Mai Xuân Vỹ
19.3.2012

1.
Tôi gặp Khôi lần đầu ở Studio Viết Tân khi Quốc Bảo và tôi ghé qua thăm anh Tân và chị Hồng. Cô chào tôi với nụ cười rạng rỡ thân thiện. Lúc ấy Khôi còn để tóc dài chứ chưa cắt tóc ngắn như năm rồi. Và với chiếc áo đầm trắng, trông cô "yểu điệu thục nữ" hơn là những gì tôi nghe về cô. Trông Khôi thật lành và dễ gần. Và cũng gần như với Bảo, chúng tôi thân nhau mau chóng.

Mai Khôi
Mai Khôi - ảnh Ngô Đại

Câu chuyện bữa ấy quanh quẩn những chuyện nắng mưa và các bài Khôi hát trong album CNN. Khôi chỉ che miệng cười hiền lành khi Bảo chọc Khôi dám "sửa lời" mấy bài hát của tôi. Duy chỉ một khoảnh khắc tôi cảm thấy ngại ghê gớm khi Bảo nói với Khôi là tôi từng hỏi Bảo có giúp Khôi trong bài Sen Em hay không. Trái với điều tôi lo ngại. Khôi cười dòn bảo là như thế tôi đã nhục mạ Bảo rồi. Tiếng cười reo vui như tiếng khánh chuông.

2.
Nhà của Khôi và Chí ở đường Lê Quý Đôn. Tôi đến đó vào một buổi chiều muộn với những vạt nắng hè nhạt nhạt và phố sắp lên đèn. Con đường này ngày xưa rất yên tĩnh với hai hàng sao cao vút, nhưng bây giờ nó là cả một sự hỗn loạn biểu trưng cho những con đường ở trung tâm Sàigòn vào giờ tan tầm. Thế nhưng bước qua cái cổng với bức tường cao, tôi đã bỏ lại sau lưng một con phố náo động. Rủ Chí và Khôi đi uống café nói chuyện thì Chí gạt đi. Uống ở nhà cũng được mà. Rồi bảo người nhà pha café mang ra. Chúng tôi ngồi ở bộ bàn ghế ngoài vườn bằng đá tảng bên hòn non bộ và hồ cá nhỏ. Tiếng xe vẫn râm ran ngoài đường bên kia bờ tường cao. Nhưng ở bên này bờ tường dầy là một khoảng trời tương đối yên tĩnh. Tôi ngước lên nhìn những khoảnh trời bị cắt nhỏ bởi những tán cây sao cao và thẳng. Sàigòn đang bước vào khoảng thời gian đẹp của ngày. Tôi uống từng ngụm nhỏ ly café thứ mấy không nhớ nữa trong ngày. Và chợt nhận ra Chí rất đúng. Café nhà rõ ràng là của người thường uống. Và biết uống. Ngon hơn nhiều tiệm café ở Sàigòn mà tôi từng uống qua.

Buổi tối ấy Khôi hẹn tôi đến phòng trà Tamaya của Khôi vào tối hôm sau. Có một chương trình đặc biệt với các bài hát của The Beatles.

3.
Phòng trà Tamaya một tối thứ Sáu cuối hè oi ả. Tôi đến trễ cùng với một người bạn. Ở đó có Khôi và các ca sĩ khác. Có cả Lê Cát Trọng Lý mà Khôi đã giới thiệu với tôi tối hôm trước. Tất cả đều hát lại các bài hát cũ của The Beatles. Bài hay. Bài ít hay. Buổi tối ấy Khôi bị đem ra làm phần thưởng. Ca sĩ nào hát hay nhất sẽ được một chai rượu đặc biệt của Tamaya. Còn dở nhất sẽ được hôn Khôi ! Mà cũng chính vì cái phần thưởng ấy mà tôi đã nhắm mắt "không thành công thì cũng thành nhân" khi Khôi mời đích danh tôi lên hát. Đến lượt tôi, các bài tôi nhớ lời đã bị các ca sĩ hát trước cả rồi. Tôi đành chọn một bài ...post-Beatles, John Lennon viết Isolation sau khi The Beatles đã rã đám, và cũng được khán giả của phòng trà xí xóa cho qua. Dĩ nhiên là tôi hát dở nhất tối hôm ấy, không có gì chối cãi, và rất xứng đáng nhận phần thưởng ... Vậy mà trong cái số giám khảo không chính thức của phòng trà tối hôm ấy có một số nhao nhao là tôi phải được chai rượu. Giữa lúc thập tử nhất sinh ấy, Chí ngồi ở cuối phòng trà dõng dạc đứng lên can thiệp. Chí hào sảng đề nghị là tôi vẫn được chai rượu. Và cũng được luôn phần thưởng hạng bét kia nữa kìa. Vậy là buổi tối hôm ấy tôi được cả hai món. Và cả hai đều ...choáng như nhau !

4.
Một buổi trưa nắng gắt. Cái nắng hè cố hữu của Sàigòn. Mà buổi trưa ấy có lẽ là một trong những trưa nắng nóng nhất của mùa hè ấy không chừng. Tôi đội nắng đến studio Viết Tân. Và nhảy ba bậc để lên phòng thâu ở tầng ba thật lẹ. Tôi trễ và ở đó có máy lạnh. Đơn giản là thế. Khôi và Bảo đã ở đó từ lúc nào. Và Khôi đang hát Những Nắng Chiều Mệt Lả. Bữa ấy tôi chắc là Khôi cũng mệt lả sau buổi thâu dài mấy tiếng đồng hồ. Khôi hát đi hát lại nhiều lần cho đến lúc cả ba chúng tôi vừa ý.

Tôi viết "Những Nắng Chiều Mệt Lả" ở nhà mẹ, căn nhà tôi đã ở suốt những tháng những năm ở Sàigòn. Buổi chiều tôi qua Thủ Thiêm chơi với người bạn, là lần đầu tiên tôi quay trở lại đó sau hơn hai mươi năm xa Sàigòn. Tôi cảm động nhìn những bè lục bình trôi sát phà ngang. Chiều đứng gió oi nồng và nắng lao xao ở bờ bên kia. Và bờ bên này là Majestic với những ô cửa đều nhau nhuộm vàng nắng chiều. Ở trên kè đá kia vào những năm rất xưa ấy có một xe bán nước dừa sát bờ sông mà tôi đã từng ngồi ở đó nhiều buổi chiều với lòng trĩu nặng mệt lả. Tôi đã từng ngồi hàng giờ ở đó mà nhớ những câu thơ buồn rũ của Thanh Tâm Tuyền để tự dỗ mình. Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống giòng sông. Mà lòng mình phơi trên kè đá ... Ô em quỷ mị mùa hè. Sông nước phơi vàng xoá bờ bến. Tôi đã ngồi đó nhìn lục bình trôi. Nhìn nắng trải chiều sóng sánh trên sông. Nhìn những chiếc thuyền chở khẳm hàng hóa uể oải ngược giòng với những vòng sóng lan ra từ cuối thân tầu. Những vòng sóng mệt nhọc như cái nắng chiều mệt lả kia. Chầm chậm vòng này nối vòng kia rập rờn tiến về phía kè đá nơi tôi ngồi.

Cái ý nhạc ấy đến từ buổi chiều lúc qua phà ngang. Nhưng tôi không biết phải phát triển ra sao. Về nhà, buổi tối đứng trên sân thượng nhìn hàng cây sao đen thẫm trên đường Sương Nguyệt Ánh, tôi chợt nghe một nỗi buồn dịu dàng len lỏi về. Tôi nhớ những đêm hè xưa nằm trên sân thượng này ngửa mặt nhìn sao nhấp nhánh lặng lẽ mà lòng thì trĩu nặng những ưu phiền. Hàng cây trước đường ngày xưa chỉ cao chấm sân thượng nhà tôi. Bây giờ nó đã cao vượt lên hẳn trên cao ... Tôi thơ thẩn ra vào và ngồi vào đàn. Đây cũng chính là cái đàn mà ngày xưa tất cả các anh em tôi đều thay nhau tập. Nhà anh em đông, chiếc đàn tội nghiệp vang lên từ sáng sớm tinh sương đến đêm hôm khuya khuắt. Phòng mẹ ở sát phòng để đàn. Sao hồi ấy tôi không bao giờ nghe mẹ than phiền về tiếng đàn tập ồn ào từ sáng sớm tinh mơ đến tối mịt tối mờ của anh em tôi thế nhỉ. Rồi cả giờ mẹ nghỉ trưa, cũng có đứa tập đàn.

Bây giờ chiếc đàn đã cũ lắm. Phím đã long dây cũng rêu rạo không còn ngân vang nữa. Tiếng đàn không còn mầu sắc gì dù có cố gắng đến đâu. Mẹ vẫn giữ cây đàn trong căn phòng chừa cho các đứa con ở xa thỉnh thoảng quay về. Tôi ngồi vào đàn và đàn vơ vẩn tùy hứng, và đến một lúc bất giác vô tình chơi lại các bản đàn tôi từng ngồi tập trên chiếc đàn này hơn hai mươi năm trước. Tôi dừng lại ở một bản nocturne của Chopin, rồi chơi ngẫu hứng trên cái nền của bản nocturne ấy một lúc thì cái ý nhạc hiện ra, rõ dần. Và sau đó tôi đã giữ lại phần tay trái mở đầu của bản nocturne ấy làm phần dạo đầu cho Những Nắng Chiều Mệt Lả.

Khôi hát Những Nắng Chiều Mệt Lả



5.
Buổi tối đã khuya, mưa vẫn lắc rắc. Cũng vì cơn mưa kéo dài từ buổi chiều mà tôi đã phải đến Studio của Hữu bằng taxi. Khôi vừa mới thâu xong cho tôi bài Hồ Cầm. Bảo đã mặc áo đội mưa chạy xe đi từ lâu. Tôi và Khôi đứng lại trên bậc thềm chờ một chiếc taxi trống khách. Đối diện với chúng tôi là phòng trà Tamaya. Khôi giờ không hát ở đó nữa. Tôi nhìn chếch qua phía bên kia cầu, ở đó là viện đại học Vạn Hạnh cũ của những năm xưa với những Bùi Giáng, Tuệ Sỹ, Phạm Công Thiện ... Hầu hết các vị ấy giờ đã ra người thiên cổ. Nước vẫn chảy dưới cây cầu bắc ngang con kênh Nhiêu Lộc kia. Với những sợi mưa quất xiên xiên lên vai cầu dưới ánh điện mờ trắng. Tôi chợt nhớ mấy câu thơ của Phạm Công Thiện. Mùa xuân bay thành khói. Tôi ca hát một mình. Suốt đời không biết nói. Nước chảy tràn con kinh. Có phải con kênh Nhiêu Lộc kia là con kênh được nhắc đến trong bài thơ của thi sĩ ? Đã bao nhiêu nước chảy qua dưới chân cầu này ? Và còn có ai "thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn" hay không ?

Tối hôm nay Khôi không về Lê Quý Đôn mà về nhà cô của Khôi ở Cống Quỳnh, cũng gần nhà tôi nên chúng tôi đi chung xe. Trên xe Khôi bảo tôi chừng nào có lời đầy đủ của bài Hồ Cầm Khôi sẽ hát lại. Và cả những bài khác nữa. Khôi hứa sẽ hát đến chừng nào tôi vừa ý mới thôi. Tôi cảm ơn Khôi thì Khôi bảo có gì đâu, bởi Khôi thích mấy bài đó. Rồi cho đến một lúc không biết vì sao, Khôi bảo tôi là cũng có đường Mai Khôi nữa. Tôi đùa là Khôi chưa chết mà đã được đặt tên đường. Và Khôi phá ra cười dòn. Vẫn tiếng cười trong trẻo reo vui. Như tiếng khánh chuông.

Mai Xuân Vỹ