Lê Phương Chi
2002

Nhạc sĩ Lê Thương tên thật Ngô Đình Hộ, nghệ danh Lê Thương là ghép họ của mẹ với tên con sông Thương. Khi còn đi học, vào những dịp hè trò Hộ được người bạn học, con ông chủ đồn điền ở Đồng Đăng, đưa về nhà chơi. Vào mấy dịp đó được viếng nhiều thắng tích quanh Lạng Sơn. Con sông Thương đã lưu lại nhiều ấn tượng đẹp, và tượng Vọng Phu đã khắc sâu nỗi hoài niệm, trong tâm khảm ông từ tuổi hoa niên.


Nguyễn Văn Đông, Trần Văn Trạch và Lê Thương (1961)

Lê Thương mồ côi mẹ từ năm chín tuổi, cha sớm tục huyền, bốn anh em gồm ba trai một gái, được bà nội đem về Hà Nội nuôi. Bà nội là Trùm một họ đạo Thiên Chúa ở khu phố Hàm Long (Hà Nội) thời ấy nên Lê Thương được bà dưỡng dục trong môi trường của gia tộc sùng Đạo ... Lê Thương được bà nội cho học trường Dòng, kiến thức âm nhạc của ông cũng phát sinh và trưởng thành từ những năm tháng ấy. Kiến thức âm nhạc do năng khiếu bẩm sinh và hấp thụ trong môi trường nhà Dòng, chứ không được học ở một trường lớp nhạc lý nào khác.

Vào năm hai mươi hai tuổi, Lê Thương mò mẫm sáng tác nhạc phẩm Trưng Vương, nhạc phẩm này đã được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước viết bài nhận xét đăng báo Lên Đàng, cho rằng thang âm tiết điệu nhạc phẩm Trưng Vương thuần túy Việt Nam.

Lê Thương học đến Đệ Tứ niên, sửa soạn thi Diplôme, thì có một hãng buôn người Pháp tuyển nhân viên vào làm việc trong Sài Gòn, ông liền dự tuyển. Khi được chọn, ông dứt khoát bỏ học lên đường vào Nam.

Vào Nam bấy giờ ông đáp ứng được hai ước vọng:

- Một là, bớt gánh nặng cho bà nội đã già yếu.

- Hai là, mộng ước mà ông ấp ủ từ khi được học qua sách vở nhà trường về non sông gấm vóc miền Nam nước Việt.

Ghi lại mấy dòng hồi tưởng của nhạc sĩ Lê Thương, tôi hỏi nhạc sĩ cho biết, có phải khi lên chơi Đồng Đăng, thấy tượng đá Tô Thị, đã tác động cảm xúc nhạc sĩ sáng tác trường ca Hòn Vọng Phu?

Nhạc sĩ Lê Thương đã giải bày như sau:

- Không phải đơn thuần chỉ có tượng đá Tô Thị vợ Đậu Thao, chồng đi chinh chiến phương Bắc lâu ngày, nàng ôm con ngóng chờ mỏi mòn rồi hóa đá. Vì bấy nhiêu đó đâu đủ xúc tác tôi thực hiện bản trường ca nhạc cảnh Hòn Vọng Phu. Mà ở biên giới Việt Trung (Lạng Sơn) còn có hòn Vọng Phu Thạch, đứng trên Sư Tử Đầu Sơn, lưng đai con theo phong cách đàn bà Tầu, cũng có truyền thuyết trông chồng đến hóa đá.

Phải nói cho đúng, những cảm hứng đã thôi thúc tôi sáng tác Hòn Vọng Phu còn mấy yếu tố quan trọng nữa, đó là chuyến tôi vào Nam năm 1934, khi qua đèo Cù Mông, đến ranh giới hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa tôi thấy tượng đá vọng phu trên núi Đá Bia phía đông Đèo Cả. Và khi tôi xuống chơi Hà Tiên thấy hòn Vọng Phu trong Vịnh Thái Lan. Đồng thời, một xúc tác sâu xa trong tâm hồn tôi là ảnh hưởng những câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm, đã in sâu vào tiềm thức khi còn ngồi ghế nhà trường:

Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt,
Xếp bút nghiên theo việc đao cung

Tất cả những ấn tượng đó nằm sâu trong tâm thức đã từ lâu thôi thúc tôi thai nghén tạo nên ba tác phẩm Trường ca nhạc cảnh Hòn Vọng Phu.

Xin nhạc sĩ cho nghe chi tiết về quá trình sáng tác ba bài Hòn Vọng Phu?

Như khơi trúng mạch, nhạc sĩ Lê Thương tuôn một thôi dài:

- Tôi còn nhớ như vừa xảy ra, lần tôi vào Nam bằng chuyến ô tô của hãng buôn Pháp từ Đà Nẵng theo con đường xuyên Việt vào đến Biên Hòa, rồi xuống Sài Gòn. Bấy giờ con đường thiên lý còn khúc khuỷu gập ghềnh, ngồi ô tô mà tôi tưởng chừng như đang ngồi trên mình con tuấn mã phi nước đại. Nhìn ra hai bên đường thấy những bãi cát Đại Lãnh, Tuy Phong, Duồng, Phan Rí, bọt biển tung trắng xóa tiếp nối vào đến Phan Thiết. Rồi ô tô đi vào khúc đường rừng già che phủ từ Rừng Lá đến miền đất đỏ Long Khánh. Thế là những âm giai tiết điệu đã từ lâu nằm trong tâm thức tôi, gặp được môi trường ngoại cảnh thích ứng liền bật ra những thanh âm trong bài Hòn Vọng Phu I: Lệnh vua. Hành Quân. Trống kêu dồn ...

Cũng xin thú thật là tôi còn chịu ảnh hưởng sâu xa trong Chinh Phụ Ngâm, cụ thể là:

Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt.

thì trong Hòn Vọng Phu I tôi biến thành:

Lệnh vua, hành quân, trống ... kêu dồn ...

Ngoài sườn non cuối thôn ...

Và câu:

Dạ chàng xa tìm cõi Thiên San,

vào nhạc phẩm tôi đã biến nó thành:

Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn.

Với câu:

Tới Man Khê bàn sự Phục Ba ...

tôi biến nó thành:

Bến Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng.
Bến Tiêu Tương còn thương tiếc nơi ngàn trùng ...

Có thể nói, những câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm đã in sâu vào tiềm thức những ngày tôi còn học ở nhà trường. Rồi với những ấn tượng thắng tích đá Vọng Phu qua truyền thuyết thiếu phụ ôm con mòn mỏi trông chồng đến nỗi hóa đá, đã hằn sâu trong tâm tư tôi, nay gặp ngoại cảnh núi sông hùng vĩ hiện ra trước mắt, đó là môi trường thuận lợi tác thành những giai điệu trong nhạc phẩm Hòn Vọng Phu I.

Còn trường hợp anh sáng tác bản nhạc Học Sinh Hành Khúc?

Nhạc sĩ Lê Thương đăm chiêu suy nghĩ một chặp:

- Đấy là vào năm 1950, dân chúng khắp Sài Gòn Chợ Lớn đang trong cao trào học sinh đấu tranh đòi tự do, mà những người yêu nước hồi đó gọi là Phong trào Trò Ơn, đã gợi cho tôi ngẫu hứng sáng tác bản nhạc Học Sinh Hành Khúc. Hoàn thành xong nhạc khúc ấy, tôi cho phổ biến liền vào năm 1950. Trong bài có những câu tôi rất tâm đắc, như:

Học sinh là người Tổ quốc mong cho mai sau.
Học sinh là người niên thiếu dâng bao công lao ...

Đem hết can trường của người Việt Nam tiến lên!

Và tôi còn nhớ năm đó, tôi và hai anh Võ Đức Thu, Trần Văn Trạch với mấy người bạn nữa cùng đi hai bên quan tài trò Trần Văn Ơn, xuất phát từ trường Pétrus Ký, bây giờ là trường trung học Lê Hồng Phong, đi đến sân banh Renault, nay là sân vận động Thống Nhất, nơi đó đã có hàng ngàn các em nam nữ học sinh qui tụ đang chờ quan tài đến để biểu tình tuần hành qua các đường phố Sài Gòn, Chợ Lớn.

Xin nhạc sĩ cho biết đại cương về phương thức sáng tác một bản nhạc, từ khi đang thai nghén cho đến lúc đứa con tinh thần ấy chào đời?

Nhạc sĩ Lê Thương dường như vui hẳn lên:

- Đó là hậu quả của những dữ kiện nằm sẵn trong tiềm thức, khi gặp môi trường ngoại cảnh thích hợp là nó bật ra, như tôi đã kể qua quá trình sáng tác Trường ca nhạc cảnh Hòn Vọng PhuBiển Sau Giông Tố vừa rồi, hoặc giả có khi tôi bắt gặp ngẫu hứng rồi sáng tác liền như nhạc khúc Học Sinh Hành Khúc chẳng hạn ...

Có thể nói thêm vài chi tiết, là khi một ý nhạc chợt đến gợi hứng trong tôi, sẵn có bút giấy trong túi là tôi ghi liền bằng chữ alphabet, chẳng hạn như bài Người Chinh Phu về, thì tôi ghi ra giấy:

La ... rế đố la ... sol lá ... pha rế ... lời ca của nó là: Nơi ... phía Nam ... giữa ... núi mờ ...

Về sau tôi mới chỉnh đốn lại rồi ký âm vào giấy có kẻ dòng nhạc để hoàn thành bản nhạc. Chứ giữa lúc hứng thú chợt đến dào dạt như một làn sóng, làm sao có giấy kẻ dòng sẵn để ghi nhạc hả anh! Rồi trong lúc ghi nốt nhạc bằng chữ, tôi lẩm nhẩm hát lại, cũng nhờ tôi có khiếu thẩm âm khá tốt, khỏi dùng nhạc cụ giữ "ton" mà vẫn hát lại rất đúng giai điệu đã ghi được bằng chữ viết khi vừa ngẫu hứng. Và tôi cũng phải sàng lọc trong đầu cho đến lúc giai điệu nhuần nhuyễn, nghĩa là khi đã trở thành một bản nhạc, bấy giờ tôi mới lấy guitar đờn đi đờn lại để chữa một vài chỗ chưa vừa ý, mãi đến khi nào bản nhạc hoàn chỉnh.

Đó là tôi chỉ nói đơn thuần về phương pháp tôi sáng tác một bản nhạc, để anh có khái niệm vậy, vậy thôi. Chứ trong thực tế, từ lúc phối thai giai điệu trong đầu cho đến lúc thể hiện nhạc khúc ra giấy kẻ dòng, còn phải trải qua lắm nhiêu khê, trong lúc nhất thời, tôi không sao kể đầy đủ được.

Cũng nhân nhạc sĩ Lê Thương hỏi chuyện, tôi cho biết vừa rồi Tiến sĩ Trần Văn Khê có về Sài Gòn đang ở khách sạn Majectic, cũng hỏi thăm nhạc sĩ Lê Thương, và có nhờ tôi tìm photocopy cho ông ba bản nhạc Hòn Vọng Phu và bản Biển Sau Giông Tố.

Nghe vậy, nhạc sĩ Lê Thương dặn tôi:

- Nếu sau này có anh Huy Cận vào Sài Gòn, hoặc có anh Trần Văn Khê về nước, muốn đến thăm chơi, xin anh cứ đưa lại đây nhé, vì tôi rất muốn gặp gỡ thăm hai người bạn cố tri ấy. Rồi ông cho biết, sở dĩ hiện nay ông ít tiếp khách, vì ông muốn nằm yên cho nên đã dặn con cháu hạn chế bớt những người thân đến thăm, rồi nhân vui chuyện họ ngồi nói hết vấn đề này sang câu chuyện khác.

Ông cười rồi nói rằng nghe chuyện của những người thân thì rất thích thú, nhưng nghe nhiều quá thì cũng mệt!

Tôi hỏi: Như vậy thực sự sức khỏe của nhạc sĩ lúc này ra sao?

Nhạc sĩ Lê Thương ngồi dậy nói:

- Sức khỏe của tôi rất tốt, ngay bây giờ tôi có thể chạy được vài trăm thước mà anh.

Rồi nhạc sĩ Lê Thương vui vẻ căn dặn tôi:

- Hôm nào anh đem theo máy ảnh đến chụp cho tôi vài kiểu, và chụp chung mấy kiểu anh với tôi để kỷ niệm nhé!

Khi tôi đứng lên từ giã, nhạc sĩ Lê Thương vói nắm chặt tay tôi nói với giọng tha thiết:

- Xin cám ơn Thượng đế, và cũng xin cám ơn Lê Phương Chi đã đến chơi, thăm tôi buổi chiều nay, anh đã làm cho tâm hồn tôi sống lại với ký vãng suốt mấy mươi năm qua ...

Nhớ trở lại chơi với tôi anh Lê Phương Chi nhé!

Thế rồi! Vào buổi sáng 18 tháng 9 năm 1996, nhạc sĩ Lê Thương, một con người điềm đạm và khiêm tốn khi tiếp xúc với tất cả mọi người, còn ôm nhiều hoài bão và rất tha thiết yêu dân tộc, yêu quê hương đất nước Việt Nam, đã lặng lẽ đi về cõi thọ, để lại cho chúng ta một số di sản nhạc phẩm quí hiếm gồm những bản nhạc hầu hết đã đi vào lòng người, mà nổi bật là Trường ca nhạc cảnh Hòn Vọng Phu.

Bài viết này, tôi xin thay nén hương tâm niệm cung kính dâng lên anh Lê Thương với lòng ngưỡng vọng người nhạc sĩ tài hoa đã vĩnh viễn ra đi!


Lê Phương Chi

Nguồn: http://www.hocxa.com/Nhac/LeThuong/LeThuong_LePhuongChi.php