Ngành Mai
18.4.2011

Cô Năm Cần Thơ, ca sĩ cổ nhạc được liệt vào hàng nghệ sĩ tiền phong với Năm Châu, Phùng Há và nổi danh trước cả những Út Trà Ôn, Năm Nghĩa, Kim Chưởng, Thúy Nga... Là giọng ca sáng giá ở lãnh vực thu dĩa hát với những bài vọng cổ: Con Chim Họa Mi, Thoại Ba Công Chúa, Mổ Tim Tỷ Cang, Ðắc Kỷ Thọ Hình, Anh Hùng Liệt Nữ v.v...

Những năm đầu thập niên 1950, cô Năm Cần Thơ được Tướng Bảy Viễn cho mở quán nhậu trong khuôn viên Ðại Thế Giới, và các ca sĩ, nhạc sĩ tài tử cổ nhạc thờ bấy giờ rất thường lui tới ca hát nên khá đông khách. Nghệ sĩ Hữu Phước trước khi nổi tiếng cũng đã từng giúp việc trong quán cô Năm, một thời gian

Sang qua thập niên 1960 trong khi các nghệ sĩ thế hệ đàn em trẻ hơn như Hữu Phước, Thành Ðược, Út Bạch Lan, Kim Chưởng, Thanh Hương đương thời tấn lên ngự trị sân khấu cải lương thì cô Năm Cần Thơ đã lui vào bóng tối hậu trường.

Nghỉ hát thời gian khoảng 10 năm, nhưng còn nặng nợ với Tổ nghiệp nên năm 1974 cô Năm tái xuất giang hồ, về quê Cần Thơ mở quán nghệ sĩ ở đường Trần Quí Cáp, tương tợ như quán Lệ Liễu trước đó ở Thị Nghè. Nhạc sĩ Duy Trì (khiếm thị) cộng tác đảm trách dàn đờn, nên lúc mới mở quán được bà con ở quê hương ủng hộ khá đông, mấy gánh hát lưu diễn miền Tây cũng tới ăn uống giúp đỡ cô.

Sau 30 tháng 4, 1975 không biết quán cô Năm Cần Thơ sống thêm được bao lâu, và người ta cũng không biết cô trôi nổi đến nơi nào. Nhưng đến năm 1994 thì thiên hạ thấy cô sống cô độc trong túp lều che bằng những tấm bạt, tấm nylon trong công viên Tao Ðàn.

Ngày nọ có một ông khán giả khi xưa ghé thăm cô, lại đúng vào lúc vừa có lệnh giải tỏa những người ở tạm bợ trong công viên này.

Ông khách nói:

- Nghe nói cô Năm đang ở đây nên sẵn dịp đi Sài Gòn tôi ghé đây thăm cô.

- Cám ơn, ông là ai, ở đâu vậy?

- Tôi ở trên Bà Quẹo, là người ái mộ giọng ca của cô hồi xưa ấy mà!

Rồi ông này kể tiếp một hơi cái thời oanh liệt của cô Năm, và nhắc lại vở tuồng nổi tiếng:

- Hồi đó đi coi hát, thấy cô đóng vai Lan Phương trong tuồng Anh Hùng Liệt Nữ...

- Thôi đi ông ơi! Liệt nữ cái gì, sắp bị đuổi không biết đi ở chỗ nào đây!

Nghe thế mà ông khán giả này vẫn nói tiếp:

- Lúc đó Minh Chí đóng vai tráng sĩ Kinh Kha, cô chèo đò đưa Kinh Kha qua sông Dịch...

- Thôi mà ông, vịt gà gì, rầu muốn chết đây, đừng nhắc nữa...

Ông khách ráng nói thêm:

- Lúc cô tiễn Kinh Kha sang Tần...

Cô Năm chận lại:

- Kinh Kha tráng sĩ hả? Kinh Kha với bà vợ bây giờ bán cơm tấm ở dưới dạ cầu Chữ Y... (lúc bấy giờ kép Minh Chí và vợ là đào Ánh Hoa bán cơm tấm ở nơi ấy).

Trong lúc đang buồn khổ thì đâu ai muốn nhắc lại cái thời vàng son cho tủi thân. Ông khán giả đến thăm không đúng lúc vậy! Sau đó thì nghe nói mấy "túp lều lý tưởng" trong công viên Tao Ðàn bị giải tỏa, và trung tâm âm nhạc, trung tâm hướng dẫn nghiệp vụ đã trích một số tiền thuê một căn phòng nhỏ gần đó để cô ở tạm trong 3 tháng. Nhưng sau 3 tháng đó rồi không biết cô Năm Cần Thơ trôi dạt về đâu? Năm ấy cô Năm đã 76 tuổi, nếu tính đến nay đã 93 tuổi rồi, không biết có còn mạnh giỏi? Một nghệ sĩ tài hoa đã trả hết nợ tằm...

Ngành Mai

Nguồn:http://www.nguoi-viet.com