Lê Hữu
3/2020
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi!… Tiếng ru muôn đời
(“Tình ca”, Phạm Duy)
 

“Bài này thì chỉ có Thái Thanh” hoặc “Bài này không ai hát qua được Thái Thanh”, thỉnh thoảng ta vẫn nghe như vậy. “Bài này” có thể là tên một nhạc phẩm của Phạm Duy hay của Phạm Đình Chương, Dương Thiệu Tước, Văn Cao… 
 
Nhiều ca sĩ một đời ca hát chỉ mong tên mình gắn liền với tên bài hát nào đó và khi nhắc tên bài hát người ta cũng nhắc tên người ca sĩ, để tên tuổi sẽ không chìm vào quên lãng. Riêng Thái Thanh thì không chỉ một mà có khá nhiều bài hát gắn liền với tên chị.

Tiếng nước tôi, tiếng lòng tôi

“Nếu chỉ được Thái Thanh hát cho nghe một bài thì anh sẽ chọn bài nào?” 
 
Thỉnh thoảng tôi vẫn được hỏi như vậy. Thường thì tôi có chút bối rối khi phải chọn ra bài hát mình yêu thích nhất qua giọng Thái Thanh vì lắm khi bài mình thích chỉ là thích vào lúc nào đó, vào lúc khác thì lại là một bài khác. 
 
“Anh thử đoán xem?” tôi hỏi ngược lại. 
 
Người bạn nói vài cái tên, tôi lắc đầu. Anh kể thêm ít bài nữa, tôi lắc đầu.
 
“Bài ‘Quê nghèo’,” tôi buột miệng.
 

“Quê nghèo” là bài hát đầu tiên tôi được làm quen với tiếng hát Thái Thanh và yêu bài hát ấy, yêu tiếng hát ấy. Tôi nghe “Quê nghèo” mãi không chán, và cũng mới vừa nghe lại, dư âm tiếng hát Thái Thanh như vẫn còn quanh quẩn đâu đây. 
 
“Quê nghèo” là bức tranh quê thật sinh động của những làng quê Việt Nam thời kháng chiến, nơi có những bà mẹ quê vui vì nồi cơm ngô đầy, có những cô thôn nữ đêm đêm nằm ngủ hay mơ, mơ thấy bên lề cuộc đời, áo dài đùa trong tiếng cười. Bức họa đồng quê ấy được vẽ lên bằng tiếng hát Thái Thanh. Phải nghe chị hát những “tả tơi”, “thoi thóp”, “hiu hắt” trong những câu hát Có lũy tre còm tả tơi… Chiều rơi thop thóp trên vài luống khoai, hiu hắt tiếng bà mẹ cười…mới thấy quê mình nghèo đến thế nào, mới thấy thương quê mình biết bao. 
 
“Quê nghèo”, chứ không phải tên những bài hát mà anh bạn tôi kể ra, những bài hát về quê người, về những kinh đô ánh sáng, những mùa thu mùa đông Paris, những bến sông Seine, sông Danube hay những dòng sông xanh, những sóng nước biếc tận những miền đất nào xa xăm. Cũng không phải những “tuyệt phẩm” của những “dòng nhạc thính phòng”, những dạ khúc nguyệt cầm, chiều tà chiều tím, cỏ hồng cỏ hoang, đường chiều lá rơi… và những bài bản nào được trình diễn trên những sân khấu hoành tráng với dàn nhạc công, nhạc cụ lỉnh kỉnh.
 
Người ta nghe một bài hát là lắng nghe những cảm xúc đến từ một giọng hát hơn là nghe những phô diễn kỹ thuật. Với một giọng hát hay, một khúc hát bình dị, đơn sơ nghe vẫn hay chứ không nhất thiết là những bài bản có giai điệu, khúc điệu cầu kỳ. 
 
Xuân vừa về trên b…ãi cỏ non (“Hoa xuân”, Phạm Duy)
 
Chỉ có vậy. Nghe Thái Thanh, nghe câu hát ấy, người ta nghe mùa xuân về đâu đó quanh đây, về trên thảm cỏ xanh mướt trước sân nhà, về trên những bông hoa dại dọc theo những lối đi quen.
 
Đến nay người ta vẫn chưa quên những bài nhạc thể điệu rumba, boléro từng được yêu thích qua tiếng hát Thái Thanh, như “Xóm đêm” (Phạm Đình Chương), “Đường xưa lối cũ” (Hoàng Thi Thơ), “Bóng người đi” (Văn Phụng & Hoài Linh), “Chiều biên khu” (Tuấn Khanh & Châu Ngân), “Chuyện đêm mưa” (Nguyễn Hiền & Hoài Linh), “Ngày hạnh phúc”, “Ngày tạm biệt” (Lam Phương)… 
 
Chiều xưa, gió êm lay nhẹ l…iếp dừa 
 
Nghe câu hát đầu bài “Bóng người đi”, tưởng nghe được hơi mát của làn gió nhẹ êm trong chiều.
 
Tôi nhớ xem được trong một video clip, Thái Thanh hát trong một tu viện ở San Diego, nơi chị tu tập vào những năm cuối đời. Mấy trăm đạo hữu ngồi quanh im lặng nghe chị hát “Giọt mưa trên lá”, “Ngậm ngùi”, “Tôi ước mơ”… Chỉ có tiếng hát, không có tiếng nhạc dạo, tiếng đệm đàn nào và người nghe thật im lặng đến không cả tiếng vỗ tay, chỉ thấy những cánh tay đưa lên lắc lắc tỏ dấu tán thưởng. Cũng là một cách hát, một cách thưởng thức vậy. 
 
Giọt mưa trên lá…, ráo riết miệt mài, anh biết yêu lần cuối 
Giọt mưa trên lá…., cuống quít dạt dào, em biết yêu lần đầu
 
Thái Thanh hát thật thoải mái, thật tự nhiên, đôi lúc cũng lắc lư nhún nhảy, cũng lả lướt điệu đà, cái điệu làm duyên nữ tính. Sức truyền cảm của tiếng hát ấy trên hết vẫn là ở cái giọng trời cho. Tiếng hát chị đến với người yêu nhạc từ những năm đầu 1950s, và càng về sau tiếng hát ấy càng thêm cuốn hút tựa như trái cây ngon đến độ chín muồi qua cách chị phả hơi thở đầy cảm xúc vào từng lời, từng chữ, từng nốt nhạc. 
 
Liệu những cảm xúc ấy có là cảm xúc thật? Có thể kể ra được những bài chị hát bằng cảm xúc thực lòng, như “Người về”, “Nhớ người ra đi”, “Quê nghèo”, “Tình ca”, “Tình hoài hương”, “Kỷ niệm”, “Xuân tha hương”, “Tiếng sông Hương”, “Về miền Trung”…, hầu hết là những bài dân ca mới hoặc tình ca quê hương. Chị hát như người kể chuyện quê mình và những bài ấy nghe “Thái Thanh” hơn hết.
 
Những bài khác, nếu không là cảm xúc thật thì cũng không phải cảm xúc giả tạo. Như một diễn viên xuất sắc trong một vở diễn, chị nhập vai diễn, sống thực với tâm trạng, nỗi niềm của nhân vật. Có thể kể ra những “Áo anh sứt chỉ đường tà”, “Bà mẹ Gio Linh”, “Kỷ vật cho em”, “Kiếp nào có yêu nhau”, “Ngày xưa Hoàng Thị”, “Quán bên đường”, “Tuổi 13”… và những bài nào nữa vẫn được người yêu tiếng hát chị nhắc tên. 
 
“Lần nào hát bài này tôi cũng khóc,” Thái Thanh nói, nghẹn ngào. Bài hát ấy là “Bà mẹ Gio Linh”. Chị khóc và chị cũng làm người nghe muốn khóc theo chị khi nghe chị hát. Chị nhập vai bà mẹ hóa điên, nhìn chiếc đầu con mình bê bết máu, môi trắng bệch, hai mắt mở trừng trừng.
 
Ta yêu con ta, môi trắng bết máu cờ
Nụ cười hồn nhiên, đôi mắt ngó trông ta…
 
Chính vì để lòng mình nghiêng xuống những nỗi thống khổ, những nỗi bất hạnh và lòng hy sinh vô bờ của một dân tộc mà tiếng hát chị như trào lên nỗi bi thương lẫn hào hùng. 
 
Khi hát, chị không chỉ hát bằng môi bằng miệng mà còn hát bằng mắt, bằng vẻ mặt, bằng điệu bộ đầy biểu cảm. Nghe những bài hát ấy mới thấy ở Thái Thanh một giọng điêu luyện và đầy kịch tính. Khi chùng xuống thấp như lẻn vào hồn, khi rướn lên cao như xoáy vào tim. Khi mềm mại, dịu dàng như nhịp chân êm êm thánh thót, khi vội vàng, gấp gáp như sóng muôn triền tới, sóng xô về khơi. Giọng hát cất lên từ trái tim nhạy bén và giàu cảm xúc, thể hiện trọn vẹn tình ý của mỗi bài nhạc và truyền được những rung cảm đến người nghe, dẫn đến nhận xét của nhiều người là “Thái Thanh hát bài nào cũng hay”. 
 
Liệu có đúng là Thái Thanh hát bài nào cũng hay? Có đúng và không đúng. Không ca sĩ nào hát hay được mọi bài, vẫn có những bài chị hát không hay lắm là những bài không phù hợp giọng chị hoặc những bài… không hay. Một giọng hát có hay đến đâu cũng không thể làm một bài hát không hay thành hay được. Lại có những bài chị hát tuy có hay nhưng người ta vẫn muốn tìm nghe giọng hát khác từng gắn liền với những bài hát ấy. Đúng hơn cả vẫn là, không ai yêu nhạc Việt mà không giữ riêng cho mình (những) bài hát nào mình yêu thích với tiếng hát Thái Thanh.
 
Thái Thanh, chị là tiếng chim hót véo von, lảnh lót. Chị đã tạt ngang qua cuộc đời này, đã mang chút hạnh phúc nhỏ nhoi đến cho bao người, những người yêu tiếng hát chị. Tiếng hát ấy gắn liền với dòng định mệnh của người dân Việt, có ngọt ngào và xót xa, có nụ cười và nước mắt, và cả máu xương nữa. Nếu những bài tình ca thời chiến chị hát lên cho thấy những khuôn mặt của tình yêu, cho thấy người ta đã yêu nhau như thế nào vào thời ấy thì cũng cho thấy cái nghiệt ngã của chiến tranh đã đi qua trên quê hương mình. Nhiều người vẫn nói rằng tiếng hát chị là “tiếng nước tôi”, là “tiếng lòng tôi”. Trong tiếng hát ấy có tình yêu đất nước, có tình yêu lứa đôi, và cả tình yêu tiếng Việt nữa. “Người ca sĩ phải biết yêu tiếng nói của nước mình, nếu không yêu thì cũng như là hát một bài nhạc ngoại quốc vậy,” không phải chị từng nói vậy sao? (*)
 

Thái Thanh vẫn hát “Tình ca"

Một giọng hát hay, trong một nghĩa nào đó, còn là giọng hát tạo được mối dây tình cảm thật gần gũi giữa người nghe và người hát. Giọng Thái Thanh là giọng hát như thế. Tôi hiểu được vì sao nhiều người thích nghe chị, chính là vì nghe ra mối đồng cảm trong tiếng hát chị. Điều này cũng khiến người ta không chỉ yêu tiếng hát chị mà còn yêu cả những bài hát chị từng hát, những bài hát chan chứa những tình tự dân tộc cất lên từ trái tim nặng trĩu tình yêu quê hương.
 
Có những bài hát mỗi lần nghe chị hát là mỗi lần nhớ nhà, nhớ quê hương đến chảy nước mắt. 
 
Chiều b…uông trên dòng sông Cửu Long
như một cơn ước mong, ơi… chiều! (“Chiều về trên sông”, Phạm Duy)
 
“Chiều buông…”, không phải chiều trôi hay chiều rơi, nghe như màn sương chiều lướt thướt, như vạt áo choàng mềm mại của chiều tà chầm chậm phủ trùm lên một vùng sông nước lững lờ. Nghe câu hát, nghe chiều đi lặng lẽ, nghe nỗi buồn trải rộng đến mênh mông trong bóng chiều quạnh quẽ.
 
Tôi nhớ, những giọt nước mắt của Thái Thanh khi chị hát đến câu hát cuối bài “Tình hoài hương” sau ngày chị đặt chân lên miền đất tự do này. Những giọt nước mắt còn đọng lại rất lâu trong lòng người.
 
Xa quê hương… yêu quê hương…
 
Những nốt ngân rưng rưng, rạn vỡ, như một giấc mơ rạn vỡ. 
 
Không chỉ có âm vực thật rộng, xuống tới những nốt thật trầm, vươn tới những nốt thật cao, giọng hát ấy còn làm mềm lòng người nghe bằng những chỗ ngưng nghỉ, nhấn nhá và luyến láy đầy ngẫu hứng.
 
Ai l…ướt đi ngoài sương gió (“Buồn tàn thu”, Văn Cao)
 
Không ai “lướt” được như Thái Thanh. Chị hát mà như “vẽ”. Chị không chỉ “láy” mà còn “lượn”. 
 
Em đi qua đời anh,
không nh…ơ…ớ gì sao em? (“Người đi qua đời tôi”, Phạm Đình Chương & Trần Dạ Từ)
 
Không ai “nhớ” rưng rức đến như Thái Thanh. Chị hát mà như “nấc”. Chị vừa “láy” lại vừa “lượn”. 
 
Có tiếng hát x…ao xuyến á…nh trăng vàng (“Về miền Trung”, Phạm Duy)
 
Không ai nghe tiếng hát ấy mà không nghe “xao xuyến”, nghe dào dạt nhớ về một quê hương có “bóng dừa ngàn thông”, có “con sông xưa, thành phố cũ”.
 
Nước sông miên man trôi đi
Há ha hà ha hà há ha ha…
 
Chỉ có giọng ngân nga và chuỗi láy lượn rập rờn há ha hà ha… ấy mới nghe ra tiếng sóng vỗ “miên man” và nhịp điệu luân vũ dìu dặt của dòng sông cuồn cuộn sóng trôi xa.
 
Không ít ca sĩ muốn thử sức với “Dòng sông xanh”, nhưng chỉ làm người nghe thêm nhớ giọng hát gắn liền bài nhạc ấy. 
 
Nhiều lắm, những nét lượn mềm mại, mượt mà ấy trong những “Mười thương” (Phạm Đình Chương), “Đố ai”, “Nụ tầm xuân” (Phạm Duy)…
 
Tiếng hát Thái Thanh gắn liền với nhạc Phạm Duy, hẳn nhiên là vậy, thế nhưng không ít bài nhạc của những nhạc sĩ khác nhiều người cũng chỉ muốn được nghe với giọng Thái Thanh, chẳng hạn “Hội trùng dương” của Phạm Đình Chương, “Hòn vọng phu” của Lê Thương, “Thiên thai” của Văn Cao, “Ngọc lan” của Dương Thiệu Tước, “Giấc mơ hồi hương” của Vũ Thành, “Mùa thu không trở lại” của Phạm Trọng, “Bài hương ca vô tận” của Trầm Tử Thiêng, “Bóng người đi” của Văn Phụng & Hoài Linh, “Ngàn thu áo tím” của Hoàng Trọng & Vĩnh Phúc… và nhiều nhiều nữa. 
 
Từ khi xa anh em vẫn yêu… và nhớ
mà sao anh đi… đi mãi không về nữa
 
Nghe Thái Thanh hát “Ngàn thu áo tím” tựa như giọng cô bé mới biết yêu lần đầu, rưng rưng kể câu chuyện tình buồn, nghe một nỗi gì xót xa, tội tình.
 
Chắc không ca sĩ nào, giọng hát nào được gán ghép cho nhiều danh hiệu bằng Thái Thanh. Trên hết vẫn là “Tiếng hát vượt thời gian”. Tiếng hát ấy luôn sánh đôi với cuộc hành trình âm nhạc “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi” của Phạm Duy, đủ thấy chiều dài dằng dặc của một khoảng cách thời gian xa vời vợi. 
 
Có người còn gọi chị là “Tiếng hát không dĩ vãng”, tôi không cho là như vậy. Không ai từ bỏ được dĩ vãng; hơn thế nữa, chị còn có một dĩ vãng thật là đẹp. Dĩ vãng ấy làm chị có chỗ đứng riêng, không giống ca sĩ nào khác. Đó là dĩ vãng của thời kỳ đầu Ban hợp ca Thăng Long, của hai chị em “cô hàng café” Thái Hằng và Thái Thanh và những tiếng hát thuở ban đầu ấy, từ “Ngày mùa” (Văn Cao), “Quê em” (Nguyễn Đức Toàn) đến những “Em bé quê”, “Bà mẹ quê”, “Vợ chồng quê” (Phạm Duy)… của một mùa nào kháng chiến.
 
Có Thái Thanh như một dĩ vãng đẹp, tôi muốn mượn câu trong bài hồi ký Người Bác của nhà văn Thế Uyên, “Có Nhất Linh như một dĩ vãng đẹp”, để nói về tiếng hát chị. Dĩ vãng nào thì cũng có vui có buồn, có ngọt ngào có đắng cay, thế nhưng với nhiều người, nhớ về tiếng hát Thái Thanh vẫn là nhớ về những ngày xưa êm đềm, nghe lại tiếng hát Thái Thanh vẫn là nghe lòng dịu êm như một dòng suối mát. Thái Thanh, chị là dòng suối tơ vương, là giọng ướp men thơ…trong những câu hát thính giả từng nghe chị qua làn sóng đài phát thanh Sài Gòn một thuở nào.
 
Bông hoa đời ngàn xưa tới nay
Rung nhạc đó đây, cho đời ngất ngây… (“Ngọc lan”, Dương Thiệu Tước)
 
* * *
 
Giọng hát Thái Thanh đã bặt tiếng im hơi những năm gần đây, tin chị từ biệt thế gian này vì vậy cũng không gây bất ngờ lắm, thế nhưng người ta vẫn cảm thấy mất mát, hụt hẫng. Nếu không vì dịch bệnh cách ngăn thì đám táng chị hẳn là đông lắm, dài lắm những dòng người tiễn đưa. Nhưng cũng không hề chi, dẫu không đi được với chị một đoạn đường thì người ta cũng đã đi cùng với chị biết bao năm trên con đường dài thật dài, không phải vậy sao? 
 
Thái Thanh, tôi tin rằng linh hồn chị, như cụm mây trắng lững lờ, đã bay về lại miền đất nước “nằm phơi phới bên bờ biển xanh”, về lại nơi có “bóng đa ôm đàn em bé”, có “tiếng ru nỗi niềm thơ ấu”, có những đêm “trăng lên bằng ngọn cau”… trong những câu hát nào mà mỗi lần chị hát là mỗi lần nước mắt rưng rưng.
 
Hôm ấy, người ta cho phát đi nhiều bài nhạc quen thuộc từng được nhiều người yêu thích qua tiếng hát Thái Thanh, như cách người ta vẫn làm để tưởng tiếc người nhạc sĩ hay ca sĩ nào vừa mới lìa đời. Đến lúc bài “Tình ca” cất lên, tôi ngồi lặng im nghe đến hết bài hát tôi từng nghe biết bao lần, và nhiều người cũng từng nghe biết bao lần. Lạ một điều, mỗi lần nghe, cảm xúc ấy vẫn còn tươi rói như nghe lần đầu chứ không vơi đi chút nào.
 
Vì yêu, yêu n…ước yêu nòi
Ngày xuân tôi h…át nên bài… bài tình ca 
 
Vẫn là những uốn lượn mềm mại làm dậy lên tình cảm thương quê dạt dào và cũng tô đậm “dấu ấn Thái Thanh” cho bài “Tình ca” ấy.
 

“Tình ca” gắn liền với Phạm Duy hơn bất cứ bài nhạc nào của người nhạc sĩ này và cũng gắn liền với Thái Thanh hơn bất cứ bài hát nào. “Nghe ‘Tình ca’ là phải nghe Thái Thanh,” nhiều người vẫn nói như thế. Có những ca sĩ khá nổi tiếng và từng hát nhiều bài Phạm Duy nhưng không bao giờ hát “Tình ca”, chỉ vì bài hát như đã thuộc về chị. Giả dụ nhiều năm sau nữa người ta có quên hết những bài hát nào Thái Thanh từng hát thì người ta vẫn nhớ mãi bài “Tình ca”. 
 
Bài hát ấy là bản tình ca lớn nhất, bản tình ca của đất nước. Bài hát ấy còn là tiếng ru êm của những bà mẹ Việt Nam trong suốt chiều dài cuộc chiến tranh, trong đó có bà mẹ Thái Thanh.
 
Mẹ hiền ru những câu… xa vời 
À à ơi!… tiếng ru… muôn đời
 
Tôi chắc không ai hát À à ơi!… được như chị. À à ơi… trong câu hát ấy, trong bài hát “Ru con” của Phạm Duy và những bài hát nào nữa ngày xưa chị từng hát. 
 
Thái Thanh, tiếng hát ấy đã “vượt thời gian” hơn bao giờ để thành “tiếng ru muôn đời”.
 
Lê Hữu
 
(3/2020)
 
(*) Đỗ Tăng Bí, Thái Thanh, tiếng hát vang vọng giữa trời Xuân, báo Xuân Người Việt, 2005 

Nguồn: https://www.diendantheky.net/2020/05/le-huu-thai-thanh-tieng-ru-muon-oi.html

 
Bình luận

Lời Bàn Mới

  • CÒN THOÁNG CHIÊM BAO
    Lâm Nguyễn 24.02.2024 17:12
    Cảm ơn admin đã tải lên album này, chiếc cầu nối đưa tôi biết đến ngôn từ và giai điệu tuyệt đẹp của ...
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    Thông-Tin 08.09.2023 11:49
    Đã sửa, giờ nghe được rồi.
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    2gether 06.09.2023 22:30
    Hi Admin Album này không nghe được.... Plz......
     
  • TÌNH KHÚC NGÔ THỤY MIÊN
    Thông-Tin 25.08.2023 18:23
    Cám ơn bạn. Lỗi đã sửa, album giờ nghe được hết .
     
  • PHẠM MẠNH CƯƠNG 18
    Thông-Tin 25.08.2023 18:21
    Cám ơn bạn đã cho hay . Bài này không có mp3 .

Đăng Nhập/Xuất