Minh Tự
25.3.2012

Một năm trước, vào những ngày cuối tháng 3 này, xứ Huế hân hoan khi biết Hội đồng nhân dân Tp Huế quyết định lấy tên của người nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn đặt cho con đường mới mở bên bờ sông Hương khởi đầu từ cầu Gia Hội.

Trịnh Công Sơn
"Phố nhậu Trịnh Công Sơn" đông đúc với những hàng quán tạm bợ mới dựng nhanh bên đường, và những tấm bảng hiệu lấy tên nhạc Trịnh - Ảnh: Tiến Long

Chiều 17-3-2011, khi hội đồng thành phố vừa thông qua nghị quyết đặt tên đường, ngay tức khắc nhạc sĩ Lê Phùng bấm máy báo tin vui cho gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những người thân thiết với nhạc sĩ tài hoa này.

Tin vui đó được giới hâm mộ nhạc Trịnh lan truyền khắp các diễn đàn. Và cũng nhanh không kém, những quán nhậu trên con đường này liên tiếp ra đời với những cái tên: Hạ Trắng, Diễm Xưa, Phố Trịnh...

Những ngày sau đó, du khách đến Huế đã hào hứng đi thăm phố Trịnh để chụp ảnh dưới tấm biển tên đường, có lẽ là duy nhất ở Việt Nam lúc này, mang tên: Trịnh Công Sơn. Tất nhiên, đến đây nhiều nhất vẫn là người Huế, những người yêu mến nhạc Trịnh và cả... dân nhậu.

Con đường mới mở bên sông vẫn còn ngổn ngang công trường, trước đó chỉ có một vài quán nhậu, và chỉ vài tháng sau đã trở thành một phố nhậu đông đúc. Nhiều du khách đến đây ngẩn ngơ vì cứ tưởng sẽ được ngồi trong một quán cà phê vườn yên tĩnh để nghe những giai điệu phiêu bồng của Trịnh.

Những giai điệu đó, bạn dễ dàng nghe ở bất cứ chiếc cassette gia đình nào ở Huế, thậm chí cả xe bán kem, bán kẹo kéo ở xứ này cũng mở nhạc Trịnh, nhưng ở phố Trịnh thì chịu thôi.

Một năm trước nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết: "Tương lai đó sẽ là con đường đẹp, thu hút khách du lịch, có thể nói là mơ mộng nữa. Tôi cho thành phố đã lựa chọn hợp lý". Vâng, một lựa chọn quá hợp lý, thậm chí rất đỗi hào phóng, của chính quyền TP Huế. Nhưng nếu bây giờ trở lại con đường đó, nhà thơ sẽ viết điều gì?

Một năm sau, gặp lại Lê Phùng và nhắc chuyện "phố nhậu Trịnh Công Sơn", ông nhạc sĩ lắc đầu kể rằng cả năm qua ông phải làm thêm công việc "thanh minh thanh nga".

Đoàn khách văn nghệ nào đến Huế cũng đề nghị đưa đến phố Trịnh, và bao giờ ông cũng phải phân bua rằng thì là phố nhậu chỉ là "ăn theo" nhất thời và thế nào rồi thì phố Trịnh cũng sẽ trở thành một con đường thơ mộng. Khách yên tâm nhưng chủ thì "ta ru ta ngậm ngùi"...

Tại phố nhậu đó đã nghe một câu hỏi đặt ra: ai bảo đường Trịnh Công Sơn thì không được mở quán nhậu? Đề nghị ông nhạc sĩ kiêm đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh Lê Phùng thử trả lời.

Ông Phùng cho rằng khi chọn đặt tên đường, hẳn là hội đồng thành phố đã nghĩ đến sự phù hợp của không gian đôi bờ sông Hương thơ mộng với âm nhạc phiêu bồng Trịnh Công Sơn. Phố Trịnh sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách, đó là niềm tự hào của cả người dân Huế. Và để làm được việc này, không chỉ là chính quyền mà còn cả sự chung lòng của người dân.

Thử phỏng vấn một vài người khác và nhận được câu trả lời: nếu người dân có quyền kinh doanh bất cứ mặt hàng gì trên con đường đó thì chính quyền có quyền hoạch định những thứ hàng gì là phù hợp và tạo ra hiệu quả cao nhất. Nếu không thì không chỉ "phố nhậu Trịnh" mà sẽ còn nhiều thứ phố xô bồ khác nữa ra đời bằng sự nhanh nhạy "ăn theo" ấy.


Minh Tự

Theo http://m.tuoitre.vn/tin-tuc/Van-hoa-Giai-tri/109292,Ngam-ngui-pho-Trinh.ttm