Tình Ca quốc Dũng – Những Vùng Mây Trắng Bay Đi

Nguyễn Đăng Khoa
25/9/2023

“Một vùng mây trắng
Bay đi tìm nhau…”
(Trích ca khúc Em đã thấy mùa xuân chưa – Nhạc và lời: Quốc Dũng)


Nhạc sĩ Quốc Dũng

Vùng mây trắng của nhạc sĩ Quốc Dũng, ngay từ ca khúc hoản chỉnh đầu tiên những năm mười bảy tuổi, đã xô dạt ông phiêu du trên nhiều vùng trời mơ mộng của thể loại tình ca.


Nhạc sĩ Quốc Dũng tên thật là Nguyễn Quốc Dũng, sinh năm 1951 tại Thái Lan, hồi hương cùng gia đình năm ba tuổi. Cố nhạc sĩ Phạm Duy ngày thơ bé có tên là Mộng Vân. Đám mây mơ mộng đã đưa âm nhạc Phạm Duy, nhiều thể loại, nhiều chủ điểm, nhiều nội dung, bay đi mải miết khắp quê hương, hầu như không người đồng hành, không có đích đến. Trong khi đó, những vùng mây trắng của Quốc Dũng là mây yêu đương, mây lẻ bạn, mây mải miết bay tìm nhau. Nói cách khác, ông là người tận hiến cuộc đời sáng tác của mình cho tình ca.

“Một vùng mây trắng bay đi tìm nhau
Chẳng còn thấy đâu, mắt hoen hoen sầu
Vì mình xa nhau nên anh chưa biết xuân về đấy thôi
Ngày xuân vẫn trôi rừng còn ngây dại mơ bóng hình ai
Trời mưa giăng lối áo em lệ rơi
Nhạt nhòa nét môi, đá xanh quên lời
Vì mình xa nhau nên anh chưa biết xuân về đấy thôi
Giọt sương vẫn rơi, tình mình vẫn hoài thương nhớ đây vơi
Chiều xưa ngồi bên anh em nghe như đã xót xa trong tay mình
Một giây hồn lênh đênh môi em thơm ngát đón đưa hương say tình
Anh biết không anh em như bóng mây tìm nơi đổ bến
Đậu bến xa vời mà tình vẫn rơi, mây hoài vẫn trôi…”
(Trích ca khúc Em đã thấy mùa xuân chưa – Nhạc và lời: Quốc Dũng)

Ca khúc Em đã thấy mùa xuân chưa từ ca từ đến giai điệu mang đầy đủ sự hiền từ, độ lượng, lịch lãm của một người vô vàn lãng mạn trong tình yêu – là đầu tay nhưng lại thật hay, thật đáng nhớ.

Có một đường vòng trong sự nghiệp của các nhạc sĩ Á Đông thì phải. Trong những bài đẹp nhất ở những chương cuối sự nghiệp, người nghe nhạc lại nhung nhớ bóng dáng những bài đầu tay.

Tôi cho rằng mình nhung nhớ bài hát trên chính là sự nhung nhớ nét đẹp cổ điển mà sau này ít gặp lại trong âm nhạc Quốc Dũng. Nhạc sĩ Quốc Dũng không phải mới nổi tiếng đây, ông được biết đến rất nhiều từ tận những năm 1970s. Ở cùng giai đoạn đó, nổi lên rất nhiều nhóm nhạc như ban nhạc Phượng Hoàng, ban nhạc The Dreamers (gồm các thành viên chủ yếu là gia đình nhạc sĩ Phạm Duy), ban nhạc The Enterprise, ban nhạc The Crazy Dogs, đôi song ca Quốc Dũng – Thanh Mai…Trong đó, về phía những người sáng tác ca khúc, nhạc sĩ Quốc Dũng cùng với những nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang, nhạc sĩ Lê Hựu Hà (hai gương mặt nòng cốt của ban nhạc Phương Hoàng ngày đó) đi đầu trong việc manh nha đưa thể loại nhạc trẻ Âu, Mỹ du nhập vào Việt Nam với những sáng tác đổi mới hoàn toàn về tiết tấu về độ gần gũi của lời ca với số đông bạn trẻ, về phong cách trình diễn. Nếu như ban Phượng Hoàng nổi trội, “chiếm spotlight” ngày đó với những sáng tác vô cùng mới mẻ có nội dung kêu gọi yêu đời, yêu người, thổi lửa tuổi trẻ, đam mê, ước mơ, truy tìm bản thể cá nhân thì nhạc sĩ Quốc Dũng mới mẻ trong nhạc tình yêu.

“Mai! Anh đã quen em một ngày
Anh đã yêu em một ngày
Một tình yêu quá không may
Mai! Anh nhớ môi em miệng cười,
Anh nhớ môi em ngọt lời
Dù lời yêu thương chưa nói…”
(Trích ca khúc Mai – Nhạc và lời: Quốc Dũng)

Bên cạnh đó, phải nhắc ngay đến một ca khúc xuất sắc và nhiều giá trị của tình ca Việt Nam, ra đời khi nhạc sĩ Quốc Dũng chắp cánh cho thơ Nguyễn Đức Cường –chính là bài “Chuyện hợp tan”.

“Đêm nay lặng lẽ sương mù về giăng trên mảnh tình quê
Có ai để buồn chất chứa sơn khê
Có nhịp đàn lưu luyến con đường đê
Em ơi có hay khi nước mắt bây giờ đang rớt mau
Khi tiếng hát hôm nào thôi vút cao
Lòng bỗng thấy vương nặng bao nỗi sầu
..
Mai trên ngàn lối biết đời còn cho ta được ngày vui
Ước mơ lần về xóa nỗi đơn côi
Chúng mình lại thao thức bao niềm vui
Đêm nay tiễn đưa giây phút cuối vẫn còn tay ấm tay
Mai sẽ thấm cơn lạnh khi gió lay
Và những lúc mưa gọi thương nhớ đầy…”
(Trích ca khúc Chuyện hợp tan – Quốc Dũng phổ thơ Nguyễn Đức Cường)

Qua trao đổi riêng của người viết bài này với nhạc sĩ Quốc Dũng, thì nhạc sĩ thể hiện sự đặc biệt yêu quý của ông với ca khúc này. Ca khúc đặc biệt quý giá với ông bởi nó kỷ niệm cho tình bạn thân thiết của ông với nhà thơ Nguyễn Đức Cường. Mà không dừng lại ở đó, trong bài hát còn gói trọn tâm, tình của ông dành cho tình bạn – nghĩa rộng – và cho những người bạn thân thiết khác, vì nhiều lý do, sau này đã không còn gặp lại nhau nữa.

Về thể thức, thì đây là một ca khúc viết theo thể điệu Rhumba – Bolero của một nhạc sĩ chủ xướng nhạc trẻ xuất sắc hẳn đã làm không ít nhạc sĩ chuyên nghiệp thuộc chính dòng Bolero phải thầm ghen tỵ. Rất nhiều nhạc bản tôi tìm thấy rải rác trên mạng chỉ ghi sáng tác Quốc Dũng, bỏ quên hẳn tên Nguyễn Đức Cường, có lẽ cũng vì người nhạc sĩ phổ nhạc quá giỏi giang trong việc truyền tải và cộng hưởng giai điệu với câu chuyện của bài thơ.

Tôi cũng có trao đổi với một số anh, chú là người nghe nhạc kỹ càng của thế hệ đi trước, họ có đánh giá những bài như Chuyện hợp tan là nhạc hay nhưng lời lẽ khi so với những sáng tác ban đầu của chính Quốc Dũng lại có lời lẽ hơi ít chất văn học, chủ yếu là đối thoại đời thường, “toạc móng heo” tình yêu quá, không đủ tế nhị và sang trọng. Tuy nhiên, theo cá nhân người viết, việc kế thừa và làm mới tình yêu bằng ngôn ngữ mới mẻ hơn là cần thiết và không cứ nhất thiết phải cổ điển mới thật là sâu sắc. Hoàn toàn không vô lý khi chúng ta biết ở những năm 2021 này, vẫn còn được nghe Chuyện hợp tan trang trọng vang lên trong những chương trình thính phòng nghiêm cẩn.

Tương tự như thế, sự lan tỏa rộng rãi theo chiều ngang số lượng cực lớn người nghe, theo chiều dọc vượt thời gian của ca khúc Đường xưa xác lập dấu ấn lớn trong sự nghiệp cặp đôi sáng tác Quốc Dũng – Nguyễn Đức Cường.

“Bước trên đường về em thương nhớ anh âm thầm
nhớ bao hẹn thề xưa êm ấm
Những trưa hè tình dâng lên đắm say vô bờ
Em nói bằng tiếng thơ mong chờ
Tiếng yêu ngày nào cho em nhớ anh tơi bời
Với bao ngọt ngào ta vun xới
Ðã không còn đường xưa thơm nắng môi em hồng
Tan nát rồi giấc mơ hương nồng

Rồi anh sẽ thấy thấp thoáng bao lần tóc em bay dài
Thấy bóng dáng yêu thương ngày mai
Với những tiếng hát yêu người thiết tha mơ màng
Ta gói trọn giấc mơ phai tàn…”
(Trích ca khúc Đường xưa – Quốc Dũng phổ thơ Nguyễn Đức Cường)

Phải nói là bên cạnh những con đường đầy dấu chân kỹ mã trong Ngựa phi đường xa của nhạc sĩ Lê Yên, những con đường hoa mộng trong Con đường tình ta đi của nhạc sĩ Phạm Duy thì âm nhạc có một con đường tình buồn tha thiết đến nao lòng – của nhạc sĩ Quốc Dũng – nhà thơ Nguyễn Đức Cường.

Một nhà thơ khác là thi sĩ, đạo diễn Xuân Kỳ cũng rất duyên nợ với nhạc sĩ Quốc Dũng khi hai ông đồng tác giả trong hai ca khúc có mức độ phổ biến rất cao trong công chúng yêu nhạc. Đó là bài Ngại ngùng và bài Chuyện ba người.

“Một người đi với một người
Một người đi với nụ cười hắt hiu
Hai người vui biết bao nhiêu
Một người lặng lẽ buồn thiu đứng nhìn

Bởi lòng đã trót nặng thương
Thôi ta đứng lại nhường đường anh qua
Người đi vui với một người
Biết chăng một người đang cười mà đau…”
(Trích ca khúc Chuyện ba người – Quốc Dũng phổ thơ Xuân Kỳ)

Trong khi Chuyện ba người, dường như đã đặt nền móng cho sự phổ biến rộng rãi những câu chuyện tình tay ba liên miên mải miết trong vô số bài nhạc trẻ về sau, thì ca khúc Ngại ngùng lại là một bài hát trình bày một tình yêu có phần tế nhị, khai thác những mảng khúc yếu đuối hơn trong lòng của người trai đang yêu. Có phần thật thà, dĩ nhiên cũng có phần bồng bột.

“Em đã biết cong môi từ chối những điều anh muốn nói
Em đã biết xa lâu thì nhớ, lần lựa chi mắc cỡ
Ôi nụ cười mắt liếc chua ngoa.
Ta về nơi ấy buồn ba bốn ngày,
Buồn ba bốn ngày.
Em đã biết phố đông nhiều ngõ, đường yêu đương trắc trở.
Ai lắc léo chi từng câu nói, cho ngày sau nên nỗi.
Để bây giờ chim cá bặt tăm.
Ta về bên ấy buồn năm sáu ngày
Buồn năm sáu ngày

Anh đã biết yêu đương từ đó, mà ngại không dám nói
Để bây giờ chim cá bặt tăm.
Ta về bên ấy buồn xong vẫn buồn
Buồn, song vẫn buồn.”
(Trích ca khúc Ngại ngùng – Quốc Dũng phổ thơ Xuân Kỳ)

“Buồn năm sáu ngày”, “buồn, song vẫn buồn” (SONG – không phải XONG, như nhiều phiên bản hát sai, lời nhạc sĩ) là những lời hát sau khi bài hát ra đời đã trở thành câu cửa miệng lan truyền trong công chúng, đặc biệt là giới trai trẻ nam sinh nghèo nằm trong mô tuýp yêu các tiểu thư đài các, sau rốt bị chối từ. Đó là một cảm xúc khó chịu, nhưng khá dễ qua, dễ quên. Thi cảm ấy cũng khá là gần gũi với tâm tư thi sĩ Hàn Mặc Tử khi ông buồn tình:

“Được tin em sắp lấy chồng
Anh cười đã lắm, anh buồn cũng ghê.
Em ơi, em nuốt lời thề
Anh lầm anh tưởng gái quê thật thà”
(Bài thơ Em sắp lấy chồng – Hàn Mặc Tử)

Thi cảm Hàn Mặc Tử cho thấy ông dẫu buồn, nhưng vẫn cười. Dù chưa chắc từ “buồn cười” là từ thơ Hàn Mặc Tử đi ra đời sống, nhưng chắc chắn rằng Hàn Mặc Tử Nguyễn Trọng Trí từ phía đàn ông, đã cung cấp những suy nghĩ giá trị cho những ứng xử từ phía người đàn ông trong tình cảm lứa đôi. Cùng là đàn ông, nhạc sĩ Quốc Dũng cũng đã cung cấp những ứng xử của người trai, trong tình yêu, đời nay.

Tôi vừa đề cập khá nhiều ca khúc mà nhạc sĩ Quốc Dũng phổ thơ những thi sĩ thân thiết, tuy nhiên không vì thế mà chúng ta quên đi những ca khúc sáng tác riêng tư của Quốc Dũng. Và giá trị của chúng vẫn là không hề kém cạnh so với những tình khúc khổ thơ.

“Từ khi em biết em đã yêu anh thật nhiều
Là khi em biết bao đắng cay trong tình yêu
Làm sao vơi bớt những tiếng yêu thương ngọt ngào
Cùng bao hơi ấm giây phút đôi ta gần nhau
Em trói tim mình giữa nỗi đau ngọt ngào
Ðã theo em mãi tận chốn nao
Cho dẫu ta đã cách xa nhau suốt đời
Những dấu yêu còn mãi không rời…”
(Trích ca khúc Nỗi đau ngọt ngào – Nhạc và lời: Quốc Dũng)

Bên cạnh đó, tôi cũng muốn nhắc lại một bài hát không mang tính tâm sự mà mang tính tự sự của nhạc sĩ Quốc Dũng. Một ca khúc đã lâu ít thấy ai trình diễn. Điều đó dẫu không làm ca khúc mất đi giá trị, nhưng cũng là một ghi dấu đáng buồn khi sự quên lãng to lớn đặt chân lên mọi tác phẩm. Bài hát nhan đề một chữ – Ta

“Ta đứng trước cổng trời
Ta gọi người trăm năm
Ta đau cơn mộng với
Ta buông lời ăn năn
Ta chìm giữa sông mê
Ta đưa tay vẫy gọi
Đường trần gian mịt mù
Ta chưa biết lối về
Ta mất nhau hôm qua
Ta tìm nhau hôm nay
Ta mỗi ngày một lạ
Ta chim lạc đường bay…”
(Trích ca khúc Ta – Nhạc và lời: Quốc Dũng)

Nhà triết học chủ trương hiện sinh Albert Camus đã xác nhận không thể dứt khoát hơn rằng: “Một thế giới không tình yêu là một thế giới đã chết!”

Thế nhưng. tôi hay tự hỏi khi một nhạc sĩ bước ra từ những đoạn đời đầy vết tình, mang theo vô số tình ca vang danh, thì xét cho cùng, ông ta có hạnh phúc hay không? Ca khúc “Ta” vừa trả lời, vừa không trả lời cho băn khoăn ấy.

Nói về nghệ thuật, nhạc sĩ Quốc Dũng cho đó là tinh anh mà Trời đất ban tặng vào một khoảng thời gian nào đó, người nghệ sĩ ghi lại, và gửi đến cuộc đời những tác phẩm.

Có thể nói, tình ca Quốc Dũng tồn tại trong công chúng như là những vật báu, vừa là những vùng mây trắng bay đi vào quên lãng. Đôi khi yêu nhau đến mức con người phải để nhau đi. Rất xa. Tình ca Quốc Dũng, dường như ứng đúng vào trường hợp đó./

Nguyễn Đăng Khoa

Nguồn: Trang FB của TĐK

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây