Thanh Hiệp
4.4.2012


Nhạc sĩ Thanh Sơn tên thật Lê Văn Thiện, sinh ngày 1-5-1938 tại Sóc Trăng. Ông là con thứ mười trong một gia đình có 12 anh chị em. Đam mê ca hát, thơ, văn, ông học nhạc từ hồi tiểu học với thầy Võ Đức Phấn (em ruột nhạc sĩ Võ Đức Thu). Năm 1955, thầy Phấn qua đời, cậu bé Thiện lúc này đã lớn, lên Sài Gòn học nhạc với nhạc sĩ Lê Thương (tác giả của ca khúc Hòn Vọng Phu). Từ lớp học nhạc này, Thiện đã nuôi ước mơ trở thành ca sĩ. Đến năm 1959, qua sự hướng dẫn của thầy, Thiện đăng ký tham dự cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của Đài Phát thanh Sài Gòn và đoạt giải nhất.

Thanh Sơn

Sau đó, nhạc sĩ Thanh Sơn được mời hát trong ban Tiếng tơ đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng, ông có dịp gặp gỡ rất nhiều nhạc sĩ đàn anh. Một lần gặp nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, Thanh Sơn được người nhạc sĩ đàn anh này tặng quyển sách "Để sáng tác một ca khúc" do chính Hoàng Thi Thơ biên soạn. Từ đó, ông càng nung nấu quyết tâm sáng tác và "con đẻ" đầu tiên của ông là Tình học sinh, ra đời năm 1962, tuy nhiên không được phổ biến. Đến năm sau, Thanh Sơn viết bài Nỗi buồn hoa phượng, lần này với tiếng hát của ca sĩ Thanh Tuyền, ca khúc trở thành một trong những bài nổi tiếng nhất viết về mùa hè thời đó.



Tiếp theo ông đã viết những ca khúc: Ba tháng tạ từ, Màu áo hoa phượng, Lưu bút ngày xanh, Hạ buồn, Ve sầu mùa phượng..., sau đó là Nhật ký đời tôi, Trả lại thời gian, Mùa hoa anh đào..., được nhiều khán giả đón nhận.

Điều mà hiếm thấy ở các nhạc sĩ đương thời với ông, đó là những ca khúc ông viết dường như không dành riêng cho một ai, mà thế hệ nghệ sĩ nào cũng chọn để hát. Từ những ca sĩ thập niên 60 của thế kỷ trước: Phương Dung, Thanh Tuyền, Giao Linh, Hoàng Oanh, Phương Hồng Quế, Trang Mỹ Dung, Chế Linh, Duy Khanh, Thái Châu, Giang Tử...cho đến sau này những: Bảo Yến, Thanh Lan, Nhã Phương, Thy Nga, Giáng Thu, Yến Thu, Lê Tuấn, Cẩm Ly, Quốc Đại, Chế Thanh, Phương Thanh... đều hát nhạc của ông và trong số đó có nhiều người được công chúng nhắc tên nhờ ca khúc của nhạc sĩ Thanh Sơn.

Năm 1963, nhạc sĩ Thanh Sơn bỏ hẳn nghề ca sĩ để chuyên tâm sáng tác. Từ 1973, nhạc của ông bắt đầu chuyển hướng sang đề tài quê hương. Nhiều bài hát trong giai đoạn này trở nên rất nổi tiếng: Hình bóng quê nhà, Hành trình trên đất phù sa, Bạc Liêu hoài cổ, Sóc Sờ Bay Sóc Trăng... Ông từng thú nhận nhờ sự yêu thích giai điệu ngũ cung của đờn ca tài tử và sân khấu cải lương mà ông đã có được những chất liệu quý để viết.

Ngoài ra, sự đam mê văn, thơ, hình ảnh quê nhà với lũy tre, bờ đê, dòng sông, con đò, bến nước... cũng góp phần giúp nhạc sĩ tài hoa này tạo ra những "đứa con tinh thần" mang đầy dáng dấp quê hương. Cho đến nay, qua nhiều giai đoạn sáng tác, nhạc sĩ Thanh Sơn đã viết trên 500 bài hát với nhiều ca khúc đã trở nên rất quen thuộc trong khán giả.

Vĩnh biệt nhạc sĩ Thanh Sơn, đâu đây trong dòng đời vẫn hiện hữu nụ cười chân thành và tấm lòng cởi mở của ông. Người nhạc sĩ đã cống hiến cả đời cho âm nhạc và cho những sáng tác ngợi ca quê hương, dân tộc.

Linh cửu của nhạc sĩ Thanh Sơn được quàng tại nhà riêng: 100/40/14 đường Đinh Tiên Hoàng, phường 1, quận Bình Thạnh, TPHCM. Động quan lúc 6 giờ 30 ngày 9-4, sau đó đưa đi an táng tại Công viên Nghĩa Trang Bình Dương.


Thanh Hiệp

Theo NLĐ