Võ Thiện Thanh
25/9/2023
Nhạc sĩ Quốc Dũng lúc 40 tuổi (Tư liệu gia đình)
Tôi vẫn nhớ anh Quốc Dũng có kể một câu chuyện thật xúc động của đời anh, rằng anh rất mê Paul Mauriat, đến nỗi đã viết một lá thư cho ông ấy. Anh viết là viết vậy thôi, chứ không hy vọng sẽ được hồi âm. Vậy mà bỗng một ngày, anh đã được hồi âm.
Chính ông Paul Mauriat đã viết thư tay từng nét chữ cho anh Quốc Dũng. Anh thật bất ngờ và hạnh phúc. Thì ra những bậc thầy thường cho ta thấy một nhân cách lớn, thông qua những việc tưởng chừng rất vụn vặt.
Với âm nhạc, Paul Mauriat như một ngôn sứ, một chiếc cầu để dẫn dắt, để báo tin mừng rằng, âm nhạc đích thực mà nhân loại cần phải xem là bầu sữa cho tâm hồn mình, chính là âm nhạc cổ điển. Paul Mauriat, với quy mô dàn nhạc không thua gì một dàn giao hưởng, nhưng lại chơi với một phong cách chuẩn mực của nhạc nhẹ, cùng với lối hòa âm phối khí “đắt giá” đến từng nốt nhạc.
Câu chuyện thật của nhạc sĩ Quốc Dũng đã cho tôi thấy sự mãnh liệt trong niềm đam mê học hỏi của anh, và lý giải tại sao những bản phối của anh luôn đắt giá đến từng câu intro, từng đoạn giang tấu, từng hợp âm anh đặt xuống, từng âm sắc anh lựa chọn, luôn luôn đúng nơi đúng chỗ. Cứ như một bài toán có nhiều cách giải, mà “cách giải” của anh lúc nào cũng hay nhất.
Hồi tôi còn là một cậu học sinh trung học miền duyên hải, tôi thường hay ra “cốt” ở một quán cà phê, chỉ để được nghe băng cassette nhạc Gò Công mà anh Dũng hòa âm các ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Phương và Tô Thanh Tùng, qua tiếng hát của Bảo Yến và Nhã Phương. Tôi cứ trầm trồ là tại sao câu intro của nhiều bài lại hay đến như vậy. Cứ như người phối đóng dấu câu intro ấy cho bài hát, mà không thể thay thế được bằng một câu nhạc nào khác. Chẳng có ai dại dột làm cái điều này, khi đối diện với các bản phối của anh Dũng cả! Anh Dũng nổi tiếng trong giới hòa âm là ở chỗ này. Các bài phối của anh luôn là những câu intro không thể thay thế hay tách rời, những tuyến nhạc cụ cùng các chỗ tutti duyên dáng và không thể hợp lý hơn. Bạn hãy thử nghe lại Chiều hè trên bãi biển (Hoàng Phương) mà xem, sẽ thấy câu nhạc dạo đầu hay không thể tả!
Một điều kinh ngạc nữa là anh Quốc Dũng học âm nhạc phương Tây, nhưng khi hòa âm những làn điệu dân ca Việt Nam, đúng là một bậc thầy. Cái “bậc thầy” đó không có nghĩa là phải mang tất cả các chất liệu âm nhạc dân gian vào cho thật đậm đặc, để chứng tỏ rằng đấy là dân ca, là chất Việt. Mà bậc thầy ở chỗ, hòa tan thành một thứ mật ngọt vừa đủ dịu dàng để có thể làm “tê liệt” những ai yêu mến dòng nhạc quê hương trữ tình của Bảo Yến, bất kể họ từ vùng miền nào. Điều này làm cho tôi liên tưởng tới cái “chất Việt” trong nhạc Phạm Duy: một sự hòa quyện và thấm đẫm thật tài tình, tự nhiên như hơi thở.
Tôi nhớ có một album nhạc xuân của Phương Nam Phim, tôi mời anh phối cho chị Bảo Yến hai bài, trong đó có bài Câu chuyện đầu năm. Trong tôi lúc đó thầm nghĩ: “Không biết anh Dũng làm cách nào để hoà hợp với cái lối phối hừng hực của tôi cùng các nhạc sĩ trẻ khác đây…”. Và khi album phát hành, tôi sửng sốt khi lắng nghe Câu chuyện đầu năm với một phong cách reggae thật mới mẻ và hấp dẫn, cùng câu intro, những câu dẫn và tutti vô cùng hợp lý để không làm mất đi cái hồn của bài hát.
Với tôi, anh Dũng là một bậc thầy trong làng hòa âm phối khí; và trong sáng tác, nếu không kể đến những bài tình ca để đời trước 1975 của anh, anh cũng chính là một người tiên phong với những bài hát mang phong cách hiện đại và tươi trẻ giai đoạn sau giải phóng. Còn nhớ những năm từ 1978 cho tới 1998, người nghe thường có ba phân khúc để lựa chọn: nhạc tiền chiến, nhạc cách mạng và nhạc ngoại, thì Quê hương, tình yêu và tuổi trẻ hay Điệp khúc mùa xuân của anh Dũng vang lên khắp các tụ điểm ca nhạc cùng quán cà phê, như đại diện cho sự trẻ trung, khát khao của nhạc trẻ miền Nam. Khi tôi chơi nhạc trong đội văn nghệ xung kích thời trung học, thì Quê hương, tình yêu và tuổi trẻ là bài hát nằm lòng.
Một album xuân cùng nhiều kỷ niệm với anh… (V.T.T)
Nhớ lại một thời tôi cứ hay lui tới căn nhà nhỏ xinh, nằm dưới những tán cây mát mẻ ở Ngô Thời Nhiệm của anh để cà phê và trò chuyện. Có bản phối nào mới là tôi khoe với anh để nhận lấy lời góp ý thật quý báu và chân thành. Đôi lúc tôi quan sát anh mà cứ nghĩ như đang có ông Paul Mauriat trước mặt mình. Anh cũng khá giống ông ấy: điềm tĩnh, hiền lành và uyên bác.
Ở một nơi nào đó, có lẽ anh Quốc Dũng đang gặp Paul Mauriat, nơi hội tụ của những bậc thầy với một phong thái luôn điềm tĩnh, nhân hậu và khiêm nhường. Có thể với anh Dũng, Paul Mauriat là bậc thầy. Nhưng với tôi, chính anh là một bậc thầy mà tôi luôn ngưỡng mộ, quý trọng và xem anh như một tấm gương để tôi noi theo trên con đường âm nhạc của mình. Có thể nói rằng, không ít những người đang làm nghề trong chúng tôi không ai mà không chịu sự ảnh hưởng từ anh, một bậc thầy đáng kính vừa nằm xuống.
Võ Thiện Thanh
Nguồn: https://thanhnien.vn/o-mot-noi-nao-do-anh-quoc-dung-dang-gap-paul-mauriat-185230925162933291.htm