Trần Trung Đạo
1/2024
Trái: Nhà văn Vương Trùng Dương 2023. Ảnh Trần Minh Triết
Phải: Tác phẩm mới của nhà văn Vương Trùng Dương: Âm Nhạc & Người Muôn Năm Cũ.
Hai anh em chúng tôi gắn bó với nhau bằng nhiều tình cảm, tình đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng, tình học trò ở Hội An và tình văn nghệ từ những ngày anh mới đặt chân tới đất Mỹ.
Lần nào tôi qua California cũng đều được anh dắt đi uống café và giới thiệu đến các anh, các chị trong giới cầm bút để tôi được làm quen. Mười chín năm trước tôi đến California giới thiệu thơ, anh là người chụp hình, viết tin, làm phóng sự. Năm 2013, tôi sang giới thiệu Chính Luận cũng thế, anh lại bận bịu vì đàn em. Anh quan tâm không chỉ vì tình văn nghệ hay tình đồng hương mà một phần lớn vì bản tánh anh hào phóng, chân thật và tận tình với anh chị em trong giới sáng tác. Anh đối xử với phần đông anh chị em văn nghệ đều như vậy chứ không phải chỉ dành cho riêng tôi.
Đầu tháng 12 năm ngoái, 2023, tôi trở lại California để phụ lo Lễ Tưởng Niệm Hòa Thượng Tuệ Sỹ, anh cũng đóng góp một phần ý nghĩa về cả vật chất lẫn tinh thần trong lễ tưởng niệm. Bảy năm gặp lại, ông anh Vương Trùng Dương vẫn không thay đổi nhiều, hoạt bát, hăng say, nhiệt tình, chiếc mũ nỉ trông không già hơn xưa mấy, trong khi chú em của anh thì khác, đuổi theo sắp kịp anh, tóc trắng và nhiều nếp nhăn trên trán. Nhà thơ Tô Thùy Yên thường nói khi gặp anh em văn nghệ “Lần gặp nhau là một lần hạnh ngộ”, có thể trong cùng suy nghĩ đó, dù bận rộn, anh Vương Trùng Dương đều có mặt trong hầu hết các buổi hẹn hò của chúng tôi.
Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng
Ngoài Trầm Tử Thiêng – người con Quảng Nam – nhà văn Vương Trùng Dương cũng viết về một nhạc sĩ khác mà tôi yêu thích và ngưỡng mộ: nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn. Lý do đơn giản, nhạc của ông gắn liền với hành trình tỵ nạn.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Những năm sau này, mỗi khi ôm đàn nghêu ngao tôi thường hát nhạc Nguyễn Đình Toàn. Tôi hân hạnh được cùng ăn cơm tối với ông trong một sinh hoạt văn hóa ở Dallas và được nhà văn Bích Huyền và nhà thơ Nguyễn Thanh Huy dắt đi ăn cơm trưa với ông trong một lần tôi ghé thăm Orange County nhiều năm trước. Nhạc Nguyễn Đình Toàn thấm đậm nỗi đắng cay, mất mát, tủi buồn của một nhạc sĩ Việt Nam Cộng Hòa trở về sau những năm dài tù Cộng sản. Anh trở về để đối diện với một cuộc đời khác còn đau khổ và chịu đựng hơn cả trong thời chiến. Trong chiến tranh ít ra anh còn đồng đội để chia sẻ buồn vui, bây giờ anh một mình trong cô đơn trống vắng. Anh ngồi xuống “tháo đôi giày, gỡ khuy cài nghe tóc bay” và nhớ đến những “ai đi không về”.
Nhà văn Vương Trùng Dương tóm tắt về cuộc đời của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn: “Ông bà Nguyễn Đình Toàn có 4 người con: Nguyễn Đình Thức, Nguyễn Đình Tri, Nguyễn Đình Phượng Uyển, Nguyễn Đình Thư. Bà Nguyễn Thị Thu Hồng – Bà Tú Xương của Nguyễn Đình Toàn – vĩnh biệt chồng con, cháu… ngày 15 tháng 2 năm 2021, hưởng thọ 79 tuổi. Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn qua đời lúc 7 giờ 15 phút tối Thứ Ba, ngày 28 tháng 11 năm 2023, tại bệnh viện Fountain Valley, California, hưởng thọ 87 tuổi. Ông đã vĩnh viễn ra đi nhưng để lại di sản văn học nghệ thuật quý báu cho người ở lại.”
Hai nhạc sĩ gốc Quảng Nam khác cũng được nhà văn Vương Trùng Dương viết về là Lan Đài và Lê Trọng Nguyễn. Họ là hai người bạn thân đã trải qua một thời cam go trong giai đoạn từ 1945 đến 1954. Từ 1955, nhạc sĩ Lan Đài dạy nhạc tại nhiều trường trung học, đồng thời xuất bản nhiều sách dạy nhạc từ sơ cấp đến trung cấp.
Một nhạc sĩ tôi hân hạnh uống café chung hai lần là nhạc sĩ Nguyễn Hiền. Cả hai lần đều do anh Nhật Ngân rủ. Theo nhà văn Vương Trùng Dương, nhạc sĩ Nguyễn Hiền là một người chồng chung thủy dù không biết mặt vợ mãi cho tới ngày cưới: “Ngoài tài hoa về âm nhạc, ông biết sử dụng nhiều nhạc cụ trong đó hawaiian (hạ uy cầm) và accordéon (phong cầm) rất tuyệt, thông thạo Anh, Pháp. Ông được nhiều người gọi là “tự điển sống” với trí nhớ rất tốt. Ông am tường về nhạc sử và các nhạc sĩ cổ điển Tây Phương.
Nguyễn Hiền học nhạc năm 8 tuổi với thấy dạy nhạc người Pháp, sau đó ông ghi tên học bốn năm tại École Université de Paris, tốt nghiệp năm 1951 rồi trở thành nhạc trưởng trong Hotel de Paris tại Hà Nội. Năm 1953 theo lời ông “Tôi cưới nhà tôi, tôi không hề biết mặt và hai cụ bà gặp nhau ở chùa, hứa hẹn với nhau, móc ngoặc với nhau, thế thành ra chúng tôi thành vợ chồng”, là nghệ sỹ dưới ánh đèn màu nhưng một đời thủy chung với vợ.”
Nhà văn Vương Trùng Dương viết về lý do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông không đi Mỹ theo diện HO dù bị tù Cộng sản mười năm: “Năm 1990, diện H.O cho cựu Tù Nhân Chính Trị định cư tại Hoa Kỳ, Nguyễn Văn Đông không đi với suy nghĩ của ông ‘’Do những căn bệnh ngặt nghèo tưởng như ‘hết thuốc chữa’ và do tinh thần suy sụp đến tột cùng, có lúc tôi đã nghĩ rằng mình không còn sống được bao lâu nữa nên chẳng còn thiết tha bất cứ chuyện gì, chỉ muốn từ bỏ tất cả để được thảnh thơi yên nghỉ ở cuối đời’’. Vẫn theo lời nhạc sĩ ‘Không hiểu do đâu, mà Trời Phật đã nhìn lại ông và, cho ông sống, dù là một đời sống ‘rất lê lết’ cho đến ngày hôm nay’. Ông bà không có con cái nên tự chăm sóc cho nhau.”
Bên cạnh các nhạc sĩ kể trên, nhà văn Vương Trùng Dương còn viết về nhiều nhạc sĩ khác như Trần Thiện Thanh, Song Ngọc, Cung Tiến, Phạm Đình Chương, Vũ Đức Nghiêm, Đan Thọ v.v… Nếu không có những nhà văn như anh, thật khó biết những câu chuyện sống động chung quanh cuộc đời các nhạc sĩ.
Ở hải ngoại có vài nhà văn làm công việc gom góp di sản văn học, nghệ thuật miền Nam nhưng mỗi người làm mỗi cách. Nhà văn Trần Hoài Thư trong những ngày hệ thống truy cập ‘online’ chưa phổ biến phải lái xe từ New Jersey lên thư viện Cornell như anh kể lại trên đài VOA “Lúc đó thì cực lắm vì từ nhà đi Cornell năm tiếng đồng hồ một lần đi và thêm năm tiếng lần về. Mình khởi hành 4 giờ sáng, trời tuyết giá, đường đèo đường núi, có khi tai nạn. Cám ơn bà xã, khuyến khích mình, ngồi bên cạnh và lái giúp mình.”
Anh Vương Trùng Dương khỏe hơn. Anh có trí nhớ tốt, quen biết rộng nên viết xong anh tìm tài liệu ‘online’, gọi chính tác giả, trong trường hợp tác giả qua đời, anh gọi bạn bè, người thân của họ để kiểm chứng.
Thế hệ trẻ Việt Nam sinh ra vài năm trước 1975 cũng như sinh ra và lớn lên sau 1975 là những thế hệ chịu nhiều mất mát. Hôm nay trên đường phố Sài Gòn, các nhạc phẩm Nắng Chiều của Lê Trọng Nguyễn, Đưa Em Vào Hạ của Trầm Tử Thiêng, Anh Cho Em Mùa Xuân của Nguyễn Hiền hay Căn Nhà Xưa của Nguyễn Đình Toàn vẫn được các em, các cháu cất lên nhưng các em các cháu không biết gì ngoài những bút danh xa lạ. Nhưng thế nào cũng có em, có cháu đi tìm để biết Nguyễn Hiền, Nguyễn Đình Toàn, Trầm Tử Thiêng, Lê Trọng Nguyễn… là ai. May mắn thay, vẫn còn những nhà văn như Vương Trùng Dương viết lại, kể lại tiểu sử và đoạn đường đầy chịu đựng mà các tác giả đó đã trải qua. Không có anh, hành trình đi tìm cội nguồn văn hóa của các thế hệ trẻ hôm nay sẽ gặp nhiều cam khổ.
Lịch sử là một dòng sông và nhà văn Vương Trùng Dương như ông lão chèo thuyền trên sông Thu. Anh không thể chèo từ thượng nguồn ra cửa biển. Mỗi thế hệ hay mỗi người có một số việc để làm. Năm nay, nhà văn đã vào tuổi 80 nhưng như anh viết “nhiều bài viết về các nhạc sĩ VNCH rất là sai lạc nên mình phải cần minh chứng lại cho rõ ràng”. Nhà văn Vương Trùng Dương đang chèo và nhiều tác giả mai sau sẽ chuyên chở tiếp. Ước nguyện đưa âm nhạc trở về cội nguồn văn hóa Việt Nam chính thống của anh sẽ được hoàn thành. Cám ơn anh.
Boston 10 tháng 1, 2024
Trần Trung Đạo
Nguồn: https://diendantheky.net/tran-trung-dao-gioi-thieu-tac-pham-am-nhac-nguoi-muon-nam-cu-cua-nha-van-vuong-trung-duong/