Hà Đình Nguyên
20/1/2023
Có thể nói nhạc sĩ Quốc Dũng là một “hiện tượng” của âm nhạc Việt Nam. Không chỉ biết sáng tác nhạc khi mới 11 tuổi, anh còn sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ và là ca sĩ, hòa âm phối khí, đóng phim đều xuất sắc. Các ca khúc viết về chủ đề “Mùa Xuân”, mỗi ca khúc là một giai thoại.
Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam có không ít những bài hát được sáng tác khi tác giả còn rất trẻ, chẳng hạn: Nhạc sĩ Nhị Hà viết bài “Mẹ Tôi” năm 13 tuổi; nhạc sĩ Cung Tiến với ca khúc “Thu Vàng”, “Hoài Cảm” năm 14 tuổi; nhạc sĩ Lam Phương viết “Chiều Thu Ấy” năm 15 tuổi; nhạc sĩ Văn Cao với “Buồn Tàn Thu” năm 16 tuổi; nhạc sĩ Chung Quân viết “Làng Tôi” năm 16 tuổi… Nhưng kỷ lục về bài hát nổi tiếng được sáng tác khi nhạc sĩ còn nhỏ tuổi nhất thuộc về nhạc sĩ Quốc Dũng, anh sáng tác những nốt nhạc đầu tiên của bài “Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa” lúc mới 11 tuổi.
“Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa”
Quốc Dũng sinh năm 1951 tại Thái Lan. Khi 3 tuổi, anh theo gia đình hồi hương trở về Việt Nam và tham gia Ban Tuổi Xanh do nữ kịch sĩ Kiều Hạnh (mẹ của danh ca Mai Hương) phụ trách.
Năm 10 tuổi, Quốc Dũng vào học tại trường Quốc gia Âm nhạc ở Sài Gòn và anh đã hoàn thành một nhạc phẩm vào năm 11 tuổi (đó là một nhạc phẩm không lời). Phải đến sau khi tốt nghiệp thủ khoa môn nhạc pháp Tây phương (năm 16 tuổi) rồi chập chững bước vào cuộc đời, cuộc tình, rồi chia tay người bạn gái đầu đời, những cảm xúc buồn mênh mang từ mối tình đó đã trở thành động lực để nhạc sĩ Quốc Dũng viết thêm lời để hoàn tất bài hát. Đó là bài “Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa”.
17 tuổi, Quốc Dũng đã trình bày ca khúc đầu tay này (1968), giọng hát của anh được giới chuyên môn đánh giá rất cao và là khởi đầu cho sự nghiệp ca sĩ của Quốc Dũng.
Riêng về bài hát “Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa” phải mất vài năm sau đó công chúng mới được thưởng thức qua tiếng hát của ca sĩ Dạ Hương trong băng Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh. Giọng hát tha thiết của Dạ Hương cùng ca khúc “Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa” nổi tiếng không được bao lâu thì sự kiện 1975 làm cho những bài nhạc trữ tình buồn không còn được phổ biến nữa.
Phải thêm 10 năm sau đó nữa, ca khúc này mới được sống lại qua giọng hát mênh mang buồn của Ngọc Lan với điệu blues nồng nàn, da diết:
“Một vùng mây trắng bay đi tìm nhau. Chẳng còn thấy đâu, mắt em hoen sầu. Vì mình xa nhau nên em chưa biết xuân về đấy thôi. Giọt sương vẫn rơi, rừng còn ngây dại mơ bóng hình ai…Vì mình xa nhau nên em chưa biết xuân về đấy thôi. Ngày xuân vẫn trôi tình mình vẫn hoài thương nhớ đầy vơi. Em biết không em anh như bóng mây tìm nơi đỗ bến. Đâu bến xa vời mà tình vẫn rơi mây hoài vẫn trôi…”
Sau Ngọc Lan là Lệ Thu, Thùy Dương, Bảo Yến, Thiên Kim… Ca sĩ nam thì có Tuấn Ngọc, Thái Hòa… Mỗi người một vẻ, ai hát cũng hay!
“Điệp Khúc Mùa Xuân”
Những năm đầu thập niên 70, Quốc Dũng là một trong những nhạc sĩ đầu tiên Việt hóa các ca khúc nhạc trẻ (cùng với Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà…), họ khởi xướng phong trào viết nhạc trẻ bằng tiếng Việt.
Quốc Dũng vừa sáng tác, biểu diễn, sử dụng mandolin, guitar, piano, trống, bass, keyboard thành thạo… Anh và ca sĩ Thanh Mai là một cặp song ca nổi tiếng thời đó. Thanh Mai cũng là nhân vật liên quan trong bài hát “Mai” nổi tiếng của Quốc Dũng (mặc dù không phải sáng tác cho cô mà là cho một người khác tên là Phương Mai). Thời diểm đó họ là một cặp đôi song ca từng được xem là “Tiên đồng – Ngọc nữ”, thần tượng của giới trẻ đầu thập niên 1970.
Ca sĩ Thanh Mai và nhạc sĩ Quốc Dũng là một cặp song ca nổi tiếng những năm thập niên 70 thế kỷ trước.
Quốc Dũng đã sáng tác một loạt các ca khúc để hát chung với Thanh Mai: “Mai”, “Bên Nhau Ngày Vui”, “Điệp Khúc Mùa Xuân”, “Lối Thu Xưa”, “Thoát Ly”, “Biển Mộng”,… (phát hành trong album cá nhân đầu tiên của Quốc Dũng năm 1974) cùng điệu Slow Surf trẻ trung, lãng mạn dễ thương về tình yêu tuổi mới lớn…
Riêng về ca khúc “Điệp Khúc Mùa Xuân”, tác giả tâm sự: “Tôi viết “Điệp Khúc Mùa Xuân” vào năm 1974 khi mùa xuân đang tới. Mùa xuân thì phải thanh bình nhưng mùa xuân của những năm1973 – 1974 vẫn chìm đắm trong chiến tranh khốc liệt nên tôi viết bài này trong tâm trạng buồn dù bài hát có tiết điệu rộn ràng:
“Nắng chiếu lung linh muôn hoa vàng. Chở tia nắng về trong ánh mùa sang. Gió mãi mơn man trên đóa môi hồng. Người em yêu tìm quên trong cuộc sống…. Bướm vẫn tung tăng bay la đà. Mặt trời mây buồn nhẹ trôi thiết tha. Ánh mắt mơ trông nơi xa vời. Chờ mùa xuân đến đem nguồn vui…”
15 năm sau ngày đất nước thống nhất, “Điệp Khúc Mùa Xuân” được hát lại. Tôi rất bất ngờ vì bài hát được rất nhiều người hát mà ai hát cũng hay”.
”Bài Ca Tết Cho Em”
Những cái Tết của thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước, trong không khí rộn ràng đón xuân, hầu như đi chỗ nào cũng vang lên tiếng hát của Bảo Yến từ máy casette:
“Tết này anh không thèm kẹo mứt. Vì đã có môi em thơm ngọt tựa sen hồng. Tết này anh không thèm đi chơi. Xi-nê hay nhạc hội, Đà Lạt hay Vũng Tàu. Vì đã có em đem lại mộng đời. Tô thêm vào lòng người chan chứa mọi nguồn vui. Tết này anh không thèm đốt pháo. Vì tiếng cười em rộn rã lòng anh rồi. Tết này anh không thèm chơi đánh bài. Vì trong vòng tay anh đã có em như ngọc ngà. Tết này anh cũng chẳng chơi hoa. Vì môi em cười như chứa cả vườn Xuân”.
Ca sĩ Bảo Yến và nhạc sĩ Quốc Dũng thời trẻ.
Bài hát ra đời năm 1981, nhạc sĩ Quốc Dũng nhớ lại: “Thời điểm đó, Bảo Yến làm thư ký cho Đài Truyền hình TP.HCM, tôi thì chơi guitar cho ban nhạc của Đài. Để bày tỏ tình yêu dành cho Yến, tôi viết tặng cô ấy ca khúc này”.
Còn ca sĩ Bảo Yến thì nhớ lại cái ấn tượng lần đầu tiên nhìn thấy Quốc Dũng như sau: “Ngay từ lần gặp mặt anh Dũng đầu tiên ở đài truyền hình, khi anh ngồi trong phòng thu cách tôi một tấm kính chắn, tôi đã nói với em gái (ca sĩ Nhã Phương) rằng người đàn ông đó sẽ là chồng của tôi. Tôi linh cảm về điều đó và mọi thứ đúng như thế. Chỉ vài tháng sau khi quen nhau, chúng tôi làm đám cưới”.
Cô cho biết thêm: Dù hát “Bài Ca Tết Cho Em” rất nhiều lần, nhưng lần nào cô cũng đều cảm thấy vui, ấm áp trong lòng và cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn như lúc trái tim cô rung động trước lời tỏ tình của Quốc Dũng.
Họ trở thành vợ chồng cho đến tận ngày nay, dù rằng cuộc sống gia đình nhiều lúc gặp sóng gió tưởng như không thể cứu vãn nhưng rồi vì con cái họ đã dẹp bỏ những hờn giận ghen tuông để gìn giữ hạnh phúc gia đình. Họ có hai đứa con trai Khải Ca và Bảo Châu đều theo nghiệp của bố mẹ. Đó là niềm tự hào của hai vợ chồng Quốc Dũng – Bảo Yến.
Hà Đình Nguyên
Nguồn: https://sohuutritue.net.vn/nhac-si-quoc-dung-va-nhung-khuc-ca-xuan-d155366.html