Phạm Quang Dõng
2.10.2004
Không gì hơn là hãy đi thẳng ngay vào các ca khúc của ông khi nói về nhạc sĩ Phạm Duy. Đồ sộ về số lượng: khoảng chừng 700, 800 bài. Đa dạng về chủ đề: ngoài tình yêu đôi lứa của riêng ông, người ta còn thấy ông ca tụng tình yêu đất nước, tình yêu thiên nhiên, cha, mẹ, người già, người trẻ, người kỹ nữ, anh thương binh… Riêng tình yêu, như ông từng nói, có tình yêu dành cho người già (Tình Cầm), người trẻ (Con Đường Tình Ta Đi), tuổi mới lớn (Tuổi Mộng Mơ), người nông dân (Tình Nghèo),… Phong phú về giai điệu: khó bắt gặp nơi ông hai nhạc phẩm gần gần giống nhau về giai điệu, mỗi bài một nét riêng, hơi hướng riêng.
Nhật xét như vậy chợt thấy hơi ngồ ngộ, lạ lùng. Một con người ngồi trước phím đàn, gãy đàn guitar trong nhà làm sao nhạy cảm với cuộc đời một cách mãnh liệt như thế. Một con người, không làm nổi. Người ấy chắc phải thường xuyên ra ngoài tiếp xúc với thiên nhiên, đất trời, người này người nọ để cho cảm xúc dâng tràn vào cái đồ sộ, đa đạng, phong phú nơi nhạc của mình. Một con người, khó mà cưu mang cho nỗi cái đồ sộ ấy. Nhìn lại vào các ca khúc của ông xem chúng có tiết lộ thêm điều gì bí mật chăng? Chợt lóe thấy: nhạc sĩ Phạm Duy trốn đâu mất tiêu trong các bài nhạc của ông, tìm ông hoài mà chẳng thấy, chỉ trừ ra trong vài chục bài nhạc tình yêu đôi lứa của ông (Ngày Đó Chúng Mình). Không có ông nhưng chỉ có toàn bộ cuộc đời mà trong đó ông và chúng ta đang sống. Cuộc đời đã xuyên qua ông, chạm khẽ vào dây đàn có sẵn trong ông để tạo ra những ca khúc của cuộc đời. Và cuộc sống này là của chung chúng ta nên những gì nó gửi gắm đều được mọi người cảm ngay.
Cuộc đời đã chọn nhạc sĩ Phạm Duy làm công việc ấy. Ông bây giờ giống như một tấm gương được lau chùi rất sạch sẽ để đón nhận một cách khách quan, chính xác và tế vi tất cả mọi tín hiệu từ đời sống đưa xuống. Để làm được việc đó phải có một con người Phạm Duy thật trần trụi, mở lòng ra một cách tuyệt đối để sẵn sàng đón nhận. Và tôi gọi con người trần trụi tuyệt đối đó là Phạm Duy. Chính con người này quyết định toàn bộ sự nghiệp âm nhạc của ông. Đó là lý do tại sao tôi chọn nhan đề bài này chỉ vỏn vẹn hai chữ Phạm Duy.
Thế còn nhạc sĩ Phạm Duy? Bộ ông ta không được việc gì trong vụ này à? Ồ! chính nhạc sĩ Phạm Duy làm ra tác phẩm mà. Còn Phạm Duy, tôi ngờ ông này quá, trần trụi quá!
Trần trụi mới dám chơi, mới chịu chơi, mới dám đem mông, ngực Thẩm Thúy Hằng vào nhạc (Tục Ca), mới dùng những tiếng lóng của giới bình dân như “bỏ đi tám” (Tục Ca), mới dám thám hiểm vùng trời đầy trăng sao vòi vọi trên cao (Bài Ca Sao), mới có một trực giác bí nhiệm về cuộc đời như khi ông nói, trong một câu chuyện chung quanh “Bài Ca Sao“, rằng: “Ta biết em từ lúc em chưa ra đời.”
Nhưng Nhạc Sĩ Phạm Duy cũng trần trụi được vậy mà. Làm gì phải chia một con người ra làm hai cho phức tạp!
Được. Nhưng thường thường khó khăn. Khi một nhạc sĩ, sau một thời gian sáng tác, đủ vững chãi để xây dựng một chỗ đứng riêng cho mình thì trong tâm thức họ âm thầm một màng lọc tinh vi được tạo ra chỉ cho nhận vào những sáng tác nào cùng một loại phù hợp với những sáng tác trước đó, còn những gì có vẽ đột phá, kỳ lạ thì bị loại trừ ngay.
Nhạc Sĩ Phạm Duy đã từng làm hai trường ca lớn là Mẹ Việt Nam và Con Đường Cái Quan, vậy mà sau đó bảo đưa người đẹp Thẩm Thúy Hằng vào đứng trong nhạc cho vui sao ông thấy kỳ kỳ, ngần ngại quá. Phạm Duy đứng bên cạnh bảo: “Cùng cuộc đời cả mà, đứng chung vào nhau cho ấm áp.” Năn nỉ mãi, Nhạc Sĩ Phạm Duy mới chịu.
Phạm Duy nhận tín hiệu từ đời sống chuyển tín hiệu cho Phạm Duy Nhạc Sĩ chuyển qua nhạc. Nhạc Sĩ Phạm Duy càng ngày càng chứa nhiều. Phạm Duy là con số không to tướng.
Nói là nói cho rõ nét cái cách làm việc của Nhạc Sĩ Phạm Duy chứ làm gì có 2 ông Phạm Duy và Nhạc Sĩ Phạm Duy riêng biệt.
Cuộc đời chạy đến đâu ông chạy theo đến đó. Ông chạy marathon với cuộc đời. Thành thử nhạc ông có tính hiện đại. Thời tiền chiến có “Cô Hái Mơ” nhẹ nhàng, thanh thản. Giai đoạn kháng chiến chống Pháp: “Chiến Sĩ Vô Danh”, “Thương Binh” có hơi hướng chiến tranh. Sau này vào Nam, giai đoạn tạm thanh bình an ổn, kể từ đầu thập niên 60, hai trường ca lớn của ông ra đời: “Con Đường Cái Quan”, kế đó là “Mẹ Việt Nam.” “Mẹ Việt Nam” là một tác phẩm rất đặc biệt, nói lên cái Nguyên Lý Mẹ làm nền tảng của dân tộc Việt Nam. Nguyên Lý Mẹ được ví như biển cả mênh mông. Tình yêu của mẹ lớn và bao trùm như biển cả, dịu dàng, lưu chuyển và thấm nhuần như biển cả. “Sóng vỗ miên man như câu ru êm của mẹ nhẹ nhàng” (Mẹ Việt Nam). Mẹ là nước, chúng ta, những đứa con của dân tộc Việt Nam, như những con sóng, nước chính là sóng, tình thương, tình yêu dịu dàng. Tánh của biển cả, của mẹ, của dân tộc Việt Nam, là trôi chảy không chịu bất cứ sự đóng khung nào và không thể nào bị hủy diệt. “Cuộc đời rồi phai tàn sau thế giới, chỉ còn tình yêu của mẹ mà thôi, ôi mẹ Việt Nam.” (Mẹ Việt Nam). Bất cứ chế độ nào ở Việt Nam thấm nhuần Nguyên Lý Mẹ sẽ làm cho đất nước được sống trong thái bình thịnh trị, một ngôi nhà chung. Triều đại Lê, Lý khi xưa, vua ban đêm giã làm thường dân lẻn ra ngoài thành đi xem xét xem đời sống dân chúng ra sao. Như một người mẹ trước khi ngủ đi một vòng xem các con có đắp chăn kỹ trước khi ngủ không. Nhạc của ông cũng bàng bạc tình thương. Ông mong trúng số cứu giúp gái lạc loài (Kỷ Niệm). Ông tâm sự: “Tôi phải làm đến ba bài nhạc để nói về anh thương binh. Bài đầu tiên là “Ngày Trở Về”, tưởng đâu xong không ngờ chiến tranh cứ tiếp diễn, “Thương Binh” là bài thứ hai ra đời, cũng tưởng đâu xong, không ngờ những năm đầu thập niên 70, chiến tranh lên đến cao điểm, “Kỷ Vật Cho Em” xuất hiện. Ông có lòng thương xót, lân mẫn đối với nỗi đau của cuộc đời.
