Nguyễn Sĩ Hạnh
Mới đây có lần không biết vì sao lại nhân được một cái email của mấy người bạn hồi còn ở đại học về mấy bài thất tình ca. Lan man vài vòng lại bàn tới Bài Không Tên Cuối Cùng của Vũ Thành An. Có chị bạn cùng lớp gởi qua lời mới, Bài Không Tên Cuối Cùng Trở Lại, do Vũ Thành An viết lại lúc về già và nhắn:
“Lời cũ nghe buồn da diết hơn, cay đắng hơn, mình nghĩ lời cũ thích hợp với tâm trạng của người còn trẻ lúc thất tình. Lời mới bây giờ thì bao dung hơn, nhẹ nhàng hơn, thích hợp cho tâm trạng của lứa tuổi tri thiên mệnh của tụi mình bây giờ “.
Lúc nhận mail tôi không đồng ý với chị bạn, một phần không thích chuyện viết đi viết lại, một phần cái lời cũ hằn sâu trong tâm khảm mấy chục năm qua. Một phần nữa tôi chưa bao giờ nghe qua lời mới!
(Xin thú thiệt là trong đầu tôi có một khoảng trống tới cỡ hai mươi năm về nhạc Việt Nam, không theo dõi để ý gì tới nhạc Việt Nam, trong nước cũng như ngoài nước. Chỉ lâu lâu đem ra nghe lại mấy CD cũ của Thái Thanh, hay mấy cuộn cassette nhão nhẹt của Khánh Ly Hát Cho Quê Hương Tôi Nghe. Còn Ngọc Lan chết năm nào cũng không hay, Ý Lan bắt đầu hát lúc nào cũng không biết.Tới lúc nghe cổ lấy chồng lần thứ tư mới giựt mình, lật đật đi kiếm CD của cổ để nghe coi cổ hát bằng mẹ cổ không, kiếm hình cổ coi thử mặt khuôn mặt cổ tròn méo ra sao, vì thường đàn bà phải đặc biệt thì mới có được tới bốn đời chồng!)
Chị bạn gởi qua luôn MP3 của bài hát lời mới, nhưng lu bu chuyện này chuyện nọ tôi cũng không có dịp nghe thử. Bẵng mấy tháng nay, tình cờ gặp lại một người bạn cũ, cũng nói y hệt như chị bạn học, tôi mới giật mình. Tại sao mấy cô này nói giống nhau quá, như là cùng một sách ra vậy. Chắc phải về moi bài nhạc ra nghe thử xem sao.
Ông Vũ Thành An viết bài Bài Không Tên Cuối Cùng vào quãng giữa thập niên 60. Năm 1991 ông viết lại lời mới ở Mỹ, nghĩa là chừng hai mươi mấy năm sau. Lúc đó ông đã lớn tuổi và đi tu, chắc nghĩ lại thấy lời cũ khắc khe vời người tình xưa quá, nên viết lại cho nhẹ nhàng hơn, vị tha hơn một chút! Xin kê hai lời song song nhau cho các bạn rõ:
Nhớ em nhiều nhưng chẳng nói Biết bao lần em đã hứa Này em hỡi Này em hỡi Suốt con đường ai dìu lối |
Nhớ rất nhiều câu chuyện đó Vẫn con đuờng, con đuờng cũ Này em hỡi Này em hỡi Nếu không còn được gặp nữa, |
Ngọc Lan |
Tuấn Ngọc |
Lời ca mới dường như là của một người đàn ông đã tới tuổi tri thiên mệnh, đã bạc mái đầu, về thăm lại con đường cũ, ngôi trường xưa. Rồi tức cảnh sinh tình ông nhớ lại một người tình cũ, ông ước ao có một ngày gặp lại em, để hỏi chuyện em lần cuối cùng.
Không biết là ông có biết con đường em đi ra sao, đi tới đâu rồi, đường dồng dốc chông gai như ở những khu kinh tế mới, hay đường rộng bằng phẳng thênh thang như xa lộ bên Mỹ. Hay là ông chỉ đoán đại “con đường em theo đó, chắc qua bao lênh đênh, bao gập ghềnh“. Xong ông bày đặt tội nghiệp cô bạn cũ ” có làm héo hắt, có dập tắt mất nét tươi nhuận nụ cười“. Ông thiệt khéo lo xa, theo thời gian thì ai lại không già!
Không chắc mà ông lại phán đại “con đuờng em đi đó, con đuờng em theo đó đúng đấy em ơi“. Lỡ không đúng thì sao, lỡ cô bạn cũng vẫn cứ tơ tưởng về ông thì sao, như chị Thiên Thu vậy. Ông hoặc quá khiêm nhường hoặc ông trốn tránh trách nhiệm. Vì người ta sinh ra là để yêu, và phấn đấu cho cái tình yêu của mình, hạnh phúc của mình mà. Mà ông thì cầu bại, ông nói để tự an ủi mình, “Nếu chúng mình có thành đôi lứa, chắc gì ta đã, thoát ra đời khổ đau“. Làm sao ông biết được là cô bạn ngày cũ bây giờ sống một đời khổ đau? Bảnh hơn nữa, ông nhắn người tình cũ là ông cầu nguyện cho em được bình yên về cuối đời. Làm sao ông chắc được là em sẽ không bình yên, là em vẫn còn ray rức hoài về một chuyện tình cũ xa lơ xa lắc. Ông đúng là người tiêu cực, project cái suy nghĩ của mình lên cô bạn cũ cho khuây khỏa chính mình!
Nói dỡn cho vui, chớ nghe nhạc đâu có ai mà moi móc một cách không logic như vậy! Phải đồng ý với cô bạn cùng lớp về lời mới, nhưng nghe kiểu nào tôi vẫn thích lời cũ hơn, nó trẻ trung hơn, mặn mà hơn, nó đau đớn, nó chua cay, nó dằn vặt, có đủ mọi gia vị của một cuộc tình bị đổ bể. “Mưa bên chồng, có làm em khóc có làm em nhớ những khi mình mặn nồng“, cũng là project cái tâm tình, cái thương nhớ của mình lên cô bồ cũ, nhưng nồng nàn hơn, thiệt tình hơn.
Các bạn nghe thử lời cũ do Ngọc Lan ca. Nhiều bạn sẽ chê là cổ hát bài này chưa đạt, nhưng tôi vốn ái mộ những người đàn bà chết trẻ (vì chết lúc còn xinh đẹp), nên luôn có một soft spot cho Ngọc Lan. Trong bài hát này Ngọc Lan sửa lời ca thành tâm sự của một cô gái bị bồ bỏ đi. Đi đâu thì không biết, có thể đi lính, có thể vô khu, có thể đi bộ đội, có thể đi vượt biên…” Này anh hỡi, con đường anh đi đó, con đường anh theo đó, sẽ đưa anh sang đâu“. Cô thổ lộ cái tâm tình của mình một cách khéo léo và sexy vô cùng “Mưa bên chồng, sẽ làm em khóc, sẽ làm em nhớ, những khi mình mặn nồng”...
Những ngày thất tình hồi hai mươi mấy tuổi tôi hay chiều chiều tối tối ôm cây đàn ghi ta thùng mà rên rỉ những bản thất tình ca. Bài Không Tên Cuối Cùng này tôi thường hát trại đi một chút để nghe cho lâm li hơn (xin lỗi ông Vũ Thành An). Mà lâm li thiệt, ca dở ẹt trật nhịp lên trật nhịp xuống mà nhiều khi tôi cũng thấy nẫu ruột theo giọng hát của mình:
Này em hỡi, con đường em đi đó, con đường em theo đó, đúng hay sao em?
Xa nhau rồi, thiên đường thôi vỡ, ân tình thôi lỡ, xót đau người tình si.
Bạn thấy không, những câu ca ngày cũ, hồi tóc còn xanh, vẫn còn đằm sâu trong đầu mình, trong tim mình. Ông Vũ Thành An có viết lại lời ca từ bi bác ái tới đâu, tới như cả những câu kinh ông tụng sáng chiều, thì cũng không giúp được gì cho những cuộc tình đã dang dở, những tâm hồn vẫn còn ngơ ngơ ngác ngác cho tới cuối đời vì đã có một lần, thiên đường đã vỡ, ân tình đã lỡ…