Nguyễn Phương
22.6.2008


Cảnh trong tuồng Cải lương hoành tráng Chiếc Áo Thiên Nga được trình diễn ở Sài Gòn hiện nay. Hình do ông Sáu cung cấp. 

Tuồng Chiếc Áo Thiên Nga bây giờ được diễn như Đại Nhạc Hội, có nghệ sĩ tấu hài, có hát opéra, có đánh trống chầu theo lối Đại Hàn, rồi nhào lộn, có nhiều vũ công múa minh họa lúc các nghệ sĩ Kim Tử Long và Tú Sương ca cổ nhạc.


Mới đây, ông Nguyễn Văn Sáu, bạn của Nguyễn Phương trong Hội Cao Niên ở Montréal cho Nguyễn Phương xem hơn 40 bức ảnh chụp trong dịp ông Sáu được con cháu của ông đưa ông đi xem hát vở cải lương hoành tráng Chiếc Áo Thiên Nga ở nhà thi đấu Phan Đình Phùng.

Con cháu của ông Sáu cũng có thu video tuồng hát trong đêm đó, ông Sáu cho Nguyễn Phương mượn dĩa DVD đó để Nguyễn Phương có dịp xem lại vở hát cải lương ở quê nhà hiện nay như thế nào.

Xin mời quý thính giả cùng thao dõi cuộc nói chuyện của ông Sáu và Nguyễn Phương về đêm hát cải lương hoành tráng Chiếc Áo Thiên Nga.

Chất cải lương?

Nguyễn Phương: Thưa anh Sáu, tôi được biết Tết 2008 vừa rồi, anh về Việt Nam và anh được các con đưa đi xem hát tuồng cải lương Chiếc Áo Thiên Nga. Xin anh thuật lại vài nét đặc sắc của vở tuồng đó hoặc xin anh nói cho biết cảm gác của anh như thế nào khi xem tuồng đó?

Ông Sáu: Anh Phương biết tôi là dân ghiền cải lương, hồi trước 75 thì tôi coi hát mỗi khi đoàn Dạ Lý Hương hay Thanh Minh Thanh Nga có tuồng mới. Đi định cư ở nước ngoài, tôi cũng mua video cải lương về coi.

Khi về Việt Nam thì tôi cũng đi coi hát cải lương. Lần nầy con tôi nói cải lương đổi mới rồi, nó mua vé tôi đi coi vở Chiếc Áo Thiên Nga. Nói thiệt, tôi rất buồn khi đi coi hát cải lương mà sao thấy nó không giống cải lương, nó mất cái chất cải lương rồi.

Nguyễn Phương: Dạ, xin ông Sáu nói rõ hơn, ông coi hát cải lương tuồng Chiếc Áo Thiên Nga hôm Tết 2008 nầy mà ông nói là nó hổng giống cải lương, nó mất chất cải lương là sao hả ông Sáu?

Ông Sáu:  Hai đứa con của tôi, đứa thì nói coi tuồng Chiếc Áo Thiên Nga mà sao giống như coi Đại Nhạc Hội, có nghệ sĩ Tấn Beo tấu hài, có hát  opéra, có đánh trống chầu bắt chước theo lối đánh trống của Đại Hàn rồi nhào lộn, có nhiều vũ công múa minh họa lúc các nghệ sĩ Kim Tử Long và Tú Sương ca cổ nhạc, có nhiều nghệ sĩ bị treo tòn ten, bị rút lên giữa sân khấu thật lâu...

Con tôi có đứa nói cải lương hoành tráng đó là một cái tả-pín-lù, một cái lẩu thập cẩm, cải lương mà mất cái chất cải lương.

Cải lương thời nay

Nguyễn Phương: Dạ, theo ông Sáu kể như vậy thì tôi cũng chưa hình dung rõ ràng đêm hát tuồng Chiếc Áo Thiên Nga ở nhà thi đấu Phan Đình Phùng đó mà ông Sáu ví như cái tả-pín-lù, cái lẩu thập cẩm là sao, xin ông Sáu có thể nói rõ hơn một chút được hông?

Ông Sáu: Tôi là dân ghiền coi cải lương chớ không phải nghệ sĩ nên tôi chỉ có thể nói cảm nhận của tôi trong đêm xem hát thôi. Hồi đó trước 75, cũng có tuồng Chiếc Áo Thiên Nga của soạn giả Nguyễn Thành Châu, cũng lấy cốt truyện Trọng Thủy Mỵ Châu, nhưng tuồng đó hát như những tuồng cải lương khác, có đầu có đuôi, có ca cổ nhạc và diễn xuất.Tôi coi tuồng Chiếc áo thiên Nga của anh Năm Châu thì hiểu được cốt truyện, tôi vui buồn theo nhân vật vì tuồng diễn có mạch lạc, ca cổ nhạc và vọng cổ, rõ lời, dễ nghe.

