Du Tử Lê
4/12/2010
Sau những xáo trộn của giai đoạn chuyển tiếp chính trị từ thể chế Quân Chủ Lập Hiến qua Cộng Hòa (thời đệ nhất) với cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, miền Nam tự những năm giữa thập niên (19)50 tới đầu thập niên (19)60 là thời gian thanh bình, thịnh trị nhất mà, người dân miền Nam được hưởng sau mấy chục năm chinh chiến, điêu linh.
Trong không gian an lạc này, những mầm non tân nhạc chẳng những được quần chúng biết tới mà, còn được ngợi ca như những tài năng xuất sắc của tương lai tân nhạc Việt.
Những người từng sống trong giai đoạn này, hẳn chưa quên một Hoàng Thi Thao được báo chí mệnh danh là “Thần đồng violin.” Một Quốc Thắng, “Thần đồng ca diễn,” với cây guitar (lớn hơn người,) khi Quốc Thắng vừa đàn vừa hát cho những chương trình phụ diễn tân nhạc.
Là nhân vật trung tâm được “xướng danh” trong phong trào “phụ diễn” này, nhạc sĩ Hoàng Thi Thao, hiện cư ngụ tại miền Nam California cho biết, thời đó, vì nhu cầu cạnh tranh, trước khi chiếu phim, nhiều rạp ciné đã thực hiện một số tiết mục ca nhạc, giúp vui khán giả.
“Lý do thành phần nghệ sĩ nhi đồng được ưu ái hơn cả vì nhi đồng thường trình diễn những ca khúc vui tươi, không sầu não. Tuy nhiên thỉnh thoảng họ cũng mời nhạc sĩ Trần Văn Trạch và các ca sĩ đã thành danh khác…”
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thao nói.
Ông cũng cho biết thêm, thời đó, ngoài ông và Quốc Thắng “chạy show mệt nghỉ” còn có Kim Chi, Phương Lan, Hoàng Oanh và, những cặp song ca vốn là anh chị em ruột như Bích Chiêu – Anh Tuấn; Anh Minh – Đoan Trang…cũng được coi là những cái…đinh của các buổi phụ diễn.
Tưởng cũng nên nói thêm, Anh Tuấn là ca sĩ Tuấn Ngọc hôm nay; và Đoan Trang là nữ ca sĩ kiêm giáo sư dương cầm Quỳnh Giao hiện tại.
Cũng ở giai đoạn này, ở lãnh vực “chính quy,” bên cạnh những ca khúc nổi tiếng đậm nét hướng về miền Bắc như “Giấc mơ hồi hương” của Vũ Thành, “Hướng về Hà Nội” của Hoàng Dương, “Nỗi lòng người đi” của Anh Bằng… là thời gian xuất hiện và, lập tức tiến lên tuyến đầu, như những luồng gió lạ của ít nhất hai nhạc sĩ: Lam Phương, Hoàng Thi Thơ.
Nhưng nếu những ca khúc của Lam Phương được nhiều người biết với nội dung mộc mạc, nhẹ nhàng, qua những sáng tác như “Khúc ca ngày mùa,” “Nắng đẹp miền Nam” thì, Hoàng Thi Thơ đã ném âm nhạc của ông vào những xoáy nước mạnh mẽ, mới. Chúng tạo thành những cơn lốc lớn, qua hai ca khúc điển hình: “Trăng rụng xuống cầu,” và “Gạo trắng trăng thanh.”
Tôi không biết hôm nay, ở hải ngoại, những người trẻ có biết tới hai ca khúc vừa kể của họ Hoàng?
Riêng tại miền Nam thập niên (19)50 hầu như không mấy ai không biết. Thậm chí họ còn thuộc được ít, nhiều ca từ trong “Trăng rụng xuống cầu,” như:
Đêm nay bao con thuyền về đâu xuôi mái
Ai ca dưới trăng ngà gần xa vắn dài
Mái chèo khoan thai, trên sông hai màu
Con thuyền về đâu
Ô hay! Sao trăng rụng xuống cầu ?
Vì đâu, Ô hay, sao trăng rụng xuống cầu? (1)
Về nhịp điệu một bản nhạc, thường được bị chú là Slow, Borelo hay, Boston, Tango, Valse…thì tác giả ca khúc này lại ghi “Nhịp chèo thuyền.”
Tôi nghĩ, trước họ Hoàng, có dễ chưa nhạc sĩ nào (dù là tác giả của những bài dân ca,) có một ghi chú bất ngờ, thú vị như vậy.
