một bản trường ca bất hủ Hội trùng dương viết về ba con sông Việt Nam: sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long. Sau 1975 nhạc sĩ Phạm Đình Chương định cư tại California, Hoa Kỳ. Ông mất 22/8/1991 tại California.

“Nửa hồn thương đau” còn là tâm sự riêng tư

Vào những năm 60, báo chí Sài Gòn hao tốn rất nhiều giấy mực vì phải đăng nhiều kì vụ li dị giữa ca sĩ Khánh Ngọc với nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Tòa án xét xử nhiều lần chưa xong, vì thế vụ việc càng làm họ trở nên nổi tiếng hơn. Lúc đó, ban hợp ca Thăng Long đang nổi đình đám nhất trong sinh hoạt ca vũ nhạc kịch thời bấy giờ, bởi lúc ấy nhóm Thăng Long gồm nhiều ngôi sao đương thời như Hoài Trung, vợ chồng ca sĩ Thái Hằng – Phạm Duy, ca sĩ Thái Thanh, vợ chồng ca nhạc sĩ Phạm Đình Chương (Hoài Bắc) – Khánh Ngọc. Nếu không kể đến người chị dâu Kiều Hạnh là một nữ kịch sĩ đang được ái mộ trên các sân khấu thoại kịch.


Ban Hợp ca Thăng Long

Phải nói trong thời gian sau 1954, các ca kịch sĩ miền Bắc xuất hiện rất đông đảo trên sân khấu lẫn đài phát thanh như Vũ Huân, Vũ Huyến, Duy Trác, Anh Ngọc, Kim Tước, Châu Hà, Hà Thanh v.v… Một phần, do ca sĩ trong Nam lúc đó chưa xuất hiện nhiều tên tuổi lớn, chỉ có một số ca sĩ đầy triển vọng từ phòng trà Tú Quỳnh giới thiệu như Bạch Yến, Cao Thái, sau có Minh Hiếu, Thanh Thúy, Túy Phượng, Phương Dung… nhỏ hơn thì có Quốc Thắng, Kim Chi trong ban nhi đồng của nhạc sĩ Nguyễn Đức, và quái kiệt Trần Văn Trạch vừa hát và hài.

Khánh Ngọc vợ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là một ca sĩ được nhiều người biết đến với tên gọi “ngọn núi lửa”, bởi cô có bộ ngực hấp dẫn và thường quyến rũ khán giả nam say đắm mỗi khi cô lên hát. Đồng thời Khánh Ngọc còn đóng mấy phim với nam tài tử Lê Quỳnh như Ánh sáng miền Nam, Chúng tôi muốn sống, Đất lành loạt phim nói về những ngày di cư từ Bắc vào Nam do Mỹ thực hiện. Trước khi đưa đơn ra tòa, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã nghe phong phanh Khánh Ngọc ngoại tình. Nhưng vì tình yêu nên ông vẫn tin tưởng vợ và bỏ ngoài tai tất cả những tin “lá cải” ấy.

Chỉ đến khi một số người bạn hẹn ông đi bắt ghen tại Nhà Bè thì sự việc mới đổ bể. Lúc đó báo chí Sài Gòn biết rất nhanh, và vụ “ăn chè Nhà Bè” được tờ nhật báo Sài Gòn Mới của bà Bút Trà khai thác mạnh hơn các báo khác, mọi người mới biết kẻ trong cuộc gây ra chuyện này không ai xa lạ, chính là người anh rể của ông : nhạc sĩ Phạm Duy nổi tiếng thuở ấy.

Người đau lòng nhất chính là Phạm Đình Chương chồng Khánh Ngọc, vì ông rất yêu vợ, nhưng bấy giờ cả dư luận xã hội đều rõ tường tận nên đành phải gửi đơn xin li dị (dù lúc đó Phạm Duy đã từng cầu cứu đến Bộ Thông Tin xin các báo cho ngưng loạt bài điều tra phóng sự này).

Đây là quãng thời gian đau khổ, Phạm Đình Chương không còn tâm trí biểu diễn cùng các anh chị trong ban hợp ca Thăng Long nữa mà lui về trong bóng tối, viết những tình ca buồn như để tâm sự với chính mình. Một loạt bài hát mang tâm trạng như thế ra đời: “Đêm cuối cùng”, “Người đi qua đời tôi”, “Khi cuộc tình đã chết”, “Thuở ban đầu”, “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển“…

Sau khi li dị, nhạc sĩ Phạm Đình Chương được quyền nuôi con, khi ấy mới khoảng 4 – 5 tuổi, ông bắt đầu đi hát trở lại. Một lần tình cờ ông gặp Khánh Ngọc trên một sân khấu đại nhạc hội, có ý muốn đưa cô vợ đã li dị về nhà vì trời đang mưa, nhưng ông bị từ chối. Bởi vậy khi lặng lẽ trở về căn nhà kỷ niệm một thời sống cùng Khánh Ngọc, nhìn qua màn mưa nhớ về những ngày hạnh phúc giờ trôi theo dòng nước…. có người nói Phạm Đình Chương định tự tử lúc bấy giờ, nhưng nghe tiếng khóc của đứa con trai hai người, ông mới từ bỏ ý định này !?

Hình ảnh của đêm khốn cùng ấy đã đi vào từng lời của bài hát ” Nửa hồn thương đau” được ông viết trong đêm rã rời đó. Nếu ai đã nghe một lần bài hát này và cũng đồng cảm với cuộc đời của nhạc sĩ Phạm Đình Chương sẽ hiểu được tâm hồn con người chỉ có thể chịu đựng một giới hạn nhất định.

Dẫu là một bản tình ca, nhưng khi nhắc tới nhạc sĩ Phạm Đình Chương, người ta lại nghĩ ngay đến “Nửa hồn thương đau” bởi sự bất hủ của bản tuyệt tình ca này và sự chung thủy trong tình yêu của một người đàn ông.

Người phổ thơ ra nhạc mang tính thiên tài

Nên nói về nhạc phẩm “Nửa hồn thương đau” do Phạm Đình Chương phổ từ thơ Thanh Tâm Tuyền qua bài thơ “Lệ đá xanh“, nhưng ông đã đổi tựa và thêm ý cho phù hợp với tâm trạng của ông lúc bấy giờ.

Nửa Hồn Thương Đau, Thái Thanh trình bày

Có người nhận xét, lối phổ thơ thành nhạc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương mang đặc tính thiên tài, từ những vần thơ của các thi sĩ trở thành những nhạc phẩm luôn lưu lại nhiều kỷ niệm sâu đậm trong lòng giới ái mộ như các bài Đôi mắt người Sơn Tây (thơ Quang Dũng), Nửa hồn thương đau, Đêm màu hồng, Dạ tâm khúc (thơ Thanh Tâm Tuyền), Màu kỷ niệm (thơ Nguyên Sa), Mưa Sài Gòn mưa Hà Nội (thơ Hoàng Anh Tuấn), Người đi qua đời tôi (thơ Trần Dạ Từ), Đêm nhớ trăng Sài Gòn (thơ Du Tử Lê) v.v… cho nên nếu so sánh cung cách phổ thơ của Phạm Duy, có thể nói Phạm Đình Chương ngang bằng hoặc xuất sắc hơn, do ông lấy văn học đưa vào nhạc, còn Phạm Duy đưa thơ vào nhạc mang tính thị hiếu nhiều hơn.

Một nhà báo đã viết khi nhận xét nhạc phẩm “Mưa Sài Gòn mưa Hà Nội” do Phạm Đình Chương phổ thơ Hoàng Anh Tuấn :

Có thể nói ca khúc “Mưa Sài Gòn mưa Hà Nội” phổ thơ Hoàng Anh Tuấn là một trong những nhạc phẩm thể hiện tài năng phối âm hoàn chỉnh sắc sảo, đặc biệt là những câu nhạc chuyển động ở cuối phiên khúc đưa người nghe đi vào điệp khúc bằng từng nốt nhạc được dựng nền trên từng hợp âm khi tiến khi thoái rất linh động, nhịp nhàng chẳng khác nào một tiểu khúc giao hưởng đầy âm vang của những hạt mưa gợi nhớ đất Hà thành một thời đã cùng giai nhân “chung nón dìu bước thơm phố phường“.

Có người nói sự nghiệp của nhạc sĩ Phạm Đình Chương còn trải rộng tỏa khắp trên bình diện của thể nhạc trữ tình lãng mạn, với những sáng tác phong phú đủ chủ đề nói về tuổi trẻ, tình yêu, hiện thực, hoặc chia sẻ nhịp rung cảm hân hoan cùng mọi người như các tác phẩm : Bài ca tuổi trẻ, Thuở ban đầu, Mười thương, Mộng dưới hoa, Bài ca ngợi tình yêu, Đêm cuối cùng, Heo may tình cũ, Xóm đêm v.v…

Xuyên qua các nhạc phẩm trên, người ta lại càng nhận thức đầy đủ hơn nơi ý nhạc lời ca của Phạm Đinh Chương có một tâm hồn tươi trẻ, nồng nhiệt và cũng không kém phần thương đau, xót xa trong tan vỡ của yêu đương luyến nhớ, cũng như trong cuộc đời của người nghệ sĩ luôn để lại những khối chân tình qua từng bước chân phiêu bạt mà ông đã đi qua.

Có lẽ sự rung động dễ thương của những con tim khi chớm nở loài hoa tình yêu mới là cảm xúc tuyệt diệu nhất được Phạm Đình Chương diễn tả bằng chính nội tâm hiện thực của ông qua ca khúc “Mộng dưới hoa” phổ thơ Đinh Hùng :

Chưa gặp em anh vẫn nghĩ rằng
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
Mắt xanh là bóng dừa hoang dại
Âu yếm nhìn anh không nói năng ….

Cuối cùng không thể nào không đề cập đến “Trường khúc Tam Giang” với những nỗi niềm diễn tả tâm tư mang lời tự thuật thật sống động, đặc sắc của 3 con sông lớn đại biểu cho mạch sống của ba Miền và được xem như là một đại tác phẩm trường tấu để đời của nhạc sĩ Phạm Đình Chương có tên là “Hội Trùng Dương“, với 3 tiểu khúc gồm Tiếng Sông Hồng, Tiếng Sông HươngTiếng Sông Cửu Long, được liên kết thật chặt chẽ bằng những tiết tấu phối hợp sự biến âm đặc biệt biểu hiện tình cảm khi nhẹ nhàng, lúc khoan thai, khi hùng tráng, lúc trầm lắng, khi ngọt ngào, lúc thiết tha, quyện lẫn trong các câu hò mang sắc thái âm điệu thổ ngữ Bắc, Trung, Nam rất duyên dáng chân thành và trong sáng tình yêu quê hương vốn được hun đúc từ ngàn đời, tựa như 3 dòng sông tuôn chảy miệt mài ra biển Đông, khi lững lờ lúc cuồn cuộn trôi mãi theo chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Việt

Nguồn: Trích từ http://my.opera.com/khaisang2002/blog/2009/10/19/nhac-si-pham

Chú thích của AmNhac.fm: Xin mời các bạn nghe hợp ca Thăng Long và một số nhạc của Phạm Đình Chương trong album này:

{showalbum 103}

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây