Ngành Mai
14.9.2014
Thời cuối thập niên 1940 hãng dĩa hát Việt Nam đã cho ra đời bộ dĩa vọng cổ trọn 20 câu “Kiếp Con Tằm” do nam danh ca Xuân Liễu trình bày đã làm say mê giới mộ điệu thời bấy giờ.
Thời ấy tại trụ sở đài phát thanh Pháp Á ở đường Boulevard de la Somme (đường Hàm Nghi sau này) là nơi rất nhiều ca sĩ tài tử từ các nơi quy tụ về đây, gồm những giọng ca cổ nhạc được giới mộ điệu yêu chuộng, như có cô Năm Cần Thơ, Thành Công, Sáu Thoàng, Minh Chí, Xuân Liễu, Bạch Huệ, Thanh Hương, Văn Chung v.v… (thời này Văn Chung còn là tay ca tài tử chớ chưa làm hề).
Thời đó thiên hạ đồn đãi rằng vườn hoa cổ nhạc ở nơi đài Pháp Á này, nên bà Sáu Liên ở căn phố gần đó (đường Võ Di Nguy) đã có cái nhìn chiến lược của nhà làm thương mại. Bà thành lập hãng dĩa hát lấy tên “Việt Nam” khai thác các giọng ca đang được mến mộ, mà khỏi phải đi tìm kiếm ở đâu xa, vì đài Pháp Á đã chọn sẵn.
Trong số dĩa hát của hãng Việt Nam phát hành thời ấy, có dĩa vọng cổ “Kiếp Con Tằm”. Đặc điểm của bộ dĩa này là nam danh ca Xuân Liễu ca trọn 20 câu vọng cổ, mà tình tiết. Nội dung kể lại một câu chuyện thương tâm đầy tính chất hoang đường, nhưng cũng rất cảm động ăn sâu vào tiềm thức người nghe hằng bao thế hệ.
Câu chuyện không biết xảy ra ở đâu, ở thời kỳ nào, chỉ nghe truyền khẩu trong nhân gian kể lại rằng, có một túp lều tranh bên giòng suối Thạch Tuyền, đây là chốn sơn khê tháng ngày cô quạnh, đêm đêm chim đỗ quyên thắt thẻo gọi canh trường.
Đêm vắng canh tàn mà vẫn còn leo lét ngọn đèn xanh, nàng Mai Nương đang thắp mấy tuần hương van vái cha già sớm được toàn thân phản hồi cố lý. Lão ông, cha nàng ra ngoài quan ải từ lâu, không một tin tức nào, ra đi không hẹn ngày trở lại, khiến cho nàng nơi quê nhà xiết nỗi nhớ thương.
Đường xa vạn lý, bước quan san bốn bề hoa cỏ lạ, sớm gió chiều sương, chẳng biết ngàn dặm ra đi giữa đất trời tuyết sương phong vũ, người cha có được vẹn toàn thân thể, hay là cát bụi giang hồ vùi lấp chí tang bồng.
Quê hương trong những ngày mưa Thu nắng Hạ, gió rít từng đêm, bất giác lòng nàng cảm thấy u hoài vô hạn. Nỗi nhớ cha không bớt lệ ưu phiền. Mai Nương rảo bước đến bên than thở với con ngựa thân yêu rằng:
Tuấn mã ôi! Khi xưa cha ta nhờ mi đưa mấy dặm đường xa. Trèo non vượt suối mi cũng vẫn không dời đổi dạ trung thành. Nếu mi có phải là con vật trung tín khôn ngoan, biết mến thương chủ cũ, thì mi hãy đi tìm cho được cha ta đem về nơi cố lý, để cho phụ tử được trùng phùng. Thì ta xin thề với trời cao đất rộng, ta sẽ bằng lòng kết chặt mối lương duyên. Câu chuyện bắt đầu hoang đường – con ngựa nghe được tiếng người.
Tuấn mã nghe qua hí lên mấy tiếng vang trời. Bốn vó cuốn mau trong đám bụi mờ, chạy thẳng ra ngoài hiểm địa quan san. Trước để mong bày tỏ dạ trung thành, sau nữa để cùng ai kia vẹn niềm tơ tóc.
Rồi một buổi sáng tinh sương, Mai Nương còn đang tựa gối trông chờ. Bỗng nghe có tiếng vó câu hiện đều bên ngỏ vắng. Thì ra con ngựa thân yêu đã tìm ra chủ cũ, nên mới đưa lão ông trở về cho cốt nhục đoàn viên.
Thế là nàng Mai Nương đã toại nguyện, cha con được đoàn viên sum vầy. Đây mới là rắc rối, đối với con tuấn mã phải giải quyết làm sao, bởi nàng đã thốt lên câu nói: “Phụ tử được trùng phùng, thì ta xin thề với trời cao đất rộng, ta sẽ bằng lòng kết chặt mối lương duyên.”
Thật là câu chuyện quá hoang đường!
Tình tiết câu chuyện diễn tiến và kết cuộc ra sao, kỳ tới tôi sẽ trình bày tiếp. Bài vọng cổ “Kiếp Con Tằm” thu thanh dĩa hát thời cuối thập niên 1940 với tiếng hát ngọt ngào thu hút người nghe của nghệ sĩ Xuân Liễu. Đây là một trong số rất ít bài ca vọng cổ còn đủ 20 câu, được Xuân Liễu ca theo lối tài tử còn lưu lại được đến ngày nay.
Ngành Mai
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/traditional-music-09112014-nm-09112014063002.html