Trần Quốc Bảo
7.6.2013

Trước 1975, trong một số cuốn băng Nhạc Trẻ Tùng Giang, Shotguns Ngọc Chánh, Thanh Thúy.. nhiều người đã mê say phần độc tấu tiếng kèn saxo của Trần Vĩnh qua những ca khúc Bao Giờ Biết Tương Tư, Hạ Trắng, The Shadow Of Your Smile, Qua Cơn Mê, Nửa Hồn Thương Đau, Biển Nhớ.. Tiếng kèn da diết đó đã một thời gắn chặt hạnh phúc lẫn khổ đau vào tim người Sàigòn, in hằn cũng như khắc dấu - để sau này, khi ra khỏi quê hương, mỗi khi nghe lại những tình khúc kể trên, người ta vẫn chỉ nghĩ đến duy nhất tên của một người, đó là tiếng kèn huyền thoại Trần Vĩnh.


Ảnh trái là nhạc sĩ Trần Vĩnh chụp lúc chơi nhạc tại Sàigòn đầu thập niên 70 và ảnh phải chụp Trần Vĩnh tháng 2 năm 2011 tại Paris.

Gần 40 năm qua, những người hâm mộ tiếng kèn cháy bỏng đó, ít ai biết anh trôi giạt về đâu? Họa hoằn lắm, mới có người còn nhớ về buổi diễn lần cuối của Trần Vĩnh ở Sàigòn, đó là đầu năm 1978, lúc đó Anh cộng tác với đoàn Bông Hồng đang ồn ào ăn khách với những nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng, Nguyễn Chánh Tín, Băng Châu, Huỳnh Thanh Trà.. và ban nhạc thì có Văn Phụng, Văn Trổ, Quốc Dũng.. Sau khi tác giả Ô Mê Ly, Suối Tóc vượt biên, chỉ một vài tháng sau, người ta lại thấy vắng đi bóng dáng Trần Vĩnh trên sân khấu của đoàn kịch nói Bông Hồng. Và đó, là những gì mà người ta có thể biết được về Trần Vĩnh với những ngày cuối ở Sàigòn năm đó.

Đúng thế. Nhạc sĩ Trần Vĩnh rời Sàigòn tháng 4 năm 1978. Anh đi chính thức vì vợ đi theo chương trình dân Tây. Với hai bàn tay trắng, tiếng kèn saxo đó đã trải qua những tháng ngày cơ cực nhất, mà cho đến hôm nay, khi tâm sự với người viết trên điện thoại, giọng nói của Anh vẫn chưa vơi được nỗi hãi hùng về khoảng thời gian vất vả chật vật khi vừa đặt chân đến Pháp.

Những ngày đó vốn liếng tiếng Pháp của anh không nhiều, nhưng tiếng kèn saxo ngọt lịm của Trần Vĩnh, nhân một lần nào đó, dường như đã tẩm được nỗi buồn âm ỉ vào từng ngóc ngách tâm hồn của những người dân Pháp, khi Anh có dịp cầm kèn thổi trong một quán bar bên đường gần nhà. May mắn cho Trần Vĩnh, đêm đó vô tình có sự hiện diện của một cảnh sát trưởng trong vùng. Ông là người sành nhạc, nhìn được tài năng và đã giới thiệu Trần Vĩnh cho một số buổi hòa nhạc và hộp đêm mà nhạc công toàn là những nhân vật tên tuổi tại nước này. Mãi đến năm 1979, giới yêu nhạc ở hải ngoại mới biết Anh đã rời khỏi nước khi tên Trần Vĩnh xuất hiện trong những cuốn băng do trung tâm Phượng Nga phát hành.

Mùa Hè năm 1993, Trần Vĩnh từ Pháp bay sang Hoa Kỳ để thăm một số thân hữu, ca nhạc sĩ đồng nghiệp và gia đình ông anh vợ là nhạc sĩ Thanh Hùng (tay kèn saxo kỳ cựu). Chuyến đi này, Anh ao ước thực hiện 2 cuốn băng nhạc độc tấu kèn saxo và cuối cùng đã thỏa chí. Một cuốn bán cho TT Giáng Ngọc, và một cuốn bán cho Dũng của TT Biển. Đêm ra mắt CD của anh dĩ nhiên ngập kín bạn bè và khách ái mộ. Kỷ niệm của người viết với anh về đêm này, đó là khi Trần Vĩnh nhờ bạn bè đặt hộ cái tên chủ đề, người đề nghị Biển Nhớ, kẻ khác Hạ Trắng, riêng Anh sau cùng lại chọn cái tên mà người viết ghi xuống giấy: Đêm Trần Vĩnh - Với Thời Gian.. Hai cuốn băng đó đến ngày hôm nay vẫn được xem như nhạc đầu giường của nhiều người và thường được phát đi phát lại hay dùng làm nhạc nền trong những chương trình Đọc Truyện Đêm Khuya, Nhạc Chủ Đề.. của những Đài Phát Thanh tại hải ngoại.

Biển Nhớ
Trần Vĩnh
Bài hát 10
Ca Dao 94 - Giáng Ngọc

Một kỷ niệm thật ghi nhớ với nhạc sĩ Trần Vĩnh, đó là Noel năm 1996, trong chuyến sang Pháp trình diễn lần thứ 4, Nguyễn Ngọc Tiên, người bạn thân lấy xe chở tôi tới một nhà hàng ở một khu vắng vẻ khá xa Quận 13 Paris. Quán có tên Sourire de Saigon nằm trên đường Edouard Vaillant tại Boulogne do một người VN còn trẻ tên George làm chủ. Ở đây mở 6 ngày trừ Chủ Nhật. Nếu tôi không lầm thì nhà hàng mở nhạc sống thêm vào hai ngày thứ sáu và thứ bẩy. Có lẽ đêm đó trời mùa đông lạnh quá, nên khi tôi đến vẫn còn trống vài bàn, tuy nhiên, không khí bên trong lại rất ấm áp, khi tiếng đàn, tiếng nhạc bay lượn chan hòa cả nhà hàng. Người ngồi xử dụng keyboard làTố Liên, người nữ ca sĩ mà tôi giới thiệu cô hát trên sân khấu trong đêm dạ vũ cách đây 2, 3 hôm. Đang ngồi nhâm nhi một chút bia Pháp, thì bỗng có nhạc sĩ guitar Ngô Minh Khánh và tay bass Alain bước vào, thế là cả hai lại có dịp nhắc với nhau về những chuyến ghé thăm Hoa Kỳ của anh Khánh vài năm trước đó. Đang cuộc vui, tôi thấy 2 dáng người Á Châu quen thuộc bước vào, kẻ cầm dù che mưa, người mặc áo khoác đội chiếc mũ phớt, nhìn kỹ mới nhận ra, đó là nhạc sĩ Trần Vĩnh và ca sĩ Nguyễn Lệ Thu. Nỗi mừng vui tái ngộ làm 3 chúng tôi quên đi cái lạnh mùa Đông như cắt da đang len lỏi từ ngoài vào bên trong quán. Đêm đó Nguyễn Lệ Thu lên hát tặng cho mọi người những bài tình ca của một thời tuổi trẻ như Ne me quitte pas, Si l'amour existe encore, La Maritza thật bùi ngùi kỷ niệm. Khi Nguyễn Lệ Thu hát xong, thì tiếng kèn lãng mạn của Trần Vĩnh vang lên thật ray rứt trong nhạc phẩm Biển Nhớ của TCS. Bài hát khởi đầu lững lờ như sương mây giữa thung lũng buồn, khởi đi bằng những bước thật thấp, rồi cũng chính tiếng kèn saxo đó, đột phá xoáy nát tâm hồn người nghe bằng những nốt nhạc thật cao, thật chất ngất..

