31/7/2014

Westminster (Bình Sa)- - Nữ danh ca Quỳnh Giao đã được giới trí thức và nghệ sĩ tiễn biệt trong một tang lễ trang nghiêm sáng Thứ Tư ngày 30 tháng 7 năm 2014 tại Peek Family Funeral Home, Phòng Số Năm.

Hiện diện trong lễ tiễn biệt cảm động này đã được tổ chức với sự tham dự của nhiều văn thi sĩ, nghệ sĩ, qúy vị nhân sĩ, thân hữu cùng đồng hương.


Từ trái: Cung Tiến, Kim Tước, Mai Hương, Trần Dạ Từ, Phạm Xuân Đài, Kiều Chinh.

Điều hợp chương trình nhà báo Đinh Quang Anh Thái.

Mở đầu buổi lễ tưởng niệm Nhà báo Đinh Quang Anh Thái đọc qua tiểu sử của nữ Danh ca Quỳnh Giao trong đó có đoạn: "Quỳnh Giao sinh tại Vỹ Dạ của cố đô Huế vào ngày tám Tháng 11 năm 1946 với khuê danh là Nguyễn Phước Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang.

Nói theo lối cổ điển về thân thế, Quỳnh Giao thuộc "Hoàng phái" từ song thân là cụ Ưng Quả và danh ca Minh Trang.

Thân phụ là Nguyễn Phước Ưng Quả, hiệu Vân Hán (1905-1951), cháu nội Tuy Lý Vương Miên Trinh, tự Khôn Chương, hiệu Tĩnh Phố, người con thứ 11 của vua Minh Mạng và em vua Thiệu Trị. Nhà giáo Ưng Quả là học giả uyên bác được giới khảo cứu Việt học của Pháp kính trọng và là bậc thầy của một thế hệ giáo sư, sau này có nhiều khoa trưởng của các Đại học thời độc lập. Học giả Ưng Quả từng là Thái tử Thiếu bảo khi dạy học Thái tử Bảo Long, Hiệu trưởng trường Quốc học tại Huế, Giám đốc Nha học chánh Trung Phần thuộc Bộ Học của nước Việt Nam thời Pháp và tác giả của nhiều công trình biên khảo về văn hóa và mỹ thuật Việt Nam, từng phiên dịch văn chương Pháp qua Việt ngữ và văn học Việt Nam Pháp ngữ... Ngoài ra, cụ còn là người thẩm âm sành nhạc và gẩy đàn nguyệt khi tiêu khiển...

Nghệ sĩ Quỳnh Giao đã ra đi khi trời vừa sáng, vào ngày 23 Tháng Bảy tại Fountain Valley, miền Nam California.

Nhạc sĩ Cung Tiến, người bay về từ Minnesota để dự tang lễ, khi phát biểu ông phân ưu cùng tang quyến và tiễn đưa Quỳnh Giao về Miền Cực Lạc, ông tiếp: "Quỳnh Giao là tiếng chim hót thánh thót với giọng ca trong suốt, trình bày phần lớn những bản nhạc tiền chiến, có những bản như Hoàng Hạc Lâu – Vang Vang Trời Vào Xuân, rồi đây mỗi lần chúng ta nhớ giọng ca, nhớ đến con nghười một đời phục vụ cho âm nhạc..."


Từ trái: Nhã Ca, Trịnh Y Thư, Nam Phương, Doãn Hưng, Nguyễn Bá Khanh.

Tiếp theo Danh ca Kim Tước, người đã hát cùng Quỳnh Giao từ nửa thế kỷ trước lên phát biểu, trong lời nghẹn ngào bà nhắc lại những kỷ niệm khi thành lập Ban Tam Ca "Mộng Kim Châu." Bà thương Quỳnh Giao với tính tình thẳng thắn, cương trực."

Danh Ca Mai Hương người đã hát cùng Quỳnh Giao từ Ban Thiếu Nhi đến sau này lên cho biết: "Với Quỳnh Giao bà đã hát chung từ khi Quỳnh Giao 8 tuổi trong khi đó Bà đã 13 tuổi, từ đó đến nay 60 năm hoạt động với nhau nhưng chưa có những gì làm buồn lòng nhau, kỷ niệm nào cũng đẹp cả."

Tiếp theo Nhà Thơ Trần Dạ Từ, người bạn thâm giao của gia đình, gọi ca sĩ Minh Trang bằng chị, biết Quỳnh Giao khi còn bé, lên phát biểu, ông cho biết: "25 năm trước đến nay nghe và nhìn Quỳnh Giao hát ca khúc Hoàng Hạc Lâu hay nhất chị hát như thân mẫu chị Danh ca Minh Trang, ngoài việc âm nhạc chị còn cầm bút vẽ tranh và đặc biệt chị có trí nhớ phi thường và ông cũng cho biết bài hát mà chị đã hát "Lòng Ta Ở Với Người" là tên một ca khúc của Trần Dạ Từ mới được Danh Ca Quỳnh Giao ghi âm mà chưa phổ biến. Có lẽ đây cũng là lời ca rất đúng về tấm lòng của người nghệ sĩ vừa ra đi..."


GS Tenzin Dorjee đọc lời tiễn biệt, nói rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma đã ban phép lành, yêu cầu các chùa Tây Tạng toàn cầu góp lời cầu nguyện từ khi ca sĩ Quỳnh Giao ngả bệnh.

Trần Dạ Từ nói rằng nhiều bạn thân đã gọi ca sĩ Quỳnh Giao là "quận chúa", vừa vì gốc hoàng gia, vừa vì sự sang cả tài hoa của nữ danh ca này.

Nhà báo Phạm Xuân Đài, tri kỷ với ngòi bút và tiếng nói Quỳnh Giao trên đài phát thanh lên cho biết: Viết về âm nhạc Việt Nam Quỳnh Giao thật xuất sắc, Bà là cuốn tự điển sống về nghệ thuật...

Nữ Tài Tử Kiều Chinh lên kể về những kỷ niệm của người thân đối với Quỳnh Giao trong đó nhắc về anh Trịnh Bách, Trịnh Bách là một nhạc sĩ Tây Ban Cầm số 1 Việt Nam là người đã có những kỷ niệm với Quỳnh Giao.

Nhà văn Nhã Ca, người ân cần theo dõi bệnh tình của Quỳnh Giao đã cho biết: " Vào lúc 3 giờ sáng, nhận điện thoại, bà bàng hoàng khi hay tin Quỳnh Giao ra đi, bà cũng đã nhắc lại những kỷ niệm trong gia đình khi các đứa cháu của bà hay nhắc đến bà Chinh, bà Quỳnh Giao... Bà chào tiễn biệt và cầu nguyễn cho Quỳnh Giao lên đường về cõi Phật.


HT Thích Chơn Thành hướng dẫn lễ di quan.

Những người bạn trẻ lên nhắc lại những kỷ niệm với Danh Ca Quỳnh Giao như Nhà thơ Trịnh Y Thư, bạn chí thiết đã viết lời một ca khúc cổ điển do Quỳnh Giao trình bày, anh nói thật cảm động: "Giờ đây tác phẩm còn đó, lời ca của chĩ còn đó nhưng chị đã vĩnh biệt mọi người."

Phóng viên Nam Phương, đã có nhiều chương trình phỏng vấn Quỳnh Giao trên Người-Việt TV lên phát biểu thật ngắn gọn bằng những lời chân thật thương tiếc Ca Sĩ Quỳnh Giao.

Doãn Quốc Hưng, từng gẩy đàn Tây ban cầm và trò chuyện với Quỳnh Giao về nghệ thuật đã cho biết: " Đối với Chị Quỳnh Giao, tôi thuộc hàng tiểu bối. Những năm trước 1975, khi chị đã là một ca sĩ thành danh, tôi vẫn còn là một cậu bé học sinh trung học. Nhớ lại lúc đó, đối với tôi chị Quỳnh Giao là biểu tượng của cái đẹp. những ngày xưa xem chị hát trên những chương trình đài truyền hình, tôi cảm thấy rất mê cái đẹp quí phái của chị, có khi còn hơn cả tiếng hát!

Mãi đến những năm sau này sang Mỹ, tôi mới có dịp được gặp gỡ, trò chuyện, trở nên thân thiết với chị Quỳnh Giao hơn. Đến lúc đó, tôi lại nhận ra thêm chị là biểu tượng của sự tao nhã. Sự thanh lịch biểu hiện qua phong cách sống của chị..."

Kiến Trúc Sư Nguyễn Bá Khanh, ngưỡng mộ Quỳnh Giao về âm nhạc, điện ảnh và văn học, rằng anh rất thích nghe nhạc chị Quỳnh Giao hát trên đường đi làm về thấy thời gian ngắn hơn.

Cuối cùng phần phát biểu của Giáo sư Tenzin Dorjee (người có văn bằng Tiến sĩ tại Hoa Kỳ, hiện đang dạy ở đại học CSU Fullerton, thường giữ nhiệm vụ thông ngôn mỗi lần Đức Đạt Lai Lạt Ma sang Hoa Kỳ thuyết pháp) được mời phát biểu trong tang lễ ca sĩ Quỳnh Giao, đã nói rằng từ khi ca sĩ ngả bệnh mấy tháng trước, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã ban phép lành, thỉnh mời các tu viện Tây Tạng khắp thế giới tụng kinh cầu nguyện cho ca sĩ Quỳnh Giao và đã gửi một số vị Tăng Tây Tạng tới tụng kinh sáng Thứ Tư 30-4-2014.


Tang gia di quan, tiễn biệt.

Chương trình tưởng niệm chấm dứt trong khi còn rất nhiều bạn bè thân hữu với gia đình muốn tỏ lời tâm tình trước khi vĩnh biệt Nữ danh ca Quỳnh Giao.

Tiếp theo nghi thức di quan do Hòa Thưiợng Thích Chơn Thành, Phó Thượng Thủ Giáo Hội Phật Việt Nam Trên Thế Giới, Viện Chủ Chùa Liên Hoa và Đạo Tràng Chùa Liên Hoa cử hành lễ. Sau đó là di quan đến địa điểm hỏa táng. Đoàn người đi theo sau quan tài đều niệm Phật để cầu nguyện cho Nữ Danh Ca Quỳnh Giao sớm về cõi Phật.

Được biết sau phần tang lễ một đêm nhạc tưởng niệm Danh Ca Quỳnh Giao sẽ được tổ chức vào lúc 7 giờ tối Thứ Tư ngày 30 tháng 7 năm 2014 tại hội trường Nhật Báo Việt Báo 14841 Moran St, Westminster CA 92683.


Nguồn: http://vietbao.com/a224893/westminster-le-tien-biet-nu-danh-ca-quynh-giao