Kỷ niệm với nhạc sĩ Ngọc Chánh và ban nhạc Shotguns

Trần Chí Phúc
15/1/2023

Nhạc sĩ Ngọc Chánh đã giã từ giới ca nhạc vào chiều Thứ Bảy 7 Tháng Giêng, 2023 (nhằm ngày 16 Tháng Chạp năm Giáp Dần), hưởng thọ 86 tuổi. Chỉ còn hai tuần nữa là Xuân Quý Mão đến, không khí đón Tết với nhạc Xuân vang lừng, trong đó có những bản nhạc do ông tuyển chọn để thực hiện những cuốn băng Shotguns chủ đề Xuân thời Sài Gòn, được thính giả yêu thích cho đến nay.

Kỷ niệm với nhạc sĩ Ngọc Chánh và ban nhạc Shotguns
Nhạc sĩ Ngọc Chánh. (Hình: Trần Chí Phúc cung cấp)


Lần đầu gặp nhạc sĩ Ngọc Chánh là ở nhà thầy Dung Piano ở đường Hiền Vương, Sài Gòn năm 1976, lắng nghe những mẫu chuyện ông kể về tình hình ca nhạc sau khi Sài Gòn thất thủ với thầy dạy hòa âm của tôi.

Lần thứ nhì là Tháng Ba năm 1979, tại trại tị nạn chuyển tiếp Kula Lumpur, Mã Lai Á, để chờ định cư tại Hoa Kỳ và Canada. Ông nói rằng, khi vượt biển ông có dẫn theo mấy người con của nhạc sĩ Phạm Duy. Khi ấy, có một ca khúc mới do ông sáng tác, có một ý mới là vì Sài Gòn đổi theo giờ Hà Nội chậm một giờ và một số con đường đổi tên làm cho đôi tình nhân trễ hẹn.

Lần thứ ba là năm 1998, mượn vũ trường Ritz do ông làm chủ để ra mắt CD “Sài Gòn Em Vẫn Còn Đây” của Trần Chí Phúc.

Lần thứ tư là năm 2015 tại quán cà phê Starbuck góc đường Edinger và Brookhurst để phỏng vấn viết bài báo về sinh hoạt nghệ thuật của nhạc sĩ Ngọc Chánh- trưởng ban nhạc và Trung Tâm Băng Nhạc Shotguns thời Sài Gòn trước năm 1975. Nhiều chi tiết do chính nhạc sĩ Ngọc Chánh kể mà tôi ghi lại trong bài báo đăng trên trang mạng SBTN năm 2015, sau này được một số báo khác trích lại để viết thành các bài cho báo khác.

Điều quan trọng nhất của bài báo này là kể ra ba ca khúc mà Ngọc Chánh viết chung với nhạc sĩ Phạm Duy là “Bao Giờ Biết Tương Tư,” “Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang,” “Tuổi Biết Buồn.” Ba nhạc phẩm này đã được in thành các bản nhạc rời, có giấy phép của Bộ Thông Tin Việt Nam Cộng Hòa, ghi rõ tên tác giả gồm hai người. Nhưng khi qua hải ngoại, nhiều trung tâm băng nhạc sản xuất chỉ nhắc tên Phạm Duy mà thôi.

Khi được hỏi chuyện này thì nhạc sĩ Ngọc Chánh trả lời rằng, ông là một nhạc sĩ chơi đàn Keyboard và là trưởng ban nhạc Shotguns cho nên nghĩ ra câu nhạc (melody) và nhờ Phạm Duy góp ý và đặt lời để trở thành ba bài hát ăn khách.

Khi bài báo được đăng năm 2015, tôi có gởi cho nhạc sĩ Ngọc Chánh xem và ông email cám ơn.

Sinh tại Sài Gòn, Ngọc Chánh từ thuở 6 tuổi đã học guitar với một anh bạn lớn tên là Cổ Tinh Châu. Anh này có ngón đàn Flamenco tài giỏi. Rồi sau đó ông học thêm với một nhạc sĩ Phi Luật Tân là Monito.

Năm đệ tam trung học, cậu học sinh Nguyễn Ngọc Chánh đã viết một cuốn sách “Tự Học Guitar” và bán bản quyền cho nhà xuất bản Mỹ Tín, với giá 24,000 đồng vào năm 1957. Lúc đó, ông Mỹ Tín có một tiệm bán đàn piano ở đường Võ Tánh và Ngọc Chánh đã mua một cây cũ với giá 22,000 đồng, bằng cách đổi cuốn sách của mình và được ông chủ trả thêm 2,000 đồng. Đây có lẽ là một trong những cuốn sách dạy về guitar sớm nhất của làng nhạc thời đó, và cũng là một thành tích đặc biệt thời trẻ tuổi của ông.

Từ lúc có cây đàn piano, Ngọc Chánh đi học đàn dương cầm và hòa âm sáng tác với thầy Dung ở đường Hiền Vương, góc đường Duy Tân trong nhiều năm. Thầy Dung là một trong ít nhạc sĩ giỏi của Sài Gòn thời đó, đã từng dạy nhạc cho nhiều nhạc sĩ thành danh, trong đó có nhạc sĩ Hồ Xuân Mai. Thầy Dung được con trai bảo lãnh định cư ở Canada vào thập niên 1980.

Năm 1960, Ngọc Chánh bắt đầu con đường âm nhạc với cây đàn dương cầm cùng ban nhạc chơi cho một vũ trường ở hồ tắm Cộng Hòa. Năm1962, ông về chơi cho vũ trường Melody, vũ trường Lai Yun và về làm trưởng ban nhạc vũ trường Mỹ Phụng ở bến Bạch Đằng với Xuân Mỹ (Saxo), Hoàng Liêm (Guitar), một người gốc Hoa đánh trống.

Năm 1961, ca sĩ Minh Hiếu lúc đó là cô gái từ Bình Long lên Sài Gòn học may, biết hát đôi bài như “Nỗi Lòng,” “Gợi Giấc Mơ Xưa” và được người quen giới thiệu với ông. Ông có hướng dẫn thêm về nhạc lý và giới thiệu cô ta cho ông chủ vũ trường, và từ đó Minh Hiếu thăng tiến rất mau, chỉ trong vòng chưa tới một năm đã trở thành ca sĩ nổi tiếng trong giới ca nhạc Sài Gòn. Đó là kỷ niệm đáng nhớ về việc đưa những tiếng hát từ bóng tối ra ánh sáng của nhạc sĩ Ngọc Chánh.

Năm 1964, Ngọc Chánh về làm trưởng ban nhạc cho vũ trường Eden Rock đường Tự Do, ông chủ là ba má của anh Quốc (chủ vũ trường Majestic ở Quận Cam), lương cả trăm ngàn mỗi tháng.

Năm 1968 xảy ra cuộc chiến Mậu Thân, các vũ trường Sài Gòn đóng cửa, Ngọc Chánh mặc dù đã 31 tuổi có vợ và sáu con, nhưng phải nhập ngũ vì luật tổng động viên. Ông gia nhập Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương.

Thành lập Trung Tâm Băng Nhạc Shotguns

Trong thời gian này, nhạc sĩ Ngọc Chánh thành lập ban nhạc Shotguns gồm những bằng hữu ca nhạc sinh hoạt trong Biệt Đoàn Văn Nghệ gồm Pat Lâm (ca sĩ ), Hoàng Liêm (guitar), Elvis Phương (ca sĩ), Đức Hiếu (trống), Duy Khiêm (Bass), Ngọc Chánh (Keyboard) để chơi nhạc ngoại quốc cho các câu lạc bộ dành cho quân đội Mỹ. Theo ông thì thời đó ca sĩ Pat Lâm hát nhạc Mỹ “rất tới,” nhất là những bản mà Andy Williams đã thu đĩa.

Vì trong thời chiến tranh cho nên dùng cái tên Shotguns đặt cho ban nhạc và cái tên này đã gắn liền với cuộc đời âm nhạc của nhạc sĩ Ngọc Chánh.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ có phòng trà Maxims mời ban nhạc Shotguns trình diễn một tiếng đồng hồ mỗi đêm những bản nhạc Mỹ. Kế đến ca sĩ Khánh Ly rủ Shotguns về cộng tác vũ trường Queenbee chuyên hát nhạc Việt Nam. Lúc này, Elvis Phương phải hát nhạc Việt Nam và bài hát đầu tiên mà Elvis Phương hát là bản “Mộng Dưới Hoa.”

Năm 1969, Ngọc Chánh thành lập Trung Tâm Băng nhạc Shotguns. Hai cuốn băng nhạc đầu tiên là “Shotguns 1 Nhạc Việt Nam” và “Shotguns 1 Nhạc Mỹ,” thu âm ở một phòng thu ở đường Bùi Hữu Nghĩa của một chuyên viên từng làm Đài Phát Thanh Sài Gòn. Nhạc đệm do ban Shotguns phụ trách (Ngọc Chánh, Hoàng Liêm, Đức Hiếu, Duy Khiêm).

Ngọc Chánh có chọn bản “Một Trăm Phần Trăm” do Hùng Cường ca mở đầu cuốn băng. Mặc dù bài hát này rất nổi tiếng khi Hùng Cường trình diễn trên đài truyền hình và đài phát thanh, nhưng khi đưa vào cuốn băng Shotguns1 thì gây nên sự thất bại. Đây là một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm băng nhạc của Ngọc Chánh.

Khi cuộn băng “Shotgun 1 Nhạc Việt Nam” vừa phát hành thì Ngọc Chánh đã nghe những lời nhận xét rằng tại sao lại chọn một ca khúc phản chiến với bản “Một Trăm Phần Trăm” với tiếng hát ca sĩ Hùng Cường. Ông nhớ lại, cả miền Nam chỉ bán được vài trăm cuốn và miền Trung thì hầu như không bán được cuốn băng nào.

Ngọc Chánh kể rằng, một lần khi đi công tác ở Ban Mê Thuộc và mang theo 20 cuốn băng Shotguns 1, ông vào một câu lạc bộ dành cho quân đội và gời số băng này nhờ bán dùm. Bà chủ câu lạc bộ có ông chồng là thiếu tá, ông này nghe xong cuốn băng này liền bảo bà vợ đem trả lại tất cả số băng cho Ngọc Chánh, với lý do là không chấp nhận bản “Một Trăm Phần Trăm” do Hùng Cường ca.

Và cuốn “Shotguns1 Nhạc Mỹ” cũng không bán được bao nhiêu. Ông tiếp tục cuốn Shotguns 4 (không có cuốn số 2 và số 3 vì muốn tránh xa cuốn số 1 thất bại) và bắt đầu bán được nhiều, có lời.

Cho đến cuốn Shotguns 6 tức “Băng Vàng Shotguns,” thì thành công rực rỡ với các ca sĩ nổi tiếng Hà Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Hoàng Oanh, Thanh Lan, Sĩ Phú, Elvis Phương, Giao Linh… và những ca khúc nổi tiếng thời tiền chiến.

Thời đó, bán được khoảng 20,000 cuốn vì phải có máy để chạy cuốn băng Reel to Reel này để nghe. Nhạc sĩ Lê Văn Thiện hòa âm cuốn băng này với những nhạc sĩ tăng cường như Nguyễn Ánh 9 (Piano), Đan Thọ (Violin), Duy Khiêm (Bass), Cao Phi Long (Trumpet), Xuân Tiên (Saxo)…

Từ đó, Trung Tâm Băng Nhạc Shotguns có chỗ đứng vững vàng trong làng băng nhạc Sài Gòn trước năm 1975.

Năm 1971, Ngọc Chánh thực hiện thêm một số băng nhạc trẻ gồm bảy cuốn và cũng thành công.

Cuốn cuối cùng của Trung Tâm Shotguns là cuốn 36, mang tên “Hòa Bình Ơi, Việt Nam Ơi” thực hiện đầu năm 1975, gồm những ca khúc mang ước mơ hòa bình của nhiều nhạc sĩ và cũng không bán được nhiều vì chiến cuộc lan tràn.

Nhìn lại những năm tháng ở Sài Gòn với những cuốn băng Shotguns đã thực hiện từ năm 1969 tới đầu năm 1975, nhạc sĩ Ngọc Chánh bồi hồi và hãnh diện đã đóng góp một phần vào dòng sinh hoạt ca nhạc của miền Nam trước năm 1975.

Ông vượt biển năm 1979 đến Hoa Kỳ, bỏ lại tất cả sản phẩm băng nhạc nhưng bây giờ có một số người ở hải ngoại đã sưu tập được toàn bộ các cuốn băng đó và họ bảo rằng rất thích.

Cái thời Sài Gòn trước năm 1975, các băng nhạc thu “Live,” nghĩa là ca sĩ và ban nhạc cùng chơi đàn và hát một lúc, cho nên tiếng hát tiếng đàn quyện vào nhau và tạo nên sự truyền cảm, linh động và thu hút giới nghe nhạc sành điệu.

Những sáng tác mới mà Trung Tâm Shotguns giới thiệu đầu tiên gồm những ca khúc mới của Phạm Duy, bản “Về Đây Nghe Em” của Trần Quang Lộc, bản “Gọi Người Yêu Dấu” của Vũ Đức Nghiêm, bản “Ru Con Tình Cũ” của Đinh Trầm Ca. Bản này tên là “Bài Cho Nàng” nhưng Ngọc Chánh đề nghị đổi lại tên và giao cho Hải Lý ca.

Được hỏi, có điều gì lẽ ra nên làm mà không làm thì Ngọc Chánh tiếc rằng thời đó đã không có dịp nghe tiếng hát của Từ Công Phụng để mời anh cộng tác với Trung Tâm Shotguns. Và ông nghĩ rằng, mình nên giới thiệu một tiếng hát mới trong mỗi cuốn băng Shotguns ngày xưa.

Vì cộng tác chặt chẽ với nhạc sĩ Phạm Duy, cho nên Ngọc Chánh có nhờ Phạm Duy đặt lời cho bản “Bao Giờ Biết Tương Tư” mà ông đã viết nhạc cho cuốn phim “Điệu Ru Nước Mắt,” dựa theo tác phẩm của nhà văn Duyên Anh, và ông giao cho ca sĩ Anh Khoa hát rất thành công, đúng ý tác giả nhất.

Nhạc sĩ Ngọc Chánh đã viết bản nhạc “Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang” cho cuốn phim cùng tên do đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện. Lúc đầu, ông định nhờ nhà văn Duyên Anh viết lời ca nhưng sau đó chọn Phạm Duy viết lời.

Hãng Yamaha của Nhật có tổ chức cuộc thi âm nhạc và mời Việt Nam tham dự. Và Ngọc Chánh viết nhạc, Phạm Duy đặt lời thành bản “Tuổi Biết Buồn” nhờ Thanh Lan ca và vào chung kết giải này năm 1973.

Ban nhạc Ngọc Chánh thường chơi nhạc ngoại quốc cho các vũ trường, nhưng khi có Trung Tâm Shotguns thì ông đã thu băng mấy trăm ca khúc Việt Nam để người yêu nhạc thưởng thức. Ông cũng đã nhờ nhiều người đặt lời ca cho các bản ngoại quốc và phổ biến trong các băng chủ đề Nhạc Trẻ của Shotguns. Đó là sự đóng góp của nhạc sĩ Ngọc Chánh trong dòng sinh hoạt ca nhạc Sài Gòn năm xưa.

Trần Chí Phúc

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/tuong-nho/ky-niem-voi-nhac-si-ngoc-chanh-va-ban-nhac-shotguns/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây