Bài vọng cổ 20 câu “Kiếp Con Tằm” (2)

Ngành Mai
21.9.2014

 
1) Túp lều tranh bên giòng suối Thạch Tuyền. Đêm vắng canh tàn sao vẫn còn leo lét ngọn đèn xanh. Nàng Mai Nương đang thắp mấy tuần hương, thầm van vái cha già sớm được toàn thân phản hồi cố lý.

2) Chốn sơn khê ngày tháng cô quạnh, giọng đỗ quyên thắt thẻo gọi canh trường. Cảnh huống não nề khiến cho gái má hồng. Phải tuông rơi giòng thảm lệ… ai đốt bóng… Canh chày thổn thức, nàng chỉ thương cho đứng cha già vì con mà một nắng mười sương.

3) Hởi ơi đường xa vạn lý chuyện nhân thành. Tri dạ bất tri hà xứ túc. Bước quan san bốn bề hoa cỏ lạ, sớm gió chiều sương, canh tàn khắc lụn, Mai Nương tan nát tấm lòng. Quê trong những ngày mưa Thu nắng Hạ, cớ sao vọng cố hương cha vẫn cứ mãi bơ thờ.

4) Giữa cô thôn đêm sương vắng lặng như tờ. Gió rít từng đêm, bất giác lòng nàng bỗng cảm thấy u hoài vô hạn. Nàng mới cất tiếng trỗi lên một giọng hát trầm bổng não nùng. Vái trời cho cha sớm hồi viên. Kẻo lòng con trẻ chờ trông đêm ngày. Hò hơ hôm này có phúc tai qua, cùng nhau hôm sớm mà bặt tin cha về.

5) Nỗi nhớ cha không bớt lệ ưu phiền. Mai Nương rảo bước đến bên than thở với con ngựa thân yêu rằng. Tuấn mã ôi! Khi xưa cha ta nhờ mi đưa mấy dặm đường xa, trèo non vượt suối mi cũng vẫn không dời đổi dạ trung thành.

6) Nếu mi có phải là con vật trung tín khôn ngoan, biết mến thương chủ cũ, thì mi hãy đi tìm cho được cha ta đem về nơi cố lý để cho phụ tử được trùng phùng. Thì ta xin thề với trời cao đất, rộng ta sẽ bằng lòng kết chặt mới lương duyên. Câu chuyên bắt đầu hoang đường – con ngựa nghe được tiếng người.

7) Tuấn mã nghe qua hí lên mấy tiếng vang trời. Bốn vó cuốn mau trong đám bụi mờ. Chạy thẳng ra ngoài hiểm địa quan sơn. Trước để mong bày tỏ dạ trung thành, sau nữa để cùng ai kia vẹn niềm tơ tóc.

8) Rồi một buổi sáng tinh sương, Mai Nương còn đang tựa gối trông chờ. Bỗng nghe có tiếng vó câu hiện đều bên ngõ vắng. Thì ra con ngựa thân yêu đã tìm ra chủ cũ, nên mới đưa lão ông trở về cho cốt nhục đoàn viên.

9) Đốt mớ than hồng để sưởi ấm cho cha, Mai Nương mùng rỡ biết bao, khi trông thấy lão ông lần lần hồi tỉnh và cất tiếng nói rằng: Hởi này Mai Nương yêu dấu con ơi! Bởi nhờ nơi đâu mà cho con ta còn ngày đoàn viên tái ngộ.

10) Mai Nương nàng mới tỏ rõ để cho lão ông đầu đuôi thấu rõ sự tình. Cha ôi! Sở dĩ hôm nay cha con ta được một nhà sum họp cũng nhờ con ngựa khôn ngoan biết mến thương chủ cũ. Không nài khổ nhọc gian lao, cha con mới được tương phùng ngày nay.

11) Phụ tử sum vầy không ngớt chuyện hàn huyên. Nào hay đâu con vật trung thành vẫn mỏi mắt ngóng trông. Vì mãi nhớ lời của thiếu nữ trước kia cùng nhau hứa hẹn. Nếu ngày nào cha con đoàn viên hội ngộ, thì sẽ được cùng ai có kết chặt giải tâm đồng.

12) Tuấn mã suốt mấy hôm nay đã âm thầm. Hởi ơi tương tư nhứt dạ từ… Nàng ơi! Có phải nào cách trở sơn khê, cớ sao nỗi lòng u ẩn khắt khe. Không thể cùng nhau bày khúc chiết. Tiếng minh thệ sao nàng không giữ vẹn. Lời ước hẹn cùng nhau chỉ là trò điêu ngoa giả dối, vì bạc đen là thói má hồng. Đây là câu văn trong bài ca. Con tuấn mã cũng văn hoa đáo để… Bỗng nhiên tuấn mã đau buồn biếng uống biếng ăn. Lão ông hỏi lại Mai Nương thì nàng mới đầu đuôi giải bày cặn kẽ. Chỉ vì cha ra đi không có hẹn ngày trở lại, cho nên chốn quê nhà nàng xiết nỗi nhớ thương.

14) Chợt nhìn đến con ngựa yêu quí của cha mà nỗi nhớ thương đày đọa tấm gan vàng. Chẳng biết ngàn dậm ra đi giữa đất trời tuyết sương phong vũ, cha có được vẹn toàn thân thể, hay là cát bụi giang hồ vùi lấp chí bồng tang.

15) Động mối thâm tình phụ tử, nàng mới lỡ lời hứa hẹn với con vật rằng:

Hởi này tuấn mã khôn ngoan. Hãy tìm sao cho được phụ thân đem về. Sau khi sum hiệp đoàn viên. Thì nàng cũng nguyện sẽ kết duyên vợ chồng.

16) Hôm nay tuấn mã ra thân cứu cha nàng sống sót đưa về. Con vật khôn ngoan vẫn không quên lời đoan thệ. Lòng tăng lên một niềm thương nhớ, mà thấy thiếu nữ sao vẫn thờ ở chẳng chút thương tình. Có lẽ vi buồn duyên tủi phận nên tuấn mã thình lình đã nhuốm bệnh tương tư.

17) Rõ thấu được nguồn cơn, lão ông vội vã bước đến bên chỉ vào con vật thân yêu cả lời mắng nhiếc: Hởi này loài hạ tiện súc sanh, Sao tham vọng ngông cuồng thế ni, Những loài cầm thú như mi, Chớ sao không thác nát thây cho rồi!

18) Tuấn mã nghe qua càng thêm trăm chiều ủ dột, thét lên một tiếng đau thương rồi tắt hơi ngã xuống bên thềm. Nhưng lão ông vẵn chưa bớt trận lôi đình, cho người phân thây ra muôn đoạn. Rồi đem tấm du ngựa đỏ hồng phơi ngoài nội cỏ, để cho kẻ si tình lại một lần giải nắng dầm sương.

19) Mai Nương đau đớn cho con vật trung thành cũng vì nàng mà cam thác thảm thương. Một hôm vắng bóng phụ thân, nàng mới lén đến bên tấm da ngựa mà khóc rằng:

Vong hồn tuấn mã chứng tri,

Cha ta sĩ nhục mi đành thác oan,

Kiếp này lỗi hẹn quên thề,

Tái sanh kết chặt đồng tâm duyên hài.

20) Dứt lời trời nổi trận cuồng phong. Bỗng nhiên tấm da ngựa bay lên phủ vào mình thiếu nữ rồi cả hai hóa ra loài sâu suốt đời cứ nhả sợi tơ lòng muôn đoạn. Vạn kiếp cho duyên kia đừng lỡ dở. Cho mối keo sơn gắn chặt đến muôn đời.

Hởi ơi tích ngàn xưa còn lưu lại. Trót mang kiếp con tằm nên phải trả nợ dâu.

Câu chuyện thật hoang đường khó có thể tin được, nhưng lại là sự tích nhân gian, được viết thành bài ca, được vô dĩa hát thì đương nhiên đã đi vào lịch sử văn học nghệ thuật nước nhà vậy. Chúng ta dù có chấp nhận

hay không, có tranh luận đến đâu đi nữa thì cũng thế mà thôi.

Tôi cũng đã từng nghe thấy bà con ta, sau khi thưởng thức dĩa hát thì đa số đều cho là câu chuyện có thật và bàn tán khá nhiều. Cũng như đã không ít người nói rằng, con tuấn mã kia là kiếp người nên mới khôn quan đến thế và nghe được tiếng người, nhưng đầu thai lộn thành con ngựa, nên khiến cho nó phải chết đi, thành kiếp khác để mà kết chặt duyên hài với cô gái, chung sống với nhau đời đời vậy.

Ngành Mai

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/traditional-music-09212014-nm-09212014055510.html

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây