Nguyễn Phương
23.8.2009
Thưa quý thính giả, từ lâu nay các tiểu phẩm hài, các vở tấu hài hát trên các tụ điểm văn hóa, các rạp hát kịch ở trong nước, phần lớn xoay quanh những chuyện chọc cười rẻ tiền.
Chẳng hạn như kêu ngạo những ông già dê mê vợ bé, những kẻ thua số đề, cá độ đá banh, thua bài xập xám hoặc mánh mung kiếm lợi bằng cách lường gạt người khác nhưng bị tổ trát, hoặc chuyện các anh chàng Pê Đê, chuyện Diêm Vương xử án mấy thằng lái xe ẩu, chuyện Bao Công tân thời kêu ngạo chuyện nghịch lý của kẻ cầm cân công lý…
Chuyện trong nhà ngoài phố
Tất là những chuyện không đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm ở trong nước, không nói đến các quyền tự do, không nói đến chuyện chiếm đất đuổi nhà, chuyện xây cất tới đâu thì xập tới đó, xây cầu cầu gảy, xây nhà lầu thì lún đất, nứt tường hàng xóm, xây công trình to nhỏ nào thì cũng rút ruột, ông đứng ra cho phép xây và nhà thầu thì phình lên còn công trình xây thì xẹp xuống, xây đường thì xây luôn lô cốt cản đường và đường càng mở rộng, nhà cất càng cao thì đường phố trở thành những con sông ngập nước dù có mưa lớn hay mưa nhỏ, người dân tha hồ lội đi lũm bũm trong dòng nước đen quánh. Người ta nói Saigon và Hà Nội chuyên môn bị ngập nước sẽ trở thành thành phố Venise bên nước Ý Đại Lợi, muốn làm giàu thì mau mau sắm thuyền chèo dụ khách du lịch đi du ngoạn theo kiểu mới…
Những tin tức “tức mình” đăng trên trang web chánh thức của VN có thể khai thác thành những đề tài hài kịch như chuyện tham nhũng hối lộ ở Việt Nam mà quan chức bên nước Nhựt bị ở tù, những nhà thầu bên nước Mỹ phải ra hầu tòa, còn ở Việt Nam thì đó là chuyện nhỏ không có gì đáng kể. Chuyện đó mà viết ra thành hài kịch thì hay lắm nhưng hai nghệ sĩ chuyên môn khai thác loại chuyện tiếu lâm cười ra nước mắt nầy trên chương trình Truyền Hình Kênh 8 là nghệ sĩ Thanh Bạch và Xuân Hương thì bị ai đó chọc gậy bánh xe, làm cho vợ chồng xa nhau, chương trình cười trên Truyền Hình Kênh 8 ngưng phát sóng, nghĩa là khán thính giả không được cười những chuyện liên quan tới thời sự nhạy cảm nữa.
Tiểu phẩm hài “Ý Chí Tuổi Già”
Đó là chuyện tào lao trong nhà ngoài phố, còn những chuyện liên quan đến Ải Nam Quan, Bản Giốc, Trường Sa, Hoàng Sa, Biển Đông, chuyện Bauxíte Tây Nguyên thì để cho nhà nước lo, cấm ngoại thủy không ai được biết, ấy vậy mà đùng một cái có cái tiểu phẩm hài Ý Chí Tuổi Già của tác giả Vũ Khanh(hay tên gì đó nghe không rõ) hát trên sân khấu của Vân Sơn, nội dung kêu gọi Tòng Quân chống xâm lăng.
Thưa quý thính giả, hài kịch Ý Chí Tuổi Già do nghệ sĩ hài Bảo Quốc, Ngọc Giàu và Kim Tử Long hát đã làm cho nhiều ông bạn già của Nguyễn Phương ở Hội Rồng Vàng Tuổi Vàng Montréal gọi điện thoại tới tấp cho Nguyễn Phương, kêu Nguyễn Phương phải mau mau kiếm mà xem hài kịch đó.
Nguyễn Phương như mọc thêm cánh, bay ra tiệm bán DVD, mua ngay một cái DVD gốc, mời mấy ông bạn già ở gần nhà vừa uống trà vừa xem chuyện diễu kêu gọi tòng quân chống xâm lăng tựa đề là Ý Chí Tuổi Già.
Câu chuyện như sau: Bảo Quốc ăn mặc theo cổ trang, y phục VN thời xa xưa, đầu có búi tó, múa quyền luyện võ thì có tiếng kêu loa kêu gọi non nước nguy nan, dân chúng kinh hoàng, hãy nhớ thời ông cha huy hoàng chống giặc Nguyên, Mông mà ra đầu quân cứu nước.
Ông già( do Bảo Quốc đóng) kêu anh lính gọi loa vô( lính là do Kim Tử Long đóng). Anh lính gọi loa vô, Ông Già bảo chờ ông lấy hành trang đi theo anh lính, tòng quân cứu non sông. Vợ của ông già( bà già do nữ nghệ sĩ Ngọc Giàu đóng) bước ra ngăn cản vì nói ông tuổi già sức yếu. hai ông bà đấu lý với nhau là non nước lâm nguy, dầu già hay trẻ cũng phải có trách nhiệm tòng quân cứu nước. Bà nghe ra, bèn xin ông đi theo tòng quân. Tới phiên ông chê bà là đàn bà con gái, yếu ớt, bà bèn múa một đường quyền và tỏ ra cũng còn sức để xông pha trận mạc. Hai ông bà đều hăng hái khiến cho anh lính gọi loa bèn ca một câu vọng cổ dài hơi, đại ý nói là ai có gươm, có giáo, có kích, có kéo…vân vân… đều có thể dùng để mà giết giặc xâm lăng để cứu non sông.
Thưa quý thính giả, hài kịch Ý Chí Tuổi Già kêu gọi tòng quân cứu non sông của Bảo Quốc hát thì chỉ là một hài kịch, nói chung chung chuyện quốc gia lâm nguy thì người trong nước phải ra cứu nguy đất nước. Câu chuyện kêu gọi chung chung chớ không đặc biệt như tuồng Tiếng Trống Mê Linh, Thái Hậu Dương Vân Nga, Trần Quốc Toản ra quân hay Trần Hưng Đạo Bình Nguyên, đề tài chống Tàu xâm lược hồi xưa. Nhưng mấy ông bạn già của tôi thắc mắc: Lúc này có hài kịch kêu gọi Tòng quân cứu nước thì kẻ xâm lược là ai? Nước nào xâm lấn Việt Nam?
Nghệ sĩ Bảo Quốc mặc y phục cổ trang Việt Nam, nhắc đến chuyện ông cha mình đã đánh Nguyên, Mông, tức là ám chỉ lũ xâm lược đến từ phương Bắc.
Nghệ sĩ Ngọc Giàu nói: Ông cha mình hồi xưa dân ít lắm, mà giặc chúng nó thì đông lắm, muốn thắng giặc thì phải dùng mưu kế chớ không phải chỉ dùng bằng cái sức của mình đâu.. Đây cũng là ám chỉ đánh với nước đông dân nhứt thế giới…
Kim Tử Long bèn vô một câu vọng cổ dài hơi, đại ý kêu gọi có gươm giáo, có gậy gộc, có cuốc xuổng thì cũng có thể giết giặc, cái kiểu gọi là chiến tranh nhân dân đó mà…
Qua cách diễn và lời thoại của ba diễn viên thì thấy rằng kịch này ám chỉ vào nước lớn nhất, người đông nhất, có dã tâm nhất, từng nhiều lần xâm lược Việt Nam, tuy không gọi đích danh tên nước nào nhưng khán giả Việt Nam biết chắc đúng trăm phần trăm là ý kịch đó muốn nói tới nước nào có dã tâm xâm lược Việt Nam.
Mấy ông bạn già mừng quá vì qua vở hài kịch này, các ông nói là chánh phủ đã cho phép người dân được quyền nói tới yêu nước rồi, sẽ không còn người nào bị bắt khi nói tới vụ tàu của Tàu ngăn cản ngư dân Việt Nam đánh cá, hay nói đến Trường Sa, Hoàng Sa thì không có người bị công an bắt như các sinh viên bị bắt khi biểu tình chống vụ Tàu chiếm đóng Hoàng Sa, Trường Sa…Có ông bạn già còn cao hứng nhắc trong những năm 1979, 1980, Saigon và cả nước hồ hởi, phấn khởi hát và coi hát tuồng Tiếng Trống Mê Linh và Thái Hậu Dương Vân Nga để biểu lộ ý chí chống Tàu xâm lược. Rồi họ hỏi chừng nào có tuồng mới nói chuyện bảo vệ đất nước chống xâm lăng?
Tôi ngồi lặng thinh, không biết phải trả lời sao! Hài kịch Ý Chí Tuổi Già tuy nói ám chỉ đến việc nước lớn xâm lược nước mình nhưng không có gì rõ ràng hết. Thậm chí tôi có cảm giác là cái kịch đó kêu ngạo việc nói yêu nước vì các nghệ sĩ biểu hiện yêu nước bằng những hành động tếu, đây là chế diễu hay là các nghệ sĩ chỉ được phép nói mé mé thôi, gọi là khúc dạo đầu của bản đại trường ca yêu nước sẽ hòa tấu sắp tới?
Một ông bạn già nói Nghệ sĩ Tấu Hài đã vào trận rồi, nghệ sĩ tài danh cải lương sẽ xung trận như thế nào? Chắc sẽ có những bản nhạc như Lên Đường, Xếp Bút Nghiên, Lá Còn Xanh, Hội Nghị Diên Hồng…và những tuồng hừng hực lửa đấu tranh bảo vệ cho sự tồn vong của một nước Việt Nam anh hùng…
Các bạn đừng có nhiều ảo tưởng quá, hồi đó sáng tác và biểu diễn tuồng kịch là do người sáng tác và nghệ sĩ, họ sáng tác theo cảm hứng cá nhân và bị tác động về cuộc sống chung quanh. Bây giờ nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn là do sự định hướng, chỉ đạo, điều hành của chánh phủ. Cho phép nói chuyện gì, nói tới đâu, theo định hướng nào là do chánh phủ chớ không do người soạn giả hay nghệ sĩ nữa. Bởi vây coi tuồng hát nào, xem hài kịch gì hoặc đọc tin tức trên báo thì hãy biết rằng chánh phủ cho phép biết tới đó, nghe tới đó, coi hát tuồng đó, nghĩa là tất cả là có định hướng của chánh phủ.
Chánh phủ mở nhiều khu du lịch, bày nhiều trò chơi giải trí cho người dân ở Đầm Sen, ở Hồ Kỳ Hòa, Công Viên nước…vân…vân…nhiều tours du lịch xanh, du lịch tình yêu, du lịch tìm về nguồn, thăm hang động Phong Nha, đi thăm cung đình Huế, thăm vịnh Hạ Long, thăm chợ tình Sapa…Ý Chí Tuổi Già nhắc mé mé chuyện chống xâm lăng hồi xưa nghe chơi, xin đừng tưởng thiệt, về Saigon hô hào tòng quân cứu nước thì sẽ biết đá biết vàng.
Tôi nghe ông bạn già nói như vậy, ngẩn ngơ bèn dùng câu nói của nghệ sĩ Kim Tử Long để kết luận những chuyện phiếm của các ông bạn già: Câu nói của Kim Tử Long là: Tôi cũng nghĩ vậy.
Thưa quý thính giả, chương trình cổ nhạc xin chấm dứt, Nguyễn Phương xin hẹn vào giờ nầy tuần sau.
Nguyễn Phương
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/The-will-of-old-age-nphuong-08232009091844.html