Ngày mai em đi, đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ
Sỏi đá trông em từng giờ
Nghe buồn nhịp chân bơ vơ.. (TCS)

Qua hôm sau, đúng 2 giờ chiều, NS Trần Vĩnh ghé khách sạn đón tôi cùng ca sĩ Giao Linh đến nhà hàng Chez Tong nằm trên đường Civiale tại Quận 10 Paris. Quán nhỏ nhưng nằm trong một khu thương mại sang trọng và yên lặng. Chúng tôi được dùng món Phở do chính tay vợ của anh Trần Vĩnh nấu.Có lẽ vì một phần chị nấu Phở không cần bột ngọt và một lý do khác là ngoài trời còn rât lạnh nên ăn Phở hôm nay rât ngon và lý thú.

Đời sống nhạc sĩ Trần Vĩnh hiện nay khá an nhàn. Mỗi sáng anh dành ít nhất nửa tiếng để chạy bộ, tập hít thở đều đặn như một cách "chăm sóc tủ lạnh để đồ ăn lâu hư", đó cũng là câu đùa của người viết khi hai anh em một lần trò chuyện với nhau. Mà cũng đúng thế, nếu không chăm thể dục thì hơi sức đâu để Anh có thể cầm kèn thổi được trong một đêm nhạc được nhiều bài. Nhớ nghề, yêu nghề và phải bảo vệ lấy sức khỏe, là như thế.

Trần Vĩnh trình bày Hạ Trắng trong chương trình Những Dòng Nhạc Tình 4 - Paris Salle Olympe de Gouges, 12/2007

Trước khi gửi bài cho Viet Tide trưa thứ tư tuần này, người viết bỗng nhận được một cú điện thoại của anh Trần Vĩnh từ Pháp gọi sang để mong tìm cách nào liên lạc gấp với ca sĩ Anh Khoa đang sống tại nước Hungary. Nhân dịp này, mới biết được gia đình Trần Vĩnh đang bận rộn chăm lo cho 3 nhà hàng của mình. Riêng Anh, thường xuyên có mặt ở nhà hàng Escale à Saigon, tạm dịch là Ghé Bến Sàigòn - số 41 Rue de la Tombe Issoire 75014, Paris. Nếu Bạn yêu nhạc hoặc thân hữu khi nào có dịp sang Paris, nhớ đến Trần Vĩnh, thì gọi đến Escale À Sàigòn, tại số 33145652048, thì sẽ có dịp tái ngộ với tiếng kèn saxo huyền thoại của Sàigòn một thuở nào.


Trần Quốc Bảo

(trích bài viết của Trần Quốc Bảo đăng trong tuần báo Viet Tide phát hành thứ sáu ngày 7 tháng 6 năm 2013)

Nguồn: Trang FB của Trần Quốc Bảo http://www.facebook.com/notes/tran-quoc-bao/sinh-ho%E1%BA%A1t-ngh%E1%BB%87-s%C4%A9-tu%E1%BA%A7n-n%C3%A0y-c%C3%B3-g%C3%AC-l%E1%BA%A1/10151471380341538
Bình luận

Lời Bàn Mới

  • CÒN THOÁNG CHIÊM BAO
    Lâm Nguyễn 24.02.2024 17:12
    Cảm ơn admin đã tải lên album này, chiếc cầu nối đưa tôi biết đến ngôn từ và giai điệu tuyệt đẹp của ...
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    Thông-Tin 08.09.2023 11:49
    Đã sửa, giờ nghe được rồi.
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    2gether 06.09.2023 22:30
    Hi Admin Album này không nghe được.... Plz......
     
  • TÌNH KHÚC NGÔ THỤY MIÊN
    Thông-Tin 25.08.2023 18:23
    Cám ơn bạn. Lỗi đã sửa, album giờ nghe được hết .
     
  • PHẠM MẠNH CƯƠNG 18
    Thông-Tin 25.08.2023 18:21
    Cám ơn bạn đã cho hay . Bài này không có mp3 .

Đăng Nhập/Xuất