Du Tử Lê
12/2009
Sau khi in lại phóng ảnh bìa của hai bài “Tân cổ giao duyên” nhan đề “Khi đã yêu” và “Mùa sao sáng” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, do nhà xuất bản Hồng Hoa ấn hành(1), chúng tôi nhận được một phóng ảnh bản tin “Cổ Nhạc Việt Nam số 3,” của nhà Đồng Nai xuất bản (in kèm bài này;) do một thân hữu gửi tặng. Nguyên văn trang nhất của bản tin đó như sau:
“Đôi Lời Giao Cảm,
“Những năm gần đây, phong trào nghe nhạc ‘Tân-Cổ Giao-Duyên’ rất thịnh hành, lan rộng từ thành thị đến thôn quê. Đồng bào các giới nhiệt liệt tán thưởng, ưa thích. Môn ‘Nghệ Thuật Mới’ đến với chúng ta như một cơn bão, thách thức với thời gian và nhân-sinh quan nghệ-thuật.
“Tân-Cổ Giao-Duyên là gì?
“Là bài ca 6 câu vọng cổ được cắt bớt đi 2 hoặc 3 câu để xen vào đó một đoạn “Tân nhạc mà chúng ta gọi nôm na là nhạc mới.
“Sự kết hợp giữa Tân và Cổ nhạc thật là kỳ thú, đem lại cho người nghe những âm hưởng luôn luôn biến thoát, làm tăng thêm sự cảm khoái của người thưởng thức và cả người nghệ sĩ diễn tả.
“Trước hướng đi lên của nền nghệ thuật mới, Nhà xuất bản ‘Đồng Nai’ chúng tôi tiền phong cho ấn hành một loạt bài ca ‘Tân Cổ Giao Duyên’ để giúp cho các bạn mộ điệu có thể tự học lấy dễ dàng.
“Nhờ sự hợp tác của một số nhạc sĩ hữu danh Tân-Cổ, các bản nhạc này được trình bày bằng các phương pháp ký âm rất dản dị. Nhà xuất bản chúng tôi cũng đặc biệt nhờ nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông nghiên cứu ghi ký âm pháp sự hoà hợp giữa Tân và Cổ nhạc bằng các phương pháp dễ hiểu, hợp mọi trình độ nhạc lý.
“Mục đích nhằm vào:
“1- Giúp ca sĩ cổ nhạc và các Ban Tân và Cổ nhạc có thể nhìn vào bản này, hoà tấu ăn khớp ngay như bên giới Tân nhạc.
“2- Người ca sĩ cổ nhạc có dịp làm quen với các ký âm pháp, và trong thời gian ngắn sẽ ca hát rành rẽ các bài bản Tân nhạc như các ca sĩ Tân nhạc.
“3- Với lối trình bày tân-tiến hình thức của bản nhạc, người ca sĩ cổ nhạc khi cầm bản nhạc này trình bày trước Nhạc Hội, Quan Khách, sẽ làm tăng thêm vẻ duyên dáng lịch sự, trí thức như các ca sĩ tân nhạc mà ta vẫn thường thấy trên các sân khấu Đại Nhạc Hội và Đài Phát Thanh. “Ngay bây giờ, các bạn mộ điệu muốn học hỏi, trao dồi nghề nghiệp, hãy sưu tầm ngay cho đủ bộ các ấn phẩm của chúng tôi được đánh dấu từ số 1.
“Nhà xuất bản ‘Đông Nai’.”
Với tài liệu vừa trình bày, chúng ta thấy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông không chỉ là một trong những người có công đầu về sự hình thành và, phát triển phong trào “Tân cổ giao duyên” mà, ông còn là người nghiên cứu và phổ biến nhu cầu ký âm để các bản nhạc “tân cổ giao duyên” có thể in ra cho các nghệ sĩ cổ nhạc cầm lên sân khấu hát một cách dễ dàng như một bản tân nhạc vậy.
Đề cập tới nguyên nhân sâu xa đưa đến sự hình thành hình thái nghệ thuật “Tân cổ giao duyên,” một số nhân vật tham gia từ đầu cho biết: Vào năm 1962, các hãng băng đĩa nhạc Sàigòn chuyên sản xuất các chương trình ca cổ nhạc thuần tuý, bị thất thu nặng nề, vì số người mua đĩa sút giảm hẳn. Trước tình hình thương vụ bị suy giảm một cách đáng ngại, các hãng băng đĩa cổ nhạc bàn nhau, tìm một hướng đi mới, hầu cứu vãn tình thế. Thời gian đó, trong số các hãng chuyên sản xuất chương trình cổ nhạc có kỹ sư Ngô văn Đức; du học ở Pháp về. Kỹ sư Đức nối nghiệp cha là ông Năm Mạnh, làm chủ hãng đĩa Asia. Hãng này chuyên in, sản xuất đĩa 33 và 45 tours, cung cấp cho các Trung tâm băng đĩa như Hồng Hoa, Sóng nhạc… Ông Đức là người có công đứng ra mời gọi các soạn giả và, các chuyên gia âm nhạc hiến kế cải cách cấu trúc 6 câu của cổ nhạc. Và, kỹ sư Ngô văn Đức đã nhờ nhạc sĩ Nguyễn văn Đông nghiên cứu lắp ráp phần tân nhạc, còn soạn giả Viễn Châu, tức Bảy Bá (nổi tiếng với bài ca cổ nhạc “Tình anh bán chiếu” do Út Trà Ôn ca,) nhận lãnh nghiên cứu sắp xếp phần cổ nhạc, sao cho ăn khớp với phần tân nhạc…Kết quả nhạc sĩ Nguyễn văn Đông đã cho xuất bản bài ca “tân cổ” mẫu; tựa đề “Hướng dẫn ca và kỹ thuật sáng tác bài tân cổ giao duyên”. (Sự kiện này, được nhà xuất bản Đồng Nai ghi công, như chúng tôi đã sao lục ở trên.)
Tóm lại, sự khai sinh của hình thái nghệ thuật “Tân Cổ Giao Duyên” là một công trình tập thể, với sự đóng góp tài năng, trí tuệ của nhiều người. Trong số đó, công lao của kỹ sư Ngô văn Đức không nhỏ. Dù cho ông không phải là nhạc sĩ hay, nhà chuyên môn nghiên cứu âm nhạc. Tuy nhiên, một thân hữu khác của chúng tôi lại cho hay, vấn đề khởi nguồn “tân cổ giao duyên,” tới nay vẫn bị / được một số người trong nghề, cho rằng họ mới là những người có công…
“Nhưng tiếc thay, cho đến nay, chưa một ai, trong số những người đó, trưng dẫn được một bằng cớ cụ thể về “thành tích” của họ!” Nhân vật này nói.
Trở lại với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, trong phần tiểu sử do một số trang mạng phổ biến thì, họ Nguyễn không chỉ có những đóng góp đáng kể cho phong trào “Tân cổ giao duyên” mà, ông còn là đạo diễn, viết nhạc nền, sáng tác ca khúc lồng trong trên dưới 50 vở tuồng cải lương nổi tiếng ở miền Nam. Điển hình như các vở tuồng “Nửa đời hương phấn” của soạn giả Hà Triều-Hoa Phượng; “Sân khấu về khuya” của soạn giả Năm Châu; “Mắt em là bể oan cừu” của soạn giả Vân An v.v…
Giải thích cho sự “lấn sân” từ “tân’ qua “cổ” nhạc một cách “ngọt ngào” của mình (*), nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cho biết, miền nam Việt Nam, đặc biệt là miền Tây Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long, đa số người dân thích ca cổ nhạc hơn tân nhạc. Thị phần tiêu thụ băng đĩa cổ nhạc và tuồng cải lương chung cả nước, cũng lấn lướt bên tân nhạc. Ông nói:
“Thí dụ một chương trình tân nhạc phát hành lần đầu tiên tiêu thụ được 10 ngàn đĩa, thì chương trình cổ nhạc tiêu thụ được 3 lần nhiều hơn. Mặc dù chi phí đầu tư có nhỉnh hơn đôi chút. Nhưng nhà đầu tư rất an tâm vì không sợ bị lỗ vốn…”
Theo một tài liệu chúng tôi hiện có thì, vào năm 1960, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cùng một người bạn vong niên là nhà doanh nghiệp Huỳnh Văn Tứ, đồng sáng lập hãng băng đĩa Continental. Ông Huỳnh văn Tứ đảm trách vai trò Giám đốc sản xuất. Họ Nguyễn đảm nhận trách nhiệm Giám đốc nghệ thuật. Hãng đĩa Continental có 36 chi nhánh, phát hành toàn miền Nam – – Chủ trương phát triển cùng lúc 2 bộ môn tân và cổ nhạc. Khi đó, tác giả “Phiên gác đêm xuân” được rất nhiều soạn giả cải lương nổi tiếng cộng tác. Nhưng các soạn giả này lại không rành lắm về tân nhạc. Do đó, việc dàn dựng kịch bản thường không ăn khớp với tân nhạc. Để bổ khuyết, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông phải “lăn lưng” vào cuộc. Ông dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi… sau một thời gian ông đâm ra yêu thích bộ môn nghệ thuật ấy. Ông kể:
“Tôi rất nhớ ơn cố soạn giả Hoàng Khâm và các tay danh cầm bên cổ nhạc như Văn Tỷ, Năm Cơ, Hai Thơm…Họ đã chỉ vẽ cho tôi một cách tình, không dấu nghề. Vì thế mà chỉ một năm sau, tôi đã có thể tự tin đủ sức bước sâu vào lãnh vực mới mẻ này; cũng với tất cả đam mê, như khi tôi ‘khám phá’ thế giới tân nhạc, trước đó vậy.”
Du Tử Lê
12/2009
Chú thích:
(1) Nữ nghệ sĩ cổ nhạc Phượng Liên, nổi tiếng trước Tháng Tư, 1975 ở quê nhà, sau khi đọc bài “Binh Nghiệp và Nhạc nghiệp Nguyễn Văn Ðông,” đăng tải trên NB Người Việt, số Thứ Năm, đề ngày 9 Tháng Mười Hai, 2009, đã điện thoại cho chúng tôi, cho biết, theo chị thì bài tân-cổ “Khi Ðã Yêu,” với hai giọng ca Minh Phụng và Thanh Nga, không thể ra đời năm 1963. “Có thể nó ra đời vào năm 1973.”
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com