Ngày nay, khi hát cúng lễ Kỳ Yên, Hội Đình cho mời nghệ sĩ hát trích đoạn tuồng Tàu cho dân chúng xem sau cuộc tế lễ chính thức chứ không theo tập tục hát bội trọn tuồng như hồi xưa.
Thưa quý thính giả, ông Châu Văn Bê, ở Canada về Việt Nam thăm gia đình, ông có dịp xem lễ cúng Kỳ Yên ở đình thần Cần Đước, ông muốn hỏi cho biết về tập tục lễ cúng Kỳ Yên ở miền Nam Việt Nam.
“Chào ông Nguyễn Phương, tôi tên Châu Văn Bê ở Canada, tôi thường nghe chương trình cổ nhạc trên đài Á Châu Tự Do do ông thực hiện. Tôi xin hỏi về vấn đề hát cải lương ở đình thờ thần nhân dịp cúng Kỳ Yên hàng năm, theo ý ông Nguyễn Phương thì hát như vậy có đúng không? Xin ông tóm tắt về cách thức cúng Kỳ Yên theo tập tục cổ truyền Việt Nam. Cám ơn ông.”
Thưa quý thính giả, thưa ông
Bê, để giải đáp câu hỏi của ông Bê, Nguyễn Phương xin được kể về tập tục lễ cúng Kỳ Yên ở đình thờ thần, và sau đó sẽ đề cập đến việc hát cho dân làng xem nhân lễ cúng đó.
Tập tục lễ cúng Kỳ Yên
Ở miền Nam, các tỉnh, huyện, làng, mỗi nơi đều có một ngôi đình thờ một thượng đẳng linh thần vốn là quan, tướng của triều đình do các nhà vua triều Nguyễn sắc phong hoặc thờ một vị thần vô danh goi là thần hoàng bổn cảnh, hoặc thờ một vị thánh như ông Quan Công, ông Nhạc Phi, bà Thiên Hậu, bà Ngũ Hành, bà Chúa Xứ, bà Cữu Thiên, để dân làng có nơi chiêm bái, cầu xin phúc lành, cho làng xóm, đất nước, cho gia đình, cho bản thân.
Hàng năm từ tháng 2 đến hết tháng 3 âm lịch, ở miền Nam Việt Nam có tục lệ cúng Kỳ Yên nơi các đình miếu.
Hàng năm từ tháng 2 đến hết tháng 3 âm lịch, ở miền Nam Việt Nam có tục lệ cúng Kỳ Yên nơi các đình miếu. Năm nay 2009, lễ cúng Kỳ Yên diễn ra rầm rộ đến nổi nhiều tờ báo ở Việt Nam loan tin “Hát Chầu cúng đình năm nay đã mang lại mùa bội thu cho giới nghệ sĩ”.
Sau các mùa thu hoạch nông, ngư nghiệp, dân làng tế lễ tạ ơn linh thần, cầu an cho năm mới và vui chơi giải trí. Năm nào cũng vậy, đáo lệ hể cúng đình thì có hát chầu.
Ở mỗi đình, miếu, những người lớn tuổi, có uy tín trong làng được đề cử vào Ban Trị Sự Hội Đình đứng ra tổ chức lễ hội, cứ theo quy cũ nối tiếp truyền thống, tế cáo trời đất, cung thỉnh thánh thần, nguyện cầu quốc thái dân an, phong hòa vũ thuận, hà thanh hải yến, nông ngư đắc lợi.
Lễ hội kéo dài đến ba ngày, rất là náo nhiệt. Ngoài đình có nhiều hàng quán cho người đi dự lễ hội có thức ăn, nước uồng, có quầy bán nhang đèn, bên trong đình thì đèn đuốc sáng choang, khói hương nghi ngút, chiêng trống vang rền. Dân làng và các hội đình miếu ở các vùng lân cận đến chiêm bái, cúng kiến. Ban trị sự và các chức sắc nghiêm trang trong lễ phục áo dài khăn đóng, lo tiếp khách và thực hiện phần tế lễ.
Cách thức tế lễ
“Xin ông Nguyễn Phương kể rõ hơn về cách thức tế lễ trong dịp cúng Kỳ Yên ở các đình miếu.”
Thưa quý thính giả, thưa ông Bê, lễ cúng Kỳ Yên có phần nghi lễ của Ban quí tế, tiếp theo là lễ Xây Chầu, sau đến là lễ Đại Bội, xong lễ Đại Bội là đến hát chầu.
Ban Quí Tế lo tổ chức và điều khiễn lễ hội, tiếp khách đến chiêm bái.
Lễ Xây Chầu thì một viên chức cao niên được chọn làm Chấp sự, đứng ra xây chầu. Ông Chấp sự mặc áo thụng xanh, chít khăn đen. Tạ lễ thần xong, ông bước lên sân khấu, cầm dùi trống đánh ba hồi trống khai lễ, sau đó ông xướng to lời cầu phước đức bình an cho mọi người.
Ở mỗi đình, miếu, những người lớn tuổi, có uy tín trong làng được đề cử vào Ban Trị Sự Hội Đình đứng ra tổ chức lễ hội, cứ theo quy cũ nối tiếp truyền thống, tế cáo trời đất, cung thỉnh thánh thần, nguyện cầu quốc thái dân an, phong hòa vũ thuận, hà thanh hải yến, nông ngư đắc lợi.
Lễ Đại Bội thì khởi đầu bằng lễ Điểm Hương, một diễn viên sắm mặt vai Thiên Lôi, cầm bó nhang, múa bộ theo nhịp trống, mở rộng bốn phương tám hướng tượng trưng cho việc mở cửa nhà trời. Sau đó là lễ Xoang Nhựt Nguyệt, do một nam diễn viên mặc áo mãng bào. đội mão vua, mang râu bạc, tay cầm mặt nhựt, một nữ diễn viên mặc mãng bào, đội mão cữu phụng, tay cầm mặt nguyệt, múa điệu âm dương phối hợp. Lớp nầy tượng trưng Thái Cực sanh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sanh ra trời đất, có âm có dương rồi âm dương hòa hợp với nhau mới sanh ra vạn vật.
Rồi đến lễ Tam Tài chúc Phước Lộc Thọ, chúc cho người dân có phước, có tiền của và sống lâu.
Lễ Múa Thiên Vương, bốn diễn viên đầu đội mão kim khôi, mặc áo giáp, mỗi người cầm một tấm liểng múa tứ trụ, ráp lại thành câu Quốc Thái Dân An, Gia Quan Tấn Tước, Phong Điều Vũ Thuận, Thiên Hạ Thái Bình. Khi trụ bộ lại thì người cầm tấm liểng Gia Quan Tấn Tước tặng cho vị mạnh thường quân nào bỏ tiền ra tài trợ cho lễ hội Kỳ Yên nầy nhiều nhất để cầu cho ông năm tới giàu sang hơn, giúp tiền cho Hội cúng đình nhiều hơn.
Hát chầu cúng đình
Sau các phần tế lễ nầy là đến hát đình cho dân làng xem. Hồi xưa hát đình cúng thần thì thường là hát tuồng San Hậu, ba đêm ba thứ, trọn tuồng cho tới màn phong vương mới vãn hát, bãi chầu luôn. Bây giờ nghệ sĩ hát bội ít người, mà lễ cúng Kỳ Yên thì quá nhiều đình, tổ chức nhiều nơi nên Hội Đình cho mời nghệ sĩ hát trích đoạn tuồng Tàu cho dân chúng xem sau cuộc tế lễ chính thức, chứ không theo tập tục hát bội trọn tuồng như hồi xưa.
“Theo tôi thấy thì cúng đình thì phải hát bội mới đúng điệu chớ hát cải lương chỉ là mua vui, không có cái không khí trang nghiêm như khi hát bội trước đền thờ thần.”
Thưa quý thính giả, ông Bê cũng có lý khi ông thích cái không khí trang nghiêm khi đoàn hát chầu hát bội để cúng đình như hồi xưa. Nhưng thực tế hiện nay, đoàn hát bội thì chỉ có một đoàn hát mà hát cúng đình thì tổ chức ở nhiều tỉnh, nhiều quận huyện. Dân chúng biết thưởng thức hát bội ngày càng ít đi nên dân làng chỉ mong đến xem hát cúng đình là để mua vui trong ngày lễ hội của địa phương. Bởi vậy hát cúng đình thì Hội Đình và dân làng thích xem tuồng tàu, hay tuồng Hồ Quảng, xiêm y rực rở, có trống phách, múa hát xem thích hơn tuồng hát bội xưa. Trước đây vài năm, nghệ sĩ tấu hài còn lãnh chầu hát đình nhưng gần đây các Hội Đình và dân làng không thích xem tấu hài hát cúng đình vì nó làm cho không khí hết trang nghiêm. Nhiều khi nghệ sĩ tấu hài diễn trân tráo, dơ dáng thành ra trong vài năm gần đây các nghệ sĩ tấu hài không được mời đi hát chầu cúng Kỳ Yên nữa.
Sau các mùa thu hoạch nông, ngư nghiệp, dân làng tế lễ tạ ơn linh thần, cầu an cho năm mới và vui chơi giải trí. Năm nào cũng vậy, đáo lệ hể cúng đình thì có hát chầu.
Theo tin đăng báo ngày 10 tháng 3 vừa qua thì hơn 100 nghệ sĩ hát bội và cải lương đổ xô về các tỉnh. Có nghệ sĩ chạy đến bốn show hát chầu như nghệ sĩ Vũ Luân, hát chầu suất sáng tại đình Cần Giờ, buổi trưa xây chầu đình Cầu Quan gần chợ Bến Thành, tối về hát chầu đình tại thành phố Trà Vinh, đến 9 giờ sáng lại quay về Cần Giờ hát tiếp.
Nhiều nhóm nghệ sĩ lảnh hát chầu, mỗi nhóm gồm từ hai chục đến 30 chục nghệ sĩ, trong đó có ít nhứt 3 nhạc sĩ cổ nhạc, gồm một đờn guitare điện, một đờn cò và một đờn kìm; ít nhứt phải có 3 nhạc sĩ tân nhạc, gồm nhạc sĩ đánh trống, nhạc sĩ đờn guitatre điện, nhạc sĩ thổi saxo. Nghệ sĩ hát có vai tuồng ít nhứt năm người, hai kép, ba đào hoặc ba kép, hai đào, một số diễn viên phụ làm quân sĩ và lo phục trang, hóa trang, ánh sánh và âm thanh.
Theo tôi được biết trong việc hát chầu cúng Kỳ Yên năm 2009 có các nghệ sĩ ngôi sao như Thanh Thanh Tâm, Thanh Ngân, Thoại Mỹ, Thanh Thế, Xuân Yến, Trường Sơn, Thanh Tòng, Vũ Luân, Tú Sương, Trinh Trinh, Kim Tiểu Long thành lập nhiều nhóm hát chầu để chia nhau hát trong nhiều Quận, Huyện, tỉnh thành. Có các nhóm hát chầu cúng đình chuyên nghiệp như nhóm của nghệ sĩ Hiếu Cảnh, nhóm nghệ sĩ Hải Cần, nhóm nghệ sĩ Trúc Mai, hát từ Tây Ninh đến Đồng Nai và các tỉnh miền duyên hải.
Để phòng ngừa vì lảnh nhiều show hát chầu nên dễ bị khan hơi mất tiếng, các nhóm hát chầu có thu thanh sẳn những mini disc tuồng hát chầu để khi không còn hơi hát thì họ hát nhép theo dĩa. Một số các Ban Trị Sự Hội Đình biết vậy nhưng vì không thể thay nhóm hát được nên họ chấp nhận và vì thế, nhiều khi họ trả tiền bớt cho mỗi chầu hát.
Về thu nhập của nghệ sĩ hát chầu thì show hát chầu nào có ngôi sao, thì Hội Đình có thể trả từ 15 triệu đồng cho đến 20 triệu. Nghe con số thì nhiều nhưng thực ra chia cho hai, ba chục người thì diễn viên ngôi sao hát chầu có thể thu được mỗi chầu hát từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng Việt Nam, tính ra tiền đô Hoa Kỳ thì chỉ có từ năm hay sáu chục đô la cho một show hát chầu. Tuy nhiên vì không có rạp hát để hát, khán giả ở thành phố ít đi xem hát cải lương, mỗi năm có một mùa hát chầu, nghệ sĩ dù cực khổ mấy cũng phải ráng đi hát để có thu nhập, sống qua ngày, chớ không còn trông mong đến những suất hát ngập tràn khán giả ở các rạp hát như ngày xưa.
Thưa quý thính giả, chương trình cổ nhạc xin chấm dứt, Nguyễn Phương xin hẹn vào giờ nầy tuần sau.