Nguyễn Đình Đăng (dịch và chú giải)
2005

Đặng Thái SơnCuộc thi dương cầm mang tên Chopin lần thứ XV vừa kết thúc hôm 21/10/2005 với nghệ sỹ Ba Lan 20 tuổi Rafał Blechacz đoạt giải nhất. Nghệ sỹ dương cầm Đặng Thái Sơn là thành viên hội đồng giám khảo lần này. Ông còn được mời trình diễn tại gala khai mạc Cuộc thi. Dưới đây là cuộc trao đổi giữa Đặng Thái Sơn (ĐTS) và Aleksander Laskowski (AL) trích từ Tạp chí của Cuộc thi nói trên [1] (ND)

AL: Ông đã làm gì trong 25 năm qua kể từ sau khi ông đoạt giải nhất Cuộc thi Chopin?

ĐTS: Nếu ông so sánh tôi với những người đoạt giải nhất khác thì các chương trình của tôi sau Cuộc thi hơi khác thường. Con đường dẫn tôi đến với âm nhạc, đến với Chopin, và tới Cuộc thi thật khác xa so với những người khác [2]. Tôi bắt đầu chuẩn bị chỉ có 3 năm trước Cuộc thi. Lúc đó tôi sống ở Maxcơva. Tôi bắt đầu đi học khi Việt Nam có chiến tranh, và điều kiện học tập không hề chuyên nghiệp. Tôi đến Maxcơva vào năm 1977 và chỉ được có 3 năm để trở thành một nghệ sỹ dương cầm thực thụ. Đó là một khoảng thời gian ngắn không thể tin được. Sau khi tôi thắng cuộc, tôi quyết định quay về học. Thông thường, người ta bắt đầu sự nghiệp sau khi đoạt giải. Còn tôi thì chỉ cảm thấy là mình chưa sẵn sàng. Và tôi không cảm thấy sẵn sàng cho mãi đến tận năm 1986. Tôi đã từng cố thử đi ra nước ngoài nhưng tình trạng chính trị đã giữ tôi ở lại Maxcơva. Tôi từng muốn đi sang Vienna để học Paul Badura Skoda. Nhưng tự do đã đến rất chậm. Chỉ cho đến ngày hôm nay tôi mới có thể nói tôi thực sự cảm thấy mình đứng vững được trên hai chân của chính mình.

AL: Phải chăng sự chín muồi đã đến với ông sau một phần tư thế kỷ?

ĐTS: Thông thường, một nghệ sỹ dương cầm bắt đầu phát triển từ khi còn là một đứa bé con. Có nhiều điều tôi đã không thể làm được khi tôi còn là một đứa bé. Đó là lý do vì sao tôi bị muộn màng thế này.

AL: Trong 25 năm qua, liệu ông đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi: "Chơi nhạc Chopin như thế nào" chưa?

ĐTS: Đây là một câu hỏi lý thú. Âm nhạc Chopin là cái gì đó anh không thể dạy được và anh cũng không thể học được thực sự. Dĩ nhiên là có những thứ cần phải học, như phong cách Chopin, thành thạo kỹ thuật, những thứ anh tập luyện trong nhạc viện. Tuy nhiên sự phức tạp của âm nhạc này đến với linh cảm của riêng anh. Nó ở trong trái tim của anh. Khi tôi so sánh cách trình bày nhạc Chopin của tôi cách đây 25 năm về trước với cách của tôi bây giờ, chúng rất khác nhau. Nhưng, trong một nghĩa nào đó, tôi đã đi được một vòng, tôi hiện lại đứng tại điểm xuất phát. Lúc đầu lối chơi của tôi mang nhiều chất thơ, tôi tìm kiếm sự tinh khiết trong âm nhạc. Sau đó là giai đoạn tôi thử làm mình trở nên bi kịch nhiều hơn, nhiều đen và trắng hơn, đại loại như vậy. Bây giờ tôi cần sự cân bằng trở lại. Nhưng bây giờ không chỉ có đẹp và thơ, mà còn rất nhiều đau đớn nữa. Anh cần cuộc đời cho anh sự trải nghiệm.

AL: Ông còn nhớ những lần tiếp xúc đầu tiên của mình với thính giả Ba Lan trong thời gian Cuộc thi năm 1980?

ĐTS: Tôi không thể nào quên được tôi đã đến dự Cuộc thi như thế nào. Trường hợp của tôi có hơi đặc biệt. Đơn đề nghị tham dự của tôi gần như đã bị bác. Hồi đó không có vòng nghe loại, đến cả gửi băng thu âm người ta cũng không đòi hỏi. Hội đồng chỉ xem anh viết gì trong đơn. Đơn của tôi rất ngắn: sinh tại Hà Nội, Việt Nam năm 1958 và hiện học tại nhạc viện Maxcơva. Không hề có quá trình hoạt động nghệ thuật. Đó là sự thật. Cho đến lúc đó tôi chưa từng chơi ghép với dàn nhạc. Tôi chưa hề có bất kỳ một cuộc trình diễn độc tấu nào trước khi tôi thực sự đặt chân đến Cuộc thi. Vì thế tôi không hề cảm thấy áp lực nào vì chẳng có ai biết tôi cả. Tôi không có gì để mất. Anh hãy tưởng tượng anh cảm thấy thế nào khi trình diễn lần đầu tiên. Có một cái gì đó rất tươi mới, tinh khiết, thậm chí trinh nguyên. Đó là cái trải nghiệm chỉ có được một lần duy nhất trong đời. Tôi đã làm khán giả ngạc nhiên vì là một nghệ sỹ dương cầm hoàn toàn vô danh.

