Nguyễn Phương
30.5.2006


Thưa quí thính giả, những nhà biên khảo về nghệ thuật sân khấu cải lương trong hơn tám mươi năm qua thường chỉ viết về tiểu sử và hoạt động của các soạn giả, cuûa các nghệ sĩ nam nữ tài danh và phân tích nội dung một số tuồng tích hay, ít có ai đề cập đến những ông bà Bầu gánh hát, những người có công không nhỏ trong việc đào luyện các nghệ sĩ và làm cho ngành sân khấu phát triển và lớn mạnh.


Đến giữa thập niên 1950 đến giữa thập niên 1980, có năm người bầu gánh hát đã làm cho sân khấu cải lương thật sự lớn mạnh để xứng đáng được ghi vào dòng văn học nghệ thuật của nước nhà, đó là bà Bầu Thơ đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga, bà bầu Kim Chưởng, đoàn Kim Chưởng, ông Bầu Long, đoàn Kim Chung, ông bầu Xuân, đoàn Dạ Lý Hương và bầu Thu An, đoàn Hương Mùa Thu.

Bà Bầu Nguyễn Thị Thơ, thân mẫu của cố nữ nghệ sĩ tài danh Thanh Nga là một người bầu tài giỏi và đắc nhân tâm nhất trong số những người bầu gánh hát mà tôi quen biết.

Tôi xin đơn cử những con số sau đây để chứng minh :

- Bà Bầu Thơ thành lập gánh hát Thanh Minh từ đầu năm 1950, bà thay đổi bảng hiệu thành Thanh Minh Thanh Nga từ năm 1960 và lèo lái gánh hát đến năm 1972 mới giải tán gánh hát vì ảnh hưởng của thời cuộc. Bà làm bầu gánh hát liên tục trong 23 năm, từ trước đến nay trong lịch sử cải lương ở miền Nam, chưa hề có một người nào làm bầu gánh hát được bền bĩ và thành công như Bà.

- Gánh hát Thanh Minh Thanh Nga dưới sự điều khiển của bà bầu Thơ là gánh hát mở đường và dẫn dầu trong việc trình diễn các tuồng lịch sử, dã sử Việt Nam và tuồng xã hội cận đại Việt Nam. Có thể kể ra hàng trăm tuồng xã hội và hơn ba mươi tuồng lịch sử và dã sử Việt Nam. Trước đó thì sân khấu cải lương có rầt ít tuồng xã hội, trong những thập niên 40, 50, có độ mươi tuồng xã hội thôi, còn ngoài ra là tuồng Tàu, tuồng Tây Phương, tuồng Kiếm hiệp La Mả, tuồng Chưởng, tuồng chiến tranh cắc bùm. Bà Thơ và gánh hát Thanh Minh Thanh Nga của Bà đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của sân khấu cải lương, đưa sân khấu cải lương về với nội dung văn hóa dân tộc.

- Về mặt trang trí sân khấu, y trang của nghệ sĩ, bà Bầu Thơ cũng là người đầu tiên chịu xuất tiền chi phí cho họa sĩ thực hiện, mỗi tuồng được vẻ nhiều cảnh mới và y trang mũ mảng mới thích ứng với nhu cầu mỹ thuật và nghệ thuật của tuồng đó.

Bà Bầu Thơ là người bầu gánh hát đầu tiên chịu xuất tiền cho họa sĩ thực hiện những cảnh trí mới và cho thợ may may y trang mới phù hợp với nhu cổu của từng tuồng hát hồi đầu năm 1955, cách nay nữa thế kỷ.

- Có thể kể trong thời gian dài 23 năm, có 34 nam nghệ sĩ, 34 nữ nghệ sĩ , tất cả là 68 ngôi sao sân khấu đương thời và 27 soạn giả xuất sắc nhất của miền Nam, đã làm việc dưới quyền điều khiển của bà Bầu Thơ.

- Gánh hát Thanh Minh Thanh Nga của bà Bầu Thơ là gánh hát duy nhứt của miền Nam hát thường trực lâu dài tại một rạp hát mà lúc nào cũng được đông nghẹt khán giả đến mua vé xem hát.

- Bà Bầu Thơ được các ký giả kịch trường và các nghệ sĩ tặng cho mỹ danh là bà Bầu của những ông Bầu. Bà Bầu cải lương trong ba thập niên 50, 60 và 70.

Hỏi : Thưa anh Nguyễn Phương, tại sao người ta lại gọi bà Bầu Thơ, thân mẫu của nữ nghệ sĩ tài danh Thanh Nga là bà Bầu của những ông bà bầu ?

Đáp : Bà Bầu Thơ được gọi là bà Bầu của những ông bà Bầu là vì hầu hết những ông bà Bầu gánh hát được ban thành lập từ những năm 1955 đến năm 1975, các ông bà bầu gánh hát là những nghệ sĩ từng hát trên sân khấu Thanh Minh và Thanh Minh Thanh Nga, dưới quyền của bà Bầu Thơ.

Hỏi : Tôi nghe nói là bà Bầu Thơ rất được nghệ sĩ thương yêu và nễ phục. Thưa anh, tại sao bà Thơ không phải là một nghệ sĩ trình diễn hay soạn giả mà người ái mộ nghệ sĩ lại cho là bà Thơ có công với sân khấu cải lương?

Đáp : Thưa anh Đức, Thưa quí thính giả, trong những thập niên 1955 trở về trước thì sân khấu cải lương chuyên hát những tuồng Kiếm Hiệp, tuồng chiến tranh, tuồng cổ tích và chỉ một ít tuồng xã hội. Về tranh cảnh trên sân khấu thì hầu hết các gánh hát thời bấy giờ chỉ những cảnh dựng chung cho từ cổ. Về y trang, mũ mão cũng vậy, các gánh hát hồi xưa chia ra ba loại trang phục, tuồng Tàu, tuồng Tây phương La Mã, tuồng cổ tích Việt Nam.

Chính sự khinh xuất nầy làm cho khán giả trí thức phải than phiền là ăn mặc như cải lương, ý muốn nói là ăn mặc loè loẹt, không theo một kiểu dáng của một dân tộc nào, một tầng lớp nào trong xã hội. Bà Bầu Thơ là người bầu gánh hát đầu tiên chịu xuất tiền cho họa sĩ thực hiện những cảnh trí mới và cho thợ may may y trang mới phù hợp với nhu cổu của từng tuồng hát hồi đầu năm 1955, cách nay nữa thế kỷ.

Sự thức thời của một bà chủ gánh hát đã giúp cho nghệ sĩ có phương tiện tài chánh để cải tiến về mặt mỹ thuật, nghệ thuật trên sân khấu là một việc rất là qúy hiếm, vưà giúp nâng cao trình độ thẩm mỹ của nghệ sĩ và khán giả, vừa buộc các soạn giả phải nâng cao tính văn học và mỹ thuật, nghệ thuật trong soạn phẩm của mình.

Đoàn Thanh Minh Thanh Nga của bà Bầu Thơ mở đường cho việc sáng tác và trình diễn thường xuyên các tuồng cải lương dã sử, lịch sử và xã hội Việt Nam, sau đó mới có đoàn Dạ Lý Hương nối theo, nhờ vậy mà thay đổi được bộ mặt của sân khấu cải lương: sân khấu cải lương không phải chỉ có hát những tuồng Tàu, tuồng Tây phương, tuồng La Mã, Kiếm hiệp hay chiến tranh cắc bùm mà còn hát những tuồng Việt Nam xây dựng theo trào lưu mới, hợp với một xã hội tự do, tiến bộ.

Soạn giả nào không đáp ứng yêu cầu đó, không thận trọng và tự trọng trong khi sáng tác tuồng tích sẽ không có chỗ đứng trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga. Gánh Thanh Minh Thanh Nga nhờ đó mà hát ăn khách và các ông bà Bầu gánh hát khác cũng phải noi theo gương đó nếu họ muốn cho gánh hát của họ sanh tồn thì nhứt định là nghệ thuật và mỹ thuật phải tiến bộ như gánh hát Thanh Minh Thanh Nga của bà bầu Thơ.

Hỏi : Thưa anh, nếu chỉ có giúp cho việc cải tiến về mặt mỹ thuật dàn cảnh hay y trang trên sân khấu, theo tôi nghĩ thì đó chưa phải là có công với nghệ thuật sân khấu cải lương, hay đúng ra là chỉ có công một chút xíu thôi.

Vâng, thưa quí thính giả, Bà bầu Thơ còn có những đóng góp lớn cho việc phát triển của ngành sân khấu cải lương. Trong cuối thập niên 50, tất cả các đoàn hát cải lương chỉ hát những tuồng Tàu, tuồng La Mã Kiếp Hiệp của ông soạn giả Mộng Vân hoặc tuồng chiến tranh như gánh hát Hoa Sen, trừ đoàn hát Việt Kịch Năm Châu thì có hát những vở tuồng xã hội Tây Phương như Gió Ngược Chiều, Miếng Thịt Người, Túy Hoa vương nữ, Tây Thi Gái nước Việt( tuồng Tàu), bà Bầu Thơ khuyến khích các soạn giả viết tuồng dã sử, lịch sử Việt Nam và xã hội Việt Nam.

Trong những năm 1955 đến những năm 1972, gánh hát Thanh Minh, rồi Thanh Minh Thanh Nga hát những tuồng sử và dã sử Việt Nam như đồ Bàn Di hận, Biên Thùy Nỗi Sóng, Tình Tráng Sĩ, Núi Liều sông Bằng, Nẽo tắt Hoành Sơn, Hồi trống Vân Lâu, Cầu gổ Hoàng Mai Thôn, Núi Liểu sông Bằng, Ngược dòng sông Lỗi, Chiếc lá giữa dòng, đường về Núi Lam, Cành đào Thăng Long, Sương gió Chiêm Thành, Nguyễn Trãi biệt đông Quan, o gấm khôi nguyên,Ngược sóng Phú Lương, Thiên Thần trên thiết mã, Nhan sắc phi tần…

Song song với những tuồng lịch sử và dã sử Việt Nam, bà Thơ còn khuyến khích các soạn giả sáng tác và cho trình diễn những vở tuồng xã hội Việt Nam trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga như các tuồng Nửa đời hương phấn, Con gái chị Hằng, Tấm lòng của Biển, Tuyệt Tình Ca, Tần Nương Thất, đêm Vĩnh Biệt, Mưa rừng, đôi mắt người xưa, Ngã rẽ tâm tình, Bóng chim tăm cá, Người tình của Biển, Hai hình ảnh một cuộc đời, Bọt Biển, Chuyện Ba trái tim, Chuyện Xóm mình, Tiền rừng bạc biển, Chuyện tình 17, Tình xuân muôn tuổi, Bông hồng cài áo, Lỡ bước sang ngang, Hai chuy?n xe hoa, Yêu trong hồng hơn, Thầy Cai Tổng Bồi, đời hai mặt, Chén Cơm đô thành…….

Có thể nói là đoàn Thanh Minh Thanh Nga đã trình diễn hàng trăm vở tuồng xã hội, sáng tác mới đề cập đến các vấn đề của xã hội Việt Nam cận đại và phóng tác một sĩ tiểu thuyết của các nhà văn Hồ Biểu Chánh, An Khê Nguyễn Bính Thinh, Bình Nguyên Lộc, Ngọc Linh, …

Nên nhớ là các soạn giả Năm Châu, Năm Nở, Tư Trang, Tư Chơi đã từng sáng tác độ hơn mười tuồng xã hội Việt Nam nhưng chỉ hát được trong những năm 1936 đến 1942, sau đó cho đến những năm 1970 thì ngay trên sân khấu của đoàn Việt Kịch Năm Châu cũng không hát được các vở tuồng xã hội Việt Nam vì không thể có khán giả đến xem.

đoàn Thanh Minh Thanh Nga của bà Bầu Thơ mở đường cho việc sáng tác và trình diễn thường xuyên các tuồng cải lương dã sử, lịch sử và xã hội Việt Nam, sau đó mới có đoàn Dạ Lý Hương nối theo, nhờ vậy mà thay đổi được bộ mặt của sân khấu cải lương: sân khấu cải lương không phải chỉ có hát những tuồng Tàu, tuồng Tây phương, tuồng La Mã, Kiếm hiệp hay chiến tranh cắc bùm mà còn hát những tuồng Việt Nam xây dựng theo trào lưu mới, hợp với một xã hội tự do, tiến bộ.

Hỏi: Lúc nãy anh Phương có nói là 27 soạn giả tài danh từng cọng tác với đoàn Thanh Minh Thanh Nga của bà Bầu Thơ. Xin anh kể cho nghe một số tên các soạn giả đó.

Đáp: Dạ, số soạn giả cộng tác với đoàn Thanh Minh Thanh Nga có: anh Năm Châu, Tư Trang, Duy Lân, Năm Nở, điêu Huyền, Quang Phục, Bảo Quốc( tức soạn giả Năm Nghĩa), Lê Khanh, Nguyễn Phương, Kiên Giang Hà Huy Hà, Hà Triều - Hoa Phượng, Thiếu Linh, Hoàng Khâm, Hoàng Việt, Thành Phát, Thu An, Yên Ba, Ngọc Huyền Lan, Viễn Châu, Mộc Linh, Tám Vân - Nhị Kiều, Hoài Ngọc, Phương Ngọc, Thái Thụy Phong, Quy Sắc, Nguyễn Liêu, Thế Châu…

Hỏi: Anh nói có tói 68 nghệ sĩ nam nữ tài danh từng hát cho gánh hát của bà Bầu Thơ…

Đáp: Đúng vậy, tôi kể tên các nữ nghệ sĩ trước…Chắc là nhiều vị khán giả ngày xưa khi còn ở trong nước, từng xem hát của đoàn Thanh minh Thanh Nga còn nhớ…

Nữ diễn viên có: Kim Anh, Kim Chưởng, Thúy Nga, Bà Năm Sadec, Ba Thanh Loan, Phùng Há, Kim Cúc, Ngọc Chúng, Mai Búp, Hoàng Vân, Thu Ba, Kim Giác, Ngọc Nuôi, Bích Sơn, Ngọc Giàu, Bảy Quát, Ut Bạch Lan, Bạch Tuyết, Thanh Hương, Thanh Nga, Thanh Thanh Hoa, Diệu Hiền, Mộng Tuyền, Hương Lan, Mai Lan, Hồng Nga, Trang Bích Liểu, Phương nh, Kim Hoa, Thúy Lan, Bo Bo Hoàng, Kim Hương, Hà Mỹ Xuân, Mỹ Hiền

Hỏi: Anh nhớ tên các nữ nghệ sĩ tài thật, anh kể một hơi, chắc tên nam nghệ sĩ anh cũng không quên, tôi muốn hỏi anh hồi đó các ký giả có uy tín nhứt, nhận xét bà bầu Thơ ra sao, anh kể tôi nghe?

Đáp: Ký giả Trần Tấn Quốc, người chủ trương giải Thanh Tâm đã phát biểu trong tiệc mừng đoàn Thanh Minh Thanh Nga 17 năm thành lập, có đoạn như sau:

- Những tuồng xã hội của sân khấu Thanh Minh Thanh Nga trong ba thập niên 50, 60, 70, thể hiện những " mảnh đời thu hẹp", những cuộc tình chung thủy, những bài học về đạo đức làm người như nội dung tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh hay chuyện thơ của cụ Nguyễn đình Chiểu. Tóm lại là các soạn giả của đoàn đề cập tới cuộc sống và con người với một tinh thần có trách nhiệm trước khán giả."

- Những ông bà bầu trước, kể cả các nghệ sĩ tiền phong thường ao ước xây dựng một sân khấu Thật và đẹp, với nội dung xã hội nhân bản, nhưng chưa thực hiện được thì bà Bầu Thơ đã làm được một phần quan trọng đáng kể. Ta nên hoan nghinh sự thành công của một bà Bầu phi thường, Bầu của những ông Bầu bà Bầu."

Thưa quí thính giả, thời gian phát thanh có hạn, Nguyễn Phương xin ngưng nơi đây. Xin cám ơn quí thính giả đã chịu khó lắng nghe chương trình nầy. Xin hẹn tái ngộ vào giờ nầy tuần sau.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/MrsNguyenThiThoOwnerOfThanhMinhThanhNga_NPhuong-20060530.html

 

Bình luận

Lời Bàn Mới

  • CÒN THOÁNG CHIÊM BAO
    Lâm Nguyễn 24.02.2024 17:12
    Cảm ơn admin đã tải lên album này, chiếc cầu nối đưa tôi biết đến ngôn từ và giai điệu tuyệt đẹp của ...
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    Thông-Tin 08.09.2023 11:49
    Đã sửa, giờ nghe được rồi.
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    2gether 06.09.2023 22:30
    Hi Admin Album này không nghe được.... Plz......
     
  • TÌNH KHÚC NGÔ THỤY MIÊN
    Thông-Tin 25.08.2023 18:23
    Cám ơn bạn. Lỗi đã sửa, album giờ nghe được hết .
     
  • PHẠM MẠNH CƯƠNG 18
    Thông-Tin 25.08.2023 18:21
    Cám ơn bạn đã cho hay . Bài này không có mp3 .

Đăng Nhập/Xuất