Thanh Quang, phóng viên đài RFA
23.10.2005

Thanh Nga


Thưa quý thính giả, cô The mà quý vị nghe trong trích đoạn là do nữ nghệ sĩ Thanh Nga thủ diễn, và Hữu Phước trong vai cha của The, qua một trích đọan của tuồng Nửa Đời Hương Phấn do Hà Triều, Hoa Phượng biên sọan và thu thanh cách nay hơn 40 năm.

Khi Thanh Nga còn sinh tiền, có lẽ khó có ai ca diễn hay hơn nữ nghệ sĩ tài danh nhưng hồng nhan bạc mệnh ấy qua vai người phụ nữ trong cảnh đời ngang trái, trớ trêu; trong xã hội đầy dẫy bất công, thiếu tình người và sẵn sàng khai thác, vùi dập những cô gái lỡ mang kiếp đọan trường, bất hạnh.

Chẳng hạn như trong tuồng Bọt Biển của sọan giả Nguyễn Phương, cách nay khoảng 4 thập niên, nghệ sĩ Thanh Nga đã diễn xuất sắc khi nhập vai cô Mía trong nghịch cảnh đau thương là chứng kiến mối tình đầu thơ mộng thiết tha bị tan vỡ vì bị chính cha ruột nhẫn tâm bán rẽ cuộc đời trong trắng của con gái mình cho ngọai nhân.

Hồng nhan bạc mệnh

Trong tuồng Sông Dài của Hà Triều, Hoa Phượng và Nguyễn Phương, Thanh Nga đã thể hiện độc đáo vai cô gái mù, bạc phước tên Lượm thoạt đầu bị mẹ bỏ rơi. Giọng ca diễn buồn thống thiết cùng cách thể hiện mối tình chung thủy vô biên của nghệ sĩ tài danh này lại càng làm cho người xem cảm kích.

Rồi Sơn Nữ Phà Ca Thanh Nga trong vở Người Vợ Không Bao Giờ Cưới của sọan giả Kiên Giang đã làm cho khán thính giả xúc động theo mối tình ngang trái của giữa nàng Phà Ca và chàng Kiểu Mộng Long – con của Sứ Quân Kiểu Thuận ở đất Sơn Tây. Chính lối ca diễn xuất sắc trong vai này, với nét hồng nhan và đạo đức cá nhân đã giúp Thanh Nga đoạt huy chương vàng đầu tiên của Giải Thanh Tâm, khi ở tuổi 16.

Và giọng ngân nga buồn ray rức thiết tha, đượm nét chơn chất bình dị lẫn vẻ lộng lẩy kiêu sa của Thanh Nga như báo trước một nỗi thảm sầu định mệnh. Mời quý vị nghe một trích đọan sau đây trong bản Hồi Chuông Thiên Mụ của sọan giả Viễn Châu.

Thanh Nga là một nghệ sĩ mà sắc đẹp, tài năng và tánh tình thật là dễ thương, dễ mến, nhưng số phận thì thật là bi thảm, nên Thanh Nga đã để lại trong lòng khán giả và các bạn bè nghệ sị thật nhiều nổi thương cảm mà ai ai cũng muốn nhắc Thanh Nga để mà nhớ, để mà thương

Mời quý vị nghe sọan giả thường trực của đoàn Thanh Minh-Thanh Nga trong liên tục hơn 14 năm - ông Nguyễn Phương - nhận xét về nghệ sĩ Thanh Nga như sau:

Ông nói: "Thanh Nga là một nghệ sĩ mà sắc đẹp, tài năng và tánh tình thật là dễ thương, dễ mến, nhưng số phận thì thật là bi thảm, nên Thanh Nga đã để lại trong lòng khán giả và các bạn bè nghệ sị thật nhiều nổi thương cảm mà ai ai cũng muốn nhắc Thanh Nga để mà nhớ, để mà thương".

Lúc sinh thời

Thanh Nga tên thật là Juliette Nguyễn Thị Nga, sanh ngày 31 tháng 7 năm 1942. Lúc 10 tuổi, Thanh Nga bắt đầu ca vọng cổ phụ họa và rất thành công trên sân khấu Thanh Minh, do nghệ sĩ Năm Nghĩa – dưỡng phụ của Thanh Nga – làm bầu gánh.

Nhờ nhạc trưởng Út Trong của đoàn Thanh Minh rèn luyện cho nhiều bài bản cổ nhạc, Thanh Nga được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt khi bắt đầu chính thức diễn trên sân khấu khi mới 12 tuổi qua vai đào con trong các tuồng như Phạm Công Cúc Hoa, Đồ Bàn Di Hận, Lửa Hờn; rồi vai chính đầu tiên lúc 16 tuổi là Sơn Nữ Phà Ca trong tuồng Người Vợ Không Bao Giờ Cưới.

Nỗ lực dìu dắt tận tình tiếp theo của những nghệ sĩ bậc thầy như Năm Châu, Phùng Há, Kim cúc, Cô Ba Thanh Loan...giúp Thanh Nga - với sắc đẹp dịu dàng, lộng lẩy, quyến rũ cùng lối ca diễn truyền cảm đặc biệt – đã mãi gây ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn giới mộ điệu qua những vai như Xuân Tự trong tuồng Áo Cưới Trước Cổng Chùa, Giáng Hương trong Sân Khấu Về Khuya, Diệp Thúy trong Đôi Mắt Người Xưa, Uyên trong Ngã Rẽ Tâm Tình, Trinh trong Con Gái Chị Hằng, Mía trong Bọt Biển...

Thanh Nga cũng từng đóng vai chánh với các nam danh ca nổi tiếng lúc bấy giờ như Út Trà Ôn, Việt Hùng, Dũng Thanh Lâm, Thành Được, Hữu phước...

Quý thính giả vừa nghe thêm một trích đọan đầy thương tâm của cha con cô The – do Thanh Nga và Hữu Phước thủ diễn - trong tuồng tình cảm xã hội Nửa Đời Hương Phấn.

Thưa quý vị, nghệ sĩ Thanh Nga đã vĩnh viễn ra đi khi bị ám sát cùng chồng là ông Phạm Duy Lân ở Sàigòn hồi ngày 26 tháng 11 năm 1978, khiến giới mến mộ nghệ thuật sân khấu cải lương sẽ không bao giờ quên Nữ Hoàng Sân Khấu tài sắc vẹn toàn ấy. Chương trình Cổ Nhạc xin tạm dừng ở đây. Thanh Quang xin cảm ơn quý thính giả vừa theo dõi chương trình hôm nay.

Thanh Quang

Nguồn: http://www.rfa.org