AL: Gần đây ông vừa trình diễn Concerto Mi-thứ của Chopin trên một đàn dương cầm thế kỷ thứ 19 nhãn hiệu Pleyel [3] cùng nhạc trưởng Frans Bruggen và dàn nhạc "Thế kỷ 18". Liệu kinh nghiệm đó có thay đổi cách tiếp cận của ông tới âm nhạc Chopin không?

ĐTS: Vài nghệ sỹ dương cầm đã từng phải chơi cái dương cầm đó trong thời gian liên hoan nhạc Chopin tại Warsaw. Tất cả đều đã ở trong trạng thái hoảng loạn, nếu đứng trên quan điểm kỹ thuật mà nói. Thật tựa hồ như chơi vĩ cầm vậy, bởi vì cái đàn đó hoàn toàn khác dương cầm hiện đại. Tiếp xúc phím, kỹ thuật, âm thanh đều khác, làm anh phải cải biên tất cả. Tôi đã rất lo là tôi không thể chơi cái đàn đó mà tôi chỉ có 3 ngày để chuẩn bị. Thế là tôi và nó bắt đầu vật lộn. Bỗng nhiên tôi tìm ra cách tiếp cận phù hợp, và sau đó là niềm sung sướng đã đến. Đó là một thứ cảm giác anh không thể có được từ một dương cầm hiện đại, một sự gần gũi khác thường. Nhưng tôi muốn chơi nhạc cụ đó trong một khán phòng nhỏ hơn là tại phòng hòa nhạc Warsaw.

AL: Nhạc cụ đó có cho ông thâm nhập sâu hơn vào âm nhạc Chopin không?

ĐTS: Độ to nhỏ có bị hạn chế hơn. Âm sắc cũng khác. Nhưng tôi tin rằng giả sử Chopin sống đến ngày hôm nay ông sẽ thích dương cầm hiện đại hơn. Dương cầm hiện đại cho anh nhiều khả năng hơn. Cho dù nó không tạo ra sự gần gũi như vậy, nhưng sức mạnh của nó lớn hơn. Anh dùng pedal cũng khác. Trên đàn cổ, điều khiển kỹ thuật phát ra âm thanh có vẻ dễ hơn. Đàn cổ có độ to nhỏ hạn chế hơn nên anh phải chơi theo nhịp. Anh bị hạn chế nhiều hơn khi chơi đàn cổ, nhưng đó lại chính là điều làm cho việc chơi đàn cổ trở nên thực sự hấp dẫn.

AL: Đây là lần đầu tiên ông làm ủy viên hội đồng giám khảo Cuộc thi Chopin. Ông có kinh nghiệm gì trong việc đánh giá các nghệ sỹ dương cầm trẻ?

ĐTS: Tôi đã từng là ủy viên của nhiều hội đồng giám khảo thi dương cầm. Lần đầu tiên là vào năm 1991 ở Nhật. Sau đó là Cuộc thi mang tên Rachmaninoff ở Nga, mang tên Clara Haskil ở Thụy Sỹ, cuộc thi dương cầm ở Monte Carlo, ở Cleveland, và cách đây vài tháng, là cuộc thi mang tên Richter tại Maxcơva. Tuy nhiên, tôi vẫn thích chơi đàn hơn. Nghe các tài năng trẻ thì thật là đáng yêu, nhưng không phải tất cả mọi việc đều diễn ra trôi chảy tại các cuộc thi, nên anh bao giờ cũng cảm thấy đau đớn.

AL: Vì sao ông lại chọn trình diễn Concerto Sol-thứ của Mendelssohn trong đêm khai mạc Cuộc thi Chopin lần này?

ĐTS: Được mời không chỉ làm ủy viên hội đồng giám khảo mà còn trình diễn tại gala khai mạc là một niềm vinh dự lớn. Ban tổ chức đã đồng ý rằng không nhất thiết phải chơi Chopin vì chúng tôi sẽ còn phải nghe nhạc của ông trong suốt Cuộc thi. Tất nhiên vẫn có thể chơi nhạc Chopin. Tuy nhiên khi đó sẽ phải là một trình diễn hài hòa cỡ như của Arthur Rubinstein vậy [4]. Tất nhiên, anh không nên chọn cái gì đó khác quá xa Chopin, như là Bartok hay Prokofiev. Tôi muốn cái gì đó chung một gia đình âm nhạc. Và Mendelssohn là một người "anh em" về mặt nghệ thuật của Chopin.

AL: Ông vừa nhắc đến Arthur Rubinstein. Ông ngưỡng mộ ai? Theo quan điểm của ông, ai là người chơi Chopin hay nhất?

ĐTS: Mọi thần tượng của tôi đều đã không còn sống trên đời này nữa. Lối chơi của tôi chịu nhiều ảnh hưởng của Arthur Rubinstein. Khi tôi còn học ở Maxcơva tôi rất mê Horowitz [5]. Nhưng ngày hôm nay, tôi thấy phong cách của ông ta có hơi bị cường điệu. Michelangeli [6] làm tôi thích thú một thời gian dài. Nhưng càng ngày tôi càng bị mê hoặc bởi Rubinstein, bởi chất thơ trong âm nhạc và tính giản dị tự nhiên ông đã tìm ra trong âm nhạc. Cái đẹp thực sự không cần trang điểm. Horowitz trang điểm thêm cho cái đẹp. Rubinstein thì tự nhiên. Mỗi nốt nhạc ông chơi đều tựa như một hạt trân châu tinh khiết.

AL: Ông có nhớ gì đặc biệt từ Cuộc thi Chopin năm 1980 không?

ĐTS: Thông thường, người ta thấy rất hạnh phúc khi được chọn vào vòng chung kết. Còn tôi thì lại rất lo. Chỉ đến lúc đó tôi mới nhận ra rằng tôi không có một bộ đồ tử tế để trình diễn với dàn nhạc. Thế là, thay vì tập trung vào âm nhạc, tôi phải chạy đi tìm thợ may.

___________________

*) Nguyên văn tiếng Anh: "No need to gild the lily" ý nói "Không cần phải tô điểm thêm cho cái đẹp thực sự" (ND)

[1] "No need to gild the lily", Dang Thai Son talks to Aleksander Laskowski, Gazeta 15th Frederic Chopin International Piano Competition, pp. 7 – 8,
http://www.konkurs15.chopin.pl/uploaded/chopin_gazeta_nr3.pdf

[2] Nguyễn Đình Đăng, "Gặp lại Đặng Thái Sơn ở Nhật Bản", Người Viễn Xứ, 18/10/2004
http://ribf.riken.go.jp/~dang/DTSon.html

[3] Pleyel: tên của nhà sản xuất đàn dương cầm do Ignace Pleyel (1757 – 1831) sáng lập năm 1807. Chopin đặc biệt thích chơi dương cầm Pleyel. Ông viết: "Khi tôi có cảm hứng và thấy sung sức đủ để tìm ra âm thanh riêng cho mình thì lúc đó tôi cần phải chơi một chiếc Pleyel" (ND).

[4] Arthur Rubinstein (1887 – 1982) - nghệ sỹ dương cầm Mỹ-Ba Lan gốc Do Thái, đặc biệt nổi tiếng vì phong cách chơi âm nhạc Chopin (ND).

[5] Vladimir Horowitz (1904 – 1989) - nghệ sỹ dương cầm Mỹ-Nga, được nhiều người coi là nghệ sỹ dương cầm vĩ đại nhất thế kỷ 20. Cách xử lý âm sắc, kỹ thuật, và cảm hứng của ông thường được coi là không ai có thể bì kịp. Ông có lối chơi rất đặc biệt và các tác phẩm ông trình diện rất đa dạng bao gồm từ Domenico Scarlatti đến Alexander Scriabin (ND)

[6] Arturo Benedetti Michelangeli (1920 – 1995) - nghệ sỹ dương cầm Italia, được coi là một trong 3 nghệ sỹ dương cầm có cá tính nhất thế kỷ 20 (bên cạnh Horowitz, và Richter). Ông còn đặc biệt nổi tiếng vì không bao giờ chơi sai nốt nhạc. Ông từng nói: "Âm nhạc là một quyền, nhưng chỉ cho những ai xứng đáng được hưởng cái quyền đó." (ND)

Nguồn: http://ribf.riken.go.jp/~dang/Lily.htm
  
Bình luận

Lời Bàn Mới

  • CÒN THOÁNG CHIÊM BAO
    Lâm Nguyễn 24.02.2024 17:12
    Cảm ơn admin đã tải lên album này, chiếc cầu nối đưa tôi biết đến ngôn từ và giai điệu tuyệt đẹp của ...
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    Thông-Tin 08.09.2023 11:49
    Đã sửa, giờ nghe được rồi.
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    2gether 06.09.2023 22:30
    Hi Admin Album này không nghe được.... Plz......
     
  • TÌNH KHÚC NGÔ THỤY MIÊN
    Thông-Tin 25.08.2023 18:23
    Cám ơn bạn. Lỗi đã sửa, album giờ nghe được hết .
     
  • PHẠM MẠNH CƯƠNG 18
    Thông-Tin 25.08.2023 18:21
    Cám ơn bạn đã cho hay . Bài này không có mp3 .

Đăng Nhập/Xuất