Giao Hưởng

Lê Uyên Phương

Một buổi chiều đầu tháng 7, trời mưa êm đềm day dứt, chợt nhận được tin: ca sĩ kiêm sáng tác Phương của cặp song ca nổi tiếng Lê Uyên Phương đã vĩnh viễn giả từ những "vũng lầy của chúng ta" để hòa nhập hồn phách tinh anh vào cõi đất trời hư vô...

Một cảm giác u buồn, rã rượi khắp châu thân như đang nghe thấy những dòng nhạc blue trầm lặng xa vắng vang lên man mác cả không gian. Hòa với những tiếng mưa thổn thức, người viết cảm nhận được dòng nhạc blue này đã tựa như một "điếu khúc" được tấu lên để tưởng nhớ và thương tiếc cho một tài năng sáng tác thuộc trường Sing Songwriter của dòng nhạc tình ca Việt Nam, đồng thời nó còn đưa đến một cảm nhận thực tế khác: sự ra đi của Phương là một nỗi mất mát lớn lao cho dòng nhạc Tình Ca Việt Nam vốn đã hiếm muộn những tâm hồn tài hoa nghệ thuật nơi lãnh vực tác khúc.

Bên ngoài mưa còn nặng hạt, càng làm đậm thêm khúc phim dĩ vãng của một thời xa xưa cách đây hơn 3 thập niên kể từ khi Lê Uyên Phương xuất hiện trong làng nhạc trẻ Việt Nam...

Trong giai đoạn từ thập niên 60 đến thời điểm tháng 4 năm 75, nền nghệ thuật âm nhạc của miền Nam Việt Nam đã có sự xuất hiện rất nhiều tác giả nổi tiếng, và họ chính là những nhân tố góp phần tạo nên sự hình thành cũng như việc phát triển dòng nhạc tình ca Việt Nam. Qua đó, giới yêu nhạc đã đặc biệt chú ý đến cặp song ca tự biên hiếm hoi duy nhất của làng nhạc Việt Nam: đó là Lê Uyên và Phương, lấy tên chung là Lê Uyên Phương.

Với lối trình diễn chuyên về những ca khúc tự sáng tác qua phần diễn tấu guitar do Phương tự đệm và hợp ca giọng bè background cùng nữ ca sĩ Lê Uyên, người bạn đường của anh, cặp song ca Lê Uyên Phương đã trở thành một hình ảnh quen thuộc và thân thương đối với giới yêu nhạc Việt Nam. Đặc biệt hơn, tuy nhạc tính của Lê Uyên Phương trải đều qua nhiều thể loại như Blues, Folk, Pop v.v... nhưng nội dung lời ca của họ đã gửi gấm đến thính giả những cảm nhận trung thực chân thành một cách tự nhiên, bộc bạch, nên có thể nói Lê Uyên Phương là cặp song ca tự biên duy nhất thuộc trường phái Sing Songwriter của dòng nhạc tình ca Việt Nam thời bấy giờ. Chính vì vậy mà những sáng tác tiêu biểu của Lê Uyên Phương như: Tình Khúc Cho Em, Một Ngày Vui Mùa Đông, Cho lần cuối, Vũng lầy Của Chúng Ta v.v... chẳng những đã chiếm được nhiều sự ái mộ vào thời điểm đó mà ngay cho đến hiện tại cũng còn được giới yêu nhạc thưỡng thức rất nồng nhiệt.

Xuất thân từ thành phố sương mù Đà Lạt, một thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam, người nhạc sĩ tài hoa tên Phương đã chào đời vào năm 1941 với tên thật là Lê Văn Lộc. Có lẽ định mệnh đã an bài khi chọn cho người nghệ sĩ một vùng đất sinh trưởng thật thơ mộng, lãng mạn mà chắc chắn rằng ở tại nơi này Phương đã từng say mê với những cảnh đồi núi hùng vĩ, đã từng ngắm nhìn những rặng thông xanh reo vi vút giữa không gian tràn đầy mật độ của âm thanh, đã từng cùng với hồ Than Thở phẳng lặng trao đổi cho nhau thông điệp của tình yêu trước cảnh vật thiên nhiên trong những buổi sáng sương mù yên tĩnh, đã từng để lại dấu chân yêu thương khi cùng người tình xuống phố trong một ngày vui mùa đông năm nao của thời xa xưa kỷ niệm... Cho nên Đà Lạt đã bàng bạc trong hầu hết các tác phẩm của Phương và những lời thi ca của anh cũng thật yêu kiều, quyến rũ như phong cảnh Đà Lạt vậy.

Hồn thơ, tâm nhạc đã kết cấu nơi Phương một tâm hồn tràn đầy nghệ thuật của âm thanh khi anh bắt đầu những sinh hoạt văn nghệ ngay từ thời còn là một sinh viên tràn đầy nhiệt huyết. Đến năm 26 tuổi, anh vào Sài Gòn, trái tim của dòng nhạc tình ca Việt Nam, bắt đầu kết hợp cùng với Lê Uyên trong những hoạt động âm nhạc. Từ đó , tên tuổi của Lê Uyên Phương đã thực sự nổi bật trên vòm trời nhạc trẻ Việt Nam qua những tình khúc thật độc đáo, mới lạ và đã làm rung động, thổn thức không biết bao nhiêu con tim yêu đương cuả giới trẻ thời bấy giờ.

