Mai Xuân Vỹ
6/1/2018

collins str
Collins Street - Melbourne

Melbourne một ngày tháng giêng. Tháng giêng rộng và hè rộn rã.

Mùa hè đến từ những tàng lá xanh ngăn ngắt. Xanh như chưa từng xanh như thế. Hai hàng sồi trên đường Collins soải cánh rộng vươn cành xanh non che những quán café nép mình hai bên đường. Những người đi làm sớm tay cup café tay iPhone bước vội. Những chuyến métro thản nhiên nhả từng đám người hối hả xuống ga Southern Cross . . .

Giòng Yarra chậm lười, uể oải trôi ngang thành phố giữa mùa hè, giữa những giòng xe hối hả và những con gió lơ đãng làm gợn mặt sông. Gió qua đây như tình cờ, nhưng có lẽ cũng chính là những con gió ấy mấy tháng trước đã từng làm nhăn mặt con sông hiền lành này. Và đã khiến những khách bộ hành trên cây cầu bắc ngang sông phải khép vạt áo sải nhanh vì những ngọn gió quái ác cắt da kia.

Nhưng đó là chuyện của mấy tháng trước. Chuyện của Melbourne những ngày đông giá đáng ghét và những ngọn gió quái ác đáng nguyền rủa. Nắng của những ngày ấy quả rất hiếm hoi. Chúng từng bị những ngọn gió đông quái ác kia xua đuổi mỗi khi rụt rè qua những đám mây nặng mầu xám chì ảm đạm. Giờ đây chúng đã trở về. Hân hoan đầy tràn trên những con phố rộng và thẳng thớm cắt góc vuông vức của Melbourne.

Nắng rất xanh. Tôi đã ngơ ngẩn nhiều lần tự đầu hè vì nắng đã xanh đến thế. Nắng rất xanh và phố cũng xanh theo. Một giêng đầy. Ăm ắp hương sồi và hương đổng thảo. Mùa hè đến. Với nắng tháng giêng thơm.

Mai Khôi hát Nắng Xanh



Hôm nay Melbourne nóng 42 độ bách phân. Hai hàng cây xanh trên đường King thiêm thiếp bằn bặt dưới cái nắng toé lửa của cái thành phố nổi tiếng xấu về khí hậu bất nhất một ngày có đủ bốn mùa ở miền nam bán cầu này. Bạn đã nghe dân Melbournian nhắc nhở du kháck khi họ càu nhàu về cái thời tiết thất thường đáng ghét của cái thành phố này chưa?  "If you want to complain about Melbourne's weather? Just hang on for a minute!"

Chín năm trước, cũng một ngày hè nóng như thế đã thiêu rụi Marysville.

Tôi đóng chặt cửa nhốt cái nóng ấy ở ngoài vườn với cây oak cổ thụ và mấy cây robina xanh mướt lá hè. Chúng đứng thẳng thản nhiên thách thức cái nóng kinh khủng mà mùa hè nào cũng có dăm ba ngày ở Melbourne. Chúng đã quen với cái đỏng đảnh của mọi thời tiết xuân hạ thu đông và an nhiên tĩnh tại với cái khí hậu khắc nghiệt cách nhau 20 độ bách phân chỉ trong vòng mấy phút.

Tôi chẳng hề lo cho chúng. Dĩ nhiên. Và ngày mai tôi sẽ lại ngồi dưới bóng của những tán lá xanh ngăn ngắt kia với ly café thơm. Bây giờ đây tôi để mặc chúng ở ngoài vườn và trốn cái nóng ở trong phòng với máy lạnh mở hết công suất. Với cái nóng này, Melbourne không khác gì Saigon vào những ngày nóng nhất.

Năm năm trước tôi dắt tay Khôi sải nhanh qua vòng xoay qua hồ con rùa cũng với cái nóng như thế này và cô đi như chạy để kịp bước chân tôi và để tránh những dòng xe máy hối hả hung hãn hứa hẹn bất trắc cho những ai lơ đễnh ngó nghiêng. Và cũng để bắt kịp một chiếc taxi vừa trờ tới. Xe lao đi và tôi chỉ kịp ngoái lại nhìn trường Luật cũ của Saigon và chợt nhớ đến Phạm Duy, đến Nguyễn Tất Nhiên trên con đường cây dài bóng mát này: người từ trăm năm, về ngang sông rộng, ta ngoắt mòn tay, trùng trùng gió lộng.

Lúc ấy, tôi đã nén một tiếng thở dài. Tôi không qua sông. Tôi qua một đại dương rộng. Và ngoắt mòn tay một bóng thuyền xa tít mù khơi . . .

