Trường Kỳ


Trường Kỳ - Lê Hựu Hà 1971

Nếu như cuộc gặp mặt giữa hai sinh viên tên John và Paul vào năm 1955 tại Liverpool đã trở thành mấu chốt cho một câu chuyện dài với nhạc trẻ Anh Quốc, thì ở Sài Gòn, vào năm 1958, những cuộc trò chuyện về âm nhạc say mê đến hàng giờ của ba gã học sinh Trường Kỳ, Nam Lộc và Lê Hựu Hà cũng có thể được coi là trang mở đầu cho cuốn lịch sử nhạc trẻ Việt Nam về sau này.

Tại sao có một loại nhạc mà tiết điệu của nó lại trẻ trung đến như thế? Tại sao có những lối trình bày ca khúc lại phóng khoáng và tự do đến thế? Tại sao âm nhạc Việt Nam cứ mãi bám với lối hát, với ca khúc chậm rãi và đều đều như vậy? Tại sao...? Những cau hỏi cứ vây quanh cậu học sinh Lê Hựu Hà nhưng dường như không ai có thể trả lời vào lúc ấy. Hơn bao giờ hết, những câu chuyện về Paul Anka với album Diana hay Brenda Lee với Sweet nothing, I'm in mood for love... bán được 1 triệu đĩa ở tuổi 15 đã theo vào giấc mộng của Lê Hựu Hà hàng đêm.

Âm thầm từ đó, những ca khúc nhạc trẻ đầu tay của Lê Hựu Hà đã ra đời vào năm 17 tuổi. Nhưng dĩ nhiên, anh chỉ dám hát cho riêng mình. Khi lập ban nhạc sinh viên mang tên Hải Âu, thì một vài ca khúc ấy mới được thể nghiệm với dàn nhạc điện tử. Đây cũng là một ban nhạc có khuynh hướng Việt hoá nhạc trẻ đầu tiên ở Sài Gòn. Một giọng ca nữ trong ban (lúc đó còn đang học lớp 11), sau này cũng đã trở thành một trong những ca sĩ rất nổi tiếng của Việt Nam là Thanh Lan. Mãi cho đến năm 1966, ban Hải Âu của Lê Hựu Hà mới có dịp trình làng với công chúng trẻ qua Đại nhạc hội Học sinh, sinh viên ở trường Tabert. Tuy không gây tiếng vang như các ban Les Fanatics của Công Thành, Spotlights của Tuấn Ngọc, Les Vampires của Đức Huy... nhưng Lê Hựu Hà đã làm giới thanh niên bất ngờ về một khái niệm còn rất mới lúc bấy giờ: Người Việt vẫn có thể tạo ra một lối chơ nhạc trẻ của riêng mình. Năm 1970, Hựu Hà lập ban Phượng Hoàng cùng với phong cách đó, nay bắt đầu đã được mọi người đón nhận rất hào hứng. Phong cách này như được chắp cánh với sự tham gia của Nguyễn Trung Cang và Elvis Phương.

Thập niên 60

Kể từ ngày 12/4/1954, khi cả nước Mỹ sôi động vì bài Rock around the clock của Bill Haley thì ở Sài Gòn, người nghe nhạc vẫn còn đu đưa theo các giai điệu của Dalida, Tino Rossi, Edith Piaf, Yves Montand... Những ảnh hưởng nhạc mới từ thời các nhạc sĩ Đặng Thế Phong, Lê Thương, Hoàng Quý khiến người dân vẫn chuộng loại nhạc trữ tình và tự sự hơn. Có rất ít những biến đổi trong hình thức và thể loại sáng tác của các nhạc sĩ bấy giờ cho đến khi người Mỹ thực sự đổ bộ nền văn hoá của họ xuống miền Nam Việt Nam. Qua các kênh truyền hình, truyền thanh, tạp chí, băng, đĩa... lớp trẻ Sài Gòn mới bắt đầu được biết có một cái gì đó rất lạ mà họ chưa từng nghe. Những ai chơi nhạc trẻ trước đây (giờ cũng đã ở tuổi tứ tuần, ngũ tuần) chắc còn nhớ thuyết trình viên Hải Nam của Đài Phát thanh Sài Gòn cũ với những buổi giới thiệu về Twist, về Rock'n Roll... tuyệt cú mèo mà đối với thanh niên Sài Gòn là điều rất mới.

Ngay lập tức, sự trẻ trung và hào hứng của các loại nhạc trẻ này làm cho giới sáng tác lao vào cuộc. Một giai đoạn ngắn chuyển hoá nhạc Việt đương thời ra đời với cái tên "nhạc cải cách" hay còn gọi là "tân nhạc". Tuy nhiên, nếu nhìn lại thì những nhà sáng tác đó chỉ nắm bắt được các tiết điệu mới lạ, các phong cách hoà âm hiện đại hơn chứ chưa nắm được cái hồn của pop-rock. Duke Ellington và Don't get around much anymore twist hay Cliff Friend & Abel Boer với Mama loves, Papa twists nhảy ào vào Việt Nam thì cũng có cố nhạc sĩ Y Vân với Em ơi, 60 năm hay Kim... Hội nhập và bắt chước rất nhanh nhưng âm nhạc pop-rock Việt hoá vẫn còn dò dẫm, chưa có thực lực lâu dài. Để có một lớp trẻ thực sự am hiểu và cũng để cho người dân Sài Gòn tiếp nhận trọn vẹn hơn, quá trình ấy mất đến 10 năm.

Phượng Hoàng

Năm 1971, nhạc sĩ Lê Hựu Hà thành lập ban Phượng Hoàng với một phong cách Việt hoá pop-rock đầu tiên (hoàn toàn chơi nhạc do nhóm sáng tác, hát bằng tiếng Việt, cả tên nhóm cũng bằng tiếng Việt). Thoạt đầu còn chưa có tiếng vang do yếu tố ca sĩ (nhiều ca sĩ lúc đó vẫn chưa có được một phong cách mới phù hợp với thể loại nhạc pop-rock này) nhưng đến khi Elvis Phương xuất hiện thì mọi chuyện như ý. Các tác phẩm ra mắt lần dầu như Phiên khúc mùa đông, Tôi muốn, Cười lên đi em ơi... được khán giả trẻ tiếp nhận ngay. Lúc đó có rất nhiều ban rock (được gọi là nhạc trẻ) như ABC, Crazy Dog... nhưng họ chỉ thuần tuý chơi lại những bản nhạc đang thịnh hành của Mỹ, hoặc có chăng là chơi lại một vài bài nổi tiếng của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn theo phong cách du ca, trữ tình... Các tay viết nhạc pop-rock Việt hoá như Đức Huy (Thoáng mây bay, Bay đi cánh chim biển), Nguyễn Trung Cang (Hãy để trôi qua đi tháng năm)... cũng bắt đầu xuất hiện với nhiều tác phẩm. Thời kỳ cực thịnh của pop-rock là vào khoảng năm 72-73. Những cuộc liên hoan nhạc trẻ, đại nhạc hội liên tiếp được tổ chức ở trường Tabert, Sở thú, thậm chí ở sân vận động Hoa Lư, những buổi đông nhất lên đến 20.000 người tham dự (điều mà ngày nay chúng ta muốn tái lập cũng không phải là dễ).
 Sau này nhóm Phượng Hoàng chia tay, một vài thành viên trong đó lập nhóm mới có tên Mây Trắng vào năm 1974 cùng với xu hướng Việt hoá pop-rock. Hoạt động không được bao lâu thì chấm dứt do biến cố vào năm 1975.


Ban nhạc Phượng Hoàng

Nhìn chung những nhóm, những tay sáng tác trẻ theo khuynh hướng pop-rock vào thập niên 60-70 có nhiều cố gắng trong việc đem sự ngẫu hứng vào bài hát tiếng Việt (trước đó, người ta chỉ hát đúng bài một cách kinh điển), đem hoà âm pop-rock vào trong nhạc cách tân, chuyển lời Việt cho phù hợp với tiết tấu, sự nhảy quãng hoàn toàn theo kiểu Mỹ, kể cả cách fill-in được "Việt Nam hoá".. Giai đoạn đó đang thịnh hành triết lý sống của Jean Paul Sartre pha lẫn chút yếm thế quân tử theo quan niệm Khổng Tử nên mọi tác phẩm pop-rock đều bàng bạc các tư tưởng trên. Đây là một trong những điểm rất đặc trưng của pop-rock Việt hoá trong thời gian này.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Lê Hựu Hà lại tiếp tục niềm say mê của mình, tuy có chựng lại ít nhiều. Các tác phẩm của anh vẫn thầm lặng ra đời. Dù thời gian đã đi qua suốt chặng đường nhiều đổi thay của nhạc trẻ với đủ muôn ngàn thể loại, nhạc sĩ Lê Hựu Hà vẫn trung thành với phong cách mà anh đã chọn. Vì vậy, trong thế giới âm nhạc riêng của người Việt, có đâu đó một góc nhỏ rất riêng của nhạc sĩ Lê Hựu Hà, một chỗ tuy nhỏ nhưng cũng đủ cho anh có thể giang tay giữa đời mà hát những khúc tình yêu tự do của mình.


Trường Kỳ


Nguồn vietnhac.org