Với chiều hướng sáng tác thiên hẳn về loại tình ca nhạc trẻ, những tác khúc được viết theo thể điệu blue của Lê Uyên Phương phảng phất nhiều nét trữ tình êm diệu khá tiếp cận với âm hưởng và nhạc tính của một số nhạc sĩ nỗi tiếng đương thời như: Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên v.v..., trong một bối cảnh thịnh hành của trào lưu cải cách dòng nhạc Rock thế giới. Tuy nhiên, đặc tính của dòng nhạc tình ca Việt Nam vốn không hề bị ảnh hưởng nơi nhạc tính ngoại quốc nên lại càng cho thấy sự trong sáng nơi nghệ thuật dụng ngữ và lối tác khúc thật giàu âm điệu của Lê Uyên Phương. Ta hãy nghe họ diễn tả tuyệt khúc "Kỷ Niệm Trong Chiều" như sau:

"Nhớ nhau, một chiều nghiêng nắng lá hoa buồn lay.
Trời chiều dâng khói cánh chim chiều bay.
Mình ngồi ngắm mây trời, tuổi hồng đã xa vời.
Suối ơi! Tình sầu như thế biết bao giờ vơi?
Màu trời in nước áo em tơ mềm nghèo nàn.
Mình chợt buồn như nắng chiều sắp tàn!...".

Chỉ cần 2 đoạn thơ của phần phiên khúc nói trên, Lê Uyên Phương đã đưa người nghe vào một thế giới tuyệt diệu của nỗi nhớ nhung tình yêu trong khung cảnh một buổi chiều đơn sơ nhưng tràn ngập hình ảnh và màu sắc của ánh tà dương chiếu rọi những tia nắng rớt lấp lánh trên cỏ cây hoa lá đang lay động trong gió chiều, của những đám mây trôi bềnh bồng tựa làn khói mơ lẫn quyện trong những cánh chim bay về tổ, của mặt hồ nước êm đềm in dấu màu trời xanh thanh khiết như manh áo tơ người tình mềm mại...

Bức tranh "Kỷ Niệm Trong Chiều" của họa sĩ Lê Uyên Phương quả tuyệt đẹp!

Ca khúc này được thể hiện qua nhịp điệu thiết tha, chậm rãi nơi âm điệu của dòng nhạc blue trầm buồn, và đặc biệt hơn nó còn được kết hợp bằng những họp âm liên tải ở từng nốt nhạc qua lời ca: "mình chợt buồn như nắng chiều sắp tàn". Đây chính là một trong những nét cải cách nơi kỹ thuật phối âm mới lạ và đặc sắc của Lê Uyên Phương mà ta rất hiếm thấy nơi các nhạc sĩ đương thời. Ngoài ra, sự xuất hiện của các hợp âm Majeur7 trong phần chuyển động ở điệp khúc:

"Ngày vui nắng thành đô xa vời.
Còn thương những chiều nghe giọng cười.
Ta từng thương mến nhau,
Trong nụ cười tắt mau.
Em đành quên lãng sao?..."

Cũng đã cho thấy một kỹ thuật hòa âm vừa gắn bó chặt chẽ, vừa du dương lả lướt, vừa chuẩn xác hợp lý, và nhất là nó rất mới mẻ đối với tiết tấu căn bản của nền nhạc Tình Ca Việt Nam.

Không bàng bạc triết lý như Trịnh Công Sơn, không vui tươi sinh động như Phượng Hoàng, không ảo mộng mơ màng như Từ Công Phụng hoặc Ngô Thụy Miên, lời ca của Lê Uyên Phương bao giờ cũng bộc lộ những chân cảm của mình một cách tự nhiên, ngây ngô, bình thản nhưng không kém phần trữ tình sâu đậm:

"Giờ này còn gần nhau, gần thắm thiết trong mối sầu.
Gần bối rối biên giới từ lòng đau!
Giờ này còn cầm tay, cầm chắc mối duyên bẽ bàng.
Cầm giá buốt thương đau, ngày mai ta không còn thấy nhau..."

Phiên khúc 1 và 2 nói trên của ca khúc "Cho Lần Cuối" đã diễn đạt thật trọn vẹn tâm tư của đôi tình nhân trong giờ phút dang dở của định mệnh, và trước khi chia cách họ đã chia xẻ cho nhau một lần cuối tất cả những gì thương yêu ấp ủ trong lòng không chút giấu giếm. Điểm nổi bật nơi ca khúc này còn được thể hiện qua phần điệp khúc: "Bàn tay năm ngón suông đan vào nhau, hẹn sau..." bằng lối chuyển thể chủ âm mang hợp âm trưởng sang hợp âm thứ nhưng không cùng âm sắc, một cách tự nhiên tài tình khiến cho tâm trạng luyến nhớ khi chia cách của đôi tình nhân càng thêm phần thiết tha, day dứt.