Còn tuồng cải lương hoành tráng Chiếc Áo Thiên Nga hát hôm Tết thì đạo diễn thêm vô đủ lối hát, có hát bội như nhiều diễn viên cầm cây roi ngựa, múa, chạy ngựa như kiểu nghệ sĩ hát bội hồi xưa, nữ nghệ sĩ Tú Sương chụp cây roi rồi chạy gối xin tội cho Trọng Thủy, bắt chước hát bội tuồng Thần Nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, đi gối xin tội cho Tiết Ứng Luông, lại có ca opera như lối hát của Tây Phương, lời ca nghe không rõ, không biết ý muốn nói gì.

Nghệ sĩ hài Tấn Beo chia tay với người yêu là nữ diễn viên gì đó, tôi không nhớ tên, mà hai người nầy tấu hài làm cho văn chương của tuồng trở thành quá dung tục. Trọng Thủy tặng chiếc áo thiên nga cho Mỵ Châu, còn cô nàng tấu hài thì tặng chiếc áo lông chuột cho Tấn Beo.

Đây, anh Nguyễn Phương nghe đoạn tấu hài nầy nối liền sau màn ca opéra và vọng cổ, anh sẽ nghĩ sao? (Minh hoạ đoạn ca opéra và đoạn tấu hài: tặng áo lông chuột.)

Nhận xét của GS Trần Văn Khê

Nguyễn Phương: Thưa quý thính giả, quý vị vừa nghe một đoạn ca opéra của nghệ sĩ tân nhạc và dàn nhạc giao hưởng, và tiếp theo đó là một đoạn tấu hài của hai nghệ sĩ hài Tấn Beo và Việt Hương.

Ông Sáu là một khán giả ái mộ cải lương, ông không thích coi một vở tuồng cải lương pha tạp nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu khác mà theo ông, đó là một cái lẫu thập cẩm, một thứ tả-pín-lù. Ông Sáu không phải là một nghệ sĩ nên ông không biết những danh từ nghệ thuật nào phù hợp với đêm hát hoành tráng Chiếc Áo Thiên Nga.

Ông Tiến sĩ Trần Văn Khê, một nhà chuyên nghiên cứu và giảng dạy về âm nhạc học, ông có đi xem vở tuồng Chiếc Áo Thiên Nga và khi được phóng viên các báo sân khấu phỏng vấn, ông trả lời trên trang Web cải lương là theo nhận xét của ông thì đêm trình diễn tuồng hát hoành tráng Chiếc Áo Thiên Nga chỉ đạt được 30% cải lương thôi.

Ông Tiến sĩ âm nhạc học về Việt Nam sinh sống những ngày cuối đời của ông nên ông phải phát biểu dè dặt chớ không thể nói huỵch toẹt ra như theo kiểu nói của ông Sáu.

Ông Sáu thấy nó pha trộn đủ thủ lộn xộn, nuốt không trôi nên gọi là tả Pín Lù, là Lẩu thập cẩm. Ông tiến sĩ Trần Văn Khê thì tế nhị hơn, ông không khen không chê, chỉ nói theo kiểu đong, đo, cân, đếm một cách khoa học, đó là tuồng hát cải lương mà đạt được 30% cải lương thôi, còn lại 70% thì không phải cải lương.

Ông Giáo sư tiến sĩ chuyên dạy học trò quốc tế học nhạc mà ông cho điểm chỉ có 30%, như vậy có nghĩa là dưới mức trung bình, nếu đi thi thì học trò cải lương nầy đã bị đánh rớt rồi.Ông không chê thẳng thừng nhưng phê cho điểm dưới trung bình thì ông cũng đã tỏ thái độ một cách rõ ràng chính xác về chất lương nghệ thuật của đêm hát cải lương hoành tráng Chiếc Áo Thiên Nga. 

Nếu nghĩ kỹ ra thì hai ông đều có nhận xét giống nhau về đêm hát cải lương hoành tráng đó nhưng cách diễn tã ý của mình thì hai ông dùng hai lối nói khác nhau mà thôi.

