Nguyễn Phương
28.6.2009
Nữ nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh
Thưa quý thính giả, nữ nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh là một nghệ sĩ có khả năng hoạt động đa dạng trong số các nghệ sĩ cải lương tài danh định cư tại miền Nam Cali Hoa Kỳ.
Xuất thân từ trường Quốc Gia Âm Nhạc
Nữ nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh học trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon, chuyên khoa cải lương cùng lúc với các nghệ sĩ Kiều Phượng Loan, Tú Trinh. Khi lên năm thứ hai khóa cải lương, Ngọc Đan Thanh đã cùng với các nữ nghệ sĩ Phương Ánh, Tú Trinh được mời làm diễn viên của các Ban cải lương Phương Nam, Ban Thành Công, Ban Mây Tần của Đài Phát Thanh Saigon và Đài Phát Thanh Quân Đội. Nữ nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh, Tú Trinh, Phương Ánh, Mộng Tuyền cũng là diễn viên của Ban Kịch Phương Nam, Ban Kịch Thẩm Thúy Hằng, Ban Kịch Sống Túy Hồng, Ban Cải Lương Phụng Hảo, Ban Cải lương Thanh Lịch của Đài Truyền Hình Việt Nam trong những năm từ 1967 đến 1972.
Nữ nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh rất đẹp, nước da bánh ích, nụ cười quyến rũ, đôi mắt long lanh, Ngọc Đan Thanh được đánh giá là nữ diễn viên có một sắc đẹp sắc xảo, rất ăn ảnh khi được thu hình ở Đài Truyền Hình hay khi đóng phim. Giọng ca của Ngọc Đan Thanh được đánh giá là chuẩn mực khi ca các bài bản cổ nhạc dùng trong sân khấu cải lương, âm lượng khoẻ khoắn, lối ca đúng điệu, đúng bài bản như phần lớn các học viên của trường Quốc Gia Âm Nhạc, chưa có bản sắc riêng như các diễn viên Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Mỹ Châu.
Ngọc Đan Thanh trước năm 1975 không đi hát cho các đoàn hát cải lương vì khi cô chưa tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm Nhạc thì đô thành Saigon xảy ra vụ Tết Mậu Thân. Suốt năm 1968, chiến sự xảy ra nhiều đợt trong đô thành Saigon, Chợ Lớn khiến cho nhà cầm quyền phải ban bố tình trạng thiết quân luật ban đêm. Do đó nhiều gánh hát không hát được, có gánh hát phải tan rã, có nhiều gánh hát phải kiếm đường đi lưu diễn ở các tỉnh Hậu Giang và miền Trung. Ngay như khi đi lưu diễn, các đoàn hát cũng không diễn được nhiều suất như thời kỳ trước năm 1968, do đó nhiều nghệ sĩ không theo đoàn hát nữa, họ có thu nhập cao khi đi thu thanh ở Đài Phát Thanh, thu dĩa hát hoặc thu hình cho các Ban cải lương ở Đài Truyền Hình Saigon, thu hình các chương trình của Đài Truyền Hình như Chuyện trong nhà ngoài phố.
Diễn viên điện ảnh
Năm 1972, Ngọc Đan Thanh đóng phim Kiếm hiệp tựa đề là Báo Kiếm Rửa Hận Thù, do hãng phim Mỹ Ảnh của ông Trương Dĩ Nhiên sản xuất. Ông Trương Dĩ Nhiên là chủ hãng phim Mỹ Ảnh, kiêm chủ rạp hát bóng Đại Nam và rạp Kinh Thành Chợ Lớn. Đạo diễn và équipe thu hình, thu thanh, chuyên viên ánh sáng đều là người Đài Loan, những người từng thực hiện nhiều bộ phim kiếm hiệp Hồng Kông và Đài Loan.
Diễn viên phim Báo Kiếm Rửa Hận Thù có các nghệ sĩ Út Bạch Lan, Hoàng Long, Ngọc Đan Thanh, Văn Ngà, Bảo Lâm, Ba Nghĩa, các võ sĩ của võ đường Việt Nam với võ sư Lý Huỳnh. Lúc đó Nguyễn Phương là phụ tá đạo diễn, viết lời thoại cho phim này.( Cốt truyện phim của đạo diễn Đài Loan, thông dịch viên tiếng Quan Thoại là hai sinh viên Á Trần và Á Lâm. Chụp ảnh test và quảng cáo do nhiếp ảnh viên chuyên nghiệp Á Hùng.)
Tôi còn nhớ một cảnh vai nữ kiếm khách Ngọc Đan Thanh phi thân lên nhánh cây cao cách mặt đất hơn bảy thước. Lúc đó đạo diễn chọn một cây sao rất cao, có nhánh de ra cách mặt đất trên bảy, tám thước. Ngọc Đan Thanh phải lên đứng trên nhánh cây đó nhảy xuống. Hai máy camera quay một lượt, một máy quay phim chạy ngược và một máy quay phim chạy xuôi. Như vậy khi chiếu ra thì máy thu phim ngược sẽ cho thấy hình ảnh nữ kiếm khách nhảy lên cây mặc dù khi thu hình thì Ngọc Đan Thanh nhảy xuống đất.
Đạo diễn nhờ thang máy của Sở Cứu Hỏa đưa Ngọc Đan Thanh lên đứng trên nhánh cây sao đó. Khi xe cứu hỏa kéo thang máy de xa ra thì đạo diễn hô máy quay, Ngọc Đan Thanh rút kiếm ra và phi thân xuống. Ở dưới đất, chỗ cho Ngọc Đan Thanh rớt xuống, đạo diễn để nhiều thùng giấy carton không, bên trên để hai tấm nệm mousse.
Phải nói là nữ nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh rất gan dạ, nếu không thì chỉ cần đứng trên nhánh cây cách mặt đất bảy tám thước, người nào yếu bóng vía thì sẽ run hoặc té xỉu rồi, chớ không thể diễn xuất hiên ngang như Ngọc Đan Thanh.
Các nghệ sĩ Út Bạch Lan, Hoàng Long, Ngọc Đan Thanh, Văn Ngà được chuyên viên võ thuật Đài Loan và võ sư Lý Huỳnh dạy cho đánh từng lớp, chậm như khi học đánh võ trong tuồng hát bội, đánh chậm nhưng chú trọng điệu bộ và động tác đẹp như đánh võ thiệt. Khi quay phim, họ quay tốc độ chậm, 8 frames một giây, khi chiếu hình 24 frames một giây thì thành ra động tác nhanh như đánh võ thiệt. Ngọc Đan Thanh nhờ có học vũ, múa đẹp nên thành công xuất sắc trong phim này. Ngọc Đan Thanh còn quay thêm hai phim: Phim Xóm Tôi, đạo diễn Lê Dân, và phim Chàng Ngốc Gặp Hên, đạo diễn Lưu Bạch Đàn.
Trên sân khấu kịch nói, cải lương
Sau năm 1975, ở đoàn Kịch Kim Cương, Ngọc Đan Thanh diễn các vai quan trọng trong kịch Dưới Hai Màu Áo, Người Tình Trễ Xe, Về Nguồn, Trở Về Mái Nhà Xưa.
Vì cần tăng cường nghệ sĩ cải lương gốc miền Nam nên nữ nghệ sĩ trẻ đẹp Ngọc Đan Thanh được Sở Văn Hóa điều động về đoàn cải lương Trần Hữu Trang, Ngọc Đan Thanh thủ vai đào chánh, vai Thanh Vân trong tuồng Tình Yêu và Lời Đáp, cùng diễn xuất với các nghệ sĩ Phương Quang, Ngọc Giàu, Thanh Nguyệt, Phú Quý, Minh Châu, Thái Ngân, Công Tài…
Ngọc Đan Thanh diễn xuất sắc vai Thanh Vân trong tuồng Tình Yêu và Lời Đáp, được thu thanh và thu truyền hình trực tiếp trên sân khấu lúc đang diễn. Khán giả nhiệt liệt tán thưởng các vai do Ngọc Đan Thanh, Ngọc Giàu, Thanh Nguyệt, Phương Quang, Minh Châu thủ diễn. Ba tháng sau, bổng nhiên đoàn Trần Hữu Trang thu nhận một nam danh ca và vợ. Ban Quản trị đoàn đã lấy vai tuồng của Ngọc Đan Thanh trao cho người mới về đóng. Họ cho rằng khi đóng vai người nữ cán bộ thì lý lịch người diễn viên phải trong sạch về chính trị. Họ tung tin là Ngọc Đan Thanh có chồng là cựu sĩ quan ngụy, đi tù cải tạo nên không được đóng vai Thanh Vân nữa. Thời kỳ nầy người ta thường lấy lý lịch để làm tình làm tội những kẻ yếu thế. Ngọc Đan Thanh không cần đính chánh là cô có chồng hay không mà cô trả lời bằng cách vượt biên để tìm tự do và công bằng xã hội.
Nên nhớ, chuyện vượt biên bằng đường biển hay đường bộ đều là một cuộc đánh đố với số mạng, chín phần chết, một phần sống. Tuy nhiên người ta muốn được tự do, muốn có công bằng xã hội nên dám đem mạng sống của mình ra đánh đổi. Thà chết giữa biển còn hơn là bị chết dần mòn vì mất tự do, bị ức hiếp, bị đối xử kỳ thị.
Nhiều người vượt biên, định cư tại Montréal nói với Nguyễn Phương là các ông ấy gặp nữ nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh ở trong trại Pulau Bidong.
Khi Nguyễn Phương qua Nam Cali dự sinh nhật Việt Hùng 80 tuổi, 60 năm hành nghề thì tôi gặp Ngọc Đan Thanh. Cô cũng đến chúc mừng Việt Hùng trong lễ đó. Các nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh, Tú Trinh, Kiều Phượng Loan, Thanh Thế, Bửu Truyện, Linh Tuấn, Thùy Dương đều gọi vợ chồng Nguyễn Phương là Ba Má, vì Nguyễn Phương nhiều năm cùng cộng tác và giúp đỡ các con nuôi kể trên trong nhiều đoàn hát, trong các Ban cải lương Đài Phát Thanh và Truyền Hình Saigon.
Ngọc Đan Thanh kể lại từ lúc vượt biên qua định cư ở Hoa kỳ, Ngọc Đan Thanh đã từng là ca sĩ tân nhạc, ca cổ nhạc, hát trích đoạn cải lương, làm MC cho các chương trình văn nghệ và làm chuyên viên chuyển âm phim bộ Hồng Kông, Đài Loan.
Cuộc sống kinh tế, vật chất dồi dào sung túc hơn khi còn ở đoàn Trần Hữu Trang. Về nghề nghiệp và tinh thần thì Ngọc Đan Thanh được thoải mái, hài lòng với công việc phù hợp với khả năng của cô mà lợi nhuận lại cao, cuộc sống ổn định, nhất là được tự do trong đời sống, tự do suy nghĩ, không bị bắt buộc phải nói hay suy nghĩ theo một định hướng của kẻ nào cả.
Thưa quý thính giả, chương trình cổ nhạc xin chấm dứt, Nguyễn Phương xin hẹn vào giờ nầy tuần sau.
Nguyễn Phương
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/Singer-ngoc-dan-thanh-nphuong-06282009085618.html