Cũng trong khoảng thời gian này, phong trào Thiền Phật Giáo phát triển mạnh mẽ ở miền Nam. Các nhà phát hành An Tiêm, Lá Bối thay phiên nhau in sách về Thiền. Đạo Ca ra đời trong dịp này. Đây là một kết hợp tuyệt vời giữa thơ của thi sĩ Phạm Thiên Thư và nhạc của Nhạc Sĩ Phạm Duy. Sự gặp gỡ này không như một chọn lựa (ông thấy thơ hay hay và muốn phổ nhạc trong giai đoạn Thiền nở rộ như thế này) mà như một bất ngờ – một bất ngờ có chuẩn bị. Gọi là một bất ngờ có chuẩn bị, ta tưởng tượng ra trong tâm thức Phạm Thiên Thư cách đây vài chục năm đã mơ hồ thấy một số thơ của mình có một ngày nào đó phải được hòa nhập bởi một hình thức khác của nghệ thuật. Ông phát triển thơ để chờ một ngày như thế. Cách đây vài chục năm, trường hợp Phạm Duy cũng tương tự như vậy, trong vô thức ông luôn chờ đợi có một ngày, một loại hình nghệ thuật nào đó có khả năng đi sâu vào tận cõi thâm sâu của tâm hồn nơi đó ông đang dấu kín vài sợi dây tơ đang chờ đợi sẽ vang lên. Cuộc đời vào giai đoạn đó như một nhân duyên cuối cùng làm cho hai ông gặp gỡ nhau. Ông đã biết trước tầm quan trọng của loạt nhạc phẩm này mà ông chờ đợi từ lâu nên ông đã ăn chay một tuần cho lòng thanh tịnh trước khi sáng tác. Nhạc trôi chảy nhẹ nhàng, cao mà không xa, cao như triết lý Phật Giáo mà không xa như con người và thiên nhiên đang sừng sững trước mặt ta. Qua Mỹ, ông có làm “Mười Bài Thiền Ca.” Cũng là nhạc Phật Giáo, nhưng mỗi nơi thể hiện một cách khác. Ở Việt Nam, “Mười Bài Đạo Ca” giống như xã hội Việt Nam, chúng ta có thể đón nhận rõ ràng người mẹ, người em, cảm nhận rõ nét ngôi chùa, đình làng, cây cỏ, thiên nhiên gần gũi, thân cận quanh ta. Còn nghe “Mười Bài Thiền Ca,” nơi đây không có con người, không có thiên nhiên, luồng âm nhạc đi như luồng gió len lõi thổi xuyên qua những tòa cao ốc cao ngất trời vào lúc mọi người đi ngủ hết, thổi xuyên qua những viện bảo tàng mênh mông không một bóng người, xuyên qua những con hải cẩu làm bằng đồng bóng loáng, lạnh ngắt trong đêm khuya. Đó là tính hiện đại trong âm nhạc Phạm Duy. Cảnh nào, nhạc nấy. Nghe “Mười Bài Đạo Ca” ta có cảm giác như ngồi trong một ngôi chùa, mọi cảnh vật, mọi âm thanh từ từ thấm vào trong con người, đến lúc chỉ còn lại ta. Còn nghe Duy Quang hát:
“Maria linh hồn con ớn lạnh,
Run như run phàm tử thấy long nhan…”
trong “Trường Ca Hàn Mặc Tử,” nhạc Công Giáo, ta thấy ngay như đang đứng trong ngôi giáo đường rộng mênh mông, vòm cao ngút trời, sự vật tỏa lớn ra, con người vươn lên cao, lên cao… Diễn tả sự khác nhau như thế thật tài tình.
Cuộc đời chạy đến đâu ông chạy theo đến đó. Lúc nhạc trẻ đang rầm rộ, ông ra loạt bài “Tuổi Mộng Mơ”, “Tuổi Thần Tiên,”… mang âm hưởng nhạc trẻ. Sang đến Mỹ, “Bầy Chim Bỏ Xứ”, “Rong Ca”, “Thiền Ca”, “Trường Ca Hàn Mặc Tử” và mới đây nhất “Truyện Kiều” xuất hiện. Cuộc đời thiên hình vạn trạng, nên nhạc ông cũng thiên hình vạn trạng là lẽ đương nhiên.
Toàn bộ sáng tác của ông, từ lúc ông bắt đầu sáng tác nhạc cho đến bây giờ có thể xem như lịch sử Việt Nam trong giai đoạn ông sống được viết bằng nhạc. Lấy ra bất cứ bản nhạc nào của ông, ta có thể xác định được bài đó được viết ra trong giai đoạn lịch sử nào. Chẳng hạn như bài “Kỷ Vật Cho Em,” cảm rõ cái đau đớn khôn nguôi của người lính trong cuộc chiến, ta xác định được ngay thời điểm của những năm đầu thập niên bảy mươi. Đọc một quyển sách sử, ta biết giai đoạn đó có cuộc chiến xảy ra, nhưng ta không cảm nỗi sự tàn phá dày xéo đến con người đến mức độ nào bằng nghe:
“Ngày mai đi nhận xác chồng,
Say đi để thấy mình không là mình.”
(Tưởng Như Còn Người Yêu)
Nơi đây, ông có công rất lớn trong việc trình bày lịch sử bằng xương, bằng thịt con người.
Không hiểu trong nhạc Phạm Duy, thường thường nhạc và lời cái nào đến trước, cái nào đến sau, ông đặt lời có khó không?
Nơi nhạc sĩ Phạm Duy, chuyện này quá dễ dàng. Vì một lý do quá đơn giản, mỗi hình thái cuộc đời xuyên qua ông phải bao gồm cả lời và nhạc ngay cùng lúc, vì cuộc đời chỉ có một. Nếu có ghi lại lời sau đó, thì chỉ ghi lại cái sẵn có. Vì lấy chất liệu từ cuộc đời nên ta thấy lời trong nhạc của ông không trừu tượng. Lời rất đơn giản mà không tầm thường. Lời ôm lấy nhạc sít sao một cách tuyệt hảo, không thể phân chia. Nếu ta ví nhạc của ông như là màu đỏ của ly rượu vang, thì cái óng ánh của rượu chính là lời đó.
Bây giờ ở Mỹ rồi, ông còn yêu đất nước Việt Nam không? ông có thể trở nên một con người vọng ngoại không?
Cái sứ mệnh duy nhất của nhạc sĩ Phạm Duy, như chúng ta đã thấy và không thể phủ nhận, là đại diện chúng ta để giới thiệu cho chúng ta về đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam, từ cái nền tảng thâm sau nhất – Nguyên Lý Mẹ – cho đến nét dân tộc đặc thù thể hiện qua dân ca, qua cách luyến láy đặc biệt chỉ riêng Việt Nam có, cho đến từng nỗi vui, nỗi buồn, nỗi khổ, nỗi cô đơn của từng người, từng lớp người trong từng thời đại. Ông là con số không to tướng, chỉ có cuộc đời xuyên qua ông mới là quan trọng, mới được ông nâng niu trìu mến. Ai khen nhạc ông hay, dở ông cũng mặc vì ông đâu còn một cái tôi nữa mà tiếp nhận này nọ. Thử hỏi một con người để cả cuộc sống mình đón nhận cuộc đời của quê hương, đất nước một cách mãnh liệt như vậy, đưa quê hương đất nước vào trong tận cùng xương tủy của mình làm sao một sớm một chiều có thể ngoảnh mặt làm ngơ với xóm giềng cho được. Tôi nghĩ, một trăm kiếp sau ông còn không quên chứ đừng nói chi mới có vài năm qua Mỹ.
Tuổi già chắc ông cô đơn lắm?
Người nghệ sĩ nào mà chẳng cô đơn. Đó là phần nghiệp dĩ. Làm xong công việc phải làm rồi, bây giờ nhìn lại toàn bộ cuộc đời rực lửa mà mình đã trải qua, càng thấy thấm thía cho nỗi cô đơn hiện tại. Cuộc đời ông giống như một giòng nước bắt đầu phát xuất từ nguồn trên núi cao, chảy tràn qua đồng bằng, thung lũng cuộc đời và bây giờ đổ vào vùng mênh mông của biển cả. Nơi thật yên tịnh và buồn đến rợn người: nỗi cô đơn. Nhưng khi đã dần dần làm quen với nỗi buồn ấy chợt ông nghe từ đáy biển sâu vang lên một âm điệu nghe quen quen: “Xuân về trong gió hoa lay lững lờ…” (Đạo Ca 10)
Một mùa xuân trồi lên từ đáy biển cô đơn.
Và đây là một mùa xuân vĩnh cữu.
Phạm Quang Dõng
Nguồn: báo NGƯỜI VIỆT số ra ngày 2 October 2004, nhân ngày Sinh Nhật nhạc sĩ.