Cũng thế, ở bài “Gạo trắng trăng thanh” ngay dưới tựa đề, họ Hoàng viết:
“(Tập Thể Dân Ca)
Riêng tặng 2 bạn Nguyễn Hữu Thiết, Ngọcc Cẩm đôi giọng Nam Thương đã gieo tràn trên giải đất đầy chim chóc nầy vô vàn âm thanh, đậm lòng như những bát cơm quê hai màu khoai sắn … H.T.T.”
Đây là khổ nhạc thứ nhất của “Gạo trắng trăng thanh”:
“Trong đêm trăng, tiếng chày khua,
“ta hát vang trong đêm trường mênh mang
“Ai đang say, chày buông rơi, nghe tiếng vơi tiếng đầy
“Ai đang đi, trên đường đê, tai lắng nghe muôn câu hò đê mê
“Vô đây em, dù trời khuya anh nhớ đưa em về. (2)
Rất nhanh chóng, cả hai ca khúc ấy đã được dân gian đem đến cho chúng một hình hài, một đời sống khác. Đời sống đường phố với lời hai, hay lời ba.
Thí dụ khi nhại theo nhịp và ý của bài “Gạo trắng trăng thanh” tác giả… “quần chúng vô danh” đã ghép tên của rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng ở miền Nam từ Phạm Duy, Anh Lân, qua tới Trần Văn Trạch, Lê Thương… thành những câu được trẻ con hát rao khắp hang cùng, ngõ hẻm. Họ cũng ghép đôi cho các nghệ sĩ mà họ ưa thích như:
“Cô Tuyết Mai với anh Hoàng Thi Thao;” hoặc “Cô Thúy Nga với anh Hoàng Thi Thơ.” (3)
Sự kiện một ca khúc được quần chúng cho nó một hình hài, một đời sống khác, đã nói lên tính phổ biến thác lũ của ca khúc ấy. Điều không phải ca khúc nổi tiếng nào cũng dễ dàng đạt được.
Lại nữa, cũng nhờ hai ca khúc vừa kể mà, tên tuổi đôi song ca Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết đã nổi lên như một hiện tượng.
Chỉ với hai sự kiện lược ghi kia, chẳng những cho thấy chúng sớm định hình tài năng âm nhạc của Hoàng Thi Thơ trong lòng người nghe mà, chúng còn được ghi nhận như những cơn lốc lớn, cuốn theo chúng hàng trăm ngàn người mê, đắm.
Dù vậy, với đám đông “ngoại đạo” thời đó, Hoàng Thi Thơ vẫn là một cái tên xa lạ. Trừ những người cùng giới, hầu hết không mấy ai biết rõ Hoàng Thi Thơ là ai!
Do đó, trước khi dõi theo bước chân nghệ thuật của Hoàng Thi Thơ, có lẽ chúng ta cũng nên biết qua nhân thân của người nhạc sĩ đặc biệt này.
Theo nhạc sĩ Hoàng Thi Thao, cháu ruột, đồng thời cũng là dưỡng tử của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ thì:
“Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sinh ngày 1 tháng 7 năm 1928 tại làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông có tất cả 19 anh chị và 2 người em. Tổng cộng 22 người.”
“Thân phụ nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ làm quan lớn của triều đình Huế. Cụ được phong Hồng Lô Thái Thường tự Khanh.”
“Hoàng Thi Thơ tự học nhạc lúc còn trẻ. Sau này, ông ghi tên học hàm thụ với một trường nhạc ở Pháp và, bắt đầu chính thức sáng tác ở tuổi 20.”
“Năm 1946, đang theo học tại trường Khải Định- Huế, ông bỏ học để tham gia kháng chiến chống Pháp. Thời gian này kéo dài khỏang hơn 5 năm.”
“Năm 1951 về lại thành, năm 1952 ông đưa Hoàng Thi Thao vào Saigòn bắt đầu cuộc sống mới…”
“Ở Saigòn, ngoài thời gian dành cho sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là giáo sư Anh Văn; trước khi ông trở thành giám đốc nghệ thuật của Đoàn Văn Nghệ VN và Hí Viện Maxim, Saigon.”
“Về cuộc sống đôi lứa, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ gặp ca sĩ Thúy Nga khoảng cuối năm 1954 trong dịp bà chiếm giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ ở rạp Norodom,Saigon.”
“Nhiều người lầm tưởng rằng nữ ca sĩ Thúy Nga do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đào tạo và dẫn dắt. Sự thực bà đã xuất hiện, trình diễn trên nhiều sân khấu trước khi kết hôn với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.”
