Nguyễn Phương
31.5.2009
Vua vọng cổ Út Trà Ôn
Sau buổi phát thanh giới thiệu về bản vọng cổ, bản nhạc vua của sân khấu cải lương, nhiều thính giả của Đài gởi điện thư và gọi điện thoại đề nghị Nguyễn Phương giới thiệu thêm về quá trình phát triển của bản vọng cổ và các phong cách khác nhau đã giúp cho bản vọng cổ được phát triển từ nhịp đôi sang nhịp tư, rồi nhịp 8, nhịp 16, đến 32 nhịp và sau này nhiều nghệ sĩ ca vọng cổ nhịp 64.
Thưa quý thính giả, sự thêm nhịp ca, kéo dài cách ca một câu vọng cổ cũng biểu hiện sự thay đổi về cách viết vọng cổ. Do đó các nhạc sĩ, các soạn giả và các ca sĩ đều có đóng góp công lao không nhỏ trong việc phát triển không ngừng của bản nhạc vọng cổ.
Trước hết, xin ghi nhận là chính các danh ca, các nghệ sĩ khi ca bản vọng cổ, nhờ làn hơi đặc biệt mà mỗi danh ca chế biến cách thể hiện bài ca vọng cổ theo ý riêng tuy họ vẫn giữ đúng nhịp và đúng chữ đờn cuối khung nhạc trong bản vọng cổ. Nhờ đó mà người nghe vẫn nghe ra là bản vọng cổ tuy cách thể hiện của mỗi danh ca có sắc thái riêng.
Danh ca Hồng Châu sáng chế lối ca cà lăm, lối ca vọng cổ diễu trong bài vọng cổ Cọp Cọp Bonjour thầy Ba, mở màn cho lối ca vọng cổ diễu mà sao đó nghệ sĩ hài Tư Xe ca vọng cổ diễu trong vai Tạ Lôi Nhược trong tuồng San Hậu và Hề Lập ca cà lăm vọng cổ diễu trong tuồng Lý Chơn Tâm Cởi Củi.
Mở màn hò và ngâm thơ trong câu ca vọng cổ
Ca vọng cổ cà lăm chỉ có tác dụng gây cười, chỉ dành cho những vai hề ca. Trong các tuồng cải lương và các dĩa ca vọng cổ, nhân vật được khán thính giả ưa thích là những vai đào thương, kép mùi với những mối tình hoặc chung thủy mà lắm cảnh ngang trái hoặc những chuyện tình dang dở đau thương. Do đó giọng ca chân phương và nồng ấm của danh ca Út Trà Ôn chinh phục khán thính giả một cách mãnh liệt. Nghệ sĩ Út Trà Ôn lại có biệt tài ngâm thơ theo lối Tao Đàn, nói thơ theo lối nói thơ Lục Vân Tiên hoặc hò Đồng Tháp trong lòng câu vọng cổ mà không làm sai lạc âm điệu vọng cổ. Kỹ thuật ngâm thơ hoặc hò trong câu ca vọng cổ đã giúp cho các nhạc sĩ sáng kiến tăng thêm nhịp cho các câu vọng cổ, tìm thêm được những chữ đờn lạ, xen vào câu vọng cổ nhạc đệm cho ngâm thơ khiến cho các soạn giả cũng theo đà đó mà viết câu văn hay hơn, nội dung phong phú hơn. Xin mời quý thính giả nghe danh ca Út Trà Ôn ca bài vọng cổ Ông Lái Đò, trong bài vọng cổ nầy có nhiều đoạn nói thơ theo lối nói thơ Lục Vân Tiên.
Đoạt giải nhứt thi ca cổ nhạc hãng rượu Bình Tây
Nghệ sĩ Út Trà Ôn tên thật là Nguyễn Thành Út, sanh năm 1919, tại xã Đôn Châu, quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ. Khi vào nghề hát ông lấy nghệ danh Út Trà Ôn để tưởng nhớ ơn nghĩa sanh thành của cha mẹ và mảnh đất chôn nhau cắt rún. Vì là con út, thứ mười nên nghệ sĩ thường gọi ông là anh Mười Út hoặc cậu Mười Út.
Năm 18 tuổi, Út Trà Ôn theo bạn lên Saigòn đờn ca tài tử nơi quán ca nhạc Đức Thành Hưng sau chợ Bến Thành. Út Trà Ôn dự cuộc thi ca cổ nhạc của hãng rượu Bình Tây và đoạt giải nhứt. Đài Pháp Á mời Út Trà Ôn ca vọng cổ và các bài bản cải lương trên Đài Pháp Á. Nghệ sĩ Út Trà Ôn nổi danh qua các bản vọng cổ Thức Suốt Đêm Đông, Sầu Bạn Chung Tình, Tôn Tẩn Giả Điên.
Đệ nhứt danh ca Út Trà Ôn
Các đoàn hát nghe danh danh ca Út Trà Ôn, họ đưa nhau mời Út Trà Ôn về cộng tác với gánh hát của họ. Năm 1942, ông Bầu Trương Văn Thông, chủ gánh hát Tân Thinh mời Út Trà Ôn làm kép chánh, hát các tuồng như Bàng Quyên – Tôn Tẩn, Tôn Tẩn đại chiến Hải Triều, Tôn Tẩn phá Bình Linh Hội. Nhờ lối ca chân phương, chắc nhịp, giọng trầm ấm và khỏe khoắn, Út Trà Ôn được khán giả bốn phương ái mộ.
Năm 1943, ông Bầu Hề Lập mời nghệ sĩ Út Trà Ôn cộng tác trong tuồng Lý Chơn Tâm Cởi Củi. Đây là thời điểm mà những nghệ sĩ ca hay, có sắc vóc được nhận tiền thưởng khi mới về đoàn hát. Sau này tiền thưởng được gọi là tiền contrat, có những điều kiện ràng buộc giữa bầu gánh hát và nghệ sĩ.
Từ năm 1943 đến năm 1954, Út Trà Ôn đã hát qua những gánh hát như Hề Lập, gánh hát Thanh Long của bầu Tư Lung, gánh hát Tiến Hóa của bầu Trúc Viên Trương Gia Kỳ Sanh, gánh hát Mộng Vân của bầu gánh kiêm soạn giả Mộng Vân và năm 1954, Út Trà Ôn đi gánh hát Thanh Minh của bầu Nghĩa, chồng bà bầu Thơ, thân mẫu của nữ nghệ sĩ Thanh Nga.
Trước năm 1954, vì đang có cuộc chiến tranh Việt Pháp, đoàn hát không có nhiều điểm diễn có an ninh nên thu nhập của đoàn hát cũng bị hạn chế. Nghệ sĩ danh ca Út Trà Ôn được ký contrat với bầu Mộng Vân một số tiền 50.000 đồng trong hai năm. Đây là số tiền contrat cao nhứt mà nghệ sĩ nhận được trong thời điểm đó.
Sau đình chiến Pháp Việt năm 1954, ở Saigon và các tỉnh xây cất thêm nhiều rạp hát lớn, khang trang, rộng rãi, nhiều ghế cho khán giả nên các đoàn hát cải lương hát đông khách. Nhiều đoàn hát mới thành lập khiến cho có cảnh tranh giành bắt nghệ sĩ về cho đoàn hát của mình. Nghệ sĩ Út Trà Ôn ký hợp đồng hát cho gánh hát Thanh Minh Bầu Nghĩa với số tiền contrat là 350.000 đồng trong hai năm, lương 700 đồng một suất hát.
Đầu năm 1956, ông rời đoàn hát Thanh Minh để cùng các nghệ sĩ Kim Chưởng, Thúy Nga, Thanh Tao lập ra gánh hát Kim Thanh – Út Trà Ôn, nghệ sĩ Út Trà Ôn phải bồi thường cho ông bầu Nghĩa 700.000 đồng tiền contrat.
Năm 1958, đoàn hát Kim Thanh giải tán, nghệ sĩ Út Trà Ôn trở về cộng tác với đoàn hát Thanh Minh với số tiền contrat là một triệu rưỡi trong hai năm, lương mỗi suất hát là 1.500 đồng. Ngày chúa nhựt hay ngày lễ, nếu đoàn hát hát hai suất, nghệ sĩ Út Trà Ôn được lãnh 3.000 đồng. Nên nhớ là thời đó một lượng vàng giá từ 2.800 đồng đến khoản 3.000 đồng.
Vua vọng cổ Út Trà Ôn
Năm 1955, báo chí kịch trường trưng cầu ý kiến khán giả, độc giả, nghệ sĩ Út Trà Ôn được tặng danh hiệu đệ nhất nam danh ca, ký giả Nguyễn Ang Ca gọi là Vua vọng cổ Út Trà Ôn. Mỹ hiệu Vua Vọng cổ Út Trà Ôn được người trong giới nghệ sĩ, báo chí và khán giả dùng để gọi Út Trà Ôn thay cho danh đệ nhất nam danh ca Út Trà Ôn.
Nghệ sĩ Út Trà Ôn cũng là người khởi đầu làm cho tiền ký contrat của nghệ sĩ với bầu gánh hát tăng rất cao. Contrat của Út Trà Ôn ký với bầu gánh hát Thanh Minh là một triệu năm trăm ngàn đồng trong thập niên 50, số lương một suất hát là 1.500 đồng. So với số lương của các giám đốc, chủ sự, ông Cò mi, Thơ Ký của chánh phủ thì đó là một số tiền thù lao nhận được quá là cao. Mặc dù trong thập niên 60, nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan ký contrat với Bầu Long Kim Chung 3.500.000 đồng( ba triệu năm trăm ngàn) và Thành Được ký contrat với bà bầu Thơ Thanh Minh Thanh Nga cũng 3.500.000 đồng, nhưng phải nói là nhờ nghệ sĩ Út Trà Ôn khởi đầu thuận lợi, các nghệ sĩ đàn em mới được hưởng theo những điều kiện cao như vậy.
Từ năm 1954, khởi đầu cuộc sống hòa bình sau chiến tranh Việt Pháp, các gánh hát cải lương phát triển, mở đầu cho một thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật sân khấu cải lương.
Đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam mất nước, nghệ sĩ và sân khấu cải lương cũng bị tai họa chung như cả đất nước. Lương mỗi đêm hát của Út Trà Ôn ở đoàn cải lương Saigon 1 chỉ còn 10 đồng( mười đồng) một suất hát. Trước năm 1975, rạp hát cải lương ở Saigon Chợ Lớn và Gia Định có 27 rạp hát lớn. Sau năm 1975, hiện nay Saigon, Chợ Lớn và Gia Định chỉ còn một rạp hát duy nhứt là rạp hát Hưng Đạo. Nghe đâu nhà nước định phá rạp Hưng Đạo để xây rạp hát khác, như vậy có nghĩa là sẽ không còn rạp hát dành cho cải lương, ít nhứt trong năm năm nữa.
Thưa quý thính giả, chương trình cổ nhạc xin chấm dứt, Nguyễn Phương xin hẹn vào giờ nầy tuần sau.
Nguyễn Phương
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/TraditionalMusic/Well-known-traditional-singer-ut-tra-on-05312009085401.html