Quốc Dũng viết hồi ký bằng âm nhạc

Hà Đình Nguyên
5/9/2012

Đúng vào ngày m nhạc Việt Nam (3.9), nhạc sĩ Quốc Dũng giới thiệu Tuyển tập hồi ký âm nhạc qua 100 ca khúc của anh, nhân kỷ niệm một giáp vòng đời người: 60 năm (Tân Mão 1951 – Tân Mão 2011)…


Cuốn sách nhạc bìa cứng, dày 200 trang là một ấn phẩm được đầu tư, chăm chút hết sức kỹ càng, tạo hiệu ứng cao về mặt mỹ thuật do tác giả cùng với họa sĩ Đinh Tấn Lễ thực hiện.


NS Quốc Dũng ký tặng Tuyển tập hồi ký âm nhạc cho bạn bè – Ảnh: H.Đ.N

Hẳn những người yêu nhạc lứa tuổi trung niên ở miền Nam trong những năm đầu thập niên 1970 còn nhớ những giai điệu sôi động, trẻ trung trong những ca khúc Mai, Bên nhau ngày vui… của nhạc sĩ Quốc Dũng. Biết, nhưng không ai ngờ rằng Quốc Dũng ngày ấy còn rất trẻ: mới vào tuổi 20! Cũng ít ai ngờ rằng, cậu học trò lớp 7 (năm 1963) đã sáng tác nhạc và “cày cục” đến mãi 5 năm sau (1968) mới hoàn thành bản nhạc đầu tay Em đã thấy mùa xuân chưa? (lúc đó Quốc Dũng 17 tuổi, đang là học sinh Trường trung học Chu Văn An – Sài Gòn). Tuy tuổi còn non nớt nhưng cấu trúc, ca từ của bản nhạc thì rất… có nghề. Thế rồi, trong Đại hội Nhạc trẻ năm 1972 tổ chức tại sân Trường Lasan Tabert, lần đầu tiên cặp song ca Quốc Dũng – Thanh Mai ra mắt giới yêu nhạc. Một cuộc tình “thư sinh” đẹp như… Cơn gió thoảng (sáng tác năm 1973).

Chỉ xuất hiện vài năm trên mặt bằng ca nhạc, Quốc Dũng đã cho ra mắt album Nhạc trẻ Quốc Dũng (1974), điều ít có tác giả nào có được vào thời ấy… Mười năm sau (1975-1985) là giai đoạn Quốc Dũng ít sáng tác mà chỉ chuyên đặt lời Việt cho các ca khúc của Liên Xô, CHDC Đức nhưng cũng có một bài hát rất được yêu thích trong giới trẻ và lan sang tận Đông Âu và Trung Á: “Gió chiều, rung nhẹ bông lúa vàng. Đồng quê ngát hương đang êm ru muôn âm thanh dịu dàng…” (Quê hương, tình yêu và tuổi trẻ).

Một cột mốc trong hành trình 60 năm của Quốc Dũng là khi anh cùng nhạc sĩ Lê Hựu Hà thành lập nhóm nhạc trẻ Hy Vọng, để rồi gặp gỡ chị em ca sĩ Bảo Yến – Nhã Phương, và họ trở thành 2 cặp uyên ương nghệ sĩ. Trong thập niên 1980, giọng ca trầm đục rất đặc biệt của Bảo Yến, nàng ca sĩ dân Cần Thơ, gốc Huế, hầu như chiếm lĩnh thị trường băng nhạc với dòng nhạc boléro mới của nhạc sĩ Hoàng Phương mà người ta gọi là “Nhạc Gò Công” (quê của Hoàng Phương), xen lẫn vào đó là những bản nhạc quen thuộc (mà ít ai ngờ là của Quốc Dũng), như: “Tết này anh không thèm kẹo mứt, vì đã có môi em thơm ngọt tựa sen hồng…” (Bài ca tết cho em, năm 1980), “Một người đi với một người, một người đi với nụ cười hắt hiu…” (Chuyện 3 người, 1985, thơ Xuân Kỳ), “Em đã biết cong môi từ chối những điều anh muốn nói… (Ngại ngùng, 1994, thơ Xuân Kỳ)…

Mỗi ca khúc có một đoạn văn nho nhỏ đi kèm – đó có thể là một câu chuyện (kể cả chuyện bên lề), một chút cảm xúc, một lời giới thiệu của những nghệ sĩ trong giới… Không chỉ có tình ca, tập sách còn có một chút hội ngộ nơi đất khách, có không khí bóng đá, có nhạc thiếu nhi, nhạc về người thầy thuốc, nhạc âm hưởng dân ca và có cả “người chết về báo mộng”…, nhưng “có hậu” nhất có lẽ là những ca khúc của anh được Fatima (con gái của ca sĩ Thanh Mai) đặt lời Anh, như Holding Me, You and Me

{showalbum 714}

Hà Đình Nguyên

Nguồn: https://thanhnien.vn/quoc-dung-viet-hoi-ky-bang-am-nhac-18554583.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây