Ở Việt Nam, hồi xưa có nhiều làng nghề, nhiều xóm thợ, trong một nước mà nền kinh tế còn ở trong tình trạng chưa phát triển, sự nối tiếp nghề nghiệp của ông cha hay người trong cùng một làng xã, thôn xóm là một sự kiện tự nhiên.
Nghề ca hát cũng có truyền thống nghề nối nghề, cha truyền con nối, nhiều nghệ sĩ có đến bốn năm thế hệ nối tiếp nhau trong nghề ca hát trên sân khấu.
Trong các thập niên 20, 30, 40, 50…khán giả Saigon, lục tỉnh đều biết danh các đại gia đình nghệ sĩ Vĩnh Xuân – Bầu Thắng, Thành Tôn – Bạch Lê,
Năm Nghĩa – Thanh Nga, Hai Núi, Tư Hélène – Kim Hoa, Năm Phỉ, Bảy Nam – Kim Cương, và rất nhiều gia đình nghệ sĩ tài danh khác có nhiều thế hệ nối tiếp nhau là những nghệ sĩ tài danh nức tiếng từ Nam chí Bắc.
Đó là tình trạng cuộc sống của một xã hội mà nền kinh tế chưa có phát triển cao, xã hội không biến động đến tận gốc rễ như trong thời kỳ sau năm 1975.
Sau năm 1975, nhứt là từ sau những năm 1986, thời kỳ gọi là “mở cửa”, bớt chuyện ngăn sông cấm chợ, thời kỳ mở đầu của một nền kinh tế thị trường thì biến động xã hội càng dữ dội hơn trước. Có nhiều nghệ sĩ tài danh đã cho con cái đi học những nghề nghiệp khác, có người có con học ở nước ngoài, nhưng cũng còn một bộ phận trong giới nghệ sĩ hát bội và cải lương vẫn cứ tà tà, con nối nghiệp cha, trong cuộc sống đời thường thì nghèo sát đất mà đêm đêm thì trở thành những ông hoàng bà chúa, lộng lẫy kiêu sa.
5 tuổi nối nghiệp cha
Năm 1983, Nguyễn Phương gặp một nghệ sĩ có tâm trạng quyết sống chết với nghề hát, bất kể xã hội thay đổi ra sao. Đó là nghệ sĩ kiêm soạn giả Hoàng Ngọc Ẩn. Khi đoàn hát của anh hát ở rạp Long Vân, quận 3, tôi vào hậu trường thăm anh, lúc đó đoàn đang hát tuồng Bạch Viên – Tôn Các, lớp con gái của Tôn Các là Tôn Hương, năm tuổi đang ca một câu vọng cổ, tôi thấy Hoàng Ngọc Ẩn đứng trong cánh gà, anh lau nước mắt, nữa mếu nữa cười. Anh thấy con gái của anh mới 5 tuổi, đã nối nghiệp cha, hát trên sân khấu chững chạc, ca một câu vọng cổ rành nghề. Anh nói: Con hơn cha là nhà có phước. Hồi anh 12 tuổi, anh mới biết ca vọng cổ, vậy mà Tâm Tâm mới có 5 tuổi, đã ca vọng cổ lấy nước mắt của khán giả khiến anh mừng đến chảy nước mắt. Và từ đó anh đã có một chương trình đào luyện cho con gái của anh để cô trở thành một nữ nghệ sĩ cải lương tài sắc với nghệ danh là Tâm Tâm.
Nữ nghệ sĩ Tâm Tâm tên thật là Phạm Tạ Thanh Tâm. Cô lấy chữ tên chót của nữ nghệ sĩ thần tượng Thanh Thanh Tâm ghép vào tên cô thành nghệ danh Tâm Tâm.
Tâm Tâm sanh ngày 13 tháng 4 năm 1978, con của nghệ sĩ kiêm soạn giả Hoàng Ngọc Ẩn. Cô Tâm Tâm được sanh ra và lớn lên trong đoàn hát, cô được cha cô dạy cho biết đọc, biết viết và dạy ca các bài bản nhỏ. Khi lên 5 tuổi, Tâm Tâm được cha tập cho hát vai Tôn Hương tuồng Bạch Viên Tôn Các. Saư đó cô còn tập hát vai Nghi Xuân tuồng Phạm Công Cúc Hoa.
Thấy Tâm Tâm thích ca hát, lại có năng khiếu nên nghệ sĩ Hoàng Ngọc Ẩn cho con gái theo học ca cổ với thầy nhạc sĩ Út Trong khi Tâm Tâm được 13 tuổi, đồng thời anh gởi gấm cho Tâm Tâm học hát với thầy Bạch Long, học vũ đạo tuồng cổ và đi hát thực tập với các bạn học trong đoàn Đồng Ấu Bạch Long.
Năm Tâm Tâm 16 tuổi, cha cô cho cô thi vào khóa 4 diễn viên của nhà hát Trần Hữu Trang, học cùng khóa với nữ nghệ sĩ Mỹ Hằng sau hai nghệ sĩ Tấn Giao, Hữu Quốc một khóa.
Hát ở đoàn Đồng Ấu Bạch Long
Năm sau, Tâm Tâm hát ở đoàn Đồng Ấu Bạch Long với các nghệ sĩ Vũ Luân, Tú Sương, Trinh Trinh dưới sự dìu dắt dạy dổ của thầy Bạch Long. Điểm đặc biệt là trong thời gian nầy, các đoàn hát lớn như Saigon 1, Saigon 2, Saigon 3, mất dần khán giả mà đoàn Đồng Ấu Bạch Long lại được khán giả ái mộ nồng nhiệt, một phần do lực lượng diễn viên trẻ, có sức thu hút mới, thêm vào đó đoàn Đồng Ấu Bạch Long hát Hồ Quảng, một lối hát có sức thu hút rất mạnh nhờ vào nhạc Đài Loan với câu chuyện tình sử lâm ly bi thương như chuyện Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, chuyện Thanh Xà Bạch Xà, chuyện Ngưu Lang – Chức Nữ, Chuyện Hồng Lâu Mộng…Đoàn Bạch Long hát rất đắt khách nhưng tuồng tích không đi theo đúng Định Hướng của Sở Văn Hóa nên nhà nước ra lịnh giải tán đoàn Đồng Ấu Bạch Long.
Nữ nghệ sĩ Tâm Tâm và các diễn viên nhí như đàn gà con mất tổ, tứ tán mọi nơi, các cháu phải bám theo thầy Bạch Long, về đầu quân hát cho đoàn hát Huỳnh Long và đoàn Minh Tơ để giải quyết sinh kế và rèn luyện thêm nghề hát tuồng cổ.
Nữ nghệ sĩ Tâm Tâm có giọng ca chân phương, điêu luyện, kỷ thuật luyến láy hay, làm tăng thêm cảm xúc của nội dung câu ca chớ không phải theo lối ca khoe hơi khoe giọng như một số nghệ sĩ trẻ khác, chứng tỏ Tâm Tâm học ca có căn bản và có nhiều kinh nghiệm diễn xuất. Nữ nghệ sĩ Tâm Tâm là đào chánh của nhiều đoàn hát, đã thu băng video, thu truyền hình trên một trăm vở cải lương, sở trường đào thương như vai Thanh trong tuồng Tấm Lòng Của Biển, vai Dương Vân Nga trong tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga, vai Lý Chiêu Hoàng, vai Hoa Thiên Lý, vai Phùng Cẩm Loan…
Đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang
Năm 1995, Tâm Tâm dự thi giải Trần Hữu Trang nhưng không thành công, em thi thêm ba lần vào các năm 1996, 1998, 2000, đến năm 2000, Tâm Tâm mới đoạt được huy chương vàng giải Trần Hữu Trang.
Khi được hỏi vì sao ba lần dự thi giải Trần Hữu Trang năm 1995, 1996, 1998, Tâm Tâm đều không được kết quả, phải chăng vì Tâm Tâm ca diễn yếu hay vì ê kíp phụ diễn không giúp đắc lực cho vai chánh của Tâm Tâm trong các đêm diễn dự thi, nữ nghệ sĩ Tâm Tâm cho biết vì khi được hỏi vấn đáp về kiến thức nghệ thuật và khả năng ứng xử, Tâm Tâm đã trả lời không đúng Định Hướng của chánh phủ. Các nghệ sĩ của trường nghệ thuật trước khi dự được thầy cô dạy rất kỷ về phần nầy nên thường thường các nghệ sĩ do trường nghệ thuật sân khấu của nhà nước đi dự giải Trần Hữu Trang thì phần lớn được tặng huy chương vàng. Năm 2000, Tâm Tâm cũng phải học hỏi nhiều nơi các thầy cô trong trường mới qua được cái cửa ải nầy.
Hát cho đoàn Thanh Nga
Sau khi nhận được huy chương vàng giải Trần Hữu Trang, nữ nghệ sĩ Tâm Tâm được mời diễn chung với các nghệ sĩ Vũ Luân, Trinh Trinh, Lê Tứ, Mỹ Hằng trong chương trình Thắp Sáng Niềm Tin ở rạp Hưng Đạo và các chương trình Vầng Trăng Cổ Nhạc ở Đầm Sen. Tuy nhiên nhiều lần nữ nghệ sĩ Tâm Tâm phải từ chối các show diễn vì cô phải trở về đoàn hát nhà là đoàn Thanh Nga do cha cô là Hoàng Ngọc Ẩn làm trưởng đoàn để hát giữ vững bảng hiệu đoàn hát của cha cô.
Hiện nay nữ nghệ sĩ Tâm Tâm cùng với các nghệ sĩ Khánh Tuấn, Chiêu Linh, Hữu Tài, Bích Thủy, Hiếu Liêm tập tuồng Công Chúa Nhật Quang của tác giả hòa thượng Chánh Đức Pháp để chuẩn bị hát trong mùa Phật Đản năm 2009.
Đoàn cải lương Thanh Nga của cha cô, nghệ sĩ Hoàng Ngọc Ẩn đã dàn dựng bốn vở tuồng về Phật giáo: tuồng Thái Tử A Xà Thế, tuồng Quan Âm Diệu Thiện, tuồng Thích Ca Đắc Đạo và tuồng Công Chúa Nhật Quang để hát 5 xuất, bán dàn cho các chùa ở Ban Mê Thuột. Nữ nghệ sĩ Tâm Tâm còn cho biết có thể cuối năm 2009, đoàn hát Thanh Nga của Hoàng Ngọc Ẩn có thể sang Canada hát các tuồng đạo Phật trong một tháng theo lời mời của các chùa.
Việc xuất khẩu lao động của nhà nước coi mòi đem lại nhiều lợi nhuận nên giờ đây xuất khẩu văn hóa văn nghệ, nhà nước hy vọng mở đường tấn công ngoại giao văn hóa bằng các tuồng Phật, hy vọng sẽ thắng lớn tại Canada, giống như họ đã đại thắng khi xuất khẩu các nghệ sĩ Hồ Quảng đến miền Nam Cali.
Thưa quý thính giả, chương trình cổ nhạc xin chấm dứt, Nguyễn Phương xin hẹn vào giờ nầy tuần sau.