Nguyễn Phương
20.6.2011

Tôi rất buồn khi viết về những mảnh đời nghệ sĩ xác xơ đói kém sống đằng sau cảnh cung điện vàng son của sân khấu. Cuộc sống của nghệ sĩ thì cũng giống như cuộc sống của người dân bình thường trong xã hội, cũng có người giàu kẻ nghèo nhưng trong giới nghệ sĩ thì sự giàu nghèo cách biệt nhau khá xa.

Tôi nhiều lần về thăm quê hương và lần nào tôi cũng đến thăm Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ, Chùa Nghệ Sĩ, Nghĩa Trang Nghệ Sĩ, Viện Dưỡng Lão Nghệ Sĩ, đi thăm tặng tiền và quà cho nhiều bạn nghệ sĩ nghèo yếu neo đơn không được chánh phủ hay các tổ chức từ thiện nào giúp đỡ.

Tôi đã đi viếng năm xóm nghệ sĩ hay ngôi nhà chung của các nghệ sĩ quá nghèo nhưng lại giàu lòng yêu nghề hát.

Xóm nghệ sĩ thứ nhứt là đình Cầu Quan ở kế bên rạp hát Thành Xương ngày xưa. Trong xóm nghệ sĩ đình Cầu Quan ngày trước có đoàn hát Vĩnh Xuân Ban của bầu Thắng. Các con cháu thế hệ thứ nhứt của bà bầu Thắng gồm có: Minh Tơ, Khánh Hồng, Đức Phú, Thành Tôn, Bảy Sự, Huỳnh Mai, Năm Bửu... và đến thế hệ thứ hai là: Xuân Yến, Hữu Cảnh, Thanh Tòng, Thanh Loan, Trường Sơn, Công Minh, Minh Tâm, Bạch Lê, Bạch Lựu, Bạch Long... Tất cả các nghệ sĩ này đều xem đình Cầu Quan là ngôi nhà chung, là nơi đã cưu mang biết bao thế hệ nghệ sĩ sống bằng nghề hát.

Xóm nghệ sĩ thứ hai là đình Cầu Muối ở quận 1. Cũng như đình Cầu Quan, ở đình Cầu Muối hằng đêm cũng có một sân khấu với những xuất diễn của nhiều đào kép trứ danh. Nơi đây cũng đã sản sinh ra đoàn hát tuồng cổ Huỳnh Long, một đoàn hát đại ban ăn khách liên tục không dưới ba mươi năm. Ngày nay, đoàn Huỳnh Long đã rã gánh, nghệ sĩ trôi dạt tứ phương, chỉ một số nghệ sĩ nghèo vẫn còn nương náu nơi đình Cầu Muối hy vọng được dự những buổi hát chầu hoặc giúp lo các việc như trang phục, dàn cảnh hoặc đóng các vai phụ trong bất cứ những suất hát nào mà chủ bầu show cần đến.

Xóm nghệ sĩ thứ ba là Nghĩa Địa Nghệ Sĩ. Chẳng hiểu vì sao lại có cái tên nghe ớn lạnh đến như vậy. Đó là một khoảnh đất với vài ngôi mộ mà chủ nhân là những đào kép hát ngày xưa, nằm trên đường Âu Dương Lân, quận 8, cách viện Dưỡng Lão Nghệ Sĩ vài trăm thước. Nơi đây có hơn 10 gia đình nghệ sĩ đang sinh sống. Họ là con em nghệ sĩ được sanh ra, và lớn lên bên cánh gà sân khấu. Họ cũng từng đi hát đình, hát chợ, phụ diễn trong các show video hoặc là diễn viên trong các phim do các hãng phim Việt Nam sản xuất.

Xóm nghệ sĩ thứ tư là đình Cầu Chữ Y, nơi có người nghệ sĩ nổi tiếng Văn Ngà, gia đình nữ nghệ sĩ Bé Hoàng Vân, gia đình nghệ sĩ Kim Hương, Kim Phụng, Minh Tấn, nhạc sĩ Út Trong, Năm Địa, Sáu Thợ mộc chuyên viên đóng cảnh trí cho đoàn Thanh Minh.

Xóm nghệ sĩ thứ năm là Cầu Bông Dakao. Đây là xóm nghệ sĩ của đoàn Phước Chung gồm nhiều gia đình nghệ sĩ đã nhiều năm hát cho đoàn Việt Kịch Năm Châu, đoàn Phước Chung. Hiện nay vẫn còn nhiều gia đình sống ở đây, chưa dời đi nơi khác dù đã có lệnh giải tỏa của Ủy ban Thành phố.

Tôi xin giới thiệu hoàn cảnh đáng thương của vài nghệ sĩ vang bóng một thời nhưng hiện nay phải sống trong cảnh thiếu thốn tối tăm.

Lòng tự trọng của một ông bầu - kép chánh thất cơ lỡ vận

Nhân dịp Tết, cháu Ngọc Anh, chủ trang web cailuongvietnam, và soạn giả Kiên Giang đưa tôi đến rạp hát Hưng Đạo xem tuồng "Song Kiếm Uyên Ương" một tuồng hát ăn khách nhứt của đoàn Huỳnh Long trong thập niên 80.

Tôi bước vào hậu trường để viếng thăm các nghệ sĩ đàn em, đàn cháu mà tôi từng quen biết trước khi đi định cư ở Canada. Hậu trường rạp Hưng Đạo có hai phòng để nghệ sĩ hóa trang. Phòng lớn có trang bị một tấm kính lớn áp sát vách phòng, một bàn dài kê sát tấm kính đó và nhiều ghế để nghệ sĩ ngồi hóa trang. Bước vô hậu trường sân khấu Hưng Đạo, phải đi dọc theo tấm phông lớn trước bàn thờ Tổ, qua bên kia cánh gà mới đến phòng hóa trang của nghệ sĩ. Ngay nơi cửa vô phòng là chỗ ở của "Ban đồ hội", tức nơi để nghệ sĩ thay đổi y phục hát trong đêm diễn đó. Phòng hóa trang lớn này dành cho các nghệ sĩ ngôi sao, nghệ sĩ đóng các vai đào kép chánh, và đây cũng là phòng để tiếp khách, khán giả ái mộ kép, đào ngôi sao. Một phòng hóa trang khác ở trên gác của hậu trường sân khấu. Phòng hóa trang này dành cho các nghệ sĩ dàn bao, các đào kép phụ, các em vệ sĩ vũ nữ hóa trang. Tuy không có văn bản quy định nhưng tất cả các nghệ sĩ ở các đoàn hát đều tuân thủ theo cách sắp xếp phòng hóa trang như vậy.

Tôi vào phòng hóa trang lớn, thăm hỏi và chụp hình chung với nữ nghệ sĩ Phượng Hằng, nghệ sĩ Châu Thanh, xong tôi lên phòng hóa trang trên gác gặp các nghệ sĩ dàn bao.

Tôi vừa xô cửa bước vào, mọi người nhìn ra, la lên, mừng rỡ: Kìa Bác Phương! Chú Phương... Thầy Phương... Thầy về hồi nào...

Tôi đưa hai tay lên, chào chung mọi người: Tôi về độ hơn mười ngày rồi nhưng phải về quê viếng mộ cha mẹ, thăm bà con nên mới đến thăm anh em hơi trễ một chút...

Các em vệ sĩ, vũ nữ, nghệ sĩ dàn bao: Năm mới chúc mừng thầy được may mắn, đầy đủ sức khỏe... Mỗi người chúc tôi một câu vui vẻ, ồn ào trong phòng hóa trang, tôi tặng cho mỗi em, mỗi cháu một bao lì xì: Cám ơn, cám ơn những lời chúc Tết, mừng tuổi, tôi tặng mỗi em một bao lì xì, mỗi bao một trăm ngàn đồng... Tôi cũng cầu chúc cho các em các cháu làm ăn phát đạt...