“Về sự nghiệp sáng tác của ông, tính năm 2001, ông đã có khoảng khoảng 600 ca khúc; chưa kể 3 Trường Ca , 4 Nhạc Kịch và khá nhiều Nhạc cảnh.”
“Ngoài ra, ông còn là tác giả cuốn sách nhan đề “Để sáng tác một bài nhạc phổ thông.”
Nhờ cuốn sách này mà không ít người đã sáng tác được những ca khúc giá trị, đóng góp cho sự phong phú của nền tân nhạc Việt, miền Nam 20 năm.
Sau hai ca khúc nổi tiếng “Gạo Trắng Trăng Thanh, Trăng Rụng Xuống Cầu,” vào cuối thập niên (19)50, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ còn tạo nên những cơn lốc hâm mộ khác; với các ca khúc đến nay còn nhiều người hát như “Tà Áo Cưới, Đường Xưa Lối Cũ, Những ngày Thơ Mộng”…
Theo một số nhà nghiên cứu âm nhạc thì nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ không chỉ viết viết nhiều về quê hương, dân tộc, tình yêu mà ông có có công đem các làn điệu dân ca vào nền tân nhạc rất sớm và, ông cũng là người ở lại lâu nhất so với những nhạc sĩ khác, trong nỗ lực này.
Riêng một trong những ca khúc được coi là bất tử “Đường Xưa Lối Cũ” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, đã đi ra từ một chấn động lớn nhất đời ông. Đó là khi ông đứng trước cái chết của thân mẫu. Bà mất năm 1958. Và sau đấy là sự rời bỏ gia đình, đi lấy chồng của người em gái.
Sự kiện tiếp theo này đã dắt tay nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ tới sáng tác đầy cảm xúc: “Tà Áo Cưới.”
Ngoài ra, một thành viên khác trong gia tộc họ Hoàng ở làng Bích Khê, cũng cho biết thêm:
“Trong gia tộc, ông (Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ,) thuộc đời 14 nên vai vế rất cao, nhiều người phải kêu bằng “Ông”, bằng cố, vải. Con cháu đời 19-20 thì không biết kêu ông bằng gì nữa. Tuy vậy chúng tôi không hề nghĩ rằng ông là nhân vật thuộc thế hệ cũ, bởi vì ông là một nghệ sĩ của thế hệ trẻ hôm nay. Ông thực sự luôn luôn trẻ, từ ngoại hình đến tâm hồn.
“Thời kỳ cách mạng tháng 8-1945, ông gia nhập Đoàn văn nghệ Quảng Trị do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba làm trưởng đoàn.”
“Tháng 12-1946, kháng chiến bùng nổ, ông cùng với nhạc sĩ Trần Hoàn hoạt động tuyên truyền tại mặt trận Huế. Thượng tuần tháng 12-1947 sau hơn một tháng bao vây quân Pháp tại trường Pellerin và khách sạn Morin, mặt trận Huế vỡ.”
“Hoàng Thi Thơ cùng nhạc sĩ Trần Hoàn và một số đoàn viên của Đoàn Tuyên truyền kháng chiến Trung Bộ theo các cơ quan đầu não chuyển về Vinh (Nghệ An).”
“Tháng 5-1947 ông công tác ở báo Cứu Quốc Liên khu 4 do Lưu Quí Kỳ phụ trách, Chế Lan Viên làm trưởng ban biên tập.” (4)
Trong một lần công tác ở vùng địch chiếm, ông bị Pháp bắt giam một thời gian. Khi được trả tự do, ông về lại Huế, trước khi vào ở hẳn Saigòn, như đã kể.
Đó là thời gian họ Hoàng khởi sự “tụ khí, luyện công” cho sự nghiệp của ông mà, với hai bộ video do trung tâm Thúy Nga Paris thực hiện, nhan đề “Hoàng Thi Thơ, một đời cho âm nhạc” và “Hoàng Thi Thơ 2” là những ấn chứng rỡ ràng nhất dành cho tài hoa âm nhạc này.
Du Tử Lê
Chú thich:
(1), (2) Theo dactrung.com
(3) Nhạc sĩ Hoàng Thi Thao cho biết, khi trưởng thành, nữ ca sĩ Tuyết Mai từng có thời gian chung sống với ca sĩ Duy Khánh. Và cô Thúy Nga ở đây, chính là người bạn đời của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Thời gian câu hát đường phố ra đời, là thời đầu khi hai người mới yêu nhau ở Saigòn.
(4) Theo bách khoa tòan thư mở Wikipedia.