Châu Đình An
12/10/2023
Thi sĩ Du Tử Lê và Châu Đình An năm 2001
Trước đây, tôi có đề cập về thơ phổ nhạc là một đặc thù của tân nhạc Việt Nam. Nói đến thơ phổ nhạc là nói đến hai tác giả trong một ca khúc. Một người viết lời, và một người viết nhạc. Nhưng đó là nghĩ giản dị, vì thực ra lời khác với thơ. Khi thơ vào nhạc là chất thi ca đã hòa quyện với âm nhạc làm tan chảy trở thành một, và người nghe sẽ được thưởng thức trọn vẹn thông điệp của thơ và âm nhạc.
Trung Tâm Thúy Nga vừa gửi đến giới thưởng ngoạn một chương trình Paris By Night 135 tác giả tác phẩm với chủ đề Từ Công Phụng Trên Ngọn Tình Sầu. Đây là một chương trình âm nhạc với những bản tình ca trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Từ Công Phụng, và được PBN 135 thực hiện một cách trang trọng đậm chất nghệ thuật và mỹ thuật để khán thính giả hiểu thêm hơn nữa về người nhạc sĩ Từ Công Phụng.
Bên cạnh những ca khúc nổi danh của ông như Bây Giờ Tháng Mấy, Mùa Thu Mây Ngàn, Giọt Lệ Cho Ngàn Sau, Như Chiếc Que Diêm… còn có một ca khúc phổ từ thơ của thi sĩ lừng danh Du Tử Lê.
Nhắc đến nhà thơ Du Tử Lê thì người yêu chuộng thơ đều biết. Đó là một thi sĩ không những có nhiều bài thơ hay, mà còn là một thi sĩ lớn của thi ca Việt Nam. Bởi thơ Du Tử Lê như một khai phá chữ nghĩa mới, rất mới và tượng hình, bí ẩn, nhiều mầu sắc như hội họa và trên hết là thông điệp ẩn dụ gửi đến chúng ta.
Đêm về theo bánh xe lăn
Tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng
Đọc lên hai câu trong bài Đêm Nhớ Trăng Sàigòn, ta sẽ thấy hình ảnh một người trẻ thân phận viễn xứ đang lái xe về đêm, nhìn ánh trăng treo trên xứ người, và thấy mình đã già rồi. Hoặc là Khúc Thụy Du kể lể “em là chim bói cá, tôi là ánh trăng ngà, chỉ cách một mặt hồ, mà muôn trùng chia xa”.
Trong bài thơ Trên Ngọn Tình Sầu cũng thế, có nhiều câu chữ rất mới và ẩn dụ, bài thơ này thi sĩ Du Tử Lê sáng tác vào năm 1967 (đã 57 năm đến nay 2023). Hơn nửa thế kỷ qua rồi mà bài thơ như mới viết hôm qua.
Câu kết rất hay “con sóng tình vỗ mãi một âm quên”.
Nhưng, cần nhắc đến một chi tiết rất quan trọng, người thổi hồn vào bài thơ, người mặc áo đẹp cho bài thơ Trên Ngọn Tình Sầu là nhạc sĩ Từ Công Phụng. Không những tài phổ nhạc, mà ông còn thêm vào, nối vào một cách toàn vẹn khiến cho câu chữ qua nét nhạc bay cao, vượt thoát ra giới hạn của con chữ khi ghép vào các nốt nhạc.
Nguyên thủy thơ của Du Tử Lê:
Bầy sẻ cũ hom hem chiều mái xám
Nhạc sĩ Từ Công Phụng thêm chỉ hai chữ thôi: “rêu xanh”. Thế là dòng nhạc như một con suối chảy từ trên cao trôi êm đềm xuôi ra biển lớn.
Hoặc nguyên thủy:
Trời êm cao chân nhỏ cũng không về
Nhạc sĩ Từ Công Phụng thêm vào “trên dòng sông tội lỗi”.
Phổ nhạc tài tình của Từ Công Phụng vào thơ của Du Tử Lê như một định mệnh đã an bài cho bài thơ Trên Ngọn Tình Sầu. Cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã nhận xét thơ Du Tử Lê khó phổ nhạc, và bài Trên Ngọn Tình Sầu không phải là một bài thơ để có thể thành ca khúc được, bởi vì ngoài chữ nghĩa ẩn dụ như “con dế buồn tự tử”, rồi “bầy sẻ cũ cũng qua đời“… đã không cho người phổ nhạc có được sự cảm nhận hoàn thành một ca khúc tân nhạc hay.
Thế nhưng, như một định mệnh đã an bài cho Trên Ngọn Tình Sầu đến với chúng ta nói riêng, và tân nhạc nói chung của nước Việt Nam. Nền tân nhạc và thi ca đã có thêm một ca khúc lừng danh kết hợp bởi thi ca và tân nhạc, qua hai người nghệ sĩ lừng danh Du Tử Lê và Từ Công Phụng.
Sau hết. Người dẫn ca khúc đến với khán thính giả là Trung Tâm Thúy Nga và chương trình PBN 135 đã làm sáng lên, làm đậm nét tinh hoa của bài thơ nhạc khúc Trên Ngọn Tình Sầu, qua hòa âm của nhạc sĩ Tùng Châu với 4 ca sĩ Trần Thái Hòa, Đình Bảo, Lam Anh và Ngọc Hạ, cùng với xuất hiện mang đến cho khán giả sự xúc động qua chất giọng đặc biệt của nhạc sĩ tác giả Từ Công Phụng.
Châu Đình An
Nguồn: trang FB của CĐA