Ngành Mai
30.8.2014
.
Cách đây không lâu trên làn sóng phát thanh này, tôi có nói về hát bội miền Nam, hát bội miền Trung, tức hát bội Bình Định. Sau đó thì giáo sư Đinh Bằng Phi nhà ở Sài Gòn, có liên lạc với tôi nói chuyện về hát bội, và ông gởi cho tôi dĩa hát bội thu thanh từ thời thập niên 1960.
Người ta còn nhớ từ thời Đệ Nhứt Cộng Hòa, bộ môn hát bội Ban Vân Hạc đã thường xuyên có trên đài phát thanh Sài Gòn. Đến khi truyền hình ra đời thì hát bội cũng vẫn có chỗ đứng, khán giả yêu thích vẫn còn được thưởng thức trên màn ảnh nhỏ, với chương trình hát bội Đinh Bằng Phi được bà con yêu mến bộ môn nghệ thuật này đón coi.
Nhưng càng về sau do sự chèn ép của cải lương, nhứt là hồ quảng thì hát bội lại càng chịu thua thiệt. Mấy năm đầu đài truyền hình mỗi tuần đều có hát bội, nhưng về sau thì lơi dần, hai ba tuần mới có, và đài đã cho phát cải lương hồ quảng thay thế.
Đến khoảng 1974 thì hát bội hầu như bị gạt ra ngoài, trên truyền hình ít khi được chiếu, do đó đã gây bất mãn cho giới yêu thích hát bội, họ gởi thơ lên đài truyền hình, gởi cho báo chí đăng tải nói lên vấn đề. Sau đây là lá thư gay gắt của ông Công Thành, một công chức hồi hưu gởi cho đài truyền hình, cho báo chí vào khoảng 1974, tôi đọc lại để cùng quí vị thấy rằng hát bội bị chèn ép ra sao, và có người đã “mê” hát bội đến cỡ nào.
Và lá thơ có nội dung như sau:
Mấy lúc gần đây, người ta rất lấy làm ngạc nhiên khi thấy bộ môn hát bội vắng bóng trên đài Truyền Hình Việt Nam. Là người có chút ít ưu tư cho nền văn hóa dân tộc, chắc không ai là không lưu tâm đến bộ môn sân khấu cổ truyền đó trước tình thế hiện tại. Hát bội không còn đất sống người ta chỉ còn mong được xem trên khung kiếng truyền hình.
Cái trật tự của ngàn xưa lồng khuôn nền luân lý Khổng Mạnh thể hiện bằng nghệ thuật hát bội. Thế mà bọn già chúng tôi lại bị thất vọng! Không hiểu vô tình hay cố ý, bộ môn hát bội đã bị bỏ quên một cách tệ hai. Này nhé: Cứ cả tháng mới được một lần, chúng tôi phải chờ đợi đến mỏi mắt mãi đến hơn 10 giờ đêm Thứ Tư mới được xem. Bọn khán giả già cố thức để mà xem, nhưng lại không thỏa mãn, vì tuồng quá ngắn, phải xén bớt đi nhiều đoạn hoặc chờ tiếp kỳ sau. Bao nhiêu đó chưa đủ, quý vị còn gạt gẫm chúng tôi loan báo là có hát bội. Thế rồi có hôm chờ mãi, chờ mãi hết tin tức đen phóng sự rồi bình luận, chúng tôi cũng kiên nhẫn ngồi xem cho đến 23 giờ đêm để rồi được quí vị cáo lỗi vì lý do… kỹ thuật, tuồng hát bội hôm nay được thay bằng một chương trình tân nhạc.
Thế thì đành chờ quí vị thương tình trả cho một buổi hát bội trong kỳ tới vậy. Thế rồi, than ôi! Tuần tới giờ giải trí đêm Thứ Tư lại là tuồng cải lương hồ quảng. Không phải vì óc kỳ thị, nhưng chúng tôi sẽ buồn mà thấy quí vị quá
lạm dụng bộ môn cải lương đó. Chúng tôi đã nhiều lần châu mày trước những câu văn rẻ tiền của cái được mệnh danh là cải lương hồ quảng. Xét về nội dung lẫn hình thức, bộ môn này chỉ thỏa mãn được một số đông người bình dân dễ tính.
Thế mà hát bội lại bị hát hồ quảng chèn ép một cách tệ hại. Không thể ngồi yên một cách tiêu cực, chúng tôi cố gắng sức già gióng lên một tiếng chuông kêu cứu, thỉnh cầu quý giới chức có trách nhiệm ở đài Truyền Hình Việt Nam vui lòng xót thương cho một bộ môn nghệ thuật đang bị diệt vong trước làn sóng văn nghệ ngoại lai, mà giúp cho hát bội được góp mặt khá hơn trên quý đài. Chúng tôi cũng thiết tha mong chương trình này được phát hình sớm hơn thường lệ để bọn già chúng tôi đỡ phải mỏi lưng chờ đợi.
Lá thư được chấm dứt tại đây.
Hát bội là một bộ môn nghệ thuật cổ truyền lâu đời, thịnh hành qua nhiều thế hệ và mọi người trong chúng ta có
lẽ không một ai lại muốn cho nghệ thuật văn hóa dân tộc này bị mai một. Thế nhưng, nói thì nói thế chớ trên thực tế thì trong quá khứ từ thời trước 1975 hát bội đã bị chèn ép một cách thảm hại, và rồi đây không biết có tồn tại được chăng? Giáo Sư Đinh Bằng Phi nguyên là giáo sư dạy tại trường Trung Học Vũng Tàu. Về sau biệt phái về Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa, và dạy môn hát bội tại trường Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ Sài Gòn. Ông từng đoạt giải văn học nghệ thuật của Tổng Thống về môn hát bội.
Giáo Sư Đinh Bằng Phi gởi cho tôi dĩa hát bội tuồng Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu với các nghệ sĩ thủ các vai như sau:
– Nữ nghệ sĩ Năm Đồ vai Lưu Kim Đính.
– Nữ nghệ sĩ Ba Út vai Triệu Hoàng Cơ.
– Nghệ sĩ Năm Còn vai Dư Hồng.
– Nghệ sĩ Chín Luông vai Vua Triệu Khuông Dẫn.
– Nghệ sĩ Thành Tôn vai Quân sư.
– Nghệ sĩ Mười Sự vai Cao Quân Bảo.
Với các nhạc sĩ: Sáu Vững (đờn cò). Tư Phúc (kèn). Hai Giác (đánh trống). Văn Vĩ (thổi tiêu). Năm Cơ (kìm).
Tất cả các nghệ sĩ, nhạc sĩ trên đây đều qua đời.
Và bây giờ, trước khi mời quí vị nghe vở tuồng hát bội Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu. Tôi nhờ làn sóng phát thanh này chuyển lời thành thật cám ơn Giáo Sư Đinh Bằng Phi.
Ngành Mai
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/traditional-music-08230-nm-08282014070421.html