Mọi người đều mừng rỡ quá sự tưởng tượng của tôi. Tôi chỉ đổi 200 đô Canada, được hơn ba triệu bốn trăm ngàn đồng, hai trăm đô-la mà đem lại được niềm vui và an ủi cho những ba mươi bốn con người nghệ sĩ bần khổ. Ngày trước, những năm 1980-1984, tôi là phó đoàn phụ trách nghệ thuật sân khấu của đoàn Huỳnh Long nên tôi có nhiều năm làm việc chung với các nghệ sĩ hát tuồng cổ Huỳnh Long, nghệ sĩ hát hồ quảng. Các em các cháu nghệ sĩ dàn bao cho tôi biết mỗi suất hát, các em đóng vai quân sĩ, tì nữ nhận được từ 50.000 đồng đến 70.000 một suất. Các nghệ sĩ dàn bao, có hát bẩm báo vài câu hoặc ca một vài bài bản thì nhận được mỗi suất từ 80.000 đến 120.000 đồng.

Những nghệ sĩ hát một trích đoạn tuồng (như lớp Bao Công Vô Lò Gạch, Xử Án Bàng Quí Phi) thì nhận được từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng... Vì vậy bao lì xì cho mỗi em mỗi cháu vệ sĩ vũ nữ bằng với số lương hoặc hai lần nhiều hơn cachet lãnh mỗi suất của các em.

Mọi nghệ sĩ đều vui vẻ, tíu tít hỏi chuyện và chúc mừng tôi, chỉ có một nghệ sĩ già ốm yếu, ngồi ở một góc phòng chăm chú gắn râu, hóa trang mặt, anh ta dường như không để ý đến sự hiện diện của tôi. Tôi bước lại gần, vỗ vai, anh ta ngước lên nhìn tôi, tôi kêu lên ngạc nhiên: Điền Phong? Phải em là nghệ sĩ Điền Phong không? (Điền Phong nhẹ gật đầu, cúi nhìn xuống đất). Tôi tiếp: Đúng là Điền Phong rồi nhưng em bệnh gì mà ốm dữ vậy? Trước đây em từng đóng vai vua, võ tướng hát ngang hàng với Đức Lợi, có khi thay vai của Đức Lợi trong tuồng Lá Chắn Biên Thùy, tuồng Tình Sử A Nàng, tuồng Thiên Phúc Hoàng Đế, tuồng Tấm Cám...

- Thầy... thầy còn nhớ à?

- Nhớ chớ... Tôi tập tuồng cho mấy em... Cùng ở chung một đoàn hát, ăn cơm hội chung, đi xe đò chung, ăn ở trong rạp hát, dưới hầm sân khấu với nhau, làm sao mà quên cho được? Hồi đó em to con, lớn tướng, cân nặng ít nhứt cũng trên sáu mươi ký nên đóng vai vua, võ tướng hay tướng cướp rất oai phong. So với Đức Lợi, em chỉ thua sút giọng ca thôi, chớ bộ võ, điệu bộ hát cũng oai vệ lắm...

- Cám ơn thầy... bây giờ em cân chỉ còn độ bốn chục ký thôi, hết hơi hám, chân tay quờ quạng chớ không múa được bộ võ như hồi trước... Thầy về nước, khi nào thầy sẽ trở về bển?

- Sau khi em hết tuồng, anh em mình đi vô Chợ Lớn kiếm mì cháo gì đó ăn tối để có thì giờ tâm sự với nhau, rồi em theo tôi về cho biết nhà của tôi, sáng mai em trở lại kiếm tôi nhe... (Tôi thấy Điền Phong do dự, tôi nói thêm) Đừng lo, anh sẽ biếu em một số tiền, em có dư để đi xe về tới nhà sau khi đến nhà anh mà...

Điền Phong không nói gì thêm, hai tay nắm lấy bàn tay tôi lắc lắc thật lâu... "Cám ơn thầy... cám ơn anh"!

Tôi biết Đình Phong tự trọng nên gặp tôi anh không tỏ vẻ mừng rỡ vồn vã như các em vệ sĩ vũ nữ. Trước đây anh từng là kép chánh, có một thời gian anh làm bầu gánh hát, bây giờ Điền Phong chỉ là một kép dàn bao, lương thấp, mà nơi làm tuồng cũng là nơi dành cho các em vệ sĩ, vũ nữ, gặp lại người quen cũ, anh có vẻ ngỡ ngàng.

Đêm đó, tôi và Điền Phong đi ăn tối, Điền Phong kể cho tôi nghe về cuộc đời mà anh tự nhận là đã lên voi xuống chó trong hơn mười lăm năm qua...

Năm 1989, khi tôi đi định cư ở Canada, Điền Phong vẫn còn là kép chánh của đoàn hát tuồng cổ Huỳnh Long. Lúc đó nhà nước và các cơ quan, đoàn thể, các hãng quốc doanh chấm dứt tình trạng lương bao cấp, bãi bỏ chế độ bán nhu yếu phẩm hằng tháng cho công nhân viên, các đoàn hát phát lương cho nghệ sĩ theo tài năng và nhu cầu của đoàn hát nên nghệ sĩ lãnh được số lương khá hơn những năm 1976-1979... Thời gian này vì đoàn Huỳnh Long bị "tập thể hóa", quyền làm chủ từ tay bà bầu Bảy Huỳnh (tức bà Ngọc Hương, thân mẫu của Bạch Mai, Thanh Bạch) phải trao cho ông trưởng đoàn, cán bộ của Sở Văn Hóa Thông Tin phái xuống, nên các nghệ sĩ thuộc gia đình của ông bầu Huỳnh đều rời gánh hát Huỳnh Long. Đức Lợi, Bạch Mai, Thanh Bạch, Bạch Lê, Kim Phượng, Bạch Lan, Minh Long, Hữu Huệ đều bỏ chạy về các tỉnh để theo đoàn hát ở tỉnh. Các nghệ sĩ của đoàn Huỳnh Long và Minh Tơ về tỉnh Sông Bé-Bình Dương đông nhất.

Ông Hoàng Nở, cán bộ trưởng đoàn Huỳnh Long, phải nhờ hai nghệ sĩ Châu Thành Hoàng và Điền Phong hát thế các vai chánh trong các tuồng của đoàn trong khi chờ tập tuồng các vai mới cho những nghệ sĩ trẻ Vũ Linh, Kim Tử Long...

Châu Thành Hoàng và Điền Phong là hai nghệ sĩ thuộc rất nhiều tuồng của đoàn và nhiều vai của các nghệ sĩ khác nên khi cần đóng thế vai của nghệ sĩ nào bị bệnh bất ngờ thì Châu Thành Hoàng hay Điền Phong đều có thể thế vai một cách đàng hoàng, bảo đảm không hư đêm hát. Nghệ sĩ Điền Phong trắng trẻo, cao lớn, đẹp trai hơn Châu Thành Hoàng nên hầu hết các vai tuồng chánh của Đức Lợi, Thanh Bạch khi vắng mặt bất ngờ thì Điền Phong thế vai. Các vai dàn bao thì Châu Thành Hoàng bao sân.

Năm 1996, sân khấu thành phố mất dần khán giả, đoàn Huỳnh Long ngưng hoạt động, nghệ sĩ Điền Phong gia nhập đoàn hát An Giang-Khánh Hồng, hát với các nghệ sĩ tuồng cổ Minh Tơ và Huỳnh Long từ Sài Gòn về. Khi nghệ sĩ kiêm bầu gánh Khánh Hồng mất, đoàn An Giang-Khánh Hồng không người lèo lái, có thể bị rã gánh, Điền Phong vay nợ đứng ra làm bầu thay cho ông Khánh Hồng để đoàn hát tiếp tục hoạt động cho các nghệ sĩ của đoàn An Giang-Khánh Hồng có thể kiếm sống bằng chính nghề hát trên sân khấu.