H của những ngày xa giờ đã yên bề và chẳng hề trách tôi lấy nửa câu. Nàng an nhiên nhận phần thiệt về mình. Tôi thì thầm cảm ơn nàng về những ngày xanh và những nắng xanh dịu dàng của những năm xưa ấy. Những ngày xanh biêng biếc lá me non sau những cơn mưa chiều Saigon trên đường Gia Long trên đường Nguyễn Du. Những trái dầu xoay tít đáp xuống trên đường Sương Nguyệt Ánh và trên sân thượng nhà tôi mà H thường chọn những trái đẹp nhất cất vào giỏ. Những nắng xanh miên viễn trên con đường Duy Tân ngang qua trường Luật cũ của những Duyên đau khổ ăn năn và những Nguyễn Tất Nhiên lận đận thất tình. Cả những nắng chiều vàng vọt mệt lả của những ngày tôi và nàng ngồi ngắm những chiếc thuyền neo lại qua đêm dưới gầm cầu Thị Nghè.
. . .

Tôi và Khôi đến quán trà Phúc Long ở góc đường Tự Do theo lời dặn của Nguyên Thảo. Quán bé xíu và chật ních những người là người. Tôi nhìn Khôi và bắt gặp cái ánh mắt đồng tình về hiện trạng của quán. Chúng tôi bước qua Ciao trên đường Nguyễn Thiếp và tôi nhắn cho Nguyên Thảo địa điểm mới. Bây giờ đây tôi và Khôi đang cần một ly café thơm sau tô bún bò Gia Hội trên đường Trần Cao Vân mà Khôi đã dẫn tôi tới. Tôi đã gọi café ở đó ngay sau tô bún bò Huế cay xé lưỡi mặc cho lời khuyên can chí tình của Khôi. Để rồi hối hận ghê gớm vì không nghe lời Khôi ngay sau ngụm café đầu tiên ở đó. Ngay lập tức tôi và Khôi vội vã rời quán để tìm một ly café ngon cho vừa với tô bún bò tuyệt vời từ đất thần kinh này. Khi đi ngang hồ con rùa Khôi đã chỉ cho tôi quán café nằm ở ngay góc Trần Cao Vân - Duy Tân mà Khôi và Quốc Bảo đã từng ngồi hằng ngày ở đó một dạo.

Bảo đã viết "Saigon chưa xa đã nhớ" ở đó.  Và Khôi đã cất tiếng hát về những bàn tay còn xanh, về những cơn mưa xanh, xanh như lá, về những ngày Khôi và Bảo -và cả những người Saigon khác nữa- đã tìm đến những nơi quán quen này chỉ để tán gẫu suốt một buổi sáng suốt một buổi chiều trong cái nắng mượt mà của những hàng cây ở đường Duy Tân, ở các quán quen đâu đó trên những con đường ngập nắng xanh của Saigon. Và trên hết, Khôi đã mang cái không khí  "ôm em trong tay mà đã nhớ em những ngày sắp tới" của bài hát vào với những nhịp chậm rãi thong thả của những giọt café Saigon. Ôi! Không nơi đâu trên hành tinh này lại có cái thứ café filtre nhỏ từng giọt đằm đằm sóng sánh như ở Saigon này cả. Bạn hãy tin tôi đi!

Tôi quý Quốc Bảo từ những chuyện nhỏ nhặt như cách Bảo trân trọng những tách espresso cho đến những giọt cuối cùng theo cái cách Chopin trân trọng những giọt đàn. Tôi quý Khôi vì Khôi quá thành thật chẳng tính toán trong cách Khôi tốt với những bạn bè như Lê Cát Trọng Lý như Đồng Lan. Và như buổi sáng này đây, lúc Khôi băng qua đường với áo lất phất gió. Tôi hỏi Khôi kiếm đâu ra cái áo "hay" như vậy. Em tự cắt đấy. Và cười dòn. Tiếng cười tan đi trong nắng. Những bóng lá xanh trên đường Duy Tân phủ trùm khiến chiếc áo trắng Khôi mặc bỗng dưng ngời xanh sắc nắng. Và áo Khôi như đựng đầy gió. Như đựng đầy nắng. Xanh ngần.


Hai ngày trước Khôi đã hát cho tôi hai bài Nắng Xanh, Em Phơi Áo Hoa Bên Thềm Nắng và cả một bài hát cực kỳ khó hát của Chopin với âm vực rộng đúng hai bát độ -đó là một bài Nocturne cung Mi thứ cho dương cầm mà tôi đặt lời- ở studio của Hữu. Và khi băng qua đường Nguyễn Thiếp tôi vẫn cứ nghe bên tai cái giọng thổ pha kim reo vui của Khôi "Em soi áo hoa lên ngày nắng. Em phơi áo hoa bên thềm nắng". Tôi nói "cực kỳ khó" chính xác là ...cực kỳ khó (!) chứ không hề cường điệu chút nào. Bởi đó là một bản đàn với những quãng rất dễ dàng cho các ngón tay trên phím dương cầm của các pianists, nhưng lại là các quãng "chết người" khi được hát bằng thanh quản của con người. Còn một điều nữa, đó là các âm giai chromatic trong bàn đàn. Làm sao giọng người có thể hát nổi những quãng chromatic với các nốt móc ba? Tôi đã phải giản lược những chromatic scales ấy thành vài nốt móc đơn diatonic để Khôi có thể hát.

Bạn nghi ngờ những điều tôi nói ư? Vậy thì bạn cứ thử nghe cái bài Étude số 3 cung Mi trưởng mà Phạm Duy đã đặt lời Việt là "Sầu Chopin" -có trong tập "17 tình khúc bất tử của nhân loại" ấn hành vào những năm rất xưa của Saigon- đi. Rồi bạn đối chiếu nó với nguyên bản cho dương cầm thì sẽ thấy người ta chỉ đặt lời phần A của bản Etude có cấu trúc A-B-A của Chopin mà thôi. Phần B -là một đoạn đầy giông bão xáo động tương phản với phần A êm đềm du dương- với các âm giai chromatic tiêu biểu của Chopin thì người ta chào thua vì chẳng có thanh quản nào của các danh ca trên thế giới có thể hát nổi. Kể cả các ca sĩ opéra kỹ thuật đầy mình.

Ôi! Sửa nhạc của Chopin là một điều phạm thánh. Không ai trên cõi trần gian này có thể sửa một nốt nhạc của Chopin. Ngay chính Chopin cũng rất khó khăn khi sửa nhạc của chính mình. Ta hãy nghe George Sand kể về quá trình sáng tác của Chopin để hiểu Chopin khó khăn với bản thân như thế nào. Chopin đóng cửa phòng khóc cười với với sáu ô nhịp của một bản đàn. Trầm ngâm dập xóa khổ nhọc với sáu ô nhịp ấy suốt ba ngày trời ròng rã. Rốt cuộc quay trở lại với chính những nốt đã viết xuống giấy từ ban đầu. Sự khổ nhọc trong sáng tác này của Chopin hẳn là một điều rất khó hiểu đối với một nghệ sĩ mắn đẻ như George Sand!

. . .

Hè mênh mang. Rộng rãi hào phóng với nắng rất xanh và mây rất cao. Và thật đặc biệt hào phóng với cái nhiệt độ khủng khiếp khiến cư dân Melbourne kinh hãi.

Hai tuần trước, tôi và mấy đồng nghiệp ngồi ở một cái quán ở góc Swanton, Flinders St. Trời hôm ấy rất nóng nhưng chẳng là gì so với hôm nay. Chỉ khoảng 30 độ bách phân.  Federation Square những ngày cận Christmas & New Year với người lớn trẻ em nườm nượp. Tôi ra về sớm và chợt nhận ra phố đầy nhóc mấy anh police căng thẳng lăng xăng và những khuôn mặt hốt hoảng của đám đông khi băng qua đường Swanton để vào ga Flinders. Mãi qua đến sáng hôm sau tôi mới biết là có một kẻ điên nào đó đã cố ý lái xe húc vào đám người bộ hành ở đó. Tôi chợt nhớ đến cái quán café Starbucks trên đường Swanton mà tôi và Đức thường ngồi khi Đức từ Đan Mạch qua Melbourne theo chân Ericsson khi hãng này khai trương Asia Pacific Lab ở Melbourne.


Federation Square và nhà ga Flinders - Photo Đặng Bằng Triển

Đức có mặt trong nhóm các elite programmers của Ericsson ngay tự những ngày đầu với khí thế chinh phục cả thế giới. Đây là "The Formidable Team" của Ericsson, những programmers coding bằng C và Assembly nhanh tự nhiên và dễ dàng như ta viết bằng Anh Ngữ hay tiếng Việt vậy. Quả thật, những mobile phones của Ericsson sản xuất được công nhận là tốt hơn các nhãn hiệu khác vào thời điểm đó. Thế nhưng Ericsson đã thua -và thua rất đậm- trong trận chiến marketing!

Và cũng nhớ đến Triển với những tấm hình bạn chụp trên con phố này.

Hai người bạn của tôi có chung một niềm đam mê: Toán Học. Thú giải trí cuối tuần của Đức là ngồi giải những bài toán khó trên thế giới. Còn Triển, một PhD Pure Maths của ANU, thì thao thức với những vấn đề thường làm đau đầu các nhà toán học. Như phương trình an + bn = cn của Fermat -mà chẳng có nhà toán học vĩ đại nào chứng minh được trong gần 4 thế kỷ- chẳng hạn (*).

Tôi đã nhiều lần hẹn café để Đức và Triển gặp nhau. Thế nhưng hai bạn đã chẳng bao giờ gặp được nhau cả, cho đến khi Đức quay về Đan Mạch với đoàn quân chiến bại của Ericsson. Nói cho ngay, thời gian ấy -khoảng những năm 2000- cả lũ bọn tôi đứa nào cũng mê công việc và ...bon chen (!) để được những chỗ làm tốt lương khá nên thời gian dành cho café trà dư tửu hậu cũng hiếm.

Triển vẫn thế. Vẫn cách tôi năm mươi phút lái xe. Và vẫn mê Schubert hơn Chopin. Nhưng Ericsson đã thua lỗ cuốn gói rời khỏi Melbourne từ lâu. Đức đã quay về Đan Mạch. Starbucks cũng ngậm ngùi đóng cửa vì dân Melbourne đã tỏ ra lạnh nhạt với vị Starbucks .Quả có thế, Hudson của Melbourne đậm vị hơn Starbucks. Và đặc biệt Hudson có một thứ cà phê sữa đá hơi giống café đá xay của Saigon. Có lẽ khẩu vị của các Melbournian giống khẩu vị cà phê của người Saigon chăng?

À mà không. Tôi quên. Starbucks đã nỗ lực quay lại Melbourne cách đây 4 năm. Và trở lại trên chính con đường Swanton này tuy không ở vị trí cũ. Bây giờ nó ở một vị trí xem ra còn tốt hơn trước: ngay ga Central. Nhưng mà Đức thì vẫn biền biệt bặt tăm vì Ericsson sau cú thua đậm ấy đã không bao giờ quay trở lại nữa!

. . .

Một ngày hè. Một giêng đầy. Một phố vui. Và nắng xanh biêng biếc. Tôi tiếc đã không bước ra vườn nổi để được đằm mình trong cái mầu xanh ngăn ngắt kia bởi cái nóng 42 độ khủng khiếp này. Nhưng hề gì. Tôi vẫn còn một giêng đầy trước mặt. Đầy ăm ắp và tươm tràn nắng xanh. Đầy hơn cả cái hâm hấp oi ả lúc Melbourne chợt trở chứng đột ngột chừng như chỉ để nhắc cho người ta nhớ đến nó.

Mùa hè vẫn còn đó. Đầy tràn. Và tôi hẹn với cây oak già cỗi trầm ngâm, với hàng hiên nắng, với cây robina xanh mướt lá hè kia một ly café thơm vào ngày mai. Café thơm và nắng xanh. Không. Phải là café thơm với nắng xanh kia.

 

 

(*)

ANU: Australian National University ở Canberra.

Người ta viết hoa hai chữ Last Theorem để chỉ định lý an + bn = cn của Fermat.

Pierre Fermat là luật sư và cũng là nhà toán học người Pháp. Sinh sau Monteverdi khoảng 30 năm. Và khi Fermat chết thì Bach chưa ra đời. Nghĩa là lúc Fermat cho ra đời những công trình toán học làm nền tảng cho những phát minh sau này của Leibnitz và Newton thì  nền âm nhạc cổ điển tây phương kể như chưa có gì cả. Nhạc cổ điển mà ta nghe bây giờ chỉ thực sự bắt đầu với Bach.

Người ta tìm thấy phương trình trên của ông khoảng vài chục năm sau khi ông mất trong những di cảo để lại. Fermat nói là đã chứng minh xong nhưng chẳng ai tìm thấy các chứng minh ấy cả. Nhiều nhà toán học -trong đó có cả Gauss- nghi ngờ điều này! Mãi đến năm 1994 Wiles mới chứng minh được Last Theorem trên của Fermat.

Tôi biết được những điều lý thú trên là từ hai bạn tôi trong những lần café loanh quanh những con phố nắng ở Melbourne.

 


Mai Xuân Vỹ
6/1/2018

Bình luận

Đăng Nhập/Xuất