Phan Ni Tấn
24/12/2010



Thập niên 60 tôi bắt đầu sinh hoạt văn học nghê thuật qua hai bộ môn cầm bút và cầm đàn. Riêng về lãnh vực âm nhạc, hồi đó tôi chỉ chuyên tâm sáng tác những bài ca đấu tranh, thỉnh thoảng mới viết một vài bản tình ca. Có điều nhạc chiến đấu thời nào cũng vậy, cũng không có nhiều đất dụng võ, ngoài những lần anh chị em sinh viên học sinh tổ chức hát trong các giảng đường đại học, trong câu lạc bộ sinh viên hoặc xuống đường biểu tình chống các sắc luật của chính phủ có ảnh hưởng bất lợi đến con đường hoạn lộ của sinh viên học sinh. Chính vì thế hồi đó dù tôi có thờ ơ trước những bản tình ca muôn thuở thì nó vẫn cứ rỉ rả phát thanh ngày này qua tháng nọ, năm này qua năm kia trên các làn sóng của đài phát thanh dân sự hay quân đội; riết rồi nhập tâm. Dĩ nhiên đa số các ca khúc đó tôi chỉ thuộc một hai câu đầu; còn tác giả là ai, tựa bản nhạc là gì thì tôi chịu thua.

30 tháng 4 năm 1975 mất nước, tôi đi tù Cộng sản, rồi trốn chạy ra hải ngoại tiếp tục sáng tác nhạc dấu tranh, nhưng cũng bắt đầu nghiêng về lãnh vực tình ca. Từ đó tôi lắng nghe trong các băng, đĩa nhạc, nhất là sau này xem các chương trình đại nhạc hội thu hình của các trung tâm tôi mới biết những bản nhạc quen thuộc ngày xưa như Nỗi Lòng Người Đi là của Anh Bằng, Cánh Thiệp Đầu Xuân của Hoài An, Gạo Trắng Tranh Thanh của Hoàng Thi Thơ… và một loạt ca khúc bình dị quen thuộc như Ngày Tạm Biệt (Hôm nay đây còn vui trông thấy nhau. Bên tiếng ca tiếng đàn vượt trời cao..) hoặc Khúc Ca Ngày Mùa (Cười lên đi cho trăng tàn bóng xế. Hát lên đi để nung lòng nhân thế…), một bài mộc mạc nữa Chuyến Đò Vỹ Tuyến (Đêm nay trăng sáng quá anh ơi. Sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu…) v.v… là của Lam Phương.

Nhắc tới nhạc sĩ Lam Phương tôi có một thoáng kỷ niệm với anh mà cho đến ngày qua đời anh vẫn hoàn toàn không biết vì chắc chắn anh không nhớ. Tháng 3/1999 tin nhạc sĩ Lam Phương bị đứt mạch máu não, sau đó được xuất viện về nhà, nhân chuyến đi từ Toronto qua Cali thu âm bài vở, ông Nguyễn Ngọc Ngạn và tôi có ghé thăm Lam Phương tại nhà riêng của anh. Lúc đó Lam Phương mới xuất viện về ngồi xe lăn do một người em gái của anh tận tình chăm sóc. Căn nhà bày biện rất giản dị, không khí có phần lạnh lẽo theo người chủ đang mang trọng bệnh. Lúc đó giọng nói của Lam Phương vẫn còn khó khăn, ngọng nghịu, đầy vẻ mệt mõi. Ông Ngạn có giới thiệu tôi với Lam Phương nhưng tôi hiểu sự kiện tâm lý đã ngăn cản sự niềm nở cố hữu của anh với khách. Tôi gật đầu chào và khẽ chạm vào bàn tay oặt ẹo của anh đang đặt trên thành ghế xe lăn như bày tỏ một sự cảm thông.
Đó là lần đâu tiên tôi gặp Lam Phương và sau này thỉnh thoảng tôi vẫn thấy anh qua các chương trình âm nhạc DVD thu hình. Riêng anh cho đến ngày về trời, dù nghe đến tên tôi nhưng anh vẫn không hề biết anh và tôi đã gặp nhau một lần.

Một điều ai cũng cảm nhận là dòng nhac Lam Phương rất sâu sắc mà đơn giản, dễ đi vào lòng người. Với anh âm nhạc là tất cả. Là nỗi ám ảnh, đắm đuối, mê hoặc, ăn sâu vào tâm hồn, phủ lên toàn bộ cuộc đời anh. Ngay cả cái ngày anh bị bệnh, dường như âm nhạc vẫn không cách gì dứt bỏ được, thoát ra được

Tôi đã nghe và đọc rất nhiều nhận định về thế giới âm nhạc Lam Phương. Tuy nhiên có một điều, có thể đã có người nhận xét rạch ròi rồi mà tôi không biết. Đó là nói đến cái hồn nhạc của Lam Phương sau lần đỗ vỡ trong hôn nhân.

Hãy đọc hoặc lắng nghe hồn nhạc và lời ca của Lam Phương, đặc biệt sau cái ngày anh bị tình đời ruồng bỏ rồi bị bệnh. Đọc rồi dừng lại hay nghe xong ngẫm nghĩ lại tôi có cảm tưởng như lời ca của anh chậm rãi ứa ra từ những trang nhạc, từ những khoảng trống của dòng nhạc, một cảm giác trầm buồn, một cái gì đó như một nổi tiếc nhớ khôn nguôi. Bởi vì, Lam Phương không viết về tình người nữa. Anh viết về bài học kinh nghiệm làm người đẹp đẽ nhất của mình do tinh đời đắng cay mang lại.

Xin nói thêm mà không sợ mang tiếng ác ý: Có phải vì nguyên nhân đau buồn đó hay cuộc đời nhiêu khê này, hoặc tình đời biết mấy khổ đau kia mà ngày hôm nay chúng ta tiếp tục thừa hưởng toàn bộ cái di sản văn hóa âm nhạc, xuyên qua đó cái bản sắc tinh túy và đầm thấm nhất trong ngôn ngữ và âm thanh âm nhạc của người nghệ sĩ đã làm nên một Lam Phương.

Nếu đứng trước sự lựa chọn để nói lên lòng biết ơn thì những nguyên nhân sâu xa trên đâu có tội tình gì, ngược lại là đằng khác. Có thể nói nó giống như một cuộc chơi kỳ diệu đầy thách thức và lắm khổ đau, một “tác nhân” chính đã biến con người nghệ sĩ trở nên bất tử.

Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937 tại Rạch Giá. Sáng tác nhạc năm 15 tuổi với ca khúc Chiều Thu Ấy là nhạc phẩm đầu tay. Những tác phẩm nổi tiếng như Chuyến Đò Vỹ Tuyến, Kiếp Nghèo, Thành Phố Buồn, Trăm Nhớ Ngàn Thương, Duyên Kiếp, Tình Bơ Vơ, Ngày Tạm Biệt, Nắng Đẹp Miền Nam, Bài Tango Cho Em, Khúc Ca Ngày Mùa, Tình Anh Lính Chiến, Đoàn Người Lữ Thứ, Biển Tình, Lầm, Say, Một Mình

Mất ngày 22/12/2020 tại thành phố Fountain Valley, California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 83 tuổi.

Xin chia buồn với gia đình nhạc sĩ Lam Phương.

Phan Ni Tấn

Nguồn: Trang FB của PNT