Là nghệ sĩ nên ông bầu Điền Phong rất thông cảm với nghệ sĩ, rộng rãi trong việc chi tiêu lương phạn cho nghệ sĩ và dám chịu tốn tiền cho việc dàn cảnh, may trang phục hát, chi phí dàn dựng tuồng. Chi phí đó quá cao mà số thu càng lúc càng ít đi vì tình hình sa sút chung của sân khấu cải lương, Điền Phong muốn giữ cho đoàn hát hoạt động, anh phải đi vay nợ lãi cao. Gánh hát thu không đủ chi nên nợ ngày càng chồng chất đến độ anh phải bán nhà để trả nợ. Nhà bị bán đi, phải ở nhà thuê, vợ chồng chia tay. Điền Phong cố nắm níu việc lập đoàn hát, từ đoàn hát lớn trở thành đoàn hát nhỏ, nợ không trả được, gánh hát nhỏ cũng rã luôn, anh thành tay trắng, mất nhà, mất vợ.

Ngày mà ông Hoàng Nở, trưởng đoàn Huỳnh Long, mất, Điền Phong biết tin nhưng không có xu nào trong túi, tiền đi xe ôm đến chỗ tang lễ cũng phải hết 20.000 đồng, tiền để bao thơ phúng điếu ít nhất cũng 20.000 đồng... Anh chạy đi vay, hỏi mượn cùng khắp mà chẳng được đồng nào, đành trở về phòng ôm mặt khóc thay cho nén nhang đưa tiễn người trưởng đoàn tốt bụng ngày xưa...

Tôi chờ hai ngày mà không thấy Điền Phong đến nhà tôi như đã hẹn sau đêm hát, tôi nhờ Ngọc Anh dẫn đến nơi anh ở trong một con hẻm vòng vèo ở khu chợ Cầu Muối. Căn nhà cũ kỹ, dơ bẩn, nhiều tầng, khi tôi bước vô cửa, đi qua các tầng gác, tôi thấy nhiều con chuột lớn bằng bắp chân chạy qua chạy lại. Điền Phong ở trên tầng cao nhất, trong một căn phòng chỉ độ 6 thước vuông, muốn đi vào phòng của Điền Phong phải đi xuyên qua một phòng của người khác mướn phía trước. Vách ngăn hai phòng chỉ là một tấm vải hoa nhàu cũ.

Tôi gặp Điền Phong đang ngồi thừ người như đang ngồi thiền. Tôi vỗ vai, anh giựt mình, nhìn tôi: Trời tôi ở trong cái hốc bà tó như vầy mà thầy cũng kiếm tôi được!

- Hôm qua Điền Phong hẹn tới thăm tôi. Tôi đã hẹn Kiên Giang, Ngọc Anh, Huỳnh Công Minh, Tú Trinh, Thanh Thế để cùng với Điền Phong đi Thủ Đức, vợ chồng tôi đãi các bạn ăn tôm càng xanh, cua gạch, nhậu bia Heineken, mình có thì giờ tâm sự, nhắc lại những ngày vui buồn chung sống trong gánh hát thời hoàng kim của cải lương. Điền Phong không đến, chúng tôi chờ đên 12 giờ trưa mới đi, anh em nhắc Điền Phong hoài!

Điền Phong ngập ngừng: Tôi... tôi xin lỗi... tôi ngại quá, không có một bộ quần áo nào cho ra hồn, thêm nữa... tiền xe ôm từ chỗ tôi ở tới nhà thầy, rẻ nhứt cũng 25.000 đồng, bằng giá tiền một ngày cơm nên tôi đành chịu thất hẹn...

- Hôm qua tôi mới đưa cho Điền Phong 500.000 đồng...

- Dạ phải, nhưng tiền phòng này và điện nước một tháng 600.000 đồng mà cachet của tôi chỉ có 150.000 đồng, mỗi tháng chỉ hát được một suất... Tôi phải dành tiền thầy cho để trả tiền nhà... Xin lỗi thầy... Tôi thành thật xin lỗi...

- Không cần xin lỗi, em đâu có lỗi gì?... Ngoài tiền cachet hát, em làm sao kiếm thêm được tiền để trả tiền phòng, tiền ăn? Tiền thuốc men khi bệnh hoạn?

- Thì lúc khỏe, tôi đến các cơ sở may y phục hát của chị em Kim Phượng, Bạch Nga kiếm việc làm. Khi đi hát chầu thì làm vai gì cũng được, tôi không đòi hỏi phải được làm vai vua hay tướng võ như hồi xưa... Hát để đỡ nhớ nghề, để kiếm cơm... Nói nào ngay, tôi nhờ mấy chị em Kim Phượng, Bạch Nga, Bạch Lan nhiều... hồi bà Bầu (tức bà Bảy má của Bạch Mai) còn sinh tiền, bà là bà bầu đoàn Huỳnh Long, bà thương người và hay làm phước. Khi gánh hát bị "tập thể hóa", bà trắng tay nhưng vẫn không bỏ nghề, bà chịu đựng và vẫn giúp các nghệ sĩ đàn em đàn cháu. Có lẽ nhờ vậy mà Tổ nghiệp giúp cho gia đình con cháu của bà, nên Kim Phượng, Bạch Nga, Bạch Lan đều phát đạt trong nghề may phục trang sân khấu. Chị Hồng Sáp cũng như tôi, nhờ Kim Phượng nhiều lắm. (Ngưng một chút, Điền Phong hỏi tôi) Thầy kiếm tôi... chắc có việc gì cần tôi làm?

- Không! Tôi thấy em không đến nhà tôi, tôi tưởng em bệnh nên kiếm thăm... Hồi trước ở chung một gánh hát, mỗi lần đoàn di chuyển, em thường giúp tôi đưa rương và ghế bố của tôi ra xe... Khi đến rạp hát, em kiếm chỗ tốt, thoáng mát để tôi ở... Em siêng năng, tận tụy học nghề hát nên tôi thích em, nhớ mà kiếm thăm thôi.

- Cám ơn thầy nhiều...

- Nè, biếu em thêm ba trăm ngàn để em thu xếp việc của em... Ở xứ người, tôi cũng không có làm việc gì ra tiền, 90 tuổi rồi... tôi sống nhờ tiền trợ cấp người già của chánh phủ Canada, mỗi tháng hai vợ chồng già tiện tặng, dư vài trăm đô, để dành vài năm, về thăm quê hương, có chút đỉnh giúp lại các bạn nghệ sĩ của mình vậy thôi... Ờ, tại sao hồi trước hát hồ quảng hay hát cải lương ăn khách lắm mà... Tôi xa quê hương gần hai chục năm nên không hiểu vì sao cái nghề hát cải lương, hồ quảng của mình lâm vào cửa tử như vậy...

- Thì thầy nghĩ coi... không có tuồng mới, tuồng nào cũng chống địa chủ phong kiến hay hát các trích đoạn cũ, lại không có rạp hát để diễn, hát ở Đầm Sen hay các tụ điểm văn hóa thì phải hát trích đoạn chớ đâu có nguyên tuồng... Bây giờ có nhiều ngành giải trí, thanh niên họ thích xem kịch, nghe ca nhạc, chỗ hát không có chỗ để gởi xe, chỉ có thanh niên là họ còn mạnh dạng, đi chỗ này chỗ nọ, người lớn tuổi người ta ngại ra đường, đó là chưa kể mỗi khi có mưa thì nhiều con đường bị ngập lụt như những con sông. Người ta còn phải ở nhà để tát nước, lau nhà lau bàn ghế khi nước rút...

- Thôi, ghé thăm em một chút, tôi và Ngọc Anh qua bên Viện Dưỡng Lão Nghệ Sĩ thăm các bạn khác...

Tôi và Ngọc Anh từ giã Điền Phong ra về. Không biết nói gì thêm để an ủi người nghệ sĩ già yếu, neo đơn, đang gặp cái hồi sân khấu xuống dốc. Ngọc Anh móc túi lấy bài thơ nói về Đời Nghệ Sĩ, trao cho tôi.

- Đây, bác Phương đọc đi, bài thơ Đời Nghệ Sĩ, cháu không biết tác giả là ai, chép để khi nào rảnh, đọc đi đọc lại cho nó thấm cái buồn để mà âm thầm chia sẻ nỗi khổ của các bạn nghệ sĩ về chiều.

Tôi cầm bài thơ, xuống đến trước cửa ra đường, nói: Ngọc Anh đi lấy xe, tôi đọc bài thơ này xem sao...

Đời Nghệ Sĩ

Trên chiếc chỏng tre ọp ẹp gãy một chân
Kẻ từng xưng Vương giữa hào quang son phấn
Làm thiếu nữ mê hồn, làm đàn bà lận đận
Giọng ca mùi lấp lánh một ngôi sao
Bây giờ nằm co - bao tử réo cồn cào
Anh nằm ngủ như một người dân dã

Sau cánh gà - cuộc đời thôi phép lạ
Công chúa kia bán thuốc lá bên đường
Hoàng hậu này cằn khô bầu sữa
Dỗ dành con ru khàn giọng cải lương.

Đâu rồi những tiếng hô dõng dạc
Binh sĩ dạ ran - anh ngự giữa long sàng
Vườn thượng uyển sau cánh gà là những
Bếp lửa tàn, nồi cháo với tro than.
Sau cánh gà, phía sau bao thần tượng
Sau phấn son - gương mặt thật đây rồi
Lòng yêu mến còn nguyên hay đổ vỡ
Sân khấu với cuộc đời, cũng giống nhau thôi!

Tôi đọc xong bài thơ, thấm đau cho thân phận người nghệ sĩ sân khấu ở Việt Nam. Có lẽ vì cái khổ nghèo luôn chực chờ người nghệ sĩ lúc về chiều nên người ta thường nói bội là bạc, phải chăng là để nói về cái nghề hát bội lắm chuyện bội bạc dành cho số phận người nghệ sĩ sân khấu. Đằng sau cung điện vàng son trên sân khấu, dưới lớp áo long bào rực rỡ của một quân vương, khi cởi áo long bào, lau son phấn, đèn sân khấu tắt đi là hiện ra một cuộc sống tối tăm, một cuộc đời rách nát của những người suốt đời sống với ảo tưởng dưới ánh đèn mà không thực tế nhìn thẳng vào cuộc sống để tranh hơn tranh thua giành giựt cuộc sống với các tầng lớp dân chúng khác.

Với những câu ca, bài hát, với những thân phận vay mượn hằng đêm trên sân khấu, nghệ sĩ cảm thấy cuộc đời rất đẹp, rất vui, rất giàu, nhưng khi màn nhung buông xuống, ánh đèn sân khấu tắt đi, nghệ sĩ trở về với cuộc sống thiếu thốn thực tại, cứ vậy mà nghệ sĩ kéo dài cuộc sống cho đến khi thân tàn ma dại... Ánh đèn sân khấu và áo mão cân đai cũng hết khả năng đem lại những ảo tưởng cho người nghệ sĩ quá nhiều mộng mơ mà chẳng có chút cao vọng nào trong đời! Nghĩ đến đây, tôi buồn muốn khóc! Một người nghệ sĩ già như tôi, khóc thương các bạn nghệ sĩ già thiếu may mắn, có thay đổi được gì cho số phận của bạn không? Chắc là không rồi!

Nguyễn Phương
2011

Nguồn: http://thoibao-online.com/index.php?option=com_content&view=article&id=3118:ng-sau-cung-in-vang-son-tren-san-khu-nhng-mnh-i-rach-mp&catid=31:vn-ngh&Itemid=35
  
Bình luận

Đăng Nhập/Xuất