Định hướng cho cải lương

Thưa quý thính giả, các ông có trách nhiệm trong ngành sân khấu nói là đưa cải lương ra mặt tiền, là nâng cấp cải lương, là tìm một hướng mới phát triển cải lương trong thời hội nhập WTO và chi hơn hai tỉ đồng cho chương trình trình diễn Kim Vân Kiều trong dịp Tết năm 2007 và đã chi hơn 3 tỉ 500 triệu đồng cho chương trình hát vở cải lương hoành tráng Chiếc Áo Thiên Nga trong dịp Tết năm 2008.

Được biết, vở tuồng này có tới hàng trăm nghệ sĩ diễn gồm các ca sĩ tân nhạc, ca sĩ opera, diễn viên múa minh họa và cascadeur đánh võ, nhào lộn, diễn viên cải lương, nhạc sĩ cổ nhạc và dàn nhạc giao hưởng, đạo diễn cho sử dụng nghệ thuật trình diễn pha trộn các loại hình nghệ thuật như hát bội, hát cải lương, ca tân nhạc, hát opéra, múa minh họa, xiệc nhào lộn và kéo giây bay treo các nghệ sĩ giữa lưng chừng sân khấu.

Ở Việt Nam, hiện nay có phong trào lập kỷ lục thế giới, người ta làm một chiếc guốc khổng lồ dài khoản 3 thước, một cái tách đựng 3.612 lít cà phê, một cái ghế xếp cho 40 người cùng nằm, một cái bánh chưng năng 2 tấn, bánh tét bề tròn 8 tấc, dài ba thước, một cặp đèn cầy nặng 4 tấn, đốt ròng rã trong một năm mới cháy hết cây đèn cầy…

Và họ muốn tuồng cải lương hoành tráng cũng đạt được kỷ lục quốc gia và kỷ lục quốc tế, tuồng Chiếc Áo Thiên Nga, một vở tuồng tốn kém nhất, đông diễn viên nhất, dùng tất cả các loại hình nghệ thuật để diễn một tuồng hát, diễn trên một sân khấu rộng nhất, có đông khán giả đến xem nhất, có hai chục cái trống chầu, có treo 10 nghệ sĩ tòn ten thật lâu giữa lưng chừng sân khấu, vân vân và vân vân… và đặc biệt một năm chỉ hát một lần, vài xuất hát rồi thôi.

Kể từ khi Việt Nam có nghệ thuật hát cải lương đến nay 90 năm, chưa có một vở tuồng cải lương nào được giống như vậy. Bầu gánh hát tư nhơn thì xuất tiền túi ra lập gánh hát, nuôi nghệ sĩ và soạn giả nên cần lựa tuồng và cách hát sao để thu hút khán giả, đó cũng là phục vụ khán giả để đoàn hát có thể hát nhiều suất, hát nhiều nơi để vừa giải trí khán giả vừa kiếm sống cho nghệ sĩ.

Hiện nay thì chủ gánh hát là chánh phủ, thì nhà nước xuất ra chi là tiền thuế của dân, không phải của tư nhân nên không sợ  bị lỗ vốn.

Nguyễn Phương xin mượn lời của Tiến sĩ Giáo sư Trần Văn Khe góp ý sau khi xem hai vở Kim Vân Kiều năm 2007 và vở Chiếc Áo Thiên Nga năm 2008, ông nói: “Nó giống Phim Trường chớ không phải cải lương”.

Có lẽ cần nhiều chương trình phát thanh nữa Nguyễn Phương mới có thể trình bày được một phần về nghệ thuật cải lương được định hướng theo lối mới hiện nay.

Thưa quí thính giả, chương trình cổ nhạc kết thúc, Nguyễn Phương xin hẹn vào giờ nầy tuần sau. 

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/Vietnamese-traditional-music-NPhuong-06222008221933.html
Bình luận

Lời Bàn Mới

  • CÒN THOÁNG CHIÊM BAO
    Lâm Nguyễn 24.02.2024 17:12
    Cảm ơn admin đã tải lên album này, chiếc cầu nối đưa tôi biết đến ngôn từ và giai điệu tuyệt đẹp của ...
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    Thông-Tin 08.09.2023 11:49
    Đã sửa, giờ nghe được rồi.
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    2gether 06.09.2023 22:30
    Hi Admin Album này không nghe được.... Plz......
     
  • TÌNH KHÚC NGÔ THỤY MIÊN
    Thông-Tin 25.08.2023 18:23
    Cám ơn bạn. Lỗi đã sửa, album giờ nghe được hết .
     
  • PHẠM MẠNH CƯƠNG 18
    Thông-Tin 25.08.2023 18:21
    Cám ơn bạn đã cho hay . Bài này không có mp3 .

Đăng Nhập/Xuất