Ngoài lối sáng tác chú trọng về sự cải cách nơi âm điệu của nền nhạc, người ta còn nhận diện được những nét đặc trưng nơi cách dụng ngữ của Lê Uyên Phương: đó là họ rất ít khi sử dụng những mỹ từ nhưng lại tạo được sự gợi cảm thật phong phú bằng những vần thơ ngắn gọn, vừa đủ để cô đọng hình ảnh và âm thanh, rồi thỉnh thoảng lại chợt bật lên những nét chấm phá đặt sắc bằng các từ ngữ của thể văn xuôi một cách tự nhiên trôi chảy. Hai tác phẩm đồng cảm với ca khúc "Cho Lần Cuối". và tiêu biểu cho loại nhạc tình ca buồn trong sự nghiệp sáng tác của Lê Uyên Phương là "Tình Khúc Cho Em" và "Vũng Lầy Của Chúng Ta" đã cho thấy thật cụ thể về điểm này:

"Như hoa đem tin ngày buồn,
Như chim đau quên mùa xuân.
Còn trong hôn mê BUỒN TÊNH,
Lê mãi những bước Ê Chề..."
(Tình Khúc Cho Em)

"...Theo em xuống phố trưa mai.
Đang còn NHỨC MỎI đôi vai...
Yêu nhau giữa ĐÁM RONG RÊU,
Như dòng nước cuốn LÊU BÊU...
Qua đi , qua đi những cơn mê,
Tình buồn chồng chất LÊ THÊ..."
(Vũng Lầy Của Chúng Ta)

Hơn nữa, ở một số tác phẩm mang nội dung lạc quan, yêu đời, yêu người như: "Một Ngày Vui Mùa Đông", "Bài Ca Hạnh Ngộ", "Đêm Chợ Phiên Mùa Đông" còn cho thấy nơi Lê Uyên Phương một nghệ thuật diễn tả, ví von khéo léo những diễn biến tâm lý tình cảm khi đang yêu và được yêu:

"Em lên ngày mai, đường gió trăng cài,
Mong em từng giây, rộn ràng như ngây.
Ô hay mùa đông mà xuân đã lâng lâng!
Ô hay mùa đông mà mai đã lên bông!
Vì gót chân in dấu ân tình,
Hoa lá ngỡ như mùa xuân ái ân..."
(Một Ngày Vui Mùa Đông)

"Hoa ngân vang lời ái ân,
môi say cười gió đông.
Em mơ lời tha thiết ân cần
Sao, sao ơi chờ gió đưa,
thì thầm trong bóng đêm dịu êm.
Nghiêng cánh hoa, chờ dư âm xa.
Trong bóng đêm màu môi phôi pha..."
(Đêm Chợ Phiên Mùa Đông)

"Chờ trăng lên, nghe sao thì thầm.
Thời gian qua, đâu ngờ cuộc đời bao la.
Rồi như mây thoáng qua,
rồi như trăng xế tà.
Em ơi nhớ ngày xa vời dâng hoa..."
(Bài Ca Hạnh Ngộ)

Nếu nói chung về mặt hình thức, hầu hết những tác phẩm của Lê Uyên Phương cho dù là mang nội dung vui hay buồn cũng đều được gửi đi bằng một nhịp độ bình thản ung dung, khoan thai, nhẹ nhàng, thật vừa vặn và cân xứng với cách dùng từ của họ. Do đó, những ca khúc này đã tạo cho người nghe những rung cảm dịu dàng ngây ngất, những lắng động êm đềm khó quên. Và có lẽ đây chính là yếu tố thành công của Lê Uyên Phương vậy.

Dĩ vãng tuy là một tập hợp những nỗi vui buồn lẫn lộn nhưng lúc nào nó cũng là những kỷ niệm đẹp, huống chi những kỷ niệm đối với dòng nhạc của Lê Uyên Phương lại quá thắm thiết thân thương! Vì vậy mà sự ra đi của Phương đã để lại nhiều nỗi buồn: nỗi buồn Lê Uyên và nỗi buồn chung của chúng ta. Ngòi bút vốn không đủ để nói lên sự thương tiếc một nhạc sĩ tài danh, nhưng có lẽ nơi những trái tim đã từng khắc sâu sự ái mộ đối với Lê Uyên Phương sẽ là những nén hương lòng chân thật và thành kính để tưởng niệm vong linh người quá cố.

Trong khung cảnh một chiều mưa tưởng nhớ, câu thơ nhập khúc của bài "Tình Khúc Cho Em" chợt nghe thấm thía hơn bao giờ hết:

 "Như hoa đem tin ngày buồn..."

Giao Hưởng

Nguồn: http://leuyenphuong.com