Quốc Dũng/Xuất hiện trong Paris By Night 78 – Đường Xưa


Nguyễn Ngọc Ngạn, nhạc sĩ Quốc Dũng và Nguyễn Cao Kỳ Duyên

Trong chương trình Paris By Night 78 – Đường Xưa, nhạc sĩ Quốc Dũng xuất hiện và được phỏng vấn 5 lần trên sân khấu bởi MC Nguyễn Ngọc Ngạn và Nguyễn Cao Kỳ Duyên.


Lần 1

Nguyễn Ngọc Ngạn: “Thưa quý vị, nhạc sĩ Quốc Dũng sinh năm 1951, 10 tuổi vào học trường Quốc gia Âm nhạc, 16 tuổi đậu thủ khoa môn Nhạc pháp Tây phương và 15 tuổi bắt đầu trình diễn trên truyền hình. Dòng nhạc của anh rất đa dạng, nhưng thôi, lát nữa chúng tôi để quý vị sẽ thưởng thức phần của nhạc sĩ Quốc Dũng, và bây giờ để bắt đầu ngay, chúng tôi mời quý vị cùng chúng tôi chào đón trên sân khấu nhạc sĩ Quốc Dũng.”


(Quốc Dũng xuất hiện trên sân khấu, chào khán giả và bước đến vị trí của MC với nhạc nền là ca khúc Bên Nhau Ngày Vui)

Nguyễn Cao Kỳ Duyên: “Dạ, xin chào anh.”

Quốc Dũng: “Quốc Dũng xin thân ái gửi tới quý vị khán giả lời chào trân trọng nhất.”

Nguyễn Cao Kỳ Duyên: “Xin mời anh ngồi.”

(Cả ba người ngồi trên ghế bành đã chuẩn bị từ trước)

Nguyễn Ngọc Ngạn: “Anh đọc trong tiểu sử của em thì thấy em sinh tại Thái Lan. Tại sao lại sinh tại Thái Lan là thế nào?”

Quốc Dũng: “Sao anh lại hỏi em câu đó? Thay vì (như vậy thì) hỏi ba mẹ hay ông bà nội em thì nó chính xác hơn chứ? Làm sao anh có thể chọn được nơi sinh được?” (cười)

Nguyễn Ngọc Ngạn: “Không, ý của anh muốn hỏi em là, như vậy em là người Việt – đồng bào của anh hay em là người Thái Lan?”

Quốc Dũng: “Người Việt chứ anh – em theo gia đình em từ đời ông nội, bà ngoại đều lập nghiệp ở bên Thái Lan, nhưng mà sau đó theo lời kêu gọi của chính phủ thì gia đình em về hồi hương lại ở Việt Nam năm 54.”

Nguyễn Ngọc Ngạn: “54 tức là lúc đó 3 tuổi… Thế bây giờ em có nói được câu tiếng Thái nào không?”

Quốc Dũng: “Dạ không.”

Nguyễn Ngọc Ngạn: “Cũng may là Quốc Dũng được cha mẹ bế về Việt Nam 3 tuổi, để như chúng tôi vừa thưa với quý vị là 10 tuổi vào trường âm nhạc và lúc đó người ta gọi là một thần đồng, bởi vì 16 tuổi đã tốt nghiệp thủ khoa rồi, và anh trình diễn mandolin trong dàn nhạc hòa tấu ở trên truyền hình lần đầu tiên, gây sự chú ý đặc biệt của khán giả khắp nơi, chứ giá mà em cứ ở lại Thái Lan thì giờ này không nhẽ em sáng tác nhạc Thái Lan à? Hay không chừng lại…”

Quốc Dũng: “…không chừng có khi thành hải tặc nữa.”

Nguyễn Ngọc Ngạn: “Đó là anh đang chờ đợi chứ làm hải tặc thì có khi là kẻ thù của biết bao nhiêu người vượt biển…” (cười)

Nguyễn Cao Kỳ Duyên: “Anh Quốc Dũng à, em được biết anh là một trong những điều mà họ nói anh là thần đồng, anh Quốc Dũng sáng tác nhạc từ năm 10 – 11 tuổi, thì em lấy làm lạ là tại vì lúc đó còn quá trẻ thì làm sao anh có những kinh nghiệm sống để vào nhạc?”

Quốc Dũng: “Thực ra thì anh rất mê nhạc và mê từ nhỏ, nhưng mà nếu nói là sáng tác nhạc thì thật ra thì năm 10 hay 11 tuổi anh viết nhạc thì chỉ có nhạc, chưa có lời, sau đó với một thời gian dài, tới năm 17 tuổi thì lúc đó anh mới hoàn thành xong một nhạc phẩm hoàn chỉnh, có cả nhạc và cả lời.”

Nguyễn Cao Kỳ Duyên: “Có nghĩa là năm 17 tuổi anh mới thật sự biết yêu phải không? Thành ra mới có tâm hồn để vào nhạc…”

Quốc Dũng: “Biết yêu thì có thể sớm hơn nhưng mà không biết diễn đạt tình yêu như thế nào…”

Nguyễn Ngọc Ngạn: “Vâng, đúng là như thế là bởi vì lúc đó có lẽ là 11 tuổi Quốc Dũng bắt đầu viết nhạc, tại vì đây là một tâm hồn yêu nhạc lắm nên mới đòi vào trường Quốc gia Âm nhạc ngay từ lúc mới 10 tuổi. Nhưng mà 11 tuổi thì chỉ biết yêu nhạc và viết thành nốt nhạc chứ lúc đó em còn đang dở học tiếng Thái, dở học tiếng Việt, làm sao mà diễn tả bằng lời được? Thế bản nhạc đầu tiên em viết và hoàn thành năm 17 tuổi là bản nhạc gì?”

Quốc Dũng: “Đó là bài Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa.”

Nguyễn Ngọc Ngạn: “Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa… Thưa quý vị, ngoài ra chúng tôi cũng phải thêm một vài chi tiết nữa, tôi nhớ là năm 73 khi tôi ở trong quân đội, tôi xuống vùng IV tôi có đọc một vài tờ báo có in hình Quốc Dũng ở trên bìa, ngoài nhạc ra anh còn là một tài tử đóng phim mà lát nữa chúng tôi sẽ thưa chuyện thêm với quý vị.”

Nguyễn Cao Kỳ Duyên: “Và vâng, thưa quý vị, bây giờ chúng tôi xin mời quý vị thưởng thức một nhạc phẩm nữa của nhạc sĩ Quốc Dũng mang tựa đề Ngại Ngùng, thơ của Xuân Kỳ, qua tiếng hát của nữ ca sĩ Như Quỳnh.”

Lần 2

Nguyễn Ngọc Ngạn: “Ừm… Bây giờ nhớ lại, hơn ba chục năm hai người mới hát chung lại với nhau những bài mà một thời nổi tiếng ở Sàigòn. Anh muốn hỏi lại rằng lúc đó hai người gặp nhau như thế nào, kết hợp như thế nào, tại vì lúc đó chúng ta cũng có nhớ nhiều cặp song ca đang nổi tiếng ở truyền hình thì Thanh Mai trong trường hợp nào gặp Quốc Dũng và hai người trở thành một đôi song ca?”

Thanh Mai: “Dạ thưa, vào năm 1972 Thanh Mai được nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 (thầy của Thanh Mai) nói với Thanh Mai rằng, chú Ánh muốn kết hợp (Thanh Mai) với một giọng hát nam để hát chung với Thanh Mai. Chú hẹn Mai đến nhà chú vào một buổi chiều để gặp một người để hát thử, nếu giọng của hai người hợp nhau thì sẽ hát với nhau. Buổi chiều đó Thanh Mai được gặp Quốc Dũng, sau đó là thành đôi song ca Thanh Mai – Quốc Dũng.”

Nguyễn Ngọc Ngạn: “Nhưng mà anh thấy có những bản nhạc đề tên Quốc Dũng và Thanh Mai, điều đó chứng tỏ là Thanh Mai chắc cũng dành nhiều về sinh hoạt sáng tác Quốc Dũng, thì có một cái kỷ niệm nào đáng nhớ mà muốn kể hầu với quý vị thính giả không?”

Thanh Mai: “Dạ thưa, kỷ niệm thì rất nhiều nhưng mà có một bài hát mà Thanh Mai nhớ là năm 73, lúc đó Mai đang hát ở vũ trường Ritz trên đường Trần Hưng Đạo, Mai hát chung với ban nhạc của chú Nguyễn Ánh 9 và anh Quốc Dũng đánh ở đó. Chị Thanh Thúy có cho một người đến gặp Thanh Mai để mời Thanh Mai thâu một bài hát vào ngày mai, mà chị Thúy muốn một bài hát mới của anh Quốc Dũng…”

Nguyễn Ngọc Ngạn: “Tức là chưa có ai hát?”

Thanh Mai: “Dạ, là chưa có ai hát hết. Mai nói với anh Dũng lúc đó là anh Dũng có bài nào mới mà anh Dũng để cho Mai hát không, anh Dũng nói là hiện bây giờ chưa có bài nào mới hết, nhưng Mai cứ yên tâm, ngày mai sáng 9 giờ Mai đến nhà, tối nay sau khi anh làm việc anh sẽ viết cho Mai một bài. Ngày hôm sau khi Mai tới nhà anh Dũng thì lúc đó anh Dũng còn ngồi viết, tức là sửa lại thêm chữ thêm gì đó, xong rồi mới dượt cho Mai, và Mai cầm cái bài hát đó vào phòng thâu, thâu với ban nhạc của chú Lê Văn Thiện…”

Nguyễn Ngọc Ngạn: “Tức là bài gì?”

Thanh Mai: “Thưa, đó là bài Cơn Gió Thoảng của nhạc sĩ Quốc Dũng.”

Nguyễn Ngọc Ngạn: “Nghĩa là có thể đặt hàng em viết một bài hát hay trong vòng một đêm hay sao? Nếu bây giờ giả sử như Thúy Nga hay anh cần em cho anh một bài sáng mai em viết được không?”

Quốc Dũng: “Chắc được, nếu có một cái động lực gì đó…”

Nguyễn Ngọc Ngạn: “Có nghĩa là lúc đó em có động lực.”

Quốc Dũng: “Dạ.”

Nguyễn Ngọc Ngạn: “Vâng, thưa quý vị, bản nhạc mà Thanh Mai nhắc đến sẽ được chứng tỏ ngay, để lát nữa đây trong phần nhạc của Quốc Dũng, chúng tôi sẽ có một ca sĩ để hát lại bài đó. Nhưng mà tuy nhiên, chúng tôi xin ngắt lời Thanh Mai – Quốc Dũng để mời quý vị thưởng thức tiếp nhạc phẩm Hạt Mưa Và Nỗi Nhớ, lời của Nguyễn Đức Cường, qua tiếng hát của nữ ca sĩ Lưu Bích.”

Lần 3

Nguyễn Cao Kỳ Duyên: “Anh Quốc Dũng à, lúc nãy em mới nói với khán giả về triết lý của anh có rất nhiều ông hưởng ứng, tuy nhiên em vẫn bực bội trong lòng, tại vì bây giờ em không cần biết là đi lăng nhăng rồi sẽ trở về hay không trở về, nhưng mà em cứ nghĩ là chồng em nằm bên cạnh em mà tơ tưởng tới người khác thôi là em cũng điên gà lên rồi…”

Quốc Dũng: “Thế bây giờ em có muốn dễ chịu hơn không, anh sẽ chỉ cho một cách…”

Nguyễn Cao Kỳ Duyên: “Làm cách nào để mà dễ chịu hơn?”

Quốc Dũng: “Thì bây giờ em cứ để cho chồng em nằm với cô khác… phải không tất cả quý vị?”

Nguyễn Cao Kỳ Duyên: “Cái đó để em suy nghĩ lại… Nhưng mà anh hỏi như vậy thì em phải hỏi anh, nếu mà nói đến chuyện đó thì phải hỏi anh câu khó hơn – trước hết, thưa quý vị, nhắc đến Quốc Dũng là phải đi liền với bài Mai. Nhưng… trong chương trình này, trung tâm Thúy Nga cũng có đề nghị phải có bài Mai nhưng anh Quốc Dũng nhất định từ chối và yêu cầu không có bài Mai thì em phải hỏi anh, thứ nhất, tại sao không có bài Mai, và thứ nhì, Mai là ai?

Quốc Dũng: “Đây là câu hỏi mà anh nghĩ cũng là lần thứ 1001 rồi… Em tưởng tượng, đi đâu em cũng được giới thiệu, đây – Quốc Dũng, Mai, hoặc là bài Mai, Quốc Dũng – tức là bài Mai đã theo đuổi anh mấy chục năm nay, tới mức độ là… em biết là khi nghệ sĩ có dịp được giới thiệu lên trình diễn thì thường thường thời gian dành cho họ chỉ khoảng 5 – 10 phút thôi, lần nào có mặt anh thì lại “Mai, Mai, Mai, Quốc Dũng – Mai,…” thì như thế suốt cuộc đời anh sẽ không bao giờ có cơ hội để giới thiệu một sáng tác mới nào của mình. Thành thử ra sau này mỗi lần anh bước lên sân khấu, việc đầu tiên anh yêu cầu khán giả làm ơn yêu cầu anh đừng hát bài Mai.”

Nguyễn Cao Kỳ Duyên: “Câu hỏi khó khăn hơn, nhân vật Mai là ai và bài đó có phải anh viết cho một nhân vật nào hay không?”

Quốc Dũng: “Bài Mai anh viết trong một dịp tình cờ – anh quen rất nhiều cô bạn tên Mai, mà tất nhiên là một trong những Mai đó đã gây cho anh một ý tưởng rất nghịch ngợm – thật sự là cũng có rung động vừa pha một chút xíu nghịch ngợm là anh dự trù sẽ viết một bài tên là Mai, nhưng anh sẽ tạo làm sao cho các cô bạn tên Mai của anh, cô nào cũng tưởng đâu đó là bài anh viết riêng cho cho cô đó…”

Nguyễn Cao Kỳ Duyên: “Có nghĩa là một viên đạn bắn tới ba con chim phải không?” (cười) “Khoan, còn bài sắp tới nữa là 9 Con Số, Một Linh Hồn thì em muốn hỏi anh ngắn gọn thôi, tại sao lại có tựa đề lạ như vậy anh?”

Quốc Dũng: “Ồ, 9 con số thì em biết rồi, ở Việt Nam cái thời mà mới có mobile phone (ở đây gọi là cell phone) thì có chín con số, khác với điện thoại bàn là 7 con số. Điện thoại bàn em đã thấy là có từ lâu nhưng có mấy ai dám dùng điện thoại cho vấn đề hẹn hò với người yêu hay là tâm tình gì đâu, nó dễ bể lắm, thành thử ra là khi mà bắt đầu có điện thoại di động rồi thì nó trở thành ra một cái công cụ phục vụ rất đắc lực cho những người mới yêu, mới quen nhau hay là muốn tỏ tình, tâm sự với nhau…”

Nguyễn Cao Kỳ Duyên: “Mà tỏ tình mà không được gọi đến nhà thì nghi ngờ lắm đó quý vị… Sau đây xin mời quý vị thưởng thức nhạc phẩm 9 Con Số, Một Linh Hồn qua tiếng hát của nữ ca sĩ Hồ Lệ Thu.”

Lần 4

Nguyễn Ngọc Ngạn: “Tôi đứng trong kia nhìn sân khấu mà tôi thấy cảm động lắm – xin lỗi Quốc Dũng chút xíu, một giây thôi – tôi cảm động lắm, là vì tôi thấy Thanh Hà đi chân đất thì tôi mới bảo cô Kỳ Duyên là có bao giờ cô hy sanh như Thanh Hà, đi đôi giày thấp hơn một chút bằng tôi không? Thì cô Kỳ Duyên mới nói là “Giả như mà anh còn trẻ mà em hát nhạc tình ca với anh như là Thanh Hà với Bằng Kiều thì em chẳng những đi chân đất mà em có thể đào đường mương đi cho thấp cũng được… nhưng mà anh quá date rồi thì thôi”…

Vâng, thưa quý vị, lúc nãy chúng tôi có nói qua là Quốc Dũng đóng phim, điều đó thì hồi đó chúng tôi cũng ngạc nhiên, đó là cuốn phim Trường Tôi mà chắc chắn là quý vị còn nhớ, nếu quý vị nào ở khoảng 72, 73, 74 thì có đi phim chiếu rạp lớn Trường Tôi thì trong đó Quốc Dũng đóng vai chính. Bây giờ nhớ lại gặp em thì em muốn hỏi rằng, em tìm đến điện ảnh hay điện ảnh tìm đến em trong trường hợp mà em xuất hiện trong cuốn phim đó?”

Quốc Dũng: “Em nghĩ là trước khi em đóng phim, chắc có lẽ là em có xuất hiện trên TV hát một số lần, một trong những lần đó em lọt vô cặp mắt xanh của đạo diễn Lê Dân, lúc đó đang còn thực hiện một cuốn phim về tuổi học trò, có lẽ em phù hợp với dáng dấp của một nhân vật mà ông đạo diễn đang tìm, thành thử ra em được mời vô đóng trong phim đó. Thật tình thì em không có hoài bão sẽ trở thành tài tử điện ảnh đâu, nhưng mà lúc đó tuổi trẻ nên thành thử em cũng vì yêu văn nghệ mà cũng rất tò mò muốn biết người ta làm phim như thế nào, thành thử ra cũng sẵn sàng và rất vui vì nhận lời tham gia đóng phim đó.”

Nguyễn Ngọc Ngạn: “Em không có hoài bão nhưng khi em đóng phim đó xong, đối với khán giả, đối với ông đạo diễn và nhất là đối với chủ quan của em, cuốn phim đó em thấy em có thành công không?”

Quốc Dũng: “Theo em thấy, em không hài lòng mình lắm, vì thứ nhất, em chưa từng được đào tạo về diễn xuất bao giờ, nhân vật em đóng trong phim nhỏ hơn tuổi thật của em lúc đó, em cho là nhiều; lúc đó em đã là sinh viên gần ra trường rồi, nhưng trong phim em lại đóng vai một cậu học sinh đang chuẩn bị đi thi Tú tài đôi…”

Nguyễn Ngọc Ngạn: “Cũng không cách biệt lắm, bởi vì chúng tôi quên giới thiệu, sau khi đậu Tú tài đôi thì Quốc Dũng vào học ở đại học Vạn Hạnh, nhưng mà dĩ nhiên em học đại học năm thứ ba Vạn Hạnh thì em mới vào khoảng độ 21 – 22 tuổi, mà học sinh Tú tài thì 17 – 18 thì cách biệt cũng không bao nhiêu, nhưng có điều là cũng chưa biết thế nào bởi vì chúng ta gặp khúc rẽ của 75, nếu mà còn tiếp tục thì có lẽ em cũng là một người nổi tiếng bên điện ảnh cũng không chừng… Nhân đây thì anh rẽ một chút là trong chương trình này chỉ có khoảng 10 bài của em mà anh thấy có đến ba bài, hoặc là lời, hoặc là thơ của Nguyễn Đức Cường thì chúng ta không thể không nhắc đến một người đã hợp tác với em, như vậy Nguyễn Đức Cường là ai?”

Quốc Dũng: “Khoảng năm 1990 thì có một hôm anh Nguyễn Đức Cường tới nhà em và ảnh nhờ em thâu cho ảnh một tập thơ do anh ấy sáng tác, lúc đó ở nhà em có một phòng thu âm, thì sau khi em bấm máy ngồi thu cho ảnh – ảnh có mời một vài ca sĩ tới ngâm – em ngồi bấm máy nghe những bài thơ của ảnh thì quả thật là có một số những bài thơ, rất nhiều ca từ gây nên một sự xúc động mạnh…”

Nguyễn Ngọc Ngạn: “Từ đó thì em mời Nguyễn Đức Cường hợp tác với em…

Quốc Dũng: “Sau cái buổi thâu thơ đó thì hai người trở thành bạn tri kỉ, bạn thân.”

Nguyễn Ngọc Ngạn: “Nhắc đến Nguyễn Đức Cường thì chúng tôi mời quý vị nghe nhạc phẩm mà lúc nãy Thanh Hà nói là hân hạnh được hát lần đầu của Quốc Dũng, Đường Xưa, thơ của Nguyễn Đức Cường, nhạc Quốc Dũng, thật đặc sắc qua tiếng hát của nữ ca sĩ Ngọc Hạ.”

Lần 5

Nguyễn Ngọc Ngạn: “Thưa anh Quốc Dũng,

Dĩ nhiên là với thời lượng một chương trình ngắn ngủi như thế này, trung tâm Thúy Nga dù muốn cũng không thể nào giới thiệu hết sự nghiệp âm nhạc của anh trong suốt ba, bốn mươi năm qua. Tuy nhiên, đây cũng là lần đầu tiên mà khán giả gặp gỡ anh và được thưởng thức lại những sáng tác có thể gọi là tiêu biểu của anh, thì xin thay mặt trung tâm Thúy Nga cám ơn anh Quốc Dũng đến với Paris By Night, cũng như chúc anh sức khỏe tốt và tiếp tục sáng tác những thời gian sau này.”

Quốc Dũng: “Quốc Dũng cũng xin cám ơn trung tâm Thúy Nga đã rất nhiệt tình giới thiệu một số tác phẩm của nhạc sĩ Quốc Dũng, và cũng rất cám ơn anh chị em ca nhạc sĩ, vũ công đã thể hiện rất hay những bài hát vừa rồi của Quốc Dũng. Sau nữa, em cũng xin cám ơn anh Ngạn và Kỳ Duyên đã tạo nên một buổi nói chuyện rất vui vẻ và thân mật để cho em có điều kiện để mà gửi một chút tâm tư của mình với quý vị khán giả thân yêu.”

Nguyễn Ngọc Ngạn: “Vâng, thưa quý vị, để kết thúc phần của nhạc sĩ Quốc Dũng, chúng tôi được hân hạnh giới thiệu một nhạc phẩm dàn dựng thật đặc sắc, qua nhạc phẩm cũng hết sức đặc biệt, đó là bài Thoát Ly của Quốc Dũng, qua phần trình diễn của nữ ca sĩ Minh Tuyết.”

Nguồn: https://thuy-nga-paris-by-night.fandom.com/vi/wiki/Qu%E1%BB%91c_D%C5%A9ng/Xu%E1%BA%A5t_hi%E1%BB%87n_trong_Paris_By_Night_78_-_%C4%90%C6%B0%E1%BB%9Dng_X%C6%B0a

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây