Tuấn Thảo
2/1/2016



Lúc sinh tiền, Frank Sinatra từng được mệnh danh là ''The Voice’’. Thế nhưng cái biệt danh ‘’Giọng Ca’’ độc nhất vô nhị ấy không phải do giới báo chí trao tặng mà là do ông bầu George Evans sáng chế ra để tiếp thị quảng cáo, để đánh bóng thương hiệu của gà nhà. Đó là nhận xét của nhà phê bình James Kaplan trong quyển sách đề tựa '‘Frank : The Making of a Legend’’ (Đằng sau huyền thoại Frank Sinatra).

Năm 2015 đánh dấu 100 năm ngày sinh của Frank Sinatra (12 tháng 12 năm 1915) cũng như của Édith Piaf (19 tháng 12 năm 1915). Édith Piaf qua đời rất sớm vào năm 1963 ở tuổi 47. Frank Sinatra thì sống lâu hơn nhiều, ông qua đời vào năm 1998, hưởng thọ 83 tuổi. Điểm chung của hai nhân vật huyền thoại này là cuộc đời cũng như sự nghiệp của họ đã gặp nhiều trắc trở sóng gió. Trong trường hợp của Frank Sinatra, Giọng ca vàng đã nhiều lần chạm đáy.

Ngai vàng lung lay : lần đầu chạm đáy

Lần chạm đáy thứ nhất là vào năm 1952 (năm ông 37 tuổi). Khởi nghiệp ca hát vào năm 1939 ban đầu với dàn nhạc của Harry James, rồi sau đó là với dàn nhạc của Tommy Dorsey, Frank Sinatra sau hơn 10 năm thành công bắt đầu xuống dốc dữ dội. Ông bầu George Evans đột ngột qua đời vì chứng đau tim, show ca nhạc truyền hình sau hai năm phát sóng rốt cuộc bị hủy bỏ vì không ăn khách. Theo nhà phê bình Ean Wood, tác giả của quyển sách ‘’Born To Swing’’, giọng ca Frank Sinatra vào lúc ấy coi như đã lỗi thời.

Hơn một thập niên trước hiện tượng Beatlemania, từng có phong trào sùng bái Giọng ca vàng gọi là Sinatramania. Hai ngàn câu lạc bộ người hâm mộ, đại đa số thính giả là phái nữ giúp cho Frank Sinatra trở nên giọng ca số 1 trong làng ca nhạc giải trí, một cõi làm vua, tung hoành ngự trị.

Tuy nhiên vào năm 1951, Frank Sinatra lại mất hợp đồng ghi âm với hãng đĩa Columbia sau khi buộc phải hủy nhiều buổi biểu diễn, giọng ca bị tắt tiếng vì chứng xuất huyết dây thanh. Ông buồn rầu đến mức sinh bệnh, suốt ngày chầu chực bên điện thoại, mà không ai thèm gọi. Về mặt tài chính, ông coi như đã sạt nghiệp, trong tất cả các buổi biểu diễn sau đó, ông "chạy show" chủ yếu chỉ để trả nợ. Tuyệt vọng chán nản, ông tìm cách tự tử nhưng cũng may là không thành. Điều đó khiến cho Frank Sinatra phải than thở : ngay cả chuyện tự tử mà tôi còn thất bại.

Cuồng phong tình si : chạm đáy lần nhì

Cuộc sống riêng tư của Frank Sinatra cũng không hạnh phúc, an nhàn hơn. Dù đã lập gia đình và có ba con, ông ly dị người vợ đầu khi có quan hệ ngoại tình với thần tượng điện ảnh Ava Gardner. Viện phim ảnh Mỹ từng bình chọn ngôi sao màn bạc vào danh sách 10 phụ nữ đẹp nhất hành tinh. Nhắc tới vẻ đẹp kiêu sa tới mức kinh hồn của Ava Gardner, nhà báo Peter Evans nhận xét rằng : Giai nhân chân trần đẹp một cách sắc sảo đến mức ‘’tàn nhẫn’’, an nhàn tựa lưng nhìn thế giới bùng cháy, nhìn bao gả đàn ông bốc lửa vì mình.

Thế nhưng Ava Gardner nổi tiếng là một người đàn bà bất trị. Mối tình sóng gió với Frank Sinatra trong sáu năm (1951-1957) là một quan hệ đầy phong ba bão táp, với những trận đấu khẩu mắng mỏ ngay giữa chốn công chúng, những trận cãi vã lôi đình mà ngay cả cặp vợ chồng Liz Taylor và Richard Burton, nổi tiếng là không vừa gì, cũng phải chịu thua, lắc đầu bái phục.

Mối tình của họ chiếm trang đầu các tờ báo Mỹ thời bấy giờ. Một khi trở thành mục tiêu săn lùng của paparazzi, báo chí sau đó lại luôn chạy tin giật gân về quan hệ mờ ám giữa Frank Sinatra với các băng đảng mafia, trong đó có những tin từng được cơ quan FBI kiểm chứng, nhưng đa phần là do đồn thổi.

Frank Sinatra chạm đáy lần thứ nhì và chỉ khi nào ông lật qua trang tình sử với Ava Gardner, thì lúc đó ông mới có đủ tâm trí và nghị lực để dồn sức vào công việc, từng bước chinh phục lại ngôi vị crooner hàng đầu, vốn bị bỏ trống trong vòng nhiều năm trời. Sự nghiệp ca hát của Frank Sinatra có dấu hiệu khởi sắc trở lại sau cuộc hành trình băng qua sa mạc. Không phải ngẫu nhiên mà vào năm 1956, khi phát hành album mới Frank Sinatra mới lấy lại danh hiệu The Voice đặt tựa cho đĩa hát của mình.

Theo nhà phê bình Terry Teachout, trong giai đoạn này, Frank Sinatra đã dần dần dấn thân nhiều hơn vào các hoạt động công ích, biểu diễn gây quỹ giúp đỡ trẻ em gia đình nghèo và nhất là ủng hộ phong trào đấu tranh đòi quyền công dân cho người Mỹ da đen. Frank Sinatra là ca sĩ da trắng duy nhất khi hát bài Ol’ Man River (trích từ vở ca nhạc kịch Show Boat) khiến cho mục sư Martin Luther King phải bật khóc.

Sự nghiệp cinema : chạm đáy lần thứ ba

Ngoài sự nghiệp ca hát, Frank Sinatra còn là một diễn viên điện ảnh. Bằng chứng là ông đã đóng khoảng 60 bộ phim, tức là tương đương với 60 album mà ông đã từng ghi âm trong đời. Theo nhà phê bình Daniel O’Brien, nhờ vào sự quen biết rộng rãi của Ava Gardner mà từ những năm 1950 trở đi, Frank Sinatra có được những vai diễn xứng đáng hơn, trong đó có vai diễn để đời trong bộ phim "From Here to Eternity" (của đạo diễn Fred Zinnemann) với các ngôi sao màn bạc Deborah Kerr, Burt Lancaster và Montgomery Clift trong vai chính.

Tuy nhiên ngoại trừ một giải Oscar dành cho một vai phụ và hai giải thành tựu sự nghiệp, Frank Sinatra thật ra lại không được Hollywood trọng dụng cho lắm. Người ta giao cho ông những vai chính trong phim ca nhạc, phim cao bồi hay phim thương mại, chứ ít tạo cơ hội cho ông đóng các vai quan trọng trong thể loại chính kịch, với kịch bản thâm thúy và nhân vật có chiều sâu tâm lý.

Sau thất bại của bộ phim Lady in Cement (phát hành vào năm 1968), Frank Sinatra vào năm 53 tuổi không còn muốn tiếp tục đóng phim. Trong thâm tâm, Frank Sinatra ý thức được rằng vầng hào quang trong làng điện ảnh có lẽ sẽ không bao giờ ngời sáng bằng sự nghiệp ca hát.

Sân khấu nay giã từ : chạm đáy lần thứ tư

Họa vô đơn chí : sau khi ba bộ phim cuối cùng của ông không ăn khách, Frank Sinatra hy vọng gỡ gạc lại canh bạc, bằng cách đầu tư vào dự án âm nhạc mang tựa đề Watertown. Tuy nhiên, vào năm 1970, một lần nữa ông lại thua sạch trong ván bài âm nhạc. Album này (thuộc thể loại album concept) tuy được giới phê bình đánh giá tích cực, nhưng khái niệm xuyên suốt vẫn còn mới so với lớp khán giả hâm mộ ông.

Rốt cuộc, chỉ có 30.000 ngàn bản của tập nhạc Watertown được bán trong vòng một năm. Đối với một giọng ca mà số bán thường đạt tới hàng triệu bản, thất bại nặng nề này là một cái tát tai bất ngờ khiến cho Frank Sinatra chạm đáy lần thứ tư, kể từ nay Giọng ca vàng không thể đấu lại với những ngôi sao mới xuất thân từ làng nhạc pop rock ….

Những yếu tố có thể giải thích vì sao Frank Sinatra tuyên bố giải nghệ vào năm 1971. Đợt biểu diễn của ông bao gồm 11 bài hát mà ông cho là kinh điển, tiêu biểu nhất cho sự nghiệp của mình, một cách để tạ ơn cuộc đời, giã từ sân khấu trong lúc sự nghiệp của ông đang lóe lên những ánh hào quang cuối cùng. Nhưng thực tế sau đó cho thấy là không phải vậy. Điều mà chúng ta sẽ tìm hiểu thêm trong chương trình kỳ sau để xem liệu Frank Sinatra có còn xứng đáng với danh hiệu The Voice …..


Tuấn Thảo

Nguồn: http://vi.rfi.fr/van-hoa/20160102-chuyen-that-dang-sau-huyen-thoai-frank-sinatra

Bình luận

Đăng